• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/1990
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 62-TC/TCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1990

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 391-HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch.

____________________________

 Thi hành Nghị định số 391-HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định thi hành Điều 32 Luật thuế tiêu thụ dặc biệt về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng được phép xuất khẩu nhập khẩu phi mậu dịch, sau khi đã báo cáo Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I.- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU ĐỐI VỚI  HÀNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHI MẬU DỊCH.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 391-HĐBT ngày 10-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch được áp dụng đối với các đối tượng sau đây :

1. Hàng hoá đồ vật vượt các tiêu chuẩn hành lý được miễn thuế mang theo người của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam.

2. Hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu để làm hàng mẫu, quảng cáo, Hội chợ triển lãm;

3. Hàng hoá mua bán, trao đổi giữa cư dân trong khu vực biên giới Vịệt Nam với cư dân trong khu vực biên giới nước tiếp giáp;

4. Hàng hoá là quà biếu, quà tặng của các tổ chức, cá nhân, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hoặc gửi về cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và ngược lại;

5. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của công dân Việt Nam được Nhà nước cử đi hợp tác chuyên gia, hợp tác lao động và học tập ở nước ngoài;

6. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam hoặc của các cá nhân người nước ngoài làm việc tại các tổ chức nói trên và tại các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

7. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là tài sản di chuyển, tài sản thừa kế.

II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ, GIÁ TÍNH THUẾ VÀ THUẾ SUẤT

 1. Căn cứ tính thuế

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch


=

Số lượng, trọng lượng hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế


x

Giá tính thuế


x

Thuế suất

2. Giá tính thuế:

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 391-HĐBT, Bộ Tài chính cùng với Tổng cục Hải quan khẩn trương nghiên cứu xây dựng giá tính thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch để áp dụng thống nhất trong cả nước. Trong khi chờ đợi, trước mắt, tạm thời áp dụng theo bảng giá tính thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch được ban hành kèm theo công văn số 1178-TC/CTN ngày 7 tháng 8 năm 1989 và hướng dẫn bổ sung tại công văn 1333-TC/CTN ngày 31 tháng 8 năm 1990 của Bộ Tài chính.

Đối với các mặt hàng chưa ghi trong bảng giá tính thuế nói trên của Bộ Tài chính, nhưng thực tế có xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch tại địa phương thì Cục thuế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cùng với cơ quan Hải quan cùng cấp, căn cứ vào nguyên tắc định giá quy định tại Điều 4 của Nghị định số 391-HĐBT để xây dựng giá tính thuế đối với từng mặt hàng làm cơ sở để tính thuế. Trước khi địa phương công bố thực hiện, phải gửi bảng giá tính thuế về Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) và cục giám quản (Tổng cục Hải quan) để theo dõi chỉ đạo.

Các địa phương không được quy định giá tính thuế trái với các văn bản Bộ Tài chính đã hướng dẫn.

3. Biểu thuế và thuế suất.

Theo quy định tại Điều 32 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 391-HĐBT ngày 10 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng thì biểu thuế và thuế suất của thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu phi mậu dịch được thực hiện như sau:

a) Về thuế nhập khẩu phi mậu dịch: Được thực hiện thống nhất theo danh mục mặt hàng và thuế suất ghi ở cột thuế suất phổ thông ở từng chương, nhóm hàng, mặt hàng quy định tại biểu thuế nhập khẩu hàng mậu dịch.

b) Về thuế xuất khẩu phi mậu dịch:

- Đối với các mặt hàng sản xuất trong nước được thực hiện thống nhất theo thuế suất ghi ở cột thuế suất phổ thông của từng nhóm, mặt hàng quy định tại Biểu thuế xuất khẩu hàng mậu dịch.

- Đối với hàng nhập khẩu tái xuất thì thực hiện theo biểu thuế ban hành kèm theo thông tư này. Hàng nhập khẩu tái xuất phải nộp thuế xuất khẩu phi mậu dịch theo biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư này là: hàng sản xuất ở nước ngoài đã nhập vào Việt Nam được xuất khẩu phi mậu dịch.

III. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, CƠ QUAN THU THUẾ VÀ MIỄN GIẢM THUẾ

1. Đối tượng nộp thuế, cơ quan thu thuế:

Theo quy định tại các Điều 3 và 8 Nghị định số 391-HĐBT ngày 10 tháng 11 năm 1990 thì mọi tổ chức và cá nhân có hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam đều là đối tượng nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch. Các đối tượng nộp thuế có trách nhiệm kê khai đầy đủ số hàng thực xuất, thực nhập và nộp thuế đầy đủ cho cơ quan Hải quan trước khi đem hàng hoá ra khỏi khu vực cửa khẩu, biên giới để xuất ra nước ngoài hoặc nhập vào nội địa.

Việc tổ chức thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch trong phạm vi cả nước thuộc trách nhiệm của ngành hải quan.

Bộ tài chính giao cho Tổng cục thuế Nhà nước nhiệm vụ tổ chức kiển tra, giám sát việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch của ngành Hải quan.

2. Về miễn giảm thuế:

a) Các trường hợp sau đây thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước:

- Bộ Tài chính cùng Tổng cục Hải quan quy định tiêu chuẩn hành lý mang theo người khi xuất cảnh, nhập cảnh được miễn thuế; trình Hội đồng Bộ trưởng cho công bố để thực hiện;

- Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức Quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và của cá nhân người nước ngoài làm việc tại các tổ chức nói trên và tại các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo Nghị quyết số 131-HĐBT ngày 27-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng;

- Hàng hoá nhập khẩu của công dân Việt Nam được Nhà nước cử đi hợp tác chuyên gia hợp tác lao động công tác và học tập ở nước ngoài thực hiện theo Quyết định số 175-HĐBT ngày 17-11-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

Theo Điều 7 Nghị định số 391-HĐBT thì một số trường hợp đặc biệt như: hàng xuất khẩu, nhập khẩu là hàng mẫu, quảng cáo hội chợ triển lãm, là tài sản di chuyển, tài sản thừa kế... Bộ Tài chính xem xét giải quyết miễn, giảm thuế cho từng trường hợp cụ thể.

Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được xem xét miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch phải gửi đến Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) các loại giấy tờ sau đây :

- Đơn xin miễn, giảm thuế, nêu rõ nội dung của việc xuất khẩu, nhập khẩu, lý do xin miễn, giảm thuế.

- Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá phi mậu dịch do cơ quan Hải quan cấp.

- Các giấy tờ khác có liên quan đến hàng hoá xuất, nhập khẩu như vận đơn, giấy báo nhận hàng v.v... để chứng minh thực chất của việc xuất khẩu, nhập khẩu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký .

Bộ tài chính đề nghị các Bộ, các ngành, uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phổ biến chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phi mậu dịch đến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến xuất, nhập khẩu và nhân dân biết để thi hành; đồng thời chỉ đạo ngành thuế và các ngành có liên quan ở địa phương thực hiện đúng chính sách thuế của Nhà nước, phản ánh kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đang cập nhật

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.