Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Ban hành Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến

và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ vào Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua số 18/1999/PL-UBTVQH10, ngày 24 tháng 12 năm 1999;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế cho Quy chế lập, xét duyệt và ban hành tiêu chuẩn ngành kèm theo quyết định số 135/1999/QĐ-BNN ngày 01 tháng 10 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

 

XÂY DỰNG, BAN HÀNH, PHỔ BIẾN VÀ KIỂM TRA

ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN NGÀNH

(Ban hành theo Quyết định số 74/2005/QĐ-BNN ngày 14/11/2005

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 2. Đối tượng tiêu chuẩn hoá

1. Lĩnh vực Nông nghiệp, gồm: thuốc thú y; thuốc bảo vệ thực vật; phân bón; giống cây trồng; giống vật nuôi; chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi; nông sản; cơ điện nông nghiệp; đất nông nghiệp; quy hoạch, khảo sát, thiết kế, xây dựng trong nông nghiệp.

2. Lĩnh vực Lâm nghiệp, gồm: giống cây trồng, vật nuôi trong lâm nghiệp; lâm sản và chế biến; cơ điện lâm nghiệp; đất lâm nghiệp; quy hoạch, khảo sát, thiết kế, xây dựng trong lâm nghiệp.

3. Lĩnh vực Thuỷ lợi, gồm: cơ điện thuỷ lợi; quy hoạch, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thuỷ lợi và vật liệu sử dụng để xây dựng công trình thuỷ lợi; các công trình đê điều, phòng chống thiên tai.

4. Lĩnh vực khác như: diêm nghiệp, môi trường và một số lĩnh vực khác có liên quan đến phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công quản lý Nhà nước.

Điều 3. Định nghĩa Tiêu chuẩn ngành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (sau đây gọi tắt là Tiêu chuẩn ngành)

Tiêu chuẩn ngành là những quy định thống nhất được trình bày dưới hình thức văn bản kỹ thuật, xây dựng theo một thể thức nhất định, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ban hành.

Điều 4. Ký hiệu tiêu chuẩn ngành

1. Lĩnh vực Nông nghiệp, ký hiệu: 10TCN .........;

2. Lĩnh vực Lâm nghiệp, ký hiệu: 04TCN ..........;

3. Lĩnh vực Thuỷ lợi, ký hiệu: 14TCN ................

Điều 5. Cách thức tổ chức xây dựng tiêu chuẩn ngành

1. Xây dựng tiêu chuẩn ngành được thực hiện theo Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ngành (sau đây gọi tắt là Ban kỹ thuật).

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia công tác xây dựng tiêu chuẩn ngành.

Chương II

NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU CỦA TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, XÉT DUYỆT

VÀ BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH

Điều 6. Trình tự xây dựng tiêu chuẩn ngành

1. Trình tự xây dựng tiêu chuẩn ngành gồm 5 bước:

a) Bước 1. Đề nghị xây dựng Tiêu chuẩn ngành: nội dung cần đạt là có Dự án xây dựng Tiêu chuẩn ngành (viết tắt là DA TCN) và Dự thảo đề nghị Tiêu chuẩn ngành (nếu có, viết tắt là DT TCN).

b) Bước 2. Xét duyệt Dự án Tiêu chuẩn ngành: nội dung cần đạt là Kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn ngành được phê duyệt.

c) Bước 3. Biên soạn Dự thảo làm việc: nội dung cần đạt là có được Dự thảo làm việc (viết tắt là DT LV).

d) Bước 4. Biên soạn dự thảo Ban kỹ thuật: nội dung cần đạt là thông qua được Dự thảo ban kỹ thuật (viết tắt là DT BKT).

e) Bước 5. Lấy ý kiến và hoàn chỉnh Dự thảo ban kỹ thuật: nội dung cần đạt là có được Dự thảo tiêu chuẩn ngành (viết tắt là DT TCN) trình ban hành.

2. Trong trường hợp cụ thể, có thể rút ngắn các bước nêu trên cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận và chất lượng của Tiêu chuẩn ngành.

Điều 7. Nội dung và yêu cầu của các bước xây dựng Tiêu chuẩn ngành

1. Bước 1. Đề nghị xây dựng Tiêu chuẩn ngành

Mọi tổ chức và cá nhân đều có quyền đề nghị xây dựng hoặc soát xét Tiêu chuẩn ngành. Đề nghị xây dựng hoặc soát xét Tiêu chuẩn ngành được trình bày dưới dạng Dự án xây dựng Tiêu chuẩn ngành và có thể kèm theo dự thảo đề nghị Tiêu chuẩn ngành.

