• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/12/2006
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NỘI VỤ-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NGOẠI GIAO
Số: 29/2006/TTLT-BNG-BNV-BTC-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 11 năm 2006

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 157/2005/NÐ-CP ngày 23/12/2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

________________________________

Căn cứ Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Nghị định số 157/2005/NĐ-CP), liên tịch Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xă hội hướng dẫn thực hiện các chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điều 1 Nghị định số 157/2005/NĐ-CP (sau đây gọi là cán bộ, công chức) bao gồm :

a) Cán bộ, công chức tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài ngày 02/12/1993.

b) Cán bộ, công chức tại các Cơ quan Việt Nam khác hoạt động ở nước ngoài  hưởng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

2. Phu nhân, phu quân quy định tại Điều 9 Khoản 1 Nghị định số 157/2005/NĐ-CP (sau đây gọi là phu nhân/phu quân) bao gồm :

a) Phu nhân/phu quân của cán bộ, công chức có chức danh ngoại giao từ Bí thư thứ nhất trở lên. 

b) Phu nhân/phu quân của Trưởng Cơ quan Việt Nam khác hoạt động ở nước ngoài hưởng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

c) Phu nhân/phu quân của cán bộ, công chức hưởng chỉ số sinh hoạt phí ngoài nước tương đương chỉ số sinh hoạt phí của Bí thư thứ nhất (180%) trở lên.

II. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ (SHP)

1. Nguyên tắc :

Chế độ SHP được áp dụng thống nhất đối với cán bộ, công chức cùng công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Người giữ chức vụ cao hơn được hưởng chỉ số SHP cao hơn.

2. Mức SHP tối thiểu :

a) Mức SHP tối thiểu được xây dựng trên cơ sở tầm quan trọng của địa bàn, cường độ, khối lượng công việc và giá cả sinh hoạt của từng địa bàn, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

b) Mức SHP tối thiểu tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài gồm có 3 mức : 500; 450 và 400 đô-la Mỹ/người/tháng. Danh sách các nước hưởng mức SHP tối thiểu được quy định cụ thể tại Bảng mức sinh hoạt phí tối thiểu tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư này (Phụ lục I kèm theo), trong đó giữ nguyên mức 400 đô-la Mỹ/người/tháng để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

3. Chỉ số SHP :

a) Chỉ số SHP của cán bộ, công chức được xác định trên cơ sở chức danh tiêu chuẩn, chức vụ và hệ số mức lương trong nước. Chỉ số SHP được quy định cụ thể trong quyết định cử cán bộ, công chức đi công tác nhiệm kỳ của cơ quan có thẩm quyền. Tiền SHP của các đối tượng được hưởng tính trên cơ sở tiền đô-la Mỹ, theo số ngày thực tế có mặt ở nước sở tại.

b) Ban hành kèm theo Thông tư này 5 Bảng chỉ số SHP (Phụ lục II kèm theo) áp dụng cho các đối tượng nêu tại Mục I của Thông tư, cụ thể như sau :

- Bảng 1 : Áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ ngoại giao.

- Bảng 2 : Áp dụng đối với cán bộ, công chức trong các ngành hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể.

- Bảng 3 : Áp dụng đối với chuyên ngành quân đội, an ninh và công an không giữ chức vụ ngoại giao.

- Bảng 4 : Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức kỹ thuật hậu cần, nhân viên hành chính, phục vụ.

- Bảng 5 : Áp dụng đối với các đối tượng là phu nhân/phu quân.

III. CÁC CHẾ ĐỘ KHÁC

1. Chế độ chung :

Trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ, công chức và phu nhân/phu quân được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, điện, nước, chất đốt, các phương tiện làm việc và sinh hoạt thiết yếu theo quy định và hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.

2. Thời gian làm việc và chế độ nghỉ phép:

a) Thời gian công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài là 03 năm, tức 36 tháng (kể cả thời gian bàn giao công việc), tính từ ngày đến nhận công tác.

b) Thời gian làm việc một ngày là 8 giờ, một tuần làm việc 5 ngày.

c) Cán bộ, công chức được nghỉ phép, nghỉ những ngày lễ, Tết và nghỉ ốm đau theo quy định của pháp luật về lao động.

Ngoài ra, cán bộ, công chức được nghỉ làm việc và hưởng nguyên SHP những ngày lễ chính thức của nước sở tại.

3. Trợ cấp chiến tranh, dịch bệnh :

Cán bộ, công chức ở các địa bàn trong thời kỳ có chiến tranh, dịch bệnh nghiêm trọng đe doạ tính mạng được hưởng trợ cấp 30% mức SHP tối thiểu áp dụng đối với địa bàn đó. Căn cứ báo cáo của Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và xét tình hình thực tế tại chỗ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ xem xét, quyết định địa bàn và thời gian được hưởng hoặc thôi không được hưởng khoản trợ cấp này.

4. Chế độ tiền lương :

Trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ, công chức được hưởng 40% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở trong nước. Phu nhân/phu quân là cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian hưởng chế độ phu nhân/phu quân tại các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương cơ bản hiện hưởng trong nước.

Cơ quan quản lý và chi trả tiền lương trước khi đi nước ngoài cho các đối tượng trên đây có trách nhiệm thực hiện việc chi trả các khoản tiền lương nêu trên.

5. Chế độ bảo hiểm xã hội :

a) Trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại các Cơ quan Việt nam ở nước ngoài, cán bộ, công chức thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Mục I của Thông tư được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất như khi công tác ở trong nước theo quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hiểm xã hội.

Cơ quan quản lý cán bộ, công chức trước khi đi nước ngoài hàng tháng có trách nhiệm đóng phần đóng bảo hiểm xã hội cho chế độ hưu trí và tử tuất, đồng thời trích từ tiền lương của cán bộ, công chức để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

b) Phu nhân/phu quân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Mục I của Thông tư được thực hiện đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian ở nước ngoài cho chế độ hưu trí, tử tuất như sau :

 - Phu nhân/phu quân là cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội như đối với cán bộ, công chức theo quy định tại điểm (a) trên đây.

- Phu nhân/phu quân không phải là cán bộ, công chức nhà nước nhưng đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi đi nước ngoài thì mức đóng là tổng mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động cho chế độ hưu trí, tử tuất trên mức tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội trước khi đi nước ngoài.

Cơ quan quản lý cán bộ, công chức có phu nhân/phu quân thuộc đối tượng này, hàng tháng có trách nhiệm thu tiền đóng bảo hiểm xã hội của phu nhân/phu quân để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

6. Phụ cấp đối với cán bộ, công chức nữ và phu nhân :

Nữ cán bộ, công chức và phu nhân được hưởng phụ cấp hàng tháng 5% mức SHP tối thiểu tại nước công tác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ các Thông tư liên tịch số 22/2001/TTLT/BTCCBCP-BTC ngày 09/5/2001 của liên Bộ Tài chính - Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ “Hướng dẫn điều chỉnh chỉ số sinh hoạt phí đối với cán bộ, công chức công tác tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài” và Thông tư liên tịch số 41/TT/LB ngày 01/7/1997 của liên Bộ Tài chính - Bộ Ngoại giao “Hướng dẫn bổ sung thực hiện Điều 1-2 Mục V Nghị định 105/CP ngày 22/6/1965 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chế độ đối với vợ (chồng) cán bộ ngoại giao được cử đi công tác dài hạn ở nước ngoài.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

3. Các Bộ, ngành có Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành và các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có văn bản đề nghị gửi về Bộ Ngoại giao để trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Tuấn

Trần Xuân Hà

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Ngoại giao
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Phú Bình

Huỳnh Thị Nhân

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.