NGHỊ ĐỊNH
Quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước
______________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 19/2003/QH11 ngày 16 tháng 11 năm 2003 về nhiệm vụ năm 2004 của Quốc hội khoá XI;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương quy định tại Nghị định này, bao gồm:
1. Công ty nhà nước:
- Tổng công ty nhà nước;
- Công ty nhà nước độc lập.
2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.
Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh;
2. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;
3. Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (không kể Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng);
4. Viên chức chuyên môn, nghiệp vụ; nhân viên thừa hành, phục vụ.
Điều 3. Ban hành kèm theo Nghị định này hệ thống thang lương, bảng lương, bảng phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, bao gồm:
1. Các thang lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh;
2. Các bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh;
3. Bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị;
4. Bảng lương của Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng;
5. Bảng lương chuyên gia cao cấp và nghệ nhân;
6. Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và bảng phụ cấp giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng;
7. Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.
Điều 4. Các chế độ phụ cấp lương, bao gồm:
1. Phụ cấp khu vực: áp dụng đối với người làm việc ở vùng xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.
Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung.
2. Phụ cấp trách nhiệm công việc: áp dụng đối với thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát (không kể Trưởng Ban kiểm soát) và những người làm một số công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc phải đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo.
Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.
3. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: áp dụng đối với người làm nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm, đặc biệt độc hại, nguy hiểm mà chưa được xác định trong mức lương.
Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.
4. Phụ cấp lưu động: áp dụng đối với người làm nghề hoặc công việc thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.
Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu chung.
5. Phụ cấp thu hút: áp dụng đối với người đến làm việc ở vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.
Phụ cấp gồm 4 mức: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương cấp bậc, chức vụ hoặc lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian hưởng từ 3 đến 5 năm.
Điều 5. Hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương quy định tại Điều 3 và Điều 4 Nghị định này làm cơ sở để:
1. Thoả thuận tiền lương trong hợp đồng lao động;
2. Xây dựng đơn giá tiền lương; thực hiện chế độ nâng bậc lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể;
3. Đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;
4. Trả lương ngừng việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động;
5. Giải quyết các quyền lợi khác theo thoả thuận của người sử dụng lao động và người lao động và quy định của pháp luật lao động.
Điều 6. Việc chuyển, xếp lương phải bảo đảm theo nguyên tắc làm công việc gì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì xếp lương theo chức vụ hoặc phụ cấp giữ chức vụ đó trên cơ sở tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên; tiêu chuẩn xếp hạng công ty.
Điều 7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và công nhân, viên chức, nhân viên theo các thang lương, bảng lương quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 3; hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp lương quy định tại Điều 4 Nghị định này; hướng dẫn phương pháp xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ viên chức, nhân viên trong các công ty;
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với các thành viên Hội đồng quản trị (không kể Tổng giám đốc, Giám đốc) theo bảng lương quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định này;
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đặc thù có tính chất lương của một số ngành, nghề;
b) Ban hành tiêu chuẩn xếp hạng công ty. Riêng đối với công ty hạng đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
c) Hướng dẫn công ty xác định hạng và đăng ký với đại diện chủ sở hữu; đăng ký với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công ty từ hạng I trở lên; trình Thủ tướng Chính phủ đối với công ty hạng đặc biệt.
Điều 8. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp, Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ về việc bổ sung hệ số mức lương chức vụ quản lý và phụ cấp chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ, Quyết định số 83/1998/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước độc lập quy mô lớn.
Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.