2. Bước 2. Xét duyệt Dự án Tiêu chuẩn ngành

a) Vụ Khoa học công nghệ tổ chức việc xét duyệt Dự án Tiêu chuẩn ngành. Dự án Tiêu chuẩn ngành được duyệt là cơ sở để xây dựng Tiêu chuẩn ngành;

b) Khi xét thấy cần điều chỉnh kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, Ban kỹ thuật và đơn vị đặt văn phòng Ban kỹ thuật phải có văn bản đề nghị gửi về Bộ (Vụ Khoa học công nghệ) để tổng hợp. Vụ Khoa học công nghệ có trách nhiệm quyết định việc điều chỉnh kế hoạch tiêu chuẩn.

3. Bước 3. Biên soạn Dự thảo làm việc

Sau khi nhận nhiệm vụ, Ban kỹ thuật cử nhóm công tác thực hiện các công việc sau:

a) Lập và thông qua chương trình công tác để soạn thảo tiêu chuẩn;

b) Chuẩn bị các điều kiện có liên quan đến việc soạn thảo tiêu chuẩn;

c) Thu thập và xử lý các tài liệu tham khảo, các số liệu hoặc kết quả thử nghiệm có liên quan, các thông tin về sản xuất, quản lý, sử dụng, nghiên cứu khoa học và công nghệ,...;

d) Dịch và nghiên cứu các tài liệu chính làm cơ sở cho việc soạn thảo (nếu có);

e) Biên soạn Dự thảo làm việc;

g) Viết Bản thuyết minh Dự thảo làm việc.

4. Bước 4. Biên soạn Dự thảo ban kỹ thuật

a) Thư ký Ban kỹ thuật có trách nhiệm gửi Dự thảo làm việc kèm theo Bản thuyết minh cho các thành viên của Ban kỹ thuật để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến cho Dự thảo làm việc theo đúng chương trình công tác;

b) Thư ký ban kỹ thuật thu thập và chuyển cho Trưởng nhóm công tác xử lý sơ bộ các ý kiến góp ý của các thành viên Ban kỹ thuật, lập bản tổng hợp và tiếp thu ý kiến góp ý, tiến hành sửa chữa, bổ sung Dự thảo làm việc để soạn thảo thành Dự thảo ban kỹ thuật và viết Bản thuyết minh kèm theo Dự thảo ban kỹ thuật;

c) Họp Ban kỹ thuật để thông qua Dự thảo ban kỹ thuật. Việc thông qua dự thảo được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận. Trong trường hợp Dự thảo ban kỹ thuật không được đa số thành viên Ban kỹ thuật nhất trí thì phải được sửa lại và lấy ý kiến lại trong Ban kỹ thuật cho đến khi Dự thảo ban kỹ thuật được thông qua.

5. Bước 5. Lấy ý kiến và hoàn chỉnh Dự thảo ban kỹ thuật

a) Dự thảo ban kỹ thuật đã được Ban kỹ thuật thông qua được gửi đến Vụ Khoa học công nghệ. Vụ Khoa học công nghệ gửi Dự thảo ban kỹ thuật và Bản thuyết minh đến các tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến góp ý;

Các ý kiến góp ý cho Dự thảo ban kỹ thuật được gửi về Vụ Khoa học công nghệ.

b) Ban kỹ thuật giao cho Trưởng nhóm công tác xử lý các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan, lập bản tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý, sửa chữa, bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo ban kỹ thuật;

c) Nếu các ý kiến góp ý hoàn toàn đồng ý với nội dung của Dự thảo ban kỹ thuật thì Thư ký ban kỹ thuật báo cáo với Trưởng ban về kết quả xử lý và giao cho Trưởng nhóm công tác lập Hồ sơ dự thảo ban kỹ thuật (sau đây viết tắt là Hồ sơ DT BKT) theo qui định và soạn thảo tờ trình để Trưởng ban thông qua;

d) Trong trường hợp có ý kiến bất đồng, Dự thảo ban kỹ thuật được đưa ra thảo luận tại Hội nghị chuyên đề của Ban kỹ thuật để tìm phương án xử lý;

e) Ban kỹ thuật giao cho Trưởng nhóm công tác xử lý các ý kiến góp ý và bản tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý, tiến hành sửa chữa, bổ sung để hoàn chỉnh Dự thảo ban kỹ thuật, sau đó Trưởng nhóm công tác phối hợp với Thư ký ban kỹ thuật lập Hồ sơ Dự thảo ban kỹ thuật và soạn thảo tờ trình để Trưởng ban thông qua và gửi về Vụ Khoa học công nghệ để thẩm định kỹ thuật - nghiệp vụ.

