• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2017
UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG
Số: 01/2007/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 9 tháng 1 năm 2007

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

__________________

Động vật hoang dã là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của đất nước, góp phần quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành cho con người. Mọi người dân phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã nhất là các loài quý, hiếm đang có nguy cơ bị  tuyệt chủng, tạo môi trường sống cho chúng, để chúng được bảo tồn và phát triển.

Thời gian qua, việc khai thác sử dụng trái phép động vật rừng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước nói chung và ở Bình Dương nói riêng. Tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, giết mổ các loài động vật hoang dã nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng làm ảnh hưởng không tốt trong dư luận xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

Ngày 03/12/2004 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, đồng thời từng bước lập lại trật tự trong việc quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện nghiêm một số nội dung như sau:

1. Cấm săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ, quảng cáo, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định hiện hành của pháp luật.

Mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện đúng Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ. Việc khai thác động vật rừng quý, hiếm chỉ được thực hiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, quan hệ hợp tác quốc tế và phải có phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm của chúng phải có giấy tờ hợp pháp theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, việc đánh bắt, bẫy, lấy các loài động vật hoang dã thông thường khác từ tự nhiên về để gây nuôi phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm kèm theo).

2. Cấm các tụ đểm buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên và sản phẩm của chúng. Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn không được quảng cáo, bày bán thức ăn chế biến từ động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên và sản phẩm của chúng không có giấy tờ hợp pháp.

3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình, Báo Bình Dương, Uỷ ban nhân dân  các xã, phường, thị trấn tuyên truyền sâu rộng các quy định của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã.

4. Nhà nước khuyến khích gây nuôi và phát triển các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài động vật hoang dã quý, hiếm và những loài có tên trong các phụ lục của Công ước CITES phải thực hiện đúng Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ và phải đến đăng ký tại cơ quan Kiểm lâm tỉnh. Các loài động vật hoang dã thông thường khác cho phép được đăng ký trại nuôi nhưng phải đảm bảo quy định hiện hành về đăng ký kinh doanh.

Thời gian tổ chức đăng ký từ nay đến hết ngày 28/02/2007. Sau ngày 28/02/2007 nếu phát hiện các cơ sở, cá nhân có gây nuôi động vật hoang dã không đăng ký thì phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Riêng gấu nuôi nhốt đã được cài chíp quản lý phải thực hiện đúng Quy chế quản lý gấu nuôi nhốt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Quyết định 47/2006/QĐ-BNN ngày 06/6/2006.

5. Các cơ quan chức năng như: Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã phải kịp thời lập biên bản chuyển giao cơ quan Kiểm lâm sở tại để phối hợp điều tra xử lý. Mọi vi phạm tùy mức độ nặng, nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện tốt, đồng thời phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc phản ảnh về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thị Kim Vân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.