Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế

______________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ - CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định  số 94 CP ngày 6/9/1997 của Chính phủ về tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ - CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Vụ Pháp chế là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ và tổ chức thực hiện công tác pháp chế của Bộ Tài chính theo qui định của pháp luật.

Điều 2: Vụ Pháp chế có nhiệm vụ:

1. Trình Bộ chương trình xây dựng pháp luật hàng năm và dài hạn của Bộ Tài chính; tổ chức thực hiện và đôn đốc các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật sau khi được phê duyệt.

2. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các đề án về cơ chế, chính sách tài chính, các dự án, dự thảo văn bản qui phạm pháp luật theo phân công của Bộ.

3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật do Vụ soạn thảo.

4. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có liên quan kiểm tra việc thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và đề xuất việc xử lý theo thẩm quyền, thực hiện tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật tài chính.

5. Thẩm định về mặt pháp lý các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành theo phân công của Bộ.

6. Cấp ý kiến pháp lý cho các Hiệp định vay, các Điều ước quốc tế về ODA, các Thoả thuận mở tín dụng do Bộ Tài chính ký với các nước và các tổ chức quốc tế theo qui định tại các Hiệp định, Điều ước, Thoả thuận hoặc theo qui định của pháp luật; tham gia thẩm định về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản chuẩn bị để Bộ ký kết với các nước và tổ chức quốc tế khi có yêu cầu;

7. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án cơ chế, chính sách do các Bộ, ngành hoặc địa phương gửi đến xin ý kiến theo phân công của Bộ.

8. Chủ trì phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ tiến hành rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ; đề xuất và trình Bộ  phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

9. Chủ trì phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành, phát hiện những qui định do các cơ quan đó ban hành không đúng thẩm quyền hoặc trái các văn bản qui phạm pháp luật về lĩnh vực quản lý và giải quyết của Bộ Tài chính; đề xuất với Bộ trưởng Bộ Tài chính biện pháp xử lý theo qui định của pháp luật.

10. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ có liên quan tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tài chính.

11. Tư vấn về mặt pháp lý cho Bộ trong việc xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ khi có yêu cầu.

12. Đề xuất và tổ chức thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật theo phân công của Bộ.

13. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có quyền:

- Được tiếp nhận toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Được ký các văn bản giải thích, trả lời vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác của Vụ. 

 Điều 3: Vụ Pháp chế có Vụ trưởng và một số phó Vụ trưởng.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm quản lý toàn diện công chức của Vụ theo qui định của Bộ; tổ chức học tập và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Vụ Pháp chế làm việc theo chế độ chuyên viên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổ chức công việc, bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho từng công chức phù hợp với chức danh tiêu chuẩn, năng lực và chuyên môn được đào tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Biên chế của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Điều 4:  Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Quyết định số 863/QĐ/TCCB ngày 14 tháng 7 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thành lập Phòng Pháp chế thuộc Vụ Chính sách tài chính.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ và Chánh Văn Phòng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Bộ Tài chính

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng