• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/01/1980
BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP-BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 107/LB-QĐ-ĐH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 1 năm 1980

 

 

 

 

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ QUỐC PHÒNG - ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP SỐ 107/LB-QP-ĐH NGÀY 21 THÁNG 1 NĂM 1980 VỀ VIỆC HUẤN LUYỆN SĨ QUAN DỰ BỊ TRONG HỌC SINH CÁC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG

Chấp hành nghị định số 219 - CP ngày 28 tháng 12 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ về huấn luyện quân sự cho lực lượng hậu bị và dân quân tự vệ và chỉ thị số 387 - TTg ngày 27 tháng 12 năm 1979 của Thủ tướng Chính phủ về việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo toàn diện đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đưa việc huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học, cao đẳng đi vào nền nếp lâu dài, đúng quy chế của Nhà nước.

Căn cứ vào khả năng thực tế và kết quả, kinh nghiệm huấn luyện năm 1979, hai Bộ Quốc phòng và Đại học và trung học chuyên nghiệp ra thông tư liên bộ này, xác định những vấn đề cơ bản về huấn luyện sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học, cao đẳng như sau:

 

I. NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU HUẤN LUYỆN
SĨ QUAN DỰ BỊ TRONG HỌC SINH
ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

1. Góp phần vào việc thực hiện mục tiêu đào tạo toàn diện cán bộ khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ theo tinh thần cải cách giáo dục; công tác đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh các trường đại học, cao đẳng nhằm bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức cơ bản về khoa học quân sự (lý thuyết và thực hành) để sau khi tốt nghiệp ra trường, khi cần thiết có thể hoàn thành tốt nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc với cương vị người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể là bồi dưỡng cho học sinh đại học, cao đẳng nắm vững kiến thức chung và thực hành tốt những nội dung cơ bản theo chức trách của người sĩ quan sơ cấp, đồng thời trên cơ sở những kiến thức khoa học, kỹ thuật, chuyên môn đã được học, bồi dưỡng thêm kiến thức và thao tác, sử dụng khí tài quân sự, kỹ thuật quân chủng, binh chủng để đảm nhiệm chỉ huy được các phân đội quân chủng, binh chủng và chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, nhằm chuẩn bị đội ngũ sĩ quan dự bị đáp ứng yêu cầu xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang.

2. Đối với học sinh các trường đại học sư phạm, đồng thời với việc đào tạo thành sĩ quan dự bị phải bảo đảm cho học sinh khi tốt nghiệp có khả năng tham gia huấn luyện quân sự và xây dựng, rèn luyện nếp sống quân sự và xây dựng, rèn luyện nếp sống quân sự cho học sinh phổ thông để bổ sung cho đội ngũ giáo viên quân sự của các trường phổ thông trung học.

 

II. CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

A. ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO SĨ QUAN DỰ BỊ TRONG HỌC SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

Về lâu dài sẽ luấn luyện hoàn chỉnh chương trình đào tạo sĩ quan dự bị đối với tất cả học sinh các trường đại học, cao đẳng. Nhưng trong những năm trước mắt do khả năng tổ chức huấn luyện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị còn hạn chế và để bảo đảm chất lượng đào tạo nên vẫn tạm thời thực hiện như hiện nay. Cụ thể là:

1. Tiếp tục bổ sung và củng cố nội dung theo chương trình huấn luyện của người chiến sĩ mà học sinh chưa học, hoặc đã học nhưng chất lượng còn yếu và học thêm nội dung theo chương trình đào tạo tiểu đội trưởng đối với tất cả học sinh các trường đại học, cao đẳng.

2. Từng bước mở rộng việc huấn luyện chương trình hoàn chỉnh sĩ quan dự bị học sinh các trường đại học, cao đẳng. Trước mắt, năm 1980 sẽ huấn luyện ở 32 trường đại học phía Bắc và thực hiện huấn luyện thí điểm ở 3 trường phía Nam.

3. Đồng thời với việc đào tạo học sinh thành sĩ quan dự bị, các trường có thể cử cán bộ và giáo viên của trường tham gia đào tạo sĩ quan dự bị để chuẩn bị đội ngũ giáo viên quân sự cho trường. Số đồng chí này tính trong số lượng học sinh đào tạo sĩ quan dự bị nằm trong kế hoạch đã giao cho trường.

B. TRƯƠNG TRÌNH, THỜI GIAN HUẤN LUYỆN.

1. Đưa chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị vào chương trình học tập chính khoá của các trường đại học, cao đẳng nhằm kết hợp chặt chẽ nội dung giáo dục, huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật binh chủng, quân chủng với nội dung giảng dạy của các bộ môn khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo học sinh đại học, caođẳng hoàn chỉnh phục vụ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Trên cơ sở thực hiện nghị quyết cải cách giáo dục của Bộ chính trị, các cơ quan có liên quan của hai Bộ cùng các trường nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự hoàn chỉnh, có hệ thống và thừa kế nội dung huấn luyện và kiến thức quân sự của học sinh các cấp từ phổ thông đến cao đẳng, đại học. Trước mắt, năm 1980 trên cơ sở kinh nghiệm huấn luyện năm 1979, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, nghiên cứu bổ sung nội dung đào tạo sĩ quan dự bị cho phù hợp và nâng cao chất lượng đào tạo. Đối với những khoá học sinh sắp ra trường vẫn phải tập trung huấn luyện quân sự từ hai đến ba tháng vào cuối khoá. Sau khi bảo vệ xong luận án tốt nghiệp để bảo đảm huấn luyện đầy đủ chương trình đào tạo sĩ quan dự bị như năm 1979 và thời gian này được tính vào chính khoá.

