Sign In

THÔNG TƯ

Của Bộ Tài chính số 99/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2003 Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn

Ngày 30/12/2002 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn. Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 về thủ tục mua bán hoá đơn như sau:

1. Thay thế điểm 1, mục V, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính; bằng nội dung điểm 1 mới như sau:

"1- Thủ tục mua hoá đơn:

1.1- Thủ tục mua hóa đơn lần đầu:

a- Đối với tổ chức kinh doanh: tổ chức kinh doanh mua hoá đơn lần đầu phải nộp các giấy tờ sau:

- Đơn xin mua hoá đơn (theo mẫu số 01 đính kèm).

- Giấy giới thiệu của tổ chức kinh doanh do người đại diện có thẩm quyền ký giới thiệu người đến cơ quan thuế liên hệ mua hoá đơn. Trên giấy giới thiệu phải ghi rõ họ tên, chức vụ, số chứng minh thư nhân dân của người được giới thiệu đến liên hệ mua hoá đơn.

- Giấy Chứng nhận đăng ký thuế bản photocopy có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kinh doanh.

Khi đến mua hoá đơn, người đứng tên trên giấy giới thiệu phải xuất trình chứng minh thư nhân dân (còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật) với cơ quan thuế.

b- Đối với hộ kinh doanh: hộ kinh doanh nộp thuế theo kê khai mua hoá đơn lần đầu phải nộp các giấy tờ sau:

- Đơn xin mua hoá đơn (theo mẫu số 02 đính kèm).

- Giấy Chứng nhận đăng ký thuế bản photocopy. Khi đến cơ quan thuế nộp hồ sơ xin mua hoá đơn phải mang theo bản chính Giấy Chứng nhận đăng ký thuế để cơ quan thuế kiểm tra đối chiếu tính xác thực của bản photocopy. Nếu là bản photocopy có công chứng thì không phải mang theo bản chính.

- Trường hợp chủ hộ kinh doanh uỷ quyền cho người khác thì phải viết giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự uỷ quyền. Giấy uỷ quyền phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân của người được uỷ quyền.

Khi đến liên hệ với cơ quan thuế, chủ hộ kinh doanh hoặc người được uỷ quyền phải xuất trình kèm theo chứng minh thư nhân dân (còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật).

c- Hồ sơ mua hoá đơn lần đầu của tổ chức kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý.

Khi có sự thay đổi địa điểm giao dịch, địa điểm kinh doanh; trong vòng 10 ngày (ngày làm việc) cơ sở kinh doanh phải gửi thông báo thay đổi địa điểm cho cơ quan thuế biết.

d- Trách nhiệm của cơ quan thuế: tiếp nhận hồ sơ mua hoá đơn lần đầu của tổ chức, hộ kinh doanh và có trách nhiệm kiểm tra thủ tục mua hoá đơn lần đầu quy định tại điểm a và điểm b nêu trên.

Nội dung kiểm tra cụ thể như sau:

+ Kiểm tra đối chiếu họ tên, số chứng minh thư nhân dân của người trực tiếp đến mua hoá đơn với họ tên, số chứng minh thư nhân dân ghi trong đơn hoặc trong giấy giới thiệu hoặc giấy uỷ quyền.

+ Kiểm tra các nội dung ghi trong đơn xin mua hoá đơn đảm bảo đầy đủ, rõ ràng theo mẫu quy định.

+ Đối chiếu tên cơ sở kinh doanh, số đăng ký kinh doanh, mã số thuế ghi trong đơn xin mua hoá đơn với Giấy Chứng nhận đăng ký thuế.

Sau khi đã kiểm tra theo các nội dung trên thấy phù hợp, cơ quan thuế viết giấy hẹn (theo mẫu số 03 kèm theo) giao cho cơ sở kinh doanh hẹn ngày giải quyết bán hoá đơn, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể cơ quan thuế quyết định thời gian hẹn, nhưng tối đa không quá 5 ngày (ngày làm việc) kể từ ngày nhận hồ sơ. Trong thời gian hẹn cơ sở kinh doanh, cơ quan thuế kiểm tra thực tế địa điểm kinh doanh để xác định thực tế cơ sở kinh doanh có kinh doanh tại địa điểm khai báo hay không. Kết quả kiểm tra thực tế phải thể hiện bằng biên bản xác nhận địa điểm kinh doanh cuả tổ chức, cá nhân mua hoá đơn (theo mẫu số 04 kèm theo). Sau khi kiểm tra thực tế nếu đủ điều kiện, cơ quan thuế phải làm thủ tục cấp sổ mua hoá đơn (theo mẫu số ST 22/HĐ) cho cơ sở kinh doanh, đồng thời bán hoá đơn lần đầu theo đúng ngày hẹn. Trường hợp không đủ điều kiện được mua hoá đơn, cơ quan thuế phải thông báo cho cơ sở kinh doanh biết lý do.

Số lượng hoá đơn tổ chức, hộ kinh doanh được mua lần đầu không quá 2 quyển.

1.2- Thủ tục mua hóa đơn các lần tiếp theo:

a- Tổ chức, hộ kinh doanh mua hoá đơn lần tiếp theo nộp cho cơ quan thuế các giấy tờ sau:

- Đối với tổ chức kinh doanh: Giấy giới thiệu của tổ chức kinh doanh do người đại diện có thẩm quyền ký, trên giấy giới thiệu phải ghi rõ họ tên, chức vụ, số chứng minh thư nhân dân của người được tổ chức kinh doanh cử đi mua hoá đơn, số lượng hoá đơn xin mua.

- Đối với hộ kinh doanh: đơn xin mua hoá đơn, trong đơn phải ghi rõ họ tên chủ hộ kinh doanh, số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ kinh doanh, số lượng hoá đơn xin mua. Nếu chủ hộ kinh doanh uỷ quyền cho người khác phải có giấy uỷ quyền theo quy định của pháp luật. Giấy uỷ quyền phải ghi rõ họ tên, số chứng minh thư nhân dân của người được uỷ quyền.

- Sổ mua hoá đơn đã được cơ quan thuế cấp.

Người được tổ chức kinh doanh giới thiệu đến mua hoá đơn, chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ kinh doanh uỷ quyền, đến mua hoá đơn phải xuất trình cho cơ quan thuế chứng minh thư nhân dân bản chính (còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật).

b- Trách nhiệm của cơ quan thuế:

Tiếp nhận hồ sơ mua hoá đơn của tổ chức, hộ kinh doanh. Thực hiện kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với chứng minh thư nhân dân để xác định người đến mua hoá đơn là đúng với họ tên người ghi trên giấy giới thiệu của tổ chức hoặc chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ kinh doanh uỷ quyền. Nếu đã phù hợp, cơ quan thuế có trách nhiệm bán hoá đơn cho cơ sở kinh doanh sử dụng; số lượng hoá đơn bán tối đa không quá số lượng hoá đơn đã sử dụng của tháng liền kề trước đó. Ví dụ Công ty A ngày 10/8 đến mua hoá đơn, số lượng xin mua là 15 quyển nhưng số lượng hoá đơn sử dụng tháng 7 là 12 quyển thì chỉ được mua tối đa 12 quyển.

- Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập, nếu chưa hết tháng đã sử dụng hết hoá đơn mua lần đầu (02 quyển), cơ quan thuế sẽ căn cứ vào thời gian sử dụng hoá đơn mua lần đầu để quyết định số lượng hoá đơn được mua lần tiếp theo, sau khi đã xác định được số lượng hoá đơn sử dụng tháng thì sẽ bán theo mức sử dụng của tháng trước liền kề.

- Đối với cơ sở kinh doanh vi phạm điều 14 (trừ điểm 1, điểm 2), điều 15 và điều 16 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn, nếu chấp hành Quyết định xử phạt và nộp tiền phạt, tiền thuế truy thu (nếu có) ngay vào ngân sách Nhà nước thì giải quyết bán hoá đơn như mức bán lần đầu (tối đa 02 quyển).

Sau thời gian 3 tháng nếu cơ sở kinh doanh không tiếp tục vi phạm thì cơ quan thuế bán hoá đơn như các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt chế độ quản lý và sử dụng hoá đơn."

2. Thay thế điểm 1.8, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính bằng nội dung điểm 1.8 mới như sau:

"1.8- Đối với cấp hoá đơn lẻ:

Các hộ kinh doanh nộp thuế ổn định 6 tháng hoặc 1 năm không có nhu cầu sử dụng hoá đơn quyển; hộ kinh doanh vi phạm bị cơ quan thuế từ chối bán hoá đơn quyển và các hộ không có đăng ký kinh doanh, hoặc không phải là kinh doanh thường xuyên nhưng có phát sinh doanh thu về hàng hoá, dịch vụ, nếu có nhu cầu sử dụng hoá đơn sẽ được cơ quan thuế cấp hoá đơn bán hàng lẻ (không thu tiền) để giao cho khách hàng.

Hoá đơn cấp lẻ được cấp trực tiếp tại Chi cục thuế hoặc tại Đội thuế. Tuỳ theo đặc điểm địa bàn và nhu cầu sử dụng hoá đơn lẻ, Chi cục thuế thông báo công khai địa điểm bán hoá đơn nhằm phục vụ thuận lợi nhất cho đối tượng nộp thuế có nhu cầu. Đối tượng được cấp hoá đơn lẻ phải nộp thuế (thu bằng biên lai thuế) trước khi nhận hoá đơn. Người có nhu cầu tự khai doanh thu kèm theo hợp đồng và giấy mua bán giữa hai bên để làm căn cứ cấp hoá đơn lẻ. Hoá đơn được lập tại cơ quan thuế; liên 1, liên 2 giao cho người được cấp hoá đơn; liên 3 lưu tại cơ quan thuế. Hoá đơn cấp lẻ phải được đóng dấu của cơ quan thuế vào phía trên bên trái của từng liên. Cơ quan thuế phải mở sổ theo dõi riêng các tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn lẻ như một tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn."

3. Bổ sung thêm vào cuối điểm 1, mục VI, phần B Thông tư số 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính nội dung 1.12 và 1.13 như sau:

"1.12- Hộ kinh doanh nộp thuế ổn định có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký thuế, nếu có nhu cầu sử dụng hoá đơn, được cơ quan thuế bán hoá đơn bán hàng theo quy định sau:

Hộ kinh doanh nộp thuế ổn định khi mua hoá đơn lần đầu phải thực hiện đúng thủ tục theo quy định tại điểm 1.1 Thông tư này. Trường hợp mua hoá đơn các lần tiếp sau phải thực hiện đúng thủ tục theo định tại điểm 1.2 Thông tư này, ngoài ra phải mang theo quyển hoá đơn đã mua lần trước liền kề đến đội thuế trực tiếp quản lý để đội thuế kiểm tra việc sử dụng hoá đơn, doanh thu ghi trên hoá đơn và xác nhận của đội trưởng đội thuế không có vi phạm về sử dụng hoá đơn vào đơn xin mua hoá đơn.

Cơ quan thuế được quyền từ chối bán hoá đơn trong các trường hợp sau: hộ kinh doanh nộp thuế khoán ổn định vi phạm các điều 14 (trừ điểm 1, điểm 2), điều 15, điều 16 Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 7/11/2002 của Chính phủ; không mang theo quyển hoá đơn mua lần trước liền kề để cơ quan thuế kiểm tra; kinh doanh nhưng chậm nộp thuế, dây dưa tiền thuế.

Số lượng bán hoá đơn cho hộ kinh doanh thuộc diện ổn định thuế 6 tháng hoặc 1 năm mỗi lần 01 quyển."

"1.13- Hộ kinh doanh nộp thuế ổn định có sử dụng hoá đơn, nếu doanh thu phản ánh trên hoá đơn cao hơn doanh thu ổn định, hộ kinh doanh phải nộp thuế tính theo doanh thu phản ảnh trên hoá đơn.

Nếu doanh thu phản ảnh trên hoá đơn thấp hơn doanh thu ổn định, hộ kinh doanh nộp thuế tính theo doanh thu ổn định.

Cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế để điều tra xác định doanh thu đối với những hộ kinh doanh thuộc diện ổn định thuế 6 tháng hoặc 1 năm nhằm thực hiện ổn định thuế sát thực tế, đảm bảo công bằng và chống thất thu thuế. Hộ kinh doanh có quyền khiếu nại nếu thấy doanh thu ổn định không phù hợp với thực tế kinh doanh của mình."

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những quy định tại Thông tư 120/2002/TT -BTC ngày 30/12/2002 của Bộ Tài chính không được sửa đổi, bổ sung tại Thông từ này vẫn có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Bộ Tài chính

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung