• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 17/04/2018
UBND TỈNH BẠC LIÊU
Số: 15/2018/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bạc Liêu, ngày 5 tháng 4 năm 2018

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định bảo vệ môi trường

trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 101/TTr-STNMT ngày 29 tháng 3 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện nội dung Quyết định này; đồng thời, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân được biết và thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 4 năm 2018 và thay thế Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

Lê Minh Chiến

QUY ĐỊNH

Bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND

ngày 05 tháng 4  năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi  trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

3. Quy định này không áp dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến chăn nuôi vịt chạy đồng.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

Điều 3. Điều kiện của cơ sở chăn nuôi, các trang trại, chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung

1. Vị trí, địa điểm xây dựng trang trại, chuồng trại:

a) Vị trí xây dựng trang trại, chuồng trại phải phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu xem xét trên cơ sở tham chiếu các quy định của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học và điều kiện cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Khoảng cách từ trang trại, chuồng trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt; nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, chợ buôn bán gia súc được quy định cụ thể tại Điểm 2.1.1, Mục 2 của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT.

c) Địa điểm xây dựng chuồng trại, trang trại được quy định cụ thể tại Điểm 2.1.3, Mục 2 của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT.

2. Quy định về chuồng trại:

Đối với chuồng trại, cổng ra vào trại, nền chuồng, đường thoát nước thải thực hiện theo quy định tại Điểm 2.2.1, 2.2.2, 2.2.3, 2.2.5, 2.2.8, Mục 2.2 của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT; đồng thời, chuồng trại phải vệ sinh định kỳ, đảm bảo phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.

3. Quy định về xử lý chất thải:

a) Các cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong quá trình chăn nuôi.

b) Chất thải rắn phải được thu gom và xử lý theo quy định tại Điểm 2.7.2, Mục 2.7 của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT.

c) Chất thải lỏng phải được xử lý theo quy định tại Điểm 2.7.3, Mục 2.7 của QCVN 01-14:2010/BNNPTNT; nước thải sau quá trình xử lý, thải ra môi trường phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, cụ thể đối với cơ sở chăn nuôi: Có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 05 m3/ngày thì giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT; có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 02 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; có tổng lượng nước thải từ 02 m3/ngày đến dưới 05 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.

- Đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo quy mô trang trại thì ngoài việc áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT thì cần áp dụng thêm tiêu chuẩn yêu cầu vệ sinh nước thải chăn nuôi tại phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-14:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, cụ thể như chỉ tiêu: Coliform tổng có giới hạn tối đa là 5.000 MPN/100 ml, Coli phân 500 MPN/100 ml, Salmonella không phát hiện MPN/50 ml.

- Đối với nước thải chăn nuôi xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung phải tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.

d) Định kỳ phát hoang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu nuôi ít nhất 01 lần/tháng.

đ) Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 01 lần/02 tuần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu vực chăn nuôi và các dãy chuồng ít nhất 01 lần/tuần khi không có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên heo 01 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo các hướng dẫn của nhà sản xuất.

e) Đối với gia súc mắc bệnh, xác vật nuôi mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì phải thực hiện công bố dịch và tiêu hủy theo quy định của QCVN 01-41:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.

g) Đảm bảo chất lượng không khí xung quanh và tiếng ồn theo quy định hiện hành.

h) Chất thải nguy hại như: Bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, giẻ lao dính dầu, gia súc, gia cầm chết (do dịch bệnh); chất thải có các thành phần nguy hại từ quá trình vệ sinh chuồng trại, ... phải được quản lý và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại; riêng gia súc, gia cầm chết (do dịch bệnh) còn được quản lý và xử lý theo quy định về vệ sinh phòng bệnh.

Điều 4. Bảo vệ môi trường tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung

1. Quy định về vị trí, địa điểm:

a) Vị trí xây dựng cở sở, trang trại chăn nuôi gia cầm phải phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu xem xét trên cơ sở tham chiếu các quy định của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và điều kiện cụ thể, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Cơ sở, trại chăn nuôi gia cầm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện được quy định cụ thể tại Điểm 2.1.2, Mục 2.1 của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

2. Quy định về chuồng trại, trang trại chăn nuôi:

a) Thực hiện đúng theo quy định tại Điểm 2.2.1, 2.2.2, 2.2.6, 2.2.8.1, 2.2.8.2, 2.2.8.3 và 2.2.8.4, Mục 2.2 của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

b) Đối với nhà ấp trứng thì phải có hàng rào ngăn cách với bên ngoài và các khu vực khác trong trại chăn nuôi; phải bố trí phù hợp thuận lợi bảo đảm nguyên tắc một chiều tránh ô nhiễm chéo trong khu vực, bao gồm nơi nhận, phân loại và sát trùng trứng; kho bảo quản trứng; phòng để máy ấp trứng và soi trứng; phòng để máy nở; phòng chọn trống, mái, đóng hộp gia cầm con và phòng xuất sản phẩm.

3. Quy định về xử lý chất thải:

a) Khu xử lý chất thải đảm bảo các điều kiện sau:

- Phải có đủ diện tích và điều kiện xử lý chất thải rắn, nước thải và gia cầm chết; khu xử lý chất thải ở phía cuối trại, có địa thế thấp của trại chăn nuôi; có nhà ủ phân, nền được làm bằng nguyên vật liệu chắc chắn, được chia thành các ô, phân gia cầm được thu gom chuyển về nhà chứa phân, phân được đánh đống ủ theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc phương pháp tiêu độc khử trùng khác trước khi sử dụng vào mục đích khác.

- Rãnh thu gom nước thải chăn nuôi (nếu có): Thực hiện theo quy định tại Điểm 2.7.1.4, Mục 2.7 của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

- Khoảng cách bố trí lò thiêu xác hoặc hầm tiêu hủy trong khu xử lý chất thải đối với giếng nước, nguồn nước mặt và chuồng nuôi được quy định cụ thể tại Điểm 2.7.1.5, Mục 2.7 QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

- Tổng diện tích và cơ cấu diện tích giữa các khu phải thực hiện theo quy định tại Điểm 2.7.1.6, Mục 2.7 của QCVN 01-15:2010/BNNPTNT.

b) Chất thải lỏng thải ra môi trường phải được xử lý, không được thải trực tiếp ra môi trường; nước thải trong quá trình chăn nuôi đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi, cụ thể đối với cơ sở chăn nuôi: Có tổng lượng nước thải lớn hơn hoặc bằng 05 m3/ngày thì giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải chăn nuôi khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải phải đạt QCVN 62-MT:2016/BTNMT; có tổng lượng nước thải nhỏ hơn 02 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; có tổng lượng nước thải từ 02 m3/ngày đến dưới 05 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học) hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.

- Đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại thì ngoài áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT thì cần áp dụng thêm tiêu chuẩn quy định tại Bảng 4, Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, cụ thể như chỉ tiêu: Coliform tổng số có giá trị tối đa là 5.000 MPN/100,ml, Coli phân 500 MPN/100 ml và Salmonella không phát hiện MPN/50 ml.

- Đối với nước thải chăn nuôi xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung phải tuân thủ theo quy định của đơn vị quản lý và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.

c) Chất thải rắn phải được xử lý các mầm bệnh, trước khi sử dụng vào mục đích khác; chất độn chuồng phải được chuyển ra khỏi chuồng ngay sau khi gia cầm được chuyển ra khỏi chuồng, sau đó làm sạch, tẩy uế, khử trùng và để trống chuồng thời gian ít nhất 15 ngày trước khi nuôi gia cầm mới.

d) Không khí chuồng nuôi phải đạt các chỉ tiêu quy định tại Bảng 2, Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, cụ thể như sau: Vi khuẩn hiếu khí có giá trị tối đa là 106/m3, NH3 là 10 ppm, H2S là 05 ppm; không khí tại trại ấp trứng gia cầm phải đạt các tiêu chí quy định tại Bảng 3, Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT, cụ thể như sau: Nồng độ H2S có giá trị tối đa là 0,008 mg/m3, nồng độ NH3 là 0,02mg/m3, vi khuẩn hiếu khí là 5,0 x103 vi khuẩn/m3, độ nhiễm nấm mốc không khí là 5,0 x103 bào tử/m3.

đ) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ, bảo đảm phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh.

e) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh và theo quy định tại QCVN 01-41:2011/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu xử lý vệ sinh đối với việc tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.

Điều 5. Bảo vệ môi trường đối với hộ chăn nuôi (chăn nuôi nông hộ)

1.  Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các khu dân cư tập trung.

2. Chuồng nuôi gia súc, gia cầm phải tách biệt với nhà ở; cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở, trục giao thông chính tối thiểu 100 m; không được làm chuồng trên sông, kênh, mương, rạch công cộng.

3. Không thả rông để gia súc, gia cầm nuôi gây mất vệ sinh môi trường.

4. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo vệ sinh, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

5. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân thực hiện các quy định về xử lý chất thải chăn nuôi tại Khoản 3, Điều 3 và Khoản 3, Điều 4 của Quy định này.

Điều 6. Quy định về lập hồ sơ môi trường

1. Đối với dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 1.000 m2 trở lên thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết trình cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

2. Đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại dưới 1.000 m2 phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cơ quan chức năng xác nhận theo thẩm quyền.

3. Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2 không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

NHÀ NƯỚC, TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VỀ

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

Điều 7. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi và thực hiện các nhiệm vụ

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.

2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

3. Tổ chức thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc thẩm quyền quy định; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của các dự án theo thẩm quyền.

4. Phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm.

5. Tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm

1. Phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thú y và các quy định khác có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

2. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững; quy hoạch phát triển chăn nuôi hoặc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống lò giết mổ tập trung của tỉnh Bạc Liêu.

3. Phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan thẩm định các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch hệ thống lò giết mổ tập trung của tỉnh Bạc Liêu.

4. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo điều kiện cụ thể của tỉnh.

5. Tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

6. Phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y, giống vật nuôi và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

7. Phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về thú y, giống vật nuôi và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan.

Điều 9. Công an tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 10. Sở Y tế chịu trách nhiệm

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm lây nhiễm qua người cho cộng đồng, xã hội, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường; tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm qua người trên địa bàn tỉnh; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh chịu trách nhiệm

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú y, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn mình quản lý.

2. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường và quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi.

3. Phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dung khác có liên quan.

4. Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo thẩm quyền.

5. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường, về thú y, giống vật nuôi trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền.

6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường trong hoạt động chăn nuôi liên huyện hoặc giữa huyện với thị xã, thành phố theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường.

7. Chỉ đạo các Phòng, Ban trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, về thú y, giống vật nuôi cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Quy định này.

8. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn mình quản lý thực hiện đúng nội dung của Quy định này và các quy định khác có liên quan.

Điều 13. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm

1. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi trên phạm vi địa bàn mình quản lý.

2. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, khu vực thuộc phạm vi quản lý và các nội dung khác có liên quan; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y và các nội dung khác có liên quan.

3. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi đối với hoạt động chăn nuôi; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.

4. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về thú y hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, về chăn nuôi cấp trên trực tiếp.

5. Tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về bảo vệ môi trường, thú y và giống vật nuôi trong hoạt động chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định có liên quan.

Điều 14. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi có trách nhiệm

1. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y và các quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Quy định này.

2. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi để sản xuất khí đốt sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế sự biến đổi khí hậu.

3. Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận.

4. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở chăn nuôi hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

5. Chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; cung cấp đầy đủ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn thanh tra, kiểm tra khi đến làm việc; chấp hành và thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của đoàn thanh, kiểm tra.

6. Thực hiện xử lý triệt để ổ dịch bệnh động vật do cơ sở mình phát sinh theo quy định tại Khoản 1, Điều 25 của Luật Thú y.

7. Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và nhân viên thú y cấp xã.

8. Trả chi phí khắc phục hậu quả vi phạm; bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật do mình gây ra về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

9. Chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm Quy định này gây thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Minh Chiến

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.