• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 19/12/2010
UBND TỈNH BÌNH THUẬN
Số: 49/2010/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 9 tháng 12 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước

lòng sông, huyện tuy phong, tỉnh Bình Thuận

__________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;

Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy lợi thủy điện;

Căn cứ Quyết định số 48/2002/QĐ-BNN ngày 10 tháng 6 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tiêu chuẩn: Hồ chứa nước - Công trình thủy lợi Quy định về lập và ban hành Quy trình vận hành điều tiết;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 186/TTr-SNN ngày 18 tháng 11 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Lòng Sông, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành

 


QUY TRÌNH VẬN HÀNH ĐIỀU TIẾT HỒ CHỨA NƯỚC

LÒNG SÔNG TỈNH BÌNH THUẬN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2010

của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

____________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mọi hoạt động có liên quan đến quản lý khai thác và bảo vệ an toàn công trình hồ chứa nước Lòng Sông đều phải tuân thủ:

1. Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998.

2. Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định thi hành Luật Tài nguyên nước.

3. Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000.

4. Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001.

5. Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

6. Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị định số 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

7. Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập.

8. Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy lợi thủy điện.

9. Quyết định số 48/2002/QĐ-BNN ngày 10 tháng 6 năm 2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tiêu chuẩn: Hồ chứa nước - công trình thủy lợi - Quy định về lập và ban hành Quy trình vận hành điều tiết;

10. Các tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành:

- Hồ chứa nước - công trình thủy lợi - Quy định về lập và ban hành Quy trình vận hành điều tiết (14TCN 121-2002);

- Công trình thủy lợi - các quy định chủ yếu về thiết kế (TCXDVN 285:2002);

- Công trình thủy lợi kho nước - Yêu cầu kỹ thuật trong quản lý và khai thác (14TCN 55-88);

- Quy phạm công tác thủy văn trong hệ thống thủy nông (14TCN 49-86);

- Các tiêu chuẩn, quy phạm khác có liên quan tới thiết kế công trình thủy công của hồ chứa nước.

Điều 2. Việc vận hành điều tiết lũ hồ chứa nước Lòng Sông phải đảm bảo

1. An toàn công trình theo chỉ tiêu phòng chống lũ với tần suất lũ thiết kế P = 1%, tương ứng với mực nước cao nhất là 78,24 m; với tần suất lũ kiểm tra P = 0,2%, tương ứng với mực nước cao nhất là 79,65 m.

2. Cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt theo nhiệm vụ thiết kế được duyệt.

3. Việc vận hành cống lấy nước, tràn xả lũ phải tuân thủ Quy trình vận hành của công trình này đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 3. Trình tự, phương thức vận hành cửa van đập tràn

1. Các cửa van được đánh số từ 1 đến 6 theo thứ tự từ trái qua phải nhìn từ phía thượng lưu.

2. Mở cửa tràn:

- Nếu mở 1 cửa thì mở cửa số 3 hoặc số 4;

- Nếu mở 2 cửa thì mở cửa số 3 và số 4, hai cửa đều mở lên đều;

- Nếu mở 4 cửa thì mở cửa số 2, 3, 4 và 5, các cửa phải mở lên đều;

- Trường hợp cần thiết có thể mở cả 6 cửa lên đều.

3. Đóng cửa tràn:

Khi lưu lượng đỉnh lũ về hồ không còn gây nguy hiểm và công trình hết xả lũ thì thứ tự thao tác đóng cửa tràn theo quy trình ngược lại.

- Trường hợp đang mở 6 cửa:

+ Yêu cầu đóng 2 cửa thì đóng cửa số 1 và 6;

+ Yêu cầu đóng 4 cửa thì đóng cửa số 1, 2, 5 và 6;

+ Yêu cầu đóng 5 cửa thì đóng cửa số 1, 2, 3, 5 và 6;

+ Yêu cầu đóng 6 cửa thì đóng cả 6 cửa xuống đều.

- Trường hợp đang mở 4 cửa:

+ Yêu cầu đóng 2 cửa thì đóng cửa số 2 và 5;

+ Yêu cầu đóng 3 cửa thì đóng cửa số 2, 3, và 5.