Điều 8. Trình tự xét duyệt và ban hành Tiêu chuẩn ngành

1. Sau khi nhận được Hồ sơ Dự thảo ban kỹ thuật, Vụ Khoa học công nghệ tổ chức việc thẩm định kỹ thuật - nghiệp vụ, nếu thấy cần thiết thì thành lập Hội đồng thẩm định (sau đây gọi tắt là Hội đồng) để xem xét thông qua Dự thảo ban kỹ thuật;

2. Ban kỹ thuật và Trưởng nhóm công tác có trách nhiệm bảo vệ Dự thảo ban kỹ thuật trước Hội đồng và có trách nhiệm hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng (nếu có);

3. Vụ Khoa học công nghệ lập hồ sơ và trình duyệt Tiêu chuẩn ngành.

Điều 9. Soát xét, sửa đổi Tiêu chuẩn ngành

1. Các tiêu chuẩn ngành không phù hợp thì cần tổ chức soát xét lại (thường 5 năm sau khi ban hành);

2. Các bước soát xét, sửa đổi Tiêu chuẩn ngành được thực hiện tương tự như đối với việc xây dựng Tiêu chuẩn ngành;

3. Nội dung sửa đổi của Tiêu chuẩn ngành được in rời cho đến khi tái bản Tiêu chuẩn ngành đó.

Điều 10. Huỷ bỏ Tiêu chuẩn ngành

Hàng năm, Vụ Khoa học công nghệ lập và trình Bộ phê duyệt kế hoạch huỷ bỏ Tiêu chuẩn ngành (nếu có) và giao cho các Ban kỹ thuật phải xem xét các nội dung sau:

1. Nghiên cứu nội dung Tiêu chuẩn ngành, thuyết minh, giải trình những lý do và cơ sở cho việc huỷ bỏ Tiêu chuẩn ngành;

2. Gửi bản Tiêu chuẩn ngành và thuyết minh đi lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân liên quan;

3. Lập Hồ sơ Tiêu chuẩn ngành huỷ bỏ, gồm:

a) Bản Tiêu chuẩn ngành đề nghị huỷ bỏ;

b) Bản thuyết minh lý do huỷ bỏ;

c) Ý kiến của các tổ chức và cá nhân liên quan;

d) Tờ trình hồ sơ Tiêu chuẩn ngành huỷ bỏ;

e) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

Vụ Khoa học công nghệ trình huỷ bỏ Tiêu chuẩn ngành.

Điều 11. Lập và lưu hồ sơ tiêu chuẩn

1. Lập hồ sơ tiêu chuẩn

a) Hồ sơ Dự thảo ban kỹ thuật (Ban kỹ thuật giao cho Trưởng nhóm công tác lập), gồm:

- Dự án xây dựng Tiêu chuẩn ngành được phê duyệt;

- Dự thảo làm việc;

- Dự thảo ban kỹ thuật kèm theo thuyết minh (Dự thảo lần 1 và các lần 2, 3, ... , nếu có);

- Danh sách các tổ chức, cá nhân gửi đi lấy ý kiến và có ý kiến góp ý;

- Các công văn góp ý chính thức bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân;

- Bản tổng hợp và tiếp thu ý kiến cho Dự thảo ban kỹ thuật;

- Biên bản các hội nghị;

- Báo cáo quá trình soạn thảo tiêu chuẩn;

- Dự thảo ban kỹ thuật trình duyệt kèm theo thuyết minh;

- Tờ trình ban hành tiêu chuẩn của trưởng ban kỹ thuật;

b) Hồ sơ tiêu chuẩn gửi về Vụ Khoa học công nghệ (Ban kỹ thuật giao cho Trưởng nhóm công tác lập), gồm:

- Tờ trình ban hành tiêu chuẩn của trưởng ban kỹ thuật;

- Dự án xây dựng tiêu chuẩn được phê duyệt;

- Bảng tổng hợp tiếp thu ý kiến của tổ chức và cá nhân liên quan;

- Dự thảo ban kỹ thuật trình duyệt kèm theo thuyết minh;

Hồ sơ tiêu chuẩn được đựng trong hộp hồ sơ bìa cứng, mặt ngoài ghi tên tiêu chuẩn, mặt trong ghi danh sách và số lượng văn bản trong hồ sơ.

c) Hồ sơ Dự thảo Tiêu chuẩn ngành trình duyệt (do Vụ Khoa học Công nghệ lập), gồm:

- Tờ trình ban hành tiêu chuẩn của trưởng ban kỹ thuật;

- Dự án xây dựng tiêu chuẩn được phê duyệt;

- Bảng tổng hợp tiếp thu ý kiến của tổ chức và cá nhân liên quan;

- Phiếu thẩm định và trình ban hành Tiêu chuẩn ngành của Vụ Khoa học công nghệ;

- Dự thảo Tiêu chuẩn ngành trình duyệt kèm theo thuyết minh (Tiêu chuẩn ngành được cấp số đăng ký tại Vụ Khoa học công nghệ);

- Dự thảo quyết định ban hành tiêu chuẩn.

