Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII

___________________________

 

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Sau khi xem xét Tờ trình số 46/TTr-UBTVQH13 ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 85 dự án luật, 06 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình chuẩn bị (theo Danh mục kèm theo).

Điều 2.

Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung thực hiện các giải pháp sau đây

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời tổ chức triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; trường hợp cần điều chỉnh Chương trình thì phải theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Không đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội những dự án không bảo đảm chất lượng, không đủ hồ sơ và thời hạn Luật định.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề để các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về các dự án luật còn nhiều vấn đề chưa rõ và ý kiến khác nhau trước khi trình Quốc hội.

2. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cần thiết về cán bộ, kinh phí, thời gian và các điều kiện khác cho việc soạn thảo dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội không đúng thời hạn Luật định; kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm các văn bản này có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.

3. Cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm chỉnh Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc tổng kết thực tiễn, xây dựng tờ trình và dự thảo, trong đó xác định rõ các chính sách của luật, pháp lệnh; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật. Trưởng Ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm về chất lượng và tiến độ của dự án luật.

4. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án. Báo cáo của cơ quan thẩm tra phải thể hiện rõ chính kiến của mình và các ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra đối với dự án. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra, phát biểu ý kiến bằng văn bản của Thường trực hoặc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban đối với phần nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Đối với những nội dung chính còn có nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức hữu quan báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận làm cơ sở cho việc chỉnh lý dự án.

Ủy ban pháp luật chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chủ trì bảo đảm kỹ thuật lập pháp của dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dành thời gian cần thiết để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức thảo luận, cho ý kiến góp phần hoàn thiện dự án. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể đăng ký tham gia hoạt động thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh cùng với Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban mà mình quan tâm.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia vào quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh; có cơ chế tài chính phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ kịp thời bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng luật, pháp lệnh cho việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2011./.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng