Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty

Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

_______________

 

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAMC).

2. Chế độ tài chính của VAMC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 53/2013/NĐ-CP), các nội dung hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 2. Vốn hoạt động của VAMC

1. Vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm:

1.1. Vốn điều lệ 500 tỷ đồng;

1.2. Quỹ đầu tư phát triển được trích theo chế độ quy định;

1.3. Các nguồn vốn chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Vốn huy động:

2.1. Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

2.2. Các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 3. Sử dụng vốn, tài sản

1. VAMC có trách nhiệm quản lý, sử dụng, theo dõi toàn bộ tài sản và vốn hiện có, thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành; phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình sử dụng, biến động của vốn và tài sản trong quá trình kinh doanh; xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với từng bộ phận, cá nhân trong trường hợp làm hư hỏng, mất mát tài sản, tiền vốn của VAMC.

2. VAMC được sử dụng vốn hoạt động để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 53/2013/NĐ-CP, các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn:

2.1. Trái phiếu đặc biệt chỉ được sử dụng để mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2.2. VAMC được sử dụng các nguồn vốn hợp pháp của VAMC ngoại trừ trái phiếu đặc biệt để mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Khoản nợ VAMC mua theo giá trị thị trường khi chuyển thành vốn góp, vốn cổ phần được xác định là một khoản đầu tư. VAMC thực hiện theo dõi và hạch toán khoản đầu tư này theo quy định của pháp luật.

2.3. VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của VAMC theo nguyên tắc trang bị phù hợp với nhu cầu hoạt động của VAMC, hiệu quả, tiết kiệm và tuân thủ các quy định của Nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định.

2.4. VAMC chỉ được sử dụng vốn để đầu tư ra ngoài (không thông qua việc mua bán nợ và tài sản) dưới các hình thức sau:

a) Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước;

b) Tham gia góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 12 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.

2.5. Sửa chữa, nâng cấp tài sản đảm bảo đã được VAMC thu nợ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 12 Nghị định 53/2013/NĐ-CP nhằm mục đích gia tăng giá trị, tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản để thu hồi nợ.

2.6. VAMC được sử dụng vốn để đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay để xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP.

3. VAMC thực hiện trích lập các khoản dự phòng rủi ro vào chi phí hoạt động theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 4. Trích lập và sử dụng dự phòng

1. Đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường: VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Đối với các khoản bảo lãnh quy định tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 53/2013/NĐ-CP, các khoản đầu tư, cung cấp tài chính cho khách hàng vay dưới hình thức bảo lãnh, cho vay: VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.

3. Đối với dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng phải thu khó đòi (trừ các khoản phải thu từ tổ chức tín dụng): VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng theo quy định chung áp dụng đối với doanh nghiệp.

4. Đối với khoản cung cấp tài chính khác: VAMC thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng như đối với khoản đầu tư tài chính.

Điều 5. Quản lý, sử dụng và hoàn trả khoản tạm ứng từ các tổ chức tín dụng bán nợ xấu

1. VAMC được nhận một khoản tạm ứng bằng tiền từ các tổ chức tín dụng khi mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt để có kinh phí trang trải các chi phí liên quan đến việc xử lý nợ xấu. Mức tạm ứng cụ thể theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. VAMC phải theo dõi riêng từng khoản tạm ứng để hoàn trả cho tổ chức tín dụng bán nợ.

3. VAMC sử dụng các khoản thu hợp pháp để hoàn trả các khoản tạm ứng đã nhận từ các tổ chức tín dụng bán nợ khi xử lý được nợ hoặc khi đến hạn trái phiếu đặc biệt.

Điều 6. Doanh thu, chi phí

1. Các nội dung doanh thu, chi phí của VAMC thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 Nghị định 53/2013/NĐ-CP.

2. Các khoản doanh thu, chi phí của VAMC phải có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lý, hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật về kế toán.

3. Việc ghi nhận doanh thu, chi phí phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí; phù hợp với quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 7. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu

1. Việc hạch toán vào doanh thu đối với số phí VAMC được hưởng do đòi được nợ, bán nợ hoặc bán tài sản đảm bảo đối với khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt: VAMC hạch toán vào thu nhập tại thời điểm nhận được khoản phí nêu trên.

2. Việc hạch toán vào doanh thu đối với số tiền thu được do đòi nợ, khách hàng trả nợ đối với khoản nợ mua theo giá thị trường: VAMC hạch toán vào thu nhập tại thời điểm thu được nợ hoặc thời điểm khách hàng trả nợ.

3. Việc hạch toán vào doanh thu đối với khoản doanh thu từ bán nợ, bán tài sản đảm bảo đối với khoản nợ mua theo giá thị trường: VAMC hạch toán vào doanh thu tại thời điểm thu được tiền từ việc bán nợ, bán tài sản đảm bảo.

4. Đối với khoản doanh thu từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần: doanh thu là số lãi được chia khi có nghị quyết hoặc quyết định chia.

5. Đối với khoản doanh thu từ các hoạt động khác (bao gồm thu từ hoạt động tư vấn, môi giới mua, bán, xử lý nợ và tài sản; thu từ các hoạt động cho thuê, khai thác tài sản; thu từ hoạt động tài chính; thu từ hoạt động đấu giá tài sản và các khoản thu khác): Doanh thu là toàn bộ số tiền được khách hàng chấp nhận thanh toán không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.

6. Đối với các khoản doanh thu phải thu đã hạch toán vào doanh thu nhưng đến kỳ hạn thu không thu được, VAMC hạch toán giảm doanh thu nếu cùng năm tài chính hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác năm tài chính và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào doanh thu hoạt động kinh doanh.

Điều 8. Nguyên tắc ghi nhận chi phí

1. Đối với chi phí mua các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường được hạch toán khi có phát sinh thu nhập từ việc xử lý khoản nợ xấu như sau:

1.1. Trường hợp khoản nợ được thu hồi nhiều lần:

a) Trường hợp doanh thu thu được trong kỳ từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách nợ; bán nợ; khai thác, bán tài sản đảm bảo của khoản nợ) lớn hơn hoặc bằng chi phí mua khoản nợ: thực hiện kết chuyển toàn bộ chi phí mua khoản nợ vào chi phí trong kỳ.

b) Trường hợp doanh thu thu được trong kỳ từ việc xử lý nợ (thu nợ từ khách nợ; bán nợ; khai thác, bán tài sản đảm bảo của khoản nợ) nhỏ hơn chi phí mua khoản nợ:

- Thực hiện kết chuyển một phần chi phí mua khoản nợ vào chi phí trong kỳ với mức bằng số tiền thực tế thu được từ việc xử lý khoản nợ;

- Khi khoản nợ tiếp tục được thu hồi thì phần chi phí mua khoản nợ được tiếp tục kết chuyển vào chi phí theo nguyên tắc nêu trên;

- Khi phần còn lại cuối cùng của khoản nợ được thu hồi thì kết chuyển toàn bộ phần chi phí mua khoản nợ còn lại vào chi phí trong kỳ.

1.2. Trường hợp khoản nợ được thu hồi một lần: thực hiện kết chuyển toàn bộ chi phí mua khoản nợ đó vào chi phí trong kỳ tại thời điểm thu hồi được nợ.

2. Đối với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản:

2.1. Đối với trường hợp khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường: VAMC được hạch toán chi phí ứng trước (chi tiết theo từng khoản nợ) tương ứng với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản. Khi bán được tài sản hoặc thu hồi được khoản nợ xấu gắn với tài sản hoặc thu được tiền từ việc khai thác tài sản thì số tiền thu được phải hạch toán doanh thu, đồng thời việc tất toán khoản chi phí ứng trước tương ứng với chi phí VAMC đã sử dụng để sửa chữa, nâng cấp tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

2.2. Đối với trường hợp khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt: VAMC được hạch toán chi phí ứng trước (chi tiết theo từng khoản nợ) tương ứng với chi phí cho việc sửa chữa, nâng cấp tài sản. Khi bán được tài sản hoặc thu hồi được khoản nợ xấu gắn với tài sản hoặc thu được tiền từ việc khai thác tài sản VAMC thực hiện tất toán dần khoản phải thu tương ứng với chi phí VAMC đã sử dụng để sửa chữa, nâng cấp tài sản.