- Trường hợp đang mở 2 cửa, muốn đóng 1 cửa thì đóng cửa số 3.

Điều 4.

1. Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Lòng Sông, tỉnh Bình Thuận là cơ sở pháp lý để Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận thực hiện vận hành điều tiết hồ chứa nước Lòng Sông.

2. Trong mùa mưa lũ, khi xuất hiện các tình huống đặc biệt chưa được quy định trong Quy trình này, việc vận hành điều tiết và phòng, chống lụt bão của hồ chứa Lòng Sông phải theo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận trực tiếp là Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận.

Chương II

VẬN HÀNH ĐIỀU TIẾT TRONG MÙA LŨ

Điều 5. Trước mùa mưa lũ hàng năm, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải thực hiện:

1. Kiểm tra công trình theo đúng quy định hiện hành, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng, đảm bảo công trình vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.

2. Căn cứ vào dự báo khí tượng thủy văn mùa lũ hàng năm và Quy trình này, lập "Kế hoạch tích, xả nước cụ thể trong mùa lũ", làm cơ sở vận hành điều tiết hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình và tích đủ nước phục vụ theo các yêu cầu dùng nước, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.

3. Lập phương án phòng chống lụt bão cho hồ chứa Lòng Sông, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Quy định cấp xả lũ:

a) Cấp 1: lưu lượng xả lũ từ 300 m3/s đến 700 m3/s;

b) Cấp 2: lưu lượng xả lũ từ 700 m3/s đến 1.300 m3/s;

c) Cấp 3: lưu lượng xả lũ từ 1.300 m3/s đến 1.768 m3/s;

d) Cấp 4: lưu lượng xả lũ lớn hơn 1.768 m3/s.

Điều 6. Điều tiết giữ mực nước hồ trong mùa lũ

1. Trong quá trình vận hành điều tiết, mực nước hồ chứa phải thấp hơn hoặc bằng tung độ "Đường phòng phá hoại" trên biểu đồ điều phối (phụ lục III).

2. Mực nước hồ cao nhất ở cuối các tháng trong mùa lũ được giữ như sau:

Thời gian (ngày/tháng)

30/9

31/10

30/11

31/12

Mực nước cao nhất (m)

74,00

76,95

76,95

76,95

Điều 7. Khi mực nước hồ vượt quá giới hạn quy định tại khoản 2, Điều 6, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải sẵn sàng xả lũ. Trước khi tiến hành xả lũ, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải:

1. Căn cứ vào diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, hiện trạng các công trình đầu mối, đặc điểm vùng hạ du hồ chứa, Quy trình kỹ thuật quản lý vận hành và bảo trì thiết bị cơ khí đầu mối và Quy trình này để quyết định việc xả lũ (số cửa, độ mở và thời gian mở).

2. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận về việc xả lũ.

3. Thông báo cho chính quyền địa phương để phổ biến đến nhân dân vùng hạ du và các cơ quan liên quan về việc xả lũ, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Điều 8. Vận hành xả lũ đảm bảo an toàn công trình đập

1. Khi mực nước hồ cao hơn quy định tại khoản 2, Điều 6 nhưng chưa vượt quá 76,95 m, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận quyết định cho phép giữ mực nước hoặc vận hành cửa tràn để xả lũ theo quy định.

2. Khi mực nước hồ đạt 76,95 m và tiếp tục lên nhanh, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận vận hành tràn có cửa để xả lũ, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, giữ mực nước hồ không vượt quá 78,24 m.

3. Khi mực nước hồ vượt quá 78,24 m, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định phương án xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa đồng thời triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du.

4. Hiệu lệnh thông báo xả nước qua tràn tại khu vực đầu mối công trình hồ chứa nước Lòng Sông:

- Khi đập tràn đang ở trạng thái đóng hoàn toàn: 30 phút trước khi xả kéo còi 2 hồi, mỗi hồi còi dài 20 giây, cách nhau 10 giây;

- Khi đập tràn đang ở trạng thái xả mà tăng thêm lưu lượng xả đến giá trị lũ cấp 1 (từ 300 m3/s đến 700 m3/s): kéo 3 hồi còi, mỗi hồi còi dài 20 giây, cách nhau 10 giây;

- Khi đập tràn đang ở trạng thái xả mà tăng thêm lưu lượng xả đến giá trị lũ cấp 2 (từ 700 m3/s đến 1.300 m3/s): kéo 4 hồi còi, mỗi hồi còi dài 20 giây, cách nhau 10 giây;

- Khi đập tràn đang ở trạng thái xả mà tăng thêm lưu lượng xả đến giá trị lũ cấp 3 (từ 1.300 m3/s đến 1.768 m3/s): kéo 5 hồi còi, mỗi hồi còi dài 20 giây, cách nhau 10 giây;

- Khi xảy ra các trường hợp đặc biệt cần phải xả nước khẩn cấp để đảm bảo an toàn công trình thì kéo 5 hồi còi, mỗi hồi còi dài 50 giây, cách nhau 5 giây, sau khi kết thúc hiệu lệnh mới được phép xả;

- Khi đập tràn kết thúc xả nước xuống hạ du thì kéo 1 hồi còi dài 20 giây.

Chương III

VẬN HÀNH ĐIỀU TIẾT HỒ CHỨA TRONG MÙA KIỆT

Điều 9. Trước mùa kiệt hàng năm, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải căn cứ vào lượng nước trữ trong hồ, dự báo khí tượng thủy văn và nhu cầu dùng nước, lập "Phương án cấp nước trong mùa kiệt", báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, thông báo cho các hộ dùng nước trong hệ thống.

Điều 10. Điều tiết giữ mực nước hồ trong mùa kiệt

1. Trong quá trình vận hành điều tiết, mực nước hồ chứa phải cao hơn hoặc bằng tung độ "Đường hạn chế cấp nước" trên biểu đồ điều phối (phụ lục III).

2. Mực nước hồ thấp nhất ở cuối các tháng trong mùa kiệt như sau:

Thời gian (ngày/tháng)

31/01

28/02

31/3

30/4

31/5

30/6

31/7

31/8

Mực nước thấp nhất (m)

70,50

66,50

65,00

60,00

59,00

57,00

57,00

54,00

Điều 11. Khi mực nước hồ cao hơn hoặc bằng tung độ "Đường hạn chế cấp nước" Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận đảm bảo cấp đủ nước cho các nhu cầu dùng nước theo phương án cấp nước.

Điều 12. Vận hành cấp nước trong một số trường hợp đặc biệt

1. Khi mực nước hồ thấp hơn tung độ "Đường hạn chế cấp nước" và cao hơn mực nước chết, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải thông báo cho các hộ dùng nước thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, đề phòng thiếu nước vào cuối mùa kiệt.

2. Khi mực nước hồ bằng hoặc thấp hơn mực nước chết, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải lập phương án, kế hoạch sử dụng dung tích chết, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận quyết định và thực hiện.

Chương IV

VẬN HÀNH ĐIỀU TIẾT KHI HỒ CHỨA CÓ SỰ CỐ

Điều 13. Khi công trình đầu mối của hồ chứa (đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước) có dấu hiệu xảy ra sự cố gây mất an toàn cho công trình, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định xả nước, hạ mực nước hồ xuống đến mức đảm bảo an toàn cho các công trình đầu mối của hồ chứa đồng thời đề xuất các phương án xử lý và giải pháp thực hiện.

Điều 14. Khi cửa tràn xả lũ, cống lấy nước có sự cố không vận hành được, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải triển khai ngay biện pháp xử lý sự cố đồng thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định, biện pháp khẩn cấp hạ nhanh mực nước hồ đảm bảo an toàn công trình và phương án khắc phục hậu quả.

Chương V

QUAN TRẮC CÁC YẾU TỐ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Điều 15. Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải quan trắc, đo đạc, lập sổ theo dõi mực nước, lượng mưa và các yếu tố khí tượng thủy văn khác theo quy định tại các Quy phạm, Tiêu chuẩn ngành hiện hành (14TCN 49-86 và 14TCN 55-88).