Hồ sơ tiêu chuẩn trình duyệt được đựng trong hộp hồ sơ bìa cứng, mặt ngoài ghi tên tiêu chuẩn, mặt trong ghi danh sách và số lượng văn bản trong hồ sơ.

d) Hồ sơ ban hành Tiêu chuẩn ngành: theo quy định ban hành văn bản của Bộ.

2. Lưu hồ sơ tiêu chuẩn

a) Hồ sơ Dự thảo ban kỹ thuật, lưu tại Ban kỹ thuật, thời gian lưu 5 năm tính từ ngày nộp hồ sơ về Vụ Khoa học công nghệ;

b) Hồ sơ Dự thảo tiêu chuẩn ngành trình duyệt, lưu tại Vụ Khoa học công nghệ, thời gian lưu 5 năm tính từ ngày Vụ Khoa học công nghệ ký văn bản thẩm định, trình ban hành tiêu chuẩn;

c) Hồ sơ ban hành Tiêu chuẩn ngành, lưu theo quy định lưu văn bản ban hành của Bộ.

Chương III

XUẤT BẢN VÀ PHÁT HÀNH TIÊU CHUẨN, PHỔ BIẾN

VÀ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN TIÊU CHUẨN

Điều 12. Xuất bản và phát hành Tiêu chuẩn ngành

Vụ Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức xuất bản và phát hành Tiêu chuẩn ngành ngay sau khi được ban hành.

Điều 13. Phổ biến Tiêu chuẩn ngành

Vụ Khoa học công nghệ tổ chức giới thiệu, phổ biến và hướng dẫn kịp thời việc áp dụng Tiêu chuẩn ngành mới ban hành trong năm và các tiêu chuẩn khác liên quan.

Điều 14. Kiểm tra thực hiện Tiêu chuẩn ngành

Vụ Khoa học công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc áp dụng tiêu chuẩn ngành và các tiêu chuẩn liên quan.

Điều 15. Công bố Danh mục Tiêu chuẩn ngành

Vào quý I hàng năm, Vụ Khoa học công nghệ công bố Danh mục Tiêu chuẩn ngành hiện hành.

Chương IV

KINH PHÍ CHO HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN HOÁ

Điều 16. Nguồn kinh phí cho hoạt động tiêu chuẩn hoá

1. Vốn ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn hoá;

2. Quỹ khoa học, kỹ thuật, quỹ phát triển sản xuất của doanh nghiệp và cơ quan;

3. Quỹ khoa học công nghệ tập trung của Bộ;

4. Từ nguồn vốn các dự án trong nước và hợp tác quốc tế;

5. Từ các nguồn khác.

Điều 17. Kinh phí cho các nội dung hoạt động Tiêu chuẩn hoá

1. Xây dựng, soát xét tiêu chuẩn;

2. Thẩm định tiêu chuẩn;

3. Xuất bản tiêu chuẩn;

4. Phổ biến tiêu chuẩn;

5. Kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn;

6. Đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn hoá;

7. Hoạt động nghiệp vụ Ban kỹ thuật;

8. Thiết bị, tài liệu phục vụ công tác tiêu chuẩn hoá.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 18. Khen thưởng

Hàng năm, căn cứ kết quả việc thực hiện công tác tiêu chuẩn, Bộ sẽ xét khen thưởng cho các đơn vị và cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng tiêu chuẩn; Trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn nếu có sáng kiến, sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì được quyền làm thủ tục về lĩnh vực trên theo quy định hiện hành.

Điều 19. Xử phạt

Đối với các Ban kỹ thuật và cá nhân không hoàn thành kế hoạch tiêu chuẩn mà không có lý do xác đáng, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hình thức sau: Thu lại kinh phí đã cấp, ngừng cấp tiếp kinh phí.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Vụ Khoa học công nghệ, các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng nội dung hướng dẫn trong Quy chế này./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng