• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/09/2021
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Số: 56/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Định, ngày 14 tháng 9 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

Quy định khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 260/TTr-SNN ngày 08/9/2021.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định khung các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định, bao gồm:

1. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên;

2. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước đầu tư; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật;

3. Đối với rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng thì áp dụng như rừng sản xuất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến phương pháp định giá rừng, khung giá rừng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Giá rừng tự nhiên: Giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (Gtn) được tính bằng tiền cho 01 ha, bao gồm giá cây đứng (G) và giá quyền sử dụng rừng (Gsd).

a) Giá cây đứng rừng tự nhiên (G) là giá trị cây gỗ tại rừng, được tính bằng tiền cho 01 ha của khu rừng.

b) Giá quyền sử dụng rừng tự nhiên (Gsd) là tổng thu nhập được tính bằng tiền cho 01 ha mà chủ rừng được hưởng từ rừng trong thời gian được giao rừng, cho thuê rừng.

2. Giá rừng trồng: Giá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng trồng được tính bằng tiền cho 01 ha rừng trồng mà chủ rừng được hưởng từ rừng trong thời gian được giao rừng, cho thuê rừng. Giá rừng trồng bao gồm tổng chi phí đầu tư tạo rừng (CPrt) và thu nhập dự kiến (TNrt) đối với rừng trồng tại thời điểm định giá.

a) Chi phí đã đầu tư (CPrt) là tổng hợp toàn bộ chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp từ thời điểm bắt đầu trồng rừng đến thời điểm định giá.

b) Thu nhập dự kiến (TNrt) bao gồm thu từ gỗ và các nguồn khác từ thời điểm định giá cho đến hết chu kỳ kinh doanh rừng trồng.

3. Khung giá rừng: Khung giá rừng quy định giá cận dưới và giá cận trên cho các loại rừng làm căn cứ xây dựng bảng giá các loại rừng trên từng địa bàn cụ thể.

Điều 4. Mục đích

Làm căn cứ để tính tiền trong các trường hợp:

1. Định giá rừng trong trường hợp khi Nhà nước thu hồi rừng, thanh lý rừng; trường hợp làm cơ sở để tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị thu hồi, giá trị khi thanh lý rừng; giá trị làm cơ sở tính các loại thuế, phí, lệ phí chỉ được tính bằng giá quyền sử dụng rừng (Gsd) mà không tính giá trị cây đứng (G) trong cơ cấu giá rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá trị thu hồi, giá trị khi thanh lý rừng trồng; giá trị làm cơ sở để tính các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật chỉ được tính bằng thu nhập dự kiến mà không tính giá trị đã đầu tư tạo rừng trong cơ cấu giá rừng trồng.

2. Định giá rừng trong trường hợp góp vốn; cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị góp vốn, thoái vốn chỉ được tính bằng giá trị cây đứng (G) mà không tính giá quyền sử dụng rừng (Gsd) trong cơ cấu giá rừng.

b) Rừng trồng: Giá trị góp vốn, cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước bao gồm tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrtt) và thu nhập dự kiến (TNrtt).

3. Định giá rừng trong trường hợp khi có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đối với rừng; thiệt hại do thiên tai, cháy rừng và các thiệt hại khác; xác định giá trị rừng phục vụ giải quyết tranh chấp liên quan tới rừng.

a) Rừng tự nhiên: Giá trị thiệt hại bao gồm giá cây đứng, giá quyền sử dụng rừng và thiệt hại về môi trường. Hệ số điều chỉnh thiệt hại về môi trường có giá trị bằng: 05 đối với rừng đặc dụng, 04 đối với rừng phòng hộ và 03 đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá trị thiệt hại bao gồm tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt) và thu nhập dự kiến trong thời gian sử dụng rừng (TNrt) và thiệt hại về môi trường. Hệ số điều chỉnh thiệt hại về môi trường có giá trị bằng: 03 đối với rừng đặc dụng, 02 đối với rừng phòng hộ và 01 đối với rừng sản xuất.

4. Định giá rừng trong trường hợp cho thuê rừng.

a) Rừng tự nhiên: Giá khởi điểm cho thuê rừng tự nhiên chỉ được tính bằng giá quyền sử dụng rừng (Gsd) mà không tính giá trị cây đứng (G) trong cơ cấu giá rừng tự nhiên.

b) Rừng trồng: Giá cho thuê rừng trồng chỉ được tính bằng thu nhập dự kiến trong thời gian cho thuê rừng (TNrt) mà không tính giá trị tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt) trong cơ cấu giá rừng trồng.

5. Định giá rừng trong trường hợp thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng đất với rừng trồng mới trồng chưa thành rừng.

Trường hợp rừng mới trồng chưa thành rừng có liên quan đến hoạt động thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giá rừng trồng tối thiểu được xác định bằng tổng chi phí đã đầu tư tạo rừng (CPrt).

6. Định giá rừng trong trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 5. Xác định khung giá rừng

1. Khung giá rừng được xác định bằng phương pháp định giá chung đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Bảng khung giá rừng tỉnh Bình Định.

- Phụ lục 01, phụ lục 02: Khung giá rừng tự nhiên.

- Phụ lục 03: Khung giá rừng trồng phòng hộ.

- Phụ lục 04: Khung giá rừng trồng phòng hộ ven biển.

- Phụ lục 05: Khung giá rừng trồng đặc dụng.

- Phụ lục 06: Khung giá rừng trồng sản xuất.

- Phụ lục 07: Hướng dẫn sử dụng khung giá rừng.

(Có các phụ lục kèm theo Quyết định này)

3. Điều chỉnh khung giá các loại rừng

Khung giá rừng được xem xét điều chỉnh trong trường hợp khi các yếu tố hình thành giá rừng có biến động tăng hoặc giảm trên 20% so với giá quy định hiện hành liên tục trong thời gian sáu (06) tháng trở lên.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, triển khai khung giá rừng trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, cộng đồng về định giá rừng.

c) Chủ trì phối hợp Sở Tài Chính, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giá rừng đối với từng chương trình, dự án cụ thể, trên cơ sở khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh.

d) Chủ trì phối hợp Sở Tài Chính hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có quản lý rừng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và một số nội dung có liên quan đến lĩnh vực tài chính theo quy định của pháp luật.

đ) Khi có biến động giá cả trên thị trường ảnh hưởng đến khung giá, phối hợp với Sở Tài Chính đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh khung giá các loại rừng cho phù hợp.

e) Tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng nguồn thu từ việc giao rừng, cho thuê rừng, bồi thường rừng, thu hồi rừng theo các quy định.

3. Trách nhiệm của các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện.

4. Trách nhiệm của các chủ rừng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng thực hiện những nội dung có liên quan theo quy định.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2021. Bãi bỏ Quyết định số 3015/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc ban hành Quy định Khung giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định số 886/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt giá bồi thường cây rừng tự nhiên để chuyển mục đích sử dụng rừng và giá bồi thường rừng tự nhiên bị thiệt hại trong tố tụng hình sự.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tuấn Thanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.