• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 04/07/2009
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 101/2009/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2009

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dự án, chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015”

____________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015”;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dự án, chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Điều 1. Quy định chung

1. Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các Dự án, Chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” được phê duyệt tại Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

- Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp”;

- Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”;

- Dự án “Đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên”;

- Chương trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí Dự án, Chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015”.

3. Nguồn kinh phí:

a) Kinh phí thực hiện dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp; Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”; “Chương trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên”, do ngân sách Trung ương bảo đảm từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế cấp qua Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các nguồn huy động hợp pháp khác.

b) Kinh phí thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên”:

- Ngân sách Trung ương bố trí từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để xây dựng các trung tâm hướng nghiệp và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên thông qua Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo các dự án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Địa phương bố trí diện tích đất xây dựng trung tâm; bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho bộ máy của Trung tâm từ nguồn ngân sách địa phương.

Điều 2. Nội dung chi

1. Nội dung chi Dự án Truyền thông nâng cao nhận thức của Thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp:

a) Chi tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cộng tác viên về tư vấn học nghề, việc làm: Thuê hội trường; tài liệu tập huấn; thù lao giảng viên; thuê phòng nghỉ cho giảng viên; hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ, tiền tàu xe cho học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thuê dụng cụ, phương tiện giảng dạy; thuê xe đưa đón học viên đi thực tế; chi tiền nước uống cho học viên, giảng viên.

b) Chi hoạt động truyền thông:

- Chi thông tin, tuyên truyền về thanh niên với nghề nghiệp việc làm trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Các báo, tạp chí, bản tin, tập san, chuyên san, đài phát thanh, đài truyền hình, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề;

- Chi in ấn các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền; xuất bản sách chọn nghề, cẩm nang việc làm cho lao động trẻ;

- Chi phí xây dựng, duy trì website về tư vấn, hướng nghiệp.

- Chi xây dựng “Hộp thư thoại” tư vấn cho thanh niên về học nghề, hướng nghiệp, lập nghiệp.

c) Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng cá nhân tập thể tiêu biểu trong công tác tư vấn, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên: Thuê hội trường; hỗ trợ tiền ăn, tiền nghỉ, tiền tàu xe cho cá nhân tiên tiến không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thuê xe đưa đón đại biểu từ chỗ nghỉ đến nơi tổ chức hội nghị; tiền in tài liệu cho đại biểu; tiền nước uống; chi tiền khen thưởng thi đua; các khoản chi phí khác phục vụ trực tiếp hội nghị.

d) Chi làm thêm giờ; văn phòng phẩm, công tác phí của cán bộ quản lý dự án và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động dự án.

2. Nội dung chi Dự án Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp:

a) Chi đào tạo, phổ biến kiến thức:

- Chi tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên nông thôn; tập huấn, hỗ trợ thanh niên khuyết tật: Thuê hội trường; thuê dụng cụ, phương tiện giảng dạy; tài liệu cho học viên; thù lao giảng viên; hỗ trợ tiền ăn, tiền nghỉ, tiền tàu xe cho học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; thuê xe đưa đón giảng viên, học viên đi thực tế; chi thuê phòng nghỉ cho giảng viên; chi tiền nước uống cho giảng viên và học viên.

- Chi tổ chức các khoá đào tạo về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp: Thuê phòng học; tiền thù lao, tiền tàu xe và thuê phòng nghỉ cho giảng viên; thuê dụng cụ, phương tiện giảng dạy; hỗ trợ tiền tàu xe, tài liệu học tập cho học viên; chi tiền nước uống cho giảng viên và học viên.

b) Chi xuất bản sách, tài liệu về khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên.

c) Chi tổ chức cuộc thi khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp trên toàn quốc: Xây dựng đề cương, nội dung, kịch bản cuộc thi; chi thuê hội trường; chi bồi dưỡng Ban giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cuộc thi.

d) Chi thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp thông qua wesite, hộp thư thoại.

đ) Chi làm thêm giờ; văn phòng phẩm; công tác phí cho cán bộ quản lý dự án và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động dự án.

3. Nội dung chi Chương trình giám sát, đánh giá các cấp:

a) Chi cho hoạt động giám sát, đánh giá cấp huyện: Chi tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng báo cáo, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết cấp huyện.

b) Chi cho hoạt động giám sát, đánh giá cấp tỉnh: Hỗ trợ công tác phí cho ban công tác dự án cấp tỉnh; chi thư tín, điện thoại, văn phòng phẩm; chi tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng báo cáo, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết cấp tỉnh.

c) Chi các hoạt động giám sát, đánh giá cấp Trung ương: Chi xây dựng khung giám sát; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên; chi xây dựng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, chi tổ chức điều tra dư luận xã hội về hiệu quả của các chính sách của Đảng và nhà nước đối với vấn đề việc làm; chi công tác phí cho bộ phận giám sát ở trung ương và giám sát độc lập; chi phí tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết cấp trung ương.

Điều 3. Mức chi

1. Chế độ chi cho các nội dung liên quan để thực hiện Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề, lập nghiệp”; Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”; Chương trình giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên được thực hiện theo các quy định hiện hành và một số mức chi cụ thể (Theo phụ lục đính kèm Thông tư này).

Trong phạm vi nguồn kinh phí được giao hàng năm, Thủ trưởng cơ quan Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định mức chi cụ thể nhưng không vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư này.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí Dự án “Đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên kiểu mẫu của Đoàn thanh niên” thực hiện theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản.

Điều 4. Lập dự toán, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách và chế độ báo cáo

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm thực hiện các dự án, chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù cho phù hợp với hoạt động của Đề án, cụ thể như sau:

1. Lập dự toán ngân sách:

Hàng năm căn cứ vào hướng dẫn lập dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đánh giá tiến độ thực hiện từng Dự án (theo nhiệm vụ và kinh phí); căn cứ khối lượng công việc của từng Dự án trong năm kế hoạch, căn cứ chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và chế độ chi quy định tại Thông tư này, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần xác định rõ nội dung công việc do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, nội dung công việc thực hiện từ các nguồn huy động hợp pháp khác và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội phê duyệt theo quy định hiện hành.

2. Phân bổ, giao dự toán và quyết toán:

Việc phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án thực hiện theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nuớc và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

3. Chế độ báo cáo:

Định kỳ hàng năm Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Đề án để bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu tại Quyết định số 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2015 sau khi kết thúc Đề án, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Sỹ Danh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.