• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/07/2020
BỘ CÔNG AN
Số: 55/2020/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3 tháng 6 năm 2020

THÔNG TƯ

Quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra,

giải quyết vụ cháy, nổ của lực lượng Công an nhân dân

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ của lực lượng Công an nhân dân.  

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ; tiếp nhận, xử lý tin báo về cháy, nổ của lực lượng Công an nhân dân.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các lực lượng khác trong Công an nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ.

Điều 3. Nguyên tắc điều tra và phối hợp điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ

1. Tất cả các vụ cháy, nổ xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện theo quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật khác có liên quan, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát điều tra và các lực lượng khác trong Công an nhân dân phải phối hợp chặt chẽ khi điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ bảo đảm tập trung, thống nhất theo chỉ đạo của Thủ trưởng Công an các cấp; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan.

3. Cơ quan cấp dưới chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ của cơ quan cấp trên; cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn

1. Tiếp nhận tin báo của cá nhân, cơ quan, tổ chức về các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn và khẩn trương tổ chức xác minh để báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền phối hợp giải quyết.

2. Khi xác định có vụ cháy, nổ, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) có trách nhiệm báo cáo ngay cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gần nhất; đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện); cử cán bộ có mặt kịp thời tại hiện trường vụ việc, tổ chức đưa người bị nạn đi cấp cứu, bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường; phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra cháy, nổ theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

3. Phát hiện, ghi nhận các dấu vết, vật chứng để lại hiện trường; phối hợp các lực lượng xác định thiệt hại ban đầu về người, tài sản; tìm người biết việc để lấy lời khai, xác định sơ bộ về vùng cháy, nổ đầu tiên, đặc điểm âm thanh, ánh sáng của vụ cháy, nổ hoặc ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), số điện thoại của họ để phục vụ công tác điều tra. Báo cáo cụ thể tình hình có liên quan và bàn giao những công việc đã làm cho cơ quan, người có thẩm quyền.

4. Phối hợp với Cơ quan điều tra, cơ quan, đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền trong công tác điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ khi được yêu cầu.

Điều 5. Trách nhiệm của Công an cấp huyện đã thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức điều tra, giải quyết các vụ cháy, nổ xảy ra thuộc địa bàn quản lý (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra hình sự Quân đội nhân dân), cụ thể như sau:

1. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

a) Có mặt ngay sau khi nhận được tin báo vụ cháy, nổ để triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xác định nhanh thiệt hại ban đầu, xác định người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; bàn giao hiện trường để lực lượng Công an cấp xã tổ chức bảo vệ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra lời khai ban đầu của nhân chứng, xác định sơ bộ vùng cháy, nổ đầu tiên.

b) Phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp, lực lượng Kỹ thuật hình sự, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp trên thực hiện khám nghiệm hiện trường và các hoạt động điều tra khác.

c) Tiếp nhận và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền vụ cháy, nổ  không có dấu hiệu tội phạm nhưng có dấu hiệu vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy do Cơ quan điều tra chuyển giao.

2. Lực lượng Cảnh sát điều tra

a) Chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng Kỹ thuật hình sự, tiến hành điều tra, giải quyết ngay từ ban đầu đối với các vụ cháy, nổ.

Trong quá trình điều tra, giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thụ lý điều tra theo thẩm quyền hoặc chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý điều tra.

b) Tiếp nhận hồ sơ, vật chứng và tổ chức điều tra các vụ cháy, nổ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, đơn vị khác chuyển giao để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 6. Trách nhiệm của Công an cấp huyện chưa thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định, xác định nhanh thiệt hại ban đầu; chủ trì, phối hợp với các lực lượng có liên quan bảo vệ hiện trường, xác định người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan.

2. Chủ trì tổ chức điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ xảy ra thuộc địa bàn (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của Cơ quan điều tra cấp trên, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân).

3. Phối hợp, cử người tham gia điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra cấp trên, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

4. Tiếp nhận và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền vụ cháy, nổ  không có dấu hiệu tội phạm nhưng có dấu hiệu vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy do các Cơ quan khác chuyển giao.

Điều 7. Trách nhiệm của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh

1. Tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy và triển khai các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

2. Chủ trì, phối hợp với Công an cấp huyện chưa thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xác định nhanh thiệt hại ban đầu; phối hợp bảo vệ hiện trường, xác định người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan.  

3. Chủ trì điều tra, giải quyết vụ cháy không có thiệt hại về người, không có yếu tố nước ngoài và thiệt hại về tài sản ban đầu dưới 100.000.000 đồng tại cơ sở được phân cấp quản lý về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn cấp huyện chưa thành lập Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Khi tiến hành giải quyết ban đầu vụ cháy nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện thẩm quyền điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp có căn cứ xác định vụ cháy không thuộc thẩm quyền thì chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết và cử cán bộ phối hợp thực hiện các hoạt động điều tra theo yêu cầu.