3. Đối với các khoản chi khác (bao gồm chi phí đòi nợ; chi phí tư vấn, môi giới mua, bán, xử lý nợ và tài sản; chi phí cho hoạt động bán nợ, bán cổ phần và chuyển nhượng vốn góp; chi phí trích lập dự phòng rủi ro; chi tiền lương, tiền thưởng, chi phụ cấp cho cán bộ, nhân viên; chi phí đấu giá tài sản; chi phí quản lý công ty; chi trả lãi tiền vay; chi phí về tài sản và các khoản chi khác): VAMC chỉ ghi nhận vào chi phí những khoản phải chi thực tế phát sinh căn cứ vào hóa đơn chứng từ hợp lý, hợp lệ của từng khoản chi.

4. Công ty không được tính vào chi phí các khoản sau:

4.1. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính mà cá nhân phải nộp phạt theo quy định của pháp luật;

4.2. Các khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh doanh của VAMC;

4.3. Các khoản chi không có chứng từ hợp lệ;

4.4. Các khoản đã hạch toán chi nhưng thực tế không chi trả;

4.5. Các khoản chi do các nguồn kinh phí khác đài thọ;

4.6. Các khoản chi không hợp lý, hợp lệ khác.

Điều 9. Phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ.

1. Lợi nhuận của VAMC được xác định bằng tổng doanh thu phát sinh trong kỳ trừ đi tổng các khoản chi phí hợp lý phát sinh trong kỳ theo chế độ quy định.

2. Phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ của VAMC.

Lợi nhuận của VAMC sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật được phân phối như sau:

2.1. Bù đắp khoản lỗ của các năm trước;

2.2. Lợi nhuận còn lại sau khi bù đắp lỗ theo quy định tại điểm 2.1 khoản này (nếu có) coi như 100% và được phân phối như sau:

a) Trích 30% vào quỹ đầu tư phát triển;

b) Trích quỹ thưởng Viên chức quản lý VAMC và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi. Việc trích quỹ thưởng Viên chức quản lý VAMC và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của VAMC được thực hiện quy định của pháp luật về trích quỹ thưởng Viên chức quản lý và quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

c) Lợi nhuận còn lại (nếu có) sau khi trích lập theo quy định tại tiết a, b điểm này được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Điều 10. Xử lý trường hợp đặc biệt

Trường hợp kết thúc năm tài chính, VAMC bị lỗ và trong năm tài chính đó có trái phiếu đặc biệt đến hạn mà tổng các khoản phí trên số tiền thu hồi nợ VAMC được hưởng trong năm nhỏ hơn các khoản đã nhận tạm ứng từ các tổ chức tín dụng phải hoàn trả trong năm thì VAMC báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý phần còn phải hoàn trả tạm ứng đã nhận từ các tổ chức tín dụng theo hướng VAMC được ghi nhận doanh thu và các tổ chức tín dụng ghi nhận vào chi phí.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan quản lý

1. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

1.1. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính đối với VAMC theo quy định của pháp luật;

1.2. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý các vấn đề về tài chính của VAMC.

2. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

2.1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động của VAMC theo quy định của pháp luật. Định kỳ hàng quý, năm (chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, năm), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho Bộ Tài chính tình hình tài chính của VAMC và các vi phạm về chế độ tài chính của VAMC được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát (nếu có) để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời;

2.2. Thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với VAMC:

a) Quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong phạm vi thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề liên quan đến tài chính vượt thẩm quyền.

2.3. Định kỳ hàng quý, năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chậm nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, năm) để thực hiện chức năng giám sát.

Điều 12. Chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo và công khai tài chính

1. VAMC thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật, ghi chép đầy đủ chứng từ ban đầu, cập nhật sổ kế toán và phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan các hoạt động kinh tế, tài chính.

2. Năm tài chính của VAMC bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

3. VAMC thực hiện quyết toán tài chính, lập và gửi báo cáo tài chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4. VAMC gửi Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước (Báo cáo kiểm toán) cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời đăng tải Báo cáo này trên trang tin điện tử website của VAMC ngay sau khi kết thúc kiểm toán.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2014 và được áp dụng từ năm tài chính 2013.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xem xét, giải quyết./.

 

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà