• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/01/2006
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 05/2005/NQ-HĐTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2005

NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư

"Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật tố tụng hình sự

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ tư "Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

I. VỀ CHƯƠNG XXIII "TÍNH CHẤT CỦA XÉT XỬ PHÚC THẨM
VÀ QUYỀN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ" CỦA BLTTHS

1. Về Điều 231 của BLTTHS

Chủ thể có quyền kháng cáo và giới hạn của việc kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm được xác định như sau:

1.1. Bị cáo, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

1.2. Người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích cho bị cáo.

1.3. Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.

1.4. Trong trường hợp người bị hại chết mà có từ hai người trở lên đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại (ví dụ cha, mẹ, vợ và con thành niên của người bị hại) thì phân biệt như sau:

a) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này đã đồng ý cử một người trong số họ thay mặt họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị hại (sự đồng ý này có thể được thể hiện trong văn bản riêng hoặc trong lời khai của họ), thì sau khi xét xử sơ thẩm những người này vẫn có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Việc kháng cáo có thể do từng người thực hiện hoặc có thể cử một người trong số họ thay mặt họ thực hiện.

b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:

b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;

b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng);

b.3) Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.

1.5. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

1.6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

1.7. Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

1.8. Người được Toà án tuyên bố là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do của bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội.

Ví dụ: Nguyễn Văn A không thực hiện hành vi trái pháp luật, song Toà án cấp sơ thẩm lại nhận định Nguyễn Văn A có thực hiện hành vi trái pháp luật, nhưng chưa đến mức cấu thành tội phạm (hoặc không cần truy cứu trách nhiệm hình sự). Trong trường hợp này Nguyễn Văn A có quyền kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa lại phần nhận định của bản án sơ thẩm cho đúng với sự thật khách quan của vụ án.

2. Về Điều 232 của BLTTHS

Theo quy định tại Điều 232 của BLTTHS thì Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Kháng nghị của Viện kiểm sát phải làm bằng văn bản, có nêu rõ lý do và được gửi đến Toà án đã xử sơ thẩm vụ án (khoản 2 Điều 233 của BLTTHS). Thời hạn kháng nghị đối với các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định (khoản 1 Điều 239 của BLTTHS). Khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, Toà án cấp sơ thẩm cần giải quyết như sau:

2.1. Trường hợp kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

2.2. Trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thì căn cứ vào khoản 2 Điều 316 của BLTTHS, việc kháng nghị và xét kháng nghị được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.

2.3. Trường hợp kháng nghị đối với các quyết định khác, thì Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan quy định về thẩm quyền và thủ tục kháng nghị, giải quyết kháng nghị cụ thể đó để giải quyết.

Ví dụ: Viện kiểm sát cùng cấp căn cứ vào Điều 232 và Điều 239 của BLTTHS, khoản 6 Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị Lệnh tạm giam của Chánh án Toà án nhân dân huyện Q đối với bị cáo Nguyễn Thị M với lý do bị cáo M đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 88 của BLTTHS. Trong trường hợp này sau khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, Chánh án Toà án nhân dân huyện Q phải xem xét lý do kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp có đúng hay không. Nếu đúng thì căn cứ vào Điều 177 của BLTTHS ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo M, nếu không đúng thì có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát biết về việc không chấp nhận kháng nghị, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận kháng nghị.

3. Về Điều 233 của BLTTHS

3.1. Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Toà án cấp sơ thẩm

a) Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm phải vào sổ nhận đơn và kiểm tra người làm đơn kháng cáo có thuộc chủ thể có quyền kháng cáo và nội dung kháng cáo có thuộc giới hạn của việc kháng cáo được quy định tại Điều 231 của BLTTHS và được hướng dẫn tại mục 1 Phần I của Nghị quyết này hay không, đồng thời kiểm tra kháng cáo có được làm trong thời hạn quy định tại Điều 234 của BLTTHS và được hướng dẫn tại mục 4 Phần I của Nghị quyết này hay không để tiến hành tiếp các công việc theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Nghị quyết này.

b) Trong trường hợp người kháng cáo đến Toà án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì Chánh án Toà án cử một Thẩm phán hoặc một cán bộ Toà án tiếp và giải quyết. Nếu người kháng cáo biết chữ và viết được thì hướng dẫn để họ tự viết đơn. Nếu họ muốn trình bày trực tiếp thì lập biên bản về việc kháng cáo đó theo đúng quy định tại Điều 95 của BLTTHS.

c) Trong trường hợp đơn kháng cáo bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định của BLTTHS và hướng dẫn của Nghị quyết này thì tiến hành thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I của Nghị quyết này.

d) Trong trường hợp đơn kháng cáo làm trong thời hạn luật định và là của người có quyền kháng cáo nhưng nội dung kháng cáo chưa cụ thể, chưa rõ ràng, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho họ để họ thể hiện nội dung kháng cáo cho cụ thể và rõ ràng theo quy định của pháp luật.

đ) Trong trường hợp đơn kháng cáo là của người không có quyền kháng cáo hoặc nội dung kháng cáo không thuộc giới hạn của việc kháng cáo thì trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Toà án cấp sơ thẩm trả lại đơn cho người làm đơn và ghi chú vào sổ nhận đơn về việc trả lại đơn. Việc trả lại đơn phải được thông báo bằng văn bản trong đó ghi rõ lý do của việc trả lại đơn. Nếu trước đó việc kháng cáo này đã được thông báo theo quy định tại Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I của Nghị quyết này thì thông báo trả lại đơn cũng phải được gửi cho những nơi đã có thông báo.

e) Trong trường hợp đơn kháng cáo là của người có quyền kháng cáo, nội dung kháng cáo thuộc giới hạn kháng cáo, nhưng quá thời hạn thì Toà án cấp sơ thẩm lập hồ sơ kháng cáo quá hạn và gửi đơn kháng cáo cùng các giấy tờ, tài liệu kèm theo chứng minh lý do của việc kháng cáo quá thời hạn (nếu có) cho Toà án cấp phúc thẩm để xét lý do kháng cáo quá hạn. Nếu trong vụ án chỉ có kháng cáo quá hạn, không có kháng cáo khác, không có kháng nghị thì Toà án cấp sơ thẩm chưa phải gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.

3.2. Việc nhận kháng cáo và xử lý kháng cáo tại Toà án cấp phúc thẩm

a) Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) thì Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển cho Toà án cấp sơ thẩm để tiến hành các công việc theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 này.

b) Trong trường hợp người kháng cáo đến Toà án cấp phúc thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm giải thích cho họ biết là họ chỉ có quyền trình bày trực tiếp về việc kháng cáo với Toà án cấp sơ thẩm.

4. Về Điều 234 của BLTTHS

4.1. Thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị

a) Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát, bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà hoặc là ngày bản án, quyết định được giao hoặc được niêm yết trong trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà.

Ví dụ 1: Ngày 10/10/2005 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có mặt bị cáo B và cùng ngày tuyên án đối với bị cáo B. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 10-10-2005 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với bị cáo B), thời hạn kháng nghị mười lăm ngày (đối với Viện kiểm sát cùng cấp), ba mươi ngày (đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là ngày 11-10-2005.

Ví dụ 2: Ngày 12-10-2005 Toà án xét xử sơ thẩm vụ án hình sự vắng mặt người bị hại là A và cùng ngày tuyên án. Ngày 20-10-2005 Toà án mới giao bản án cho A hoặc niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã nơi A cư trú. Trong trường hợp này ngày được xác định là ngày 20-10-2005 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với A) là ngày 21-10-2005.

Trong trường hợp ngay trong ngày Toà án tuyên án hoặc ra quyết định mà bị cáo, đương sự có mặt tại phiên toà có đơn kháng cáo ngay, thì Toà án cấp sơ thẩm nhận đơn kháng cáo theo thủ tục chung.

b) Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

Ví dụ 1: Trong ví dụ 1 nêu tại điểm a tiểu mục 4.1 mục 4 này, thời hạn kháng cáo mười lăm ngày được tính bắt đầu từ ngày 11/10/2005. Theo quy định tại Điều 96 của BLTTHS thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với bị cáo B) kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 25/10/2005 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ).

