• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 27/05/2009
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 118/2003/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 29 tháng 7 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý giá

_______________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ - CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cục Quản lý giá là tổ chức thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất quản lý nhà nước về giá trong phạm vi cả nước và thực hiện quản lý giá một số hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giá;

2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định kiểm soát giá độc quyền; nguyên tắc và phương pháp xác định giá, khung giá các loại đất theo từng vùng và thời gian; quyết định giá một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng theo quy định của pháp luật;

3. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phương án giá hoặc thẩm định phương án giá do các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước xây dựng đối với tài sản, hàng hoá, dịch vụ quan trọng, giá sản phẩm, hàng hoá do Nhà nước đặt hàng hoặc trợ giá để Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định;

4. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn thẩm định viên về giá và điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm định giá; thống nhất quản lý hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

5. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, giải thích chính sách, chế độ về chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực giá và các thông báo giá theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

6. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội về việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá;

7. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dịch vụ niêm yết giá hàng hoá dịch vụ tại địa điểm bán hàng hoá hoặc nơi giao dịch mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ;

8. Chủ động phát hiện chênh lệch giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và đề xuất báo cáo Bộ biện pháp xử lý;

9. Phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý các khiếu nại, tố cáo về hành vi bán phá giá hoặc phát hiện có hành vi bán phá giá, liên kết độc quyền về giá và tiến hành kiểm soát chi phí sản xuất, lưu thông giá hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức cá nhân liên kết độc quyền về giá; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm trên;

10. Chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức thu nhập thông tin, phân tích tình hình giá cả và sự biến động giá cả; dự báo xu hướng diễn biến chỉ số giá thị trường trong và ngoài nước; đề xuất các giải pháp bình ổn giá;

11. Thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật và những quy định về quản lý giá; tham gia nghiên cứu khoa học và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ về giá;

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giá theo nhiệm vụ được giao; chuẩn bị tài liệu, nội dung hiệp thương giá khi có yêu cầu của Chính phủ;

13. Được nhận báo cáo, thông tin, tài liệu cần thiết về quản lý giá và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cung cấp các tài liệu có liên quan đến quản lý giá;

14. Tổ chức quản lý cán bộ, công chức; đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức của Cục Quản lý giá  theo quy định của nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

15. Quản lý tài chính và tài sản được giao theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính và quy định của pháp luật;

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

Điều 3: Cơ cấu tổ chức  bộ máy

1. Phòng Chính sách tổng hợp

2. Phòng Giá đất

3. Phòng Giá hàng công nghiệp, tiêu dùng;

4. Phòng Giá hàng nông, lâm, thuỷ sản;

5. Phòng Giá tư liệu sản xuất;

6. Phòng Hành chính tổng hợp;

Đơn vị sự nghiệp:

Tạp chí Thị trường - Giá cả.

Nhiệm vụ cụ thể các phòng và Tạp chí Thị trường - Giá cả do Cục trưởng Cục Quản lý giá quy định.

Biên chế của Cục Quản lý giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Cục Quản lý giá là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 4. Lãnh đạo Cục Quản lý giá

Cục Quản lý giá có Cục trưởng và một số phó Cục trưởng.

Cục trưởng có trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức của Cục theo quy định của Bộ; quản lý tài chính, tài sản được giao theo đúng quy định; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp với năng lực chuyên môn được đào tạo; tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về toàn bộ hoạt động của Cục.

Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2003.

Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ và Chánh Văn phòng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.