CHỈ THỊ
Tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân
___________________________
Thời gian qua, việc thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bước đầu lập lại trật tự, kỷ cương trong việc tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; góp phần huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các quy định về phí, lệ phí và huy động các khoản đóng góp của nhân dân vẫn còn những tồn tại: một số địa phương chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định của pháp luật; có một số khoản phí, lệ phí được ban hành không đúng thẩm quyền, không phù hợp với quy định của pháp luật; một số nơi vẫn còn những khoản đóng góp (nhất là đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng) khá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân; một số khoản huy động đóng góp chưa được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người dân trước khi ban hành; một số khoản huy động mang tính chất xã hội từ thiện, phải vận động đóng góp tự nguyện, nhưng lại quy định mang tính bắt buộc...
Để khắc phục tình hình trên và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động các khoản đóng góp của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các công việc sau:
a) Bãi bỏ ngay những khoản thu phí, lệ phí không có tên trong Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí, lệ phí.
Đến ngày 30 tháng 11 năm 2007 nếu tỉnh, thành phố nào còn các khoản phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong Danh mục chi tiết phí và lệ phí, nhưng chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn thì chưa được phép thu, không được vận dụng mức thu của các khoản phí, lệ phí khác có tính chất tương tự để thu. Trường hợp địa phương đã tổ chức thu thì phải dừng ngay.
Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
b) Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây.
c) Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu từ nguồn thu dịch vụ của các hợp tác xã, chỉ đạo thực hiện công khai các nguồn thu và nội dung chi tiêu để người dân được biết và tham gia giám sát.
d) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách và quy định của pháp luật đối với từng khoản thu phí, lệ phí; các khoản đóng góp và giá một số dịch vụ phải trả. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Tăng cường trách nhiệm của các Sở và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trong kiểm tra, giám sát việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân.
đ) Chỉ đạo việc kiểm tra và xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các quy định trên đây; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2007 về kết quả thực hiện rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp của nhân dân ở địa phương; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trong quý IV năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng Đề án về học phí, Bộ Y tế hoàn thành việc xây dựng Đề án về viện phí trình Chính phủ.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương hướng dẫn việc miễn các khoản phí, lệ phí theo Danh mục các loại phí, lệ phí được miễn ban hành kèm theo Chỉ thị này.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả rà soát, bãi bỏ, miễn, giảm các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương tiến hành tổng kết 5 năm việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí, lệ phí báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.