Ví dụ 2: Trong ví dụ 2 nêu tại điểm b tiểu mục 4.1 mục 4 này, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày được tính bắt đầu từ ngày 21-10-2005. Theo quy định tại Điều 96 của BLTTHS thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với A) kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 04-11-2005. Giả sử ngày 04-11-2005 đúng vào ngày nghỉ lễ thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 05-11-2005 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần); giả sử sau ngày nghỉ lễ (04-11-2005), ngày 05-11-2005 đúng vào ngày thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 07-11-2005.

4.2. Xác định ngày kháng cáo

a) Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo là ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì; do đó, khi nhận đơn kháng cáo gửi qua bưu điện, Toà án phải kiểm tra ngày đóng dấu trên phong bì và lưu phong bì cùng với đơn kháng cáo để xác định ngày kháng cáo.

b) Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo là ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn. Nếu Ban giám thị trại tạm giam không ghi ngày nhận được đơn kháng cáo, thì Toà án yêu cầu Ban giám thị trại tạm giam xác nhận ngày nhận đơn đó để xác định ngày kháng cáo.

c) Trong trường hợp người kháng cáo đến nộp đơn kháng cáo tại Toà án hoặc trong trường hợp họ đến Toà án cấp sơ thẩm trình bày trực tiếp về việc kháng cáo, thì ngày kháng cáo là ngày Toà án nhận đơn hoặc là ngày Toà án lập biên bản về việc kháng cáo.

5. Về Điều 235 của BLTTHS

5.1. Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. "Lý do chính đáng" là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định, ví dụ: do thiên tai, lũ lụt; do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị...

5.2. Việc xét lý do kháng cáo quá hạn phải được thực hiện trước khi mở phiên toà phúc thẩm không phụ thuộc vào việc ngoài bị cáo, đương sự kháng cáo quá hạn, trong vụ án còn có kháng cáo của các bị cáo hoặc đương sự khác trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 234 của BLTTHS; do đó, khi nhận được hồ sơ vụ án có nhiều người kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm phải kiểm tra có kháng cáo nào quá hạn hay không. Nếu có thì phải xét lý do kháng cáo quá hạn trước khi mở phiên toà.

5.3. Toà án cấp phúc thẩm phải thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn trên cơ sở giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn kháng cáo. Trong trường hợp cần thiết Hội đồng xét xử có quyền triệu tập người kháng cáo quá hạn đến phiên họp trình bày bổ sung về lý do kháng cáo quá hạn hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy tờ, tài liệu bổ sung chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn của mình là có lý do chính đáng.

Phiên họp xét lý do kháng cáo quá hạn không bắt buộc phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Trước khi Hội đồng xét xử thảo luận, một thành viên của Hội đồng xét xử nêu tóm tắt nội dung đơn kháng cáo quá hạn, các giấy tờ, tài liệu chứng minh lý do của việc kháng cáo quá hạn. Nếu người kháng cáo quá hạn được triệu tập đến phiên họp thì Hội đồng xét xử yêu cầu trình bày bổ sung lý do kháng cáo quá hạn. Trong trường hợp có đại diện Viện kiểm sát cùng cấp tham gia thì đại diện Viện kiểm sát cùng cấp phát biểu ý kiến chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn phải được gửi cho Toà án cấp sơ thẩm và người kháng cáo quá hạn. Trong trường hợp nhận được quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn của Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo theo quy định tại Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I của Nghị quyết này.

5.4. Trong trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn mà hồ sơ vụ án Toà án cấp phúc thẩm đã thụ lý, thì Toà án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung đối với kháng cáo quá hạn đó. Nếu hồ sơ vụ án đang ở Toà án cấp sơ thẩm, thì sau khi nhận được quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn của Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi ngay hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.

5.5. Trong trường hợp ngay trước khi mở phiên toà mà Toà án cấp phúc thẩm mới nhận được kháng cáo quá hạn, thì trước khi khai mạc phiên toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp xét lý do kháng cáo quá hạn.

Nếu Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo quá hạn hoặc chấp nhận kháng cáo quá hạn, nhưng toàn bộ nội dung kháng cáo đó có liên quan đến các kháng cáo khác hoặc kháng nghị thì Hội đồng xét xử tiến hành khai mạc phiên toà và xét xử vụ án theo thủ tục chung. Nếu một phần hoặc toàn bộ nội dung kháng cáo đó là độc lập không liên quan đến kháng cáo khác hoặc kháng nghị, mà những người tham gia phiên toà có yêu cầu hoãn phiên toà hoặc người có liên quan đến phần kháng cáo độc lập đó chưa được thông báo, chưa được triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.

5.6. Thẩm phán Toà án cấp phúc thẩm đã tham gia Hội đồng xét xử xét lý do kháng cáo quá hạn vẫn có thể tham gia Hội đồng xét xử vụ án theo thủ tục chung.

6. Về Điều 236 của BLTTHS

6.1. Khi thực hiện thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp sơ thẩm không phải thông báo về việc kháng cáo cho chính người đã kháng cáo và cũng không phải thông báo về việc kháng nghị cho Viện kiểm sát đã kháng nghị. Đối với những người tham gia tố tụng khác thì Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho họ, nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án do có kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

6.2. Trong trường hợp người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm, thì văn bản đó phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp người được thông báo gửi cho Toà án cấp sơ thẩm mà hồ sơ vụ án chưa gửi cho Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm gửi cùng hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm; nếu hồ sơ vụ án đã gửi cho Toà án cấp phúc thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi văn bản đó cho Toà án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án.

6.3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm mà đã gửi kháng nghị cho bị cáo và đương sự có liên quan đến kháng nghị, thì Toà án cấp sơ thẩm không phải thông báo cho họ. Nếu Viện kiểm sát gửi cho Toà án cấp sơ thẩm các bản kháng nghị để gửi cho bị cáo và đương sự có liên quan đến kháng nghị, thì Toà án cấp sơ thẩm gửi kháng nghị đó cho họ thay cho việc thông báo. Nếu Viện kiểm sát chỉ gửi kháng nghị cho Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm thông báo việc kháng nghị cho bị cáo và đương sự bằng văn bản.

7. Về Điều 238 của BLTTHS

7.1. Về việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị cần phân biệt như sau:

a) Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo.

Trong trường hợp người kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.

b) Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

7.2. Về việc rút kháng cáo, kháng nghị

a) Trong trường hợp người kháng cáo và Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà (trong vụ án không còn có kháng cáo và kháng nghị), thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Trước khi mở phiên toà việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm do Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thực hiện, còn tại phiên toà do Hội đồng xét xử thực hiện. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

b) Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần trong kháng cáo của mình hoặc có nhiều người kháng cáo, nhưng có người rút kháng cáo, có người không rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trong kháng nghị của mình, thì cần phân biệt như sau:

b.1) Trường hợp rút trước khi mở phiên toà, thì việc rút kháng cáo, kháng nghị đó phải được làm thành văn bản. Trường hợp người kháng cáo trực tiếp đến Toà án rút kháng cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm yêu cầu người kháng cáo phải làm thành văn bản hoặc phải lập biên bản về việc rút kháng cáo theo quy định tại Điều 95 của BLTTHS. Văn bản rút kháng cáo, kháng nghị và biên bản về việc rút kháng cáo phải được lưu vào hồ sơ vụ án. Phần kháng cáo, kháng nghị đã bị rút được coi như không có kháng cáo, kháng nghị. Toà án cấp phúc thẩm thông báo bằng văn bản về việc rút kháng cáo, kháng nghị đó theo quy định tại khoản 1 Điều 236 của BLTTHS và hướng dẫn tại tiểu mục 6.1 mục 6 Phần I của Nghị quyết này, đồng thời tiến hành các công việc do BLTTHS quy định để mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án đối với phần kháng cáo, kháng nghị còn lại theo thủ tục chung.

b.2) Trường hợp rút tại phiên toà, thì việc rút kháng cáo, kháng nghị đó phải được ghi vào biên bản phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với phần kháng cáo, kháng nghị còn lại.

b.3) Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có quyền xem xét đối với các phần có kháng cáo, kháng nghị đã bị rút mà không có liên quan đến phần kháng cáo, kháng nghị còn lại theo quy định tại Điều 241 và khoản 2 Điều 249 của BLTTHS. Nếu Toà án cấp phúc thẩm không xem xét các phần có kháng cáo, kháng nghị đã bị rút, thì những phần của bản án hoặc quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

II. VỀ CHƯƠNG XXIV "THỦ TỤC XÉT XỬ PHÚC THẨM" CỦA BLTTHS

1. Về Điều 242 của BLTTHS

Toà án cấp phúc thẩm không phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử mà chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên toà phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án. Việc thông báo được thực hiện như sau:

1.1. Đối với Viện kiểm sát, Toà án cấp phúc thẩm có công văn gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó ghi cụ thể vụ án (hoặc các vụ án) được đưa ra xét xử phúc thẩm; thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm từng vụ án cụ thể. Trong trường hợp có nhiều vụ án thì có thể lập lịch xét xử cụ thể đối với các vụ án và gửi lịch xét xử này kèm theo công văn cho Viện kiểm sát.

1.2. Đối với những người tham gia tố tụng, Toà án cấp phúc thẩm chỉ phải thông báo cho người tham gia tố tụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 245 của BLTTHS. Việc thông báo được thực hiện bằng giấy triệu tập tham gia phiên toà của Toà án cấp phúc thẩm.

2. Về Điều 243 của BLTTHS

2.1. Việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn được thực hiện tương tự như các hướng dẫn tương ứng về việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn tại mục 2 Phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của BLTTHS năm 2003 và mục 9 Phần I Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất "Những quy định chung" của BLTTHS năm 2003.

2.2. Điều luật quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án đối với bị cáo không bị tạm giam, nhưng bị xử phạt tù, trừ trường hợp quy định tại Điều 261 của BLTTHS. Để bảo đảm quyết định bắt và tạm giam được thi hành ngay và đúng pháp luật thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ ra quyết định bắt và tạm giam bị cáo nếu trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như qua diễn biến xét xử tại phiên toà, nếu thấy có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có căn cứ để xử phạt tù bị cáo;

b) Bị cáo không thuộc trường hợp có thể cho hưởng án treo;

c) Bị cáo không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 261 của BLTTHS và Điều 61 của Bộ luật hình sự.

Khi xét thấy có đầy đủ các điều kiện trên đây Toà án cấp phúc thẩm cần có ngay công văn trao đổi trước với cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Toà án sẽ mở phiên toà xét xử vụ án để cơ quan Công an chuẩn bị người và phương tiện cần thiết cho việc bắt tạm giam người bị kết án khi có quyết định bắt và tạm giam của Toà án cấp phúc thẩm. Công văn này phải được đóng dấu "MẬT" vào bảo quản theo chế độ "MẬT".

3. Về Điều 245 của BLTTHS

3.1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên toà. Được coi là đã được triệu tập tham gia phiên toà, nếu giấy triệu tập phiên toà được giao trực tiếp cho họ hoặc đã được gửi đến đúng địa chỉ mà họ đã khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thông báo, triệu tập họ. Nếu có một trong những người này chưa được triệu tập tham gia phiên toà thì phải hoãn phiên toà.

3.2. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên toà mà vắng mặt tại phiên toà thì cần phân biệt như sau:

a) Trường hợp người vắng mặt không có lý do chính đáng là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, thì Toà án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo, kháng nghị, trừ trường hợp quy định tại đoạn 2 Điều 190 của BLTTHS;

b) Trường hợp người vắng mặt không có lý do chính đáng là bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể xét xử vụ án vắng mặt họ trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 187 của BLTTHS;

c) Trường hợp người vắng mặt không có lý do chính đáng là người có quyền lợi liên quan đến kháng cáo, kháng nghị hoặc người kháng cáo không phải là bị cáo, thì Toà án cấp phúc thẩm coi như họ từ bỏ kháng cáo, từ bỏ quyền lợi liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Trong trường hợp này cũng như trong trường hợp người có nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị vắng mặt không có lý do chính đáng thì Toà án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung. Nếu khi xét xử phúc thẩm vụ án Toà án cấp phúc thẩm không xem xét phần có kháng cáo, kháng nghị đã từ bỏ mà không có liên quan đến phần kháng cáo, kháng nghị còn lại, thì những phần đó của bản án hoặc quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

d) Trường hợp người vắng mặt có lý do chính đáng là người bào chữa thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung, trừ trường hợp quy định tại đoạn 2 Điều 190 của BLTTHS; nếu là người khác thì Toà án cấp phúc thẩm có thể vẫn tiến hành xét xử vụ án, nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên toà có lý do chính đáng. Để bảo vệ kháng cáo, kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật theo hướng không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên toà có lý do chính đáng, thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể tiến hành xét xử vụ án, nếu qua kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, nhưng tại phiên toà xét thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo, kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm phải hoãn phiên toà.

Ví dụ 1: Bị cáo A kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn người bị hại kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo A. Tại phiên toà người bị hại có mặt, nhưng bị cáo A vắng mặt có lý do chính đáng, thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo A so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm, nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như tại phiên toà xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của người bị hại.

Ví dụ 2: Bị cáo B kháng cáo xin giảm mức bồi thường, còn nguyên đơn dân sự kháng cáo tăng mức bồi thường. Tại phiên toà bị cáo B có mặt, nhưng nguyên đơn dân sự vắng mặt có lý do chính đáng, thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho nguyên đơn dân sự so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm, nếu qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng như tại phiên toà xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự.

3.3. Bản án hoặc quyết định phúc thẩm được coi là không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên toà khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với bị cáo, nếu Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt; chuyển khung hình phạt nặng hơn; áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; không cho hưởng án treo đối với bị cáo được Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo; tăng mức bồi thường thiệt hại; áp dụng thêm hình phạt bổ sung; áp dụng thêm biện pháp tư pháp so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm;

b) Đối với các đương sự, nếu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng ngược lại kháng cáo của họ hoặc giảm quyền lợi hoặc tăng nghĩa vụ đối với họ so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

3.4. Không được coi là bản án hoặc quyết định phúc thẩm không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt tại phiên toà khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm và quyết định về án phí phúc thẩm;

b) Toà án cấp phúc thẩm sửa lỗi chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Ví dụ 1: Toà án cấp sơ thẩm nhận định trong bản án là thiệt hại về tài sản có hai khoản trị giá 115 triệu đồng và 126 triệu đồng, nhưng trong phần quyết định tuyên buộc bồi thường thiệt hại về tài sản là 231 triệu đồng. Trong trường hợp này, nếu Toà án cấp sơ thẩm chưa có đính chính thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền sửa lại là 241 triệu đồng mà không coi là không có lợi cho người phải bồi thường thiệt hại.

Ví dụ 2: Toà án cấp sơ thẩm buộc bồi thường thiệt hại, nhưng tính toán án phí dân sự sơ thẩm sai. Trong trường hợp này, nếu Toà án cấp sơ thẩm chưa có đính chính thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền tính toán án phí dân sự sơ thẩm cho đúng mà không coi là không có lợi cho người phải chịu án phí.

3.5. Sau khi khai mạc phiên toà và sau khi nghe Thư ký Toà án báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào các điều 245, 247 và 199 của BLTTHS thảo luận và thông qua tại phòng xử án quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án hoặc hoãn phiên toà. Trong trường hợp quyết định hoãn phiên toà thì không phải lập thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.

4. Về Điều 247 của BLTTHS

4.1. Phiên toà phúc thẩm cũng tiến hành như phiên toà sơ thẩm; do đó, trong trường hợp Phần thứ tư "Xét xử phúc thẩm" của BLTTHS không có quy định khác, thì khi tiến hành phiên toà phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm phải thực hiện đúng các quy định tương ứng về phiên toà sơ thẩm tại Chương XVIII, XIX, XX, XXI và XXII của BLTTHS và hướng dẫn tại các phần II, III, IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của BLTTHS năm 2003.

4.2. Khi bắt đầu phiên toà, thay cho việc đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà. Lời khai mạc của chủ toạ phiên toà phải có nội dung như sau:

"Hôm nay, ngày... tháng... năm..., Toà... (tên Toà án cấp phúc thẩm) mở phiên toà phúc thẩm để xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo... (nếu có một hoặc hai bị cáo thì nói đầy đủ họ, tên của bị cáo; nếu có từ ba bị cáo trở lên, thì nói họ tên của bị cáo trong số các bị cáo bị Toà án cấp sơ thẩm xử phạt mức án cao nhất và thêm các chữ "và các bị cáo khác") bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử về tội (các tội)..., do có kháng cáo, kháng nghị của... (chỉ cần nói theo địa vị tố tụng của người tham gia tố tụng, như "bị cáo", "người bị hại"...; tên của Viện kiểm sát kháng nghị). Thay mặt Hội đồng xét xử phúc thẩm tôi tuyên bố khai mạc phiên toà".

4.3. Trước khi bắt đầu xét hỏi thay cho việc đọc bản cáo trạng, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo, kháng nghị.

5. Về Điều 252 của BLTTHS

Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm chỉ hủy bản án sơ thẩm về phần quyết định dân sự để điều tra lại hoặc xét xử lại thì việc điều tra lại hoặc xét xử lại được tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự. Nếu cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để giải quyết được đúng đắn khi xét xử sơ thẩm lại thì việc tiến hành các việc đó được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm về phần quyết định dân sự để giải quyết trong một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu, thì việc thụ lý, giải quyết vụ án dân sự khác đó khi có yêu cầu được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự.

III. VIỆC GỬI HỒ SƠ VỤ ÁN CHO VIỆN KIỂM SÁT

CÙNG CẤP VỚI TOÀ ÁN CẤP PHÚC THẨM

1. BLTTHS không quy định việc Toà án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên toà phúc thẩm, thì Toà án cấp phúc thẩm cần chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, Toà án cấp phúc thẩm cần kiểm tra tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị và xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày thụ lý hồ sơ vụ án, Toà án cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu. Khi chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, Toà án cấp phúc thẩm cần yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp chuyển cho Toà án cấp phúc thẩm chứng cứ mà Viện kiểm sát mới thu thập được và danh sách những người cần triệu tập tham gia phiên toà phúc thẩm (nếu có).

3. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương nghiên cứu hồ sơ vụ án trong thời hạn là mười ngày; Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao và Toà án quân sự trung ương yêu cầu Viện phúc thẩm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương nghiên cứu hồ sơ vụ án trong thời hạn là hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Trong trường hợp cần gia hạn thêm thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án, thì Viện kiểm sát phải thông báo cho Toà án biết, nhưng thời hạn gia hạn thêm tối đa không quá năm ngày. Toà án cấp phúc thẩm yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp chuyển trả hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm chậm nhất là khi hết thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án.

IV. CÁC MẪU VĂN BẢN TỐ TỤNG

Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1. Biên bản về việc kháng cáo (Mẫu số 01a dùng cho Toà án cấp sơ thẩm);

2. Quyết định giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) vụ án (Mẫu số 01b dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm);

3. Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (Mẫu số 01c dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm xét lý do kháng cáo quá hạn);

4. Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (Mẫu số 01d dùng cho Hội đồng xét xử xét lý do kháng cáo quá hạn);

5. Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị (Mẫu số 01đ dùng cho Toà án cấp sơ thẩm);

6. Thông báo về việc rút kháng cáo (kháng nghị) (Mẫu số 01e dùng cho Toà án cấp phúc thẩm);

7. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (Mẫu số 02a dùng cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà);

8. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (Mẫu số 02b dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm);

9. Biên bản nghị án (Mẫu số 02c dùng cho Hội đồng xét xử phúc thẩm);

10. Biên bản phiên toà hình sự phúc thẩm (Mẫu số 02d);

11. Bản án hình sự phúc thẩm (Mẫu số 02đ).

V. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2005 và có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

Chánh án

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Hiện

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.