• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/11/2017
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 27/2017/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2017

THÔNG TƯ

 

Quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của         Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, bao gồm: đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp và đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng (sau đây gọi là trường).

 

Chương II

TUYỂN SINH VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG

Điều 3. Yêu cầu đào tạo liên thông

Các trường tổ chức đào tạo liên thông khi bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông ở trình độ tương ứng.

2. Đã ban hành chương trình đào tạo liên thông cho những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông được xây dựng theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

3. Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, trường phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất 01 (một) khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định tuyển sinh đào tạo liên thông

1. Hiệu trưởng nhà trường ban hành quyết định tuyển sinh đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp khi bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

2. Quyết định tuyển sinh đào tạo liên thông phải nêu rõ tên ngành, nghề, trình độ, phương thức và hình thức đào tạo liên thông; đối tượng và hình thức tuyển sinh.

Điều 5. Tuyển sinh đào tạo liên thông

1. Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ trung cấp

a) Người có chứng chỉ sơ cấp, sơ cấp nghề cùng ngành, nghề và có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai.

2. Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng

a) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;

b) Người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.

3. Thời gian, hình thức tuyển sinh đào tạo liên thông được thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.

4. Ngoài những quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này, các trường có thể quy định thêm các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo nhưng không trái các quy định tại Thông tư này.

5. Quy mô tuyển sinh đào tạo liên thông hằng năm đối với từng ngành, nghề theo từng trình độ đào tạo nằm trong quy mô tuyển sinh được quy định tại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp cho trường.

Điều 6. Thời gian đào tạo liên thông

1. Thời gian đào tạo liên thông được xác định trên cơ sở khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định cho từng chương trình theo từng trình độ và phương thức, hình thức đào tạo.

2. Thời gian đào tạo liên thông theo niên chế giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng từ 01 (một) đến 02 (hai) năm học tuỳ theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo.

3. Thời gian đào tạo liên thông theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là thời gian để người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo.

4. Hiệu trưởng nhà trường quy định thời gian đào tạo liên thông đối với từng ngành, nghề và từng đối tượng người học cụ thể.

Điều 7. Chương trình đào tạo liên thông và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập

1. Chương trình đào tạo liên thông được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích lũy ở các chương trình đào tạo khác.

2. Chương trình đào tạo liên thông phải phản ánh đúng mục tiêu, nội dung, thời gian đào tạo; phương pháp dạy, học và đánh giá.

3. Chương trình đào tạo liên thông phải bảo đảm cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng mà người học còn thiếu và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới của ngành, nghề tương ứng với trình độ đào tạo.

4. Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào chương trình đào tạo quyết định mô-đun, môn học hoặc nội dung mà người học không phải học lại.

Điều 8. Tổ chức đào tạo liên thông

1. Đào tạo liên thông hình thức chính quy được thực hiện theo Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

2. Đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Điều 9. Bằng tốt nghiệp và bảng điểm

1. Người học liên thông theo hình thức đào tạo chính quy được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là chính quy; người học liên thông theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp ghi hình thức đào tạo là vừa làm vừa học.

2. Bảng điểm của người học phải ghi đầy đủ, rõ ràng kết quả học tập cùng số tín chỉ của các môn học, mô-đun trong thời gian đào tạo liên thông và của các môn học, mô-đun khác đã được công nhận.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đào tạo liên thông đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý.

2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đào tạo liên thông đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý.

2. Tổng hợp tình hình đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp của các trường trên địa bàn quản lý theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hằng năm và báo cáo bằng văn bản về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trước ngày 25 tháng 01 của năm tiếp theo.

3. Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động đào tạo liên thông của các trường trên địa bàn quản lý và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 12. Trách nhiệm của các trường

1. Ban hành quy định về tuyển sinh, đào tạo liên thông, trong đó có nội dung quy định về tiêu chí, quy trình công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông.

2. Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định tuyển sinh đào tạo liên thông, các trường cao đẳng và các cơ sở giáo dục đại học báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp); các trường trung cấp báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi trường đặt trụ sở chính; báo cáo bao gồm các nội dung sau:

a) Ngành, nghề, trình độ đào tạo liên thông; dự kiến chỉ tiêu đào tạo; đối tượng tuyển sinh; phương thức, hình thức đào tạo và cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư này;

b) Quyết định tuyển sinh, chương trình đào tạo liên thông (quyết định ban hành chương trình đào tạo liên thông kèm theo chương trình đào tạo liên thông) và bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

3. Công bố công khai thông tin về: các ngành, nghề đào tạo liên thông; chương trình đào tạo; bằng cấp sau tốt nghiệp; quy định về tuyển sinh, đào tạo liên thông; quy chế học sinh sinh viên; kế hoạch đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng; học phí; khối lượng kiến thức, kỹ năng được miễn trừ đối với từng người học.

4. Thực hiện các yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo.

5. Báo cáo bằng văn bản tình hình đào tạo liên thông của trường theo năm thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 hằng năm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi trường đặt trụ sở chính trước ngày 10 tháng 01 của năm tiếp theo; báo cáo bao gồm các nội dung sau:

a) Ngành, nghề tổ chức đào tạo liên thông; kết quả tuyển sinh, tổ chức đào tạo; kết quả tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp trong năm; tình hình khen thưởng, kỷ luật đối với người học; những thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị (nếu có);

b) Bản sao quyết định phê duyệt danh sách người học nhập học hoặc phân lớp; bản sao danh sách người học được công nhận và không công nhận tốt nghiệp trong năm báo cáo (nếu có);

c) Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động đào tạo liên thông và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

6. Lưu trữ hồ sơ đào tạo theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2017.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ chức Chính trị - Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các Trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Ngọc Dung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.