• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/06/2016
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
Số ký hiệu 33/2016/NĐ-CP Ngày ban hành 10/05/2016
Loại văn bản Nghị định Ngày có hiệu lực 26/06/2016
Nguồn thu thập Cổng thông tin điện tử Chính phủ Ngày đăng công báo 24/05/2016
Ngành
  • Quốc phòng
Lĩnh vực
  • Bảo hiểm xã hội
Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phạm vi
  • Toàn quốc

Thông tin áp dụng

1. Người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; người bị đình chỉ hưởng bảo hiểm xã hội do vi phạm pháp luật, thân nhân đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của người lao động chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì vẫn thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ ở từng giai đoạn. Trường hợp những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà bị chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì khi chết được áp dụng chế độ tử tuất quy định tại Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội. 2. Người lao động chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà ra viện hoặc điều trị ngoại trú bệnh đã ổn định trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, nhưng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mới giải quyết chế độ tử tuất hoặc chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thực hiện theo quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ ở từng giai đoạn. Những người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà ra viện hoặc điều trị ngoại trú bệnh đã ổn định từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội. 3. Người lao động đã hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần hoặc hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, nếu vết thương, bệnh cũ tái phát hoặc lại bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giám định lại hoặc giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 45 Luật Bảo hiểm xã hội và được thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội. 4. Người lao động đã bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì khi giải quyết chế độ hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc chế độ tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi được áp dụng quy định tại Mục 4, Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội, do Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú hợp pháp giải quyết. 5. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 01 tháng 10 năm 2004, hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tử tuất một lần được điều chỉnh theo chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ. 6. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này nghỉ việc đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, hoặc bảo hiểm xã hội một lần hoặc chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có phụ cấp khu vực thì kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp khu vực một lần hoặc hằng tháng theo quy định tại Điều 21 Chương IV Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. 7. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, hoặc liệt sĩ thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách Nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất quy định tại Mục 3 và Mục 5 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội. 8. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này khi phục viên, xuất ngũ và được cơ quan có thẩm quyền quyết định hưởng chế độ bệnh binh thì ngoài việc được hưởng chế độ bệnh binh do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công còn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 60 Mục 4 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội. Người đang hưởng chế độ bệnh binh, sau đó tham gia công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ngoài chế độ bệnh binh được hưởng theo quy định còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này; thời gian công tác đã tính hưởng chế độ bệnh binh không tính là thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sau này. 9. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cả 05 chế độ (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội) mà không hưởng chế độ trợ cấp theo các quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong Quân đội, công an, cơ yếu trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội: a) Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước; b) Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; c) Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10 tháng 01 năm 1982; d) Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương (sau đây được gọi tắt là Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg); đ) Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; e) Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; g) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15 tháng 12 năm 1993 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 mà chưa giải quyết chế độ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia Quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội. 10. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này thuộc biên chế tại các cơ quan, đơn vị, được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, lao động hợp tác quốc tế có thời hạn, đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước đúng hạn hoặc không đúng hạn nhưng cơ quan, đơn vị cũ không bố trí, sắp xếp được việc làm, sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được xem xét, giải quyết như sau: a) Thời gian làm việc trong nước trước khi đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ hoặc bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều này; b) Thời gian làm việc từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì được tính hưởng bảo hiểm xã hội; c) Trường hợp vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất về nước hoặc bị kỷ luật buộc phải về nước hoặc bị tù giam trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điểm a, b Khoản này. 11. Trường hợp khi cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc khi giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội mà không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì phải có văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động giải trình rõ lý do bị mất, đồng thời xác nhận về quá trình công tác có đóng bảo hiểm xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó, kèm theo các giấy tờ liên quan đến thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội, tính chất công việc, diễn biến tiền lương, chưa nhận trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Nếu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể thì cơ quan, đơn vị mới được thành lập hoặc cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thực hiện công việc nêu trên theo quy định. 12. Đối với những trường hợp người lao động bị kết án tù giam từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi hoặc xuất cảnh trái phép hoặc bị toà án tuyên bố là mất tích, sau khi chấp hành xong án phạt tù giam hoặc về nước định cư hợp pháp hoặc được toà án tuyên bố mất tích trở về, nếu chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho thời gian tham gia bảo hiểm xã hội trước đó thì cơ quan, đơn vị cũ có trách nhiệm báo cáo Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an cấp sổ bảo hiểm xã hội (nếu chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội) và giải quyết chế độ hưu trí hoặc chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thời gian công tác trước đó, giới thiệu về bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi cư trú hợp pháp tiếp nhận và giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 13. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Chương III Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định này đối với những người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương (không bao gồm người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). 14. Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, để bảo đảm đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này đã hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. 15. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.