• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2017
UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG
Số: 02/2009/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Dương, ngày 22 tháng 1 năm 2009

CHỈ THỊ

Về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT ngày 04/12/2008 về thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp để hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính theo Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội; Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

a) Thực hiện việc rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính ở địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định rõ khối lượng và mục tiêu hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trong từng tháng, qúy và hàng năm đối với từng địa bàn cụ thể.

b) Rà soát, kiện toàn bộ máy Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, bố trí đầy đủ nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết (gồm máy vi tính, máy in laser A3, máy photocopy, máy đo đạc) nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã và nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp để bảo đảm sự ổn định, tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay;

c) Rà soát các văn bản do địa phương ban hành liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sửa đổi cho phù hợp với Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành; trong đó đặc biệt chú trọng việc cải cách thủ tục theo hướng “một cửa”; không được yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm các loại giấy tờ của hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận ngoài quy định của Luật Đất đai và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã ban hành; không giải quyết thủ tục trái thẩm quyền; bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận tối đa không vượt quá qui định của Luật Đất đai;

d) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các giải pháp về đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

- Đẩy mạnh việc đo vẽ bản đồ địa chính để phục vụ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ nay đến năm 2010 cần ưu tiên các nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) mà tỷ lệ cấp giấy chứng nhận còn thấp, nhất là đối với đất ở, đất chuyên dùng và đất lâm nghiệp.

Các xã chưa có kế hoạch thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa chính trước năm 2010 thì chỉ đạo khai thác sử dụng mọi nguồn tài liệu bản đồ hiện có, kể cả các bản đồ giải thửa, bản đồ thành lập bằng ảnh chụp máy bay hoặc thực hiện đo địa chính để cấp giấy chứng nhận mà không chờ có bản đồ địa chính.

- Thực hiện nguyên tắc đo vẽ xong bản đồ địa chính đến đâu phải thực hiện ngay việc cấp giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính đến đó. Các xã đã có bản đồ địa chính mà chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đáng kể cho việc cấp giấy chứng nhận thì phải rà soát, chỉnh lý biến động và thực hiện để hoàn thành cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính trong năm 2009.

- Đối với các tổ chức sử dụng đất, cần kế thừa kết quả kiểm kê qũy đất của các tổ chức theo Chỉ thị 31/2007/CT-TTg ngày 14/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện ngay việc cấp giấy chứng nhận nhằm hoàn thành trước Quý III năm 2009. Các trường hợp đang có tranh chấp, bị lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và lập phương án để xử lý dứt điểm trong năm 2009.

- Đối với các hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất, Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, xã và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cần tập trung lực lượng tổ chức thực hiện theo từng xã; chủ động đôn đốc và tổ chức cho tất cả mọi người đang sử dụng đất thực hiện việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất mà không thụ động chờ họ đến làm thủ tục như hiện nay. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo việc xét duyệt được thực hiện kịp thời, dứt điểm, không để dây dưa kéo dài quá thời hạn quy định.

- Đối với các nông trường, lâm trường, Ban quản lý rừng đang sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hoàn thành dứt điểm việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ để đối mới, sắp xếp và phát triển nông trường quốc doanh; Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp và phát triển lâm trường quốc doanh; Thông tư hướng dẫn số 04/2005/TT-BTNMT ngày 18/7/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phân định rõ ranh giới, diện tích đất giao cho nông trường, lâm trường, Ban quản lý rừng sử dụng và Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này trong năm 2009. Phần diện tích dôi, dư sau khi sắp xếp lại các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bàn giao ngay cho Uỷ ban nhân dân huyện, xã nơi có đất để quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân trong năm 2010 theo quy định của pháp luật đất đai;

e) Đặc biệt coi trọng việc lập, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai:

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở tất cả các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Uỷ ban nhân dân cấp xã để bảo đảm nguyên tắc mọi thửa đất đã cấp giấy chứng nhận phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở cấp cấp;

- Các địa phương đã cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận các loại đất, cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ địa chính, tổ chức thực hiện tốt việc đăng ký biến động và chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp theo đúng qui định tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính.

- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính (còn gọi là hồ sơ địa chính dạng số) để sử dụng ở các cấp tỉnh, huyện thay thế cho việc lập hồ sơ địa chính trên giấy nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý đất đai và yêu cầu công khai hoá thông tin đất đai trong thị trường bất động sản hiện nay. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho các phường, thị trấn và các xã.

2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, báo, đài của địa phương lập kế hoạch và thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức (thông qua các diễn đàn, báo chí, phát thanh, truyền hình, giao lưu trực tuyến…) để người dân nhận thức trách nhiệm trong việc đăng ký đất đai, quyền lợi khi được cấp giấy chứng nhận và tự giác làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, thủ tục về biến động đất đai theo quy định của pháp luật đất đai.

3. Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở tất cả các cấp để phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện.

4. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí đủ kinh phí (ngoài phần hỗ trợ của Trung ương) theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm b khoản 2 mục III của Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP, nhất là trong 2 năm (2009 và 2010) nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010 theo Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội.

5. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi, tổng hợp và thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình, kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thị Kim Vân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.