• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/07/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2017
UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG
Số: 03/2010/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 21 tháng 7 năm 2010

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Những năm qua, sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ; công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tăng cường triển khai thường xuyên và đạt hiệu quả nhất định; công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. 

Tuy nhiên, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm như: chưa kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm sử dụng trong chế biến thực phẩm; việc sử dụng các hóa chất, phụ gia không đúng quy định trong chế biến, bảo quản thực phẩm còn phổ biến; việc kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại một số nơi chưa được quản lý tốt; các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra và có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thiết lập trật tự kỷ cương trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung công việc sau: 

1. Đối với các doanh nghiệp, trường học có tổ chức bếp ăn tập thể, căng - tin, cửa hàng thực phẩm, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn:

a) Người đứng đầu doanh nghiệp, hiệu trưởng trường học, chủ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn được tổ chức trong đơn vị;

b) Phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ được phép hoạt động dịch vụ ăn uống sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của bếp ăn tập thể tại đơn vị, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp VSIP:

a) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong nhà trường và trong khu công nghiệp;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng ngừa, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể;

c) Thống kê số lượng cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, số cơ sở đạt vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường và khu công nghiệp. Xây dựng kế hoạch phối hợp Sở Y tế tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, thẩm định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể; bảo đảm 100% các bếp ăn tập thể trong nhà trường và khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2010.

3. Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện ngay một số công việc sau:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và có hướng dẫn cụ thể các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể để các cơ sở thực hiện;

b) Tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hướng dẫn và tổ chức thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở theo phân cấp quản lý;

c) Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế và các đơn vị chuyên ngành trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

d) Xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể theo hướng thực hành vệ sinh tốt (GHP), thực hành sản xuất tốt (GMP), và hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) trong nhà trường và khu công nghiệp.

4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản, thủy sản thực phẩm. Tổ chức quản lý và chỉ đạo thực hiện tốt quy trình sản xuất, nuôi trồng để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nông phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

b) Có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thủy hải sản, nhất là các cơ sở kinh doanh cá biển, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến dị ứng cá biển;

c) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất, phân bón, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản;

d) Xây dựng quy hoạch các vùng rau an toàn, khu giết mổ tập trung. Tổ chức kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản và thực phẩm ở dạng tươi sống.

5. Giám đốc các sở, ban ngành liên quan:

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:

a) Xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa Phòng Y tế huyện, Trung tâm Y tế huyện, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm;

b) Chỉ đạo Phòng Y tế huyện, Trung tâm Y tế huyện, các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể ở ngoài khu, cụm công nghiệp, các trường học trên địa bàn; chỉ đạo quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm do UBND huyện, thị cấp phép phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm;

c) Chỉ đạo điều tra, nắm bắt tình hình biến động và thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Làm rõ nguyên nhân tỷ lệ cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đạt thấp, xây dựng kế hoạch xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở theo phân cấp quản lý;

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong phạm vi phân cấp quản lý, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;

e) Tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo “thực hành sản xuất tốt”, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn để có nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.

7. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với các đoàn thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đoàn thể liên quan: phối hợp với Sở Y tế, các ngành, đơn vị, địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kiến thức và văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Giám đốc các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Hoàng Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.