Đối với các khoá mới vào trường, triển khai thực hiện ngay việc đưa chương trình huấn luyện sĩ quan dự bị vào chính khoá như văn bản của Nhà nước đã ban hành. Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo thống nhất chương trình, nội dung huấn luyện sĩ quan dự bị. Việc bố trí sắp xếp chương trình và điều chỉnh thời gian sẽ do Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cùng các Bộ có trường đại học thống nhất chỉ đạo.

C. TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN.

1. Tổ chức huấn huyện chương trình sĩ quan dự bị ngay tại trường đại học, cao đẳng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thống nhất của dồng chí hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng.

2. Lâu dài sẽ tổ chức các bộ môn quân sự trong các trường đại học, cao đẳng với đội ngũ giáo viên quân sự chuyên trách, cùng với sự tham gia kết hợp giảng dạy nội dung kỹ thuật quân sự trong nội dung khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ của giáo viên các bộ môn khác để các trường tự đảm nhiệm huấn luyện chương trình sĩ quan dự bị cho học sinh trường mình. Trước mắt, năm 1980 và một số năm tiếp theo khi chưa tổ chức được bộ môn quân sự trong các trường đại học, cao đẳng thì các trường quân đội được phân công huấn luyện, cử cán bộ và giáo viên tới các trường đại học tham gia chỉ đạo, tổ chức và thực hành huấn luyện như năm 1979.

3. Ngoài số cán bộ giáo viên do quân đội cử ra, các trường đại học, cao đẳng cần tận dụng đội ngũ giáo viên quân sự, cán bộ ban quân sự và giáo viên quân sự biệt phái hoặc số sĩ quan dự bị hiện có của trường để tham gia giảng dạy và quản lý học viên. Trường hợp cần sử dụng số sĩ quan dự bị và cán bộ, giáo viên quân sự là sĩ quan đã chuyển ngành, trực tiếp và thường xuyên tham gia làm cán bộ khung quản lý học viên các lớp đào tạo sĩ quan dự bị tập trung vào giai đoạn cuối khoá, thì số đồng chí này được hưởng các chế độ như học sinh đào tạo sĩ quan dự bị và được mang quân hàm như điều 45 trong luật 109 chế độ phục vụ sĩ quan.

D. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC.

1. Về mặt bảo đảm huấn luyện và sinh hoạt thì thực hiện như năm 1979 và theo quy định số 1536 - QP ngày 15 tháng 8 năm 1979 của Bộ Quốc phòng; thông tư số 11 - TC/TL ngày 6 tháng 9 năm 1979 của Bộ Tài chính; hướng dẫn số 503 - HC ngày 19 tháng 5 năm 1979 và chỉ thị số 698 - HC ngày 20 tháng 7 năm 1979 của Tổng cục Hậu cần.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn học sinh để đào tạo thành sĩ quan dự bị thì thực hiện theo công văn hướng dẫn số 161 - DB ngày 25 tháng 6 năm 1979 của Cục cán bộ Tổng cục chính trị.

 

III. MỘT SỐ YÊU CẦU VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tất cả các học sinh các trường đại học, cao đẳng đối với nhiệm vụ đào tạo sĩ quan dự bị trong học sinh đại học, cao đẳng, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức, về trách nhiệm và quyết tâm trong thực hiện, phát huy sức mạnh toàn trường tham gia đóng góp vào nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan dự bị.

2. Trong chỉ đạo và thực hành huấn luyện phải hết sức coi trọng chất lượng.

3. Cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đồng thời với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo năm 1980 cần chuẩn bị cơ sở cho nhiệm vụ huấn luyện lâu dài với số lượng lớn, chất lượng cao hơn của các năm sau. Kết hợp chặt chẽ giữa kết quả huấn luyện với công tác quản lý, đăng ký để bảo đảm khi cần thiết có thể động viên kịp thời.

4. Cần vận dụng những kinh nghiệm của năm 1979, đồng thời thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung nhằm luôn luôn nâng cao chất lượng. Phải hết sức chú ý cải tiến tổ chức và phương pháp giáo dục, rèn luyện, giảng dạy, học tập cho phù hợp với đối tượng học viên là học sinh đại học. Cố gắng giảm thời gian lý thuyết không cần thiết, tăng thời gian luyện tập thực hành công tác chỉ huy, quản lý, huấn luyện theo chức trách của người sĩ quan phụ trách phân đội.

5. Cần chú ý phát huy kết quả của các lớp đào tạo sĩ quan dự bị trong trường nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, rèn luyện nếp sống quân sự trong các trường, làm cho học sinh toàn trường quen dần với nếp sống quân sự, tạo cơ sở tốt cho việc đào tạo sĩ quan dự bị.

Đang cập nhật Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp

Đang cập nhật Bộ Quốc phòng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hoàng Xuân Tuỳ

Vũ Xuân Chiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.