4. Tiếp nhận và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền vụ cháy, nổ  không có dấu hiệu tội phạm nhưng có dấu hiệu vi phạm hành chính về phòng cháy và chữa cháy do các cơ quan khác chuyển giao.

Điều 8. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh

Tiến hành điều tra, giải quyết các vụ cháy, nổ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các vụ cháy, nổ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi có nhiều tình tiết phức tạp xét thấy cần trực tiếp điều tra.

Điều 9. Trách nhiệm của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh

1. Tiếp nhận, tổ chức điều tra vụ cháy, nổ có dấu hiệu tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia và các tội phạm khác thuộc thẩm quyền hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

2. Đối với vụ cháy, nổ sau khi tiếp nhận, tổ chức điều tra nhưng quá trình điều tra xác định vụ cháy, nổ có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Tiếp nhận, tổ chức điều tra ban đầu, giải quyết các vụ cháy do Bộ trưởng Bộ Công an giao; phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp điều tra vụ cháy, nổ khi có yêu cầu.

2. Khi tiến hành giải quyết ban đầu vụ cháy nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện thẩm quyền điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân theo quy định  của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

3. Tiếp nhận và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền vụ cháy không có dấu hiệu tội phạm nhưng có dấu hiệu vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy do Cơ quan điều tra chuyển giao.

Điều 11. Trách nhiệm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

Tiến hành điều tra vụ cháy, nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại.

Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an

Tiến hành điều tra vụ cháy, nổ thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 13. Trách nhiệm lực lượng Kỹ thuật hình sự

Lực lượng Kỹ thuật hình sự có trách nhiệm tham gia khám nghiệm hiện trường, giám định dấu vết tại hiện trường vụ cháy, nổ khi có yêu cầu của Cơ quan điều tra, Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 14. Trách nhiệm của lực lượng khác trong Công an nhân dân

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong quá trình điều tra, giải quyết, xử lý các vụ cháy, nổ.

Điều 15. Điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ liên quan đến trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của các thành viên các cơ quan này

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh trở lên chủ trì điều tra vụ cháy, nổ liên quan đến trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của các thành viên các cơ quan này theo quy định của Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong quá trình điều tra, giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thụ lý điều tra theo thẩm quyền hoặc chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền thụ lý điều tra.

Điều 16. Điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ liên quan đến người, cơ sở, tài sản của Quân đội nhân dân

1. Đối với các vụ cháy, nổ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chuyển vụ việc, vụ án đến cơ quan có thẩm quyền của Quân đội để giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Lực lượng An ninh điều tra, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong Quân đội nhân dân khi cơ quan này thụ lý điều tra vụ cháy, nổ.

Điều 17. Công tác chuyển giao hồ sơ và chế độ thông tin, báo cáo

1. Công tác chuyển giao hồ sơ:

a) Trường hợp vụ cháy, nổ do Cơ quan điều tra đã thụ lý, giải quyết được  quy định tại khoản 2 Điều 5 và các điều 6, 8, 9, 11, 12 và 15 nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

b) Khi chuyển giao hồ sơ điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ phải lập biên bản bàn giao theo quy định và được sao lưu tại cơ quan bàn giao vụ cháy, nổ; hồ sơ do cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lập khi bàn giao phải được sao lưu toàn bộ hồ sơ để theo dõi phục vụ công tác thống kê, tra cứu thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Công an.

2. Chế độ thông tin, báo cáo

a) Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sau khi tiếp nhận vụ cháy, nổ do Cơ quan điều tra chuyển giao, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có kết quả giải quyết phải có thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ biết.

b) Cơ quan điều tra các cấp chủ trì điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ theo thẩm quyền sau khi kết thúc điều tra, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có kết quả giải quyết phải thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho cơ quan, đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng cấp để phục vụ công tác báo cáo, thống kê về vụ cháy, nổ theo quy định.

3. Trường hợp chưa xác định rõ về thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 và khoản 3 Điều 7 Thông tư này hoặc chưa thống nhất về các dấu hiệu được coi là dấu hiệu của tội phạm hoặc dấu hiệu vi phạm hành chính giữa cơ quan chuyển giao và cơ quan tiếp nhận hồ sơ để điều tra, giải quyết vụ cháy, nổ thì cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm báo cáo cấp trên trực tiếp của mình để có ý kiến chỉ đạo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2020  và thay thế Thông tư số 39/2015/TT-BCA ngày 21 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết các vụ cháy, nổ của lực lượng Công an nhân dân.

2. Đối với vụ cháy, nổ đang được phân công điều tra, giải quyết theo quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BCA ngày 21 tháng 8 năm 2015 thì tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc điều tra.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp có trách nhiệm tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.