Điều 16. Hàng năm, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải tính toán và dự báo lượng nước đến hồ làm cơ sở để lập kế hoạch tích, cấp và xả nước. Đồng thời căn cứ vào lượng mưa của các trạm đo mưa ở đầu nguồn để tính toán xả lũ. Căn cứ vào lưu lượng bình quân các tháng đến hồ làm cơ sở tích nước phục vụ sản xuất.

Điều 17. Tính toán và kiểm tra lưu lượng lũ, lưu lượng kiệt

1. Kết thúc các đợt xả lũ và sau mùa lũ hàng năm, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận lập báo cáo đánh giá việc xả lũ bao gồm: lưu lượng xả, số cửa tràn xả lũ, thời gian xả, tổng lượng xả, diễn biến mực nước hồ, ảnh hưởng đối với vùng hạ du.

2. Hàng năm, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận tiến hành điều tra, đo đạc, tính toán lưu lượng và tổng lượng nước đến hồ, lưu lượng kiệt, ghi chép, lưu trữ tài liệu trên để phục vụ công tác quản lý khai thác hồ.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN

Mục I. CÔNG TY KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI BÌNH THUẬN

Điều 18.

1. Thực hiện các quy định trong Quy trình này để vận hành điều tiết hồ, đảm bảo an toàn công trình và tích đủ nước đáp ứng các nhu cầu dùng nước.

2. Hàng năm tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện Quy trình, nếu thấy cần thiết sửa đổi hoặc bổ sung Quy trình phải báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.

Điều 19.

1. Yêu cầu các cấp chính quyền, ngành liên quan và địa phương trong hệ thống thủy lợi hồ Lòng Sông thực hiện Quy trình này.

2. Lập biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các hành vi ngăn cản, xâm hại đến việc thực hiện Quy trình này.

Điều 20. Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chịu trách nhiệm tổ chức vận hành điều tiết hồ chứa Lòng Sông các trường hợp sau:

1. Điều tiết cấp nước khi mực nước hồ cao hơn hoặc bằng tung độ "Đường hạn chế cấp nước" của biểu đồ điều phối.

2. Điều tiết cấp nước khi mực nước hồ thấp hơn tung độ "Đường hạn chế cấp nước" của biểu đồ điều phối nhưng chưa xuống đến mực nước chết.

3. Điều tiết cấp nước khi mực nước hồ thấp hơn mực nước chết theo phương án sử dụng dung tích chết đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

4. Quyết định xả lũ trong các trường hợp như quy định tại khoản 1, Điều 7; khoản 1, khoản 2, khoản 3, Điều 8 Quy trình này.

5. Lập kế hoạch và dự trù kinh phí hàng năm trình các cấp có thẩm quyền. Tổ chức thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa trước và sau mùa mưa lũ nhằm duy trì năng lực công trình, đảm bảo sử dụng lâu dài và an toàn.

Mục II. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH THUẬN

Điều 21.

1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận thực hiện Quy trình này đặc biệt là việc vận hành xả lũ của hồ chứa.

2. Giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy trình theo thẩm quyền.

3. Thẩm định nội dung sửa đổi, bổ sung quy trình theo đề nghị của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, đồng thời xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định.

Điều 22.

1. Phê duyệt phương án, kế hoạch sử dụng dung tích chết của hồ chứa tại khoản 2, Điều 12 Quy trình này và theo dõi việc thực hiện.

2. Thẩm định phương án phòng chống lụt bão hàng năm của hồ Lòng Sông, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt và theo dõi thực hiện.

3. Theo dõi việc thực hiện cấp nước trong mùa kiệt của hồ chứa như ở khoản 1, Điều 12.

4. Phê duyệt vận hành xả lũ trong trường hợp tại khoản 1, Điều 8.

Mục III. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Điều 23.

1. Chỉ đạo, giám sát các ngành, các cấp có liên quan trong hệ thống thực hiện Quy trình.

2. Xử lý các hành vi ngăn cản việc thực hiện Quy trình hoặc vi phạm các quy định của Quy trình theo thẩm quyền.

3. Tạo điều kiện cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận vận hành điều tiết hồ Lòng Sông theo quy trình.

Điều 24.

1. Quyết định việc vận hành điều tiết xả lũ hồ chứa nước Lòng Sông khi xảy ra tình huống như quy định tại Điều 4; khoản 3, Điều 8 và Điều 13 Quy trình này.

2. Quyết định biện pháp khẩn cấp đảm bảo an toàn công trình và phương án khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống như quy định tại Điều 14 Quy trình này.

3. Chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận và các ngành các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ khi xảy ra tình huống quy định tại khoản 2 Điều 4, khoản 3 Điều 8, Điều 13 và Điều 14 Quy trình này.

4. Huy động nhân lực, vật lực để xử lý và khắc phục các sự cố của hồ chứa nước Lòng Sông.

5. Phê duyệt và quyết định sửa đổi, bổ sung Quy trình theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.

Mục IV. CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN HUYỆN, XÃ TRONG HỆ THỐNG

Điều 25.

1. Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định tại Quy trình này.

2. Ngăn chặn, xử lý và thông báo cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận những hành vi ngăn cản việc thực hiện Quy trình hoặc vi phạm các quy định của Quy trình theo thẩm quyền.

3. Thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi hồ chứa xả lũ và trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp.

Điều 26.

1. Tuyên truyền vận động nhân dân địa phương thực hiện đúng các quy định trong Quy trình này và tham gia phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn công trình hồ chứa nước Lòng Sông.

2. Huy động nhân lực, vật lực, phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phòng chống lụt bão, bảo vệ và xử lý sự cố công trình.

Mục V. CÁC HỘ DÙNG NƯỚC VÀ ĐƠN VỊ HƯỞNG LỢI KHÁC

Điều 27.

1. Nghiêm chỉnh thực hiện Quy trình này.

2. Hàng năm, phải ký hợp đồng dùng nước với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, để Công ty có căn cứ lập kế hoạch cấp nước, xả nước hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế và an toàn công trình.

3. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định có liên quan được nêu tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, các văn bản pháp quy có liên quan đến việc quản lý khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa nước Lòng Sông.

Điều 28. Nghiêm cấm các hành vi sau đây không được xảy ra trong phạm vi bảo vệ

- Lấn chiếm đất để sử dụng cho mục đích khác;

- Thả trâu bò ăn cỏ, uống nước trên bờ đập;

- Nổ mìn gây chấn động;

- Vận tải qua công trình bằng các xe tải lớn;

- Thả rác và xác súc vật chết xuống lòng hồ, kênh mương;

- Các hành động có tính chất xâm hại tài sản và phá hoại.

Chương VII

VẬN HÀNH HỒ CHỨA NƯỚC LÒNG SÔNG KHI CÓ HỒ CHỨA NƯỚC PHAN DŨNG Ở THƯỢNG LƯU

Khi hồ Phan Dũng xây dựng xong và đi vào hoạt động, chế độ tích nước và xả nước phải tuân thủ theo quy trình vận hành của hồ Lòng Sông như sau:

Điều 29.

1. Trong mùa kiệt hồ chứa nước Phan Dũng phải trả lại hoàn toàn lượng nước đến tự nhiên cho hồ chứa nước Lòng Sông vào những tháng mùa kiệt (từ tháng 1 đến tháng 8).

2. Hồ chứa nước Phan Dũng cần thiết kế cống lấy nước đầu mối đảm bảo khẩu diện để trả đủ lưu lượng mùa kiệt cho hồ chứa nước Lòng Sông.

Điều 30. Trong các tháng mùa lũ sau khi hồ Lòng Sông tích nước đạt cao trình như trong khoản 2, Điều 6 của Quy trình này thì hồ Phan Dũng mới được phép tích nước vào hồ để phục vụ các yêu cầu cấp nước, tuy nhiên trong thời gian tích nước hồ Phan Dũng vẫn phải đảm bảo đến ngày 01 tháng 12 mực nước hồ Lòng Sông đạt cao trình 76,95 m.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 31.

1. Mọi quy định về vận hành điều tiết hồ chứa nước Lòng Sông trước đây trái với những quy định trong Quy trình đều bãi bỏ.

2. Trong quá trình thực hiện Quy trình này, nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận phải tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận trình Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định.

Điều 32. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy trình sẽ được khen thưởng theo quy định. Mọi hành vi vi phạm Quy trình sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Huỳnh Tấn Thành

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.