• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/05/2001
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 622/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 22 tháng 5 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án "hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng"

_________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét Tờ trình số 2365 BKH/ĐP ngày 17 tháng 4 năm 2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án “hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng “ vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi và quy mô của dự án:

a) Dự án được triển khai thực hiện tại 611 xã thuộc 98 huyện của 13 tỉnh gồm: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Bình Phước.

b) Các nguyên tắc lựa chọn các xã nghèo tham gia dự án:

- Danh sách các xã nghèo theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 1999 và Quyết định số 42/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về số lượng các xã nghèo thuộc Chương trình 135 (Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa).

- Các xã được lựa chọn theo hai danh sách trên nhưng thuộc khu vực rừng Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và vùng đệm có mức độ di dân cao không thuộc phạm vi đầu tư của dự án.

- Các xã được đề xuất chọn lựa trong vùng dự án nhưng đang có các tổ chức tài trợ nước ngoài khác đầu tư hoặc đang được đầu tư theo Chương trình 135, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương, các tỉnh vùng dự án cùng WB xem xét và quyết định đầu tư sau hai năm đầu thực hiện dự án, đảm bảo không đầu tư trùng lặp.

2. Mục tiêu của dự án:

Mục tiêu chung là góp phần thực hiện Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam. Các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể:

a) Nâng cao năng lực cho cộng đồng ở xã trong công tác kế hoạch hoá thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức huy động cộng đồng tham gia, giám sát, quản lý xây dựng và quyết toán công trình, duy tu bảo dưỡng quá trình đưa công trình vào sử dụng.

b) Thu hẹp khoảng cách về hạ tầng cơ sở công cộng quy mô nhỏ cho các xã nghèo thông qua hoạt động đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cấp xã và liên xã vùng dự án.

c) Tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập bằng tiền cho người dân tại xã.

3. Các thành phần chính của dự án:

a) Tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện các dự án tại xã.

Thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện cho cán bộ địa phương các cấp những kiến thức và kinh nghiệm về lập kế hoạch, triển khai thực hiện và quản lý dự án hạ tầng cơ sở nông thôn, với tổng số lượt người dự kiến đưa vào đào tạo khoảng 12.467 người, gồm 858 cán bộ từ cấp huyện trở lên (riêng cấp xã là 11.609 người); thời gian đào tạo sẽ được tiến hành trong 4 năm đầu của dự án (Cấp huyện trở lên 2 năm đầu).

b) Phát triển hạ tầng cơ sở thông qua đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn theo phạm vi và quy mô sau:

- Các công trình cấp xã: mỗi xã sẽ tài trợ từ 63.000 USD đến 186.000 USD (trong vòng 3 năm, mỗi năm được nhận kế hoạch vốn một lần với một khoản vốn bằng nhau) để xây dựng hoặc sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở công cộng có quy nhỏ chủ yếu phục vụ cho thôn (bản). Toàn bộ các công trình cấp xã sẽ phục vụ tưới cho 10.710 ha; cung cấp 65.506 m3 nước/ngày đêm; cung cấp điện cho 18.611 hộ; xây dựng và sửa chữa 6.041 km đường; xây dựng 185 trạm y tế xã và 1.425 trường học.

- Các công trình liên xã: đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ cho hai xã nghèo trở lên, gồm đường giao thông, lưới điện, công trình thuỷ lợi và phòng chống lụt bão.

c) Dịch vụ hỗ trợ dự án, Thực hiện các công tác dịch vụ hỗ trợ của dự án, tập trung cho công tác quản lý và hoạt động của Ban Quản lý dự án Trung ương, các Ban Quản lý dự án tỉnh, Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật huyện và Ban Điều phối dự án xã trong quá trình tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá dự án.

4. Nguồn vốn đầu tư và phân bổ sử dụng vốn: tổng số vốn đầu tư là 123,41 triệu USD, trong đó:

a) Vốn vay WB: 102,78 triệu USD, chiếm 83,28%, được ngân sách Nhà nước cấp phát để chi cho các hoạt động sau:

- Đầu tư cho cơ sở hạ tầng: 96,35 triệu USD, trong đó hạ tầng cấp xã là 79,4 triệu USD, hạ tầng liên xã là 14,9 triệu USD, hỗ trợ lập kế hoạch và thực hiện dự án ở cấp xã 2,05 triệu USD.

- Đầu tư cho đào tạo và nâng cao năng lực: 2,59 triệu USD. Nếu WB tìm kiếm được nguồn tài trợ không hoàn lại thì khoản vốn này sẽ chuyển qua đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng của xã.

- Các hoạt động giám sát và đánh giá dự án (tư vấn trong và ngoài nước): 1,44 triệu USD. Nếu WB tìm được nguồn tài trợ không hoàn lại thì sẽ chuyển khoản vốn này cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Chi phí hỗ trợ hoạt động dự án (phương tiện đi lại, thiết bị văn phòng cho các Ban Quản lý dự án, lương cho hướng dẫn viên cộng đồng và 03 chức danh của Ban Quản lý Dự án Trung ương gồm Điều phối viên dự án, Điều phối viên đào tạo và Kế toán trưởng): 2,41 triệu USD.

b) Vốn ngân sách nhà nước: 16,81 triệu USD, chiếm 13,62%, được cân đối trong kế hoạch hàng năm của các tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được sử dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư, chi đối ứng mua trang thiết bị, chi cho đền bù tái định cư (nếu có), chi đào tạo, nâng cao năng lực cấp xã, chi cho công tác quản lý dự án các cấp.

c) Vốn đóng góp của người dân: 3,82 triệu USD, chiếm 3,1%, chủ yếu bằng ngày công lao động và vật liệu tại địa phương.

5. Không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với Dự án "Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng". Giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong vùng dự án chỉ đạo các cấp trực thuộc xây dựng báo cáo đầu tư các tiểu dự án xã và liên xã, phê duyệt đầu tư theo cơ chế của Chương trình 135 và Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

6. Thời gian thực hiện dự án: từ năm 2001 đến 2006, được phân kỳ theo từng năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Dự án

1. Cấp Trung ương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì điều phối thực hiện Dự án theo quy định hiện hành, có nhiệm vụ:

- Thành lập Ban Quản lý dự án để theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện dự án theo mục tiêu đã duyệt để quản lý và điều hành chung Dự án;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn quy trình quản lý đầu tư của Dự án “Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng”;

- Cùng cơ quan chủ trì đàm phán Dự án với WB và các cơ quan liên quan phối hợp với WB tìm nguồn vốn tài trợ không hoàn lại để chi cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực và cho chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước.

2. Cấp tỉnh: Uỷ ban nhân dân tỉnh là chủ đầu tư dự án tỉnh, có trách nhiệm:

- Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

- Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án tỉnh để quản lý và thực hiện dự án theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

- Phê duyệt (hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) phê duyệt báo cáo đầu tư các tiểu dự án xã và liên xã (không lập báo cáo tiền khả thi).

3. Cấp huyện: Uỷ ban nhân dân huyện là chủ đầu tư tiểu dự án liên xã, có trách nhiệm:

- Tổ chức và giám sát thực hiện các công trình đầu tư liên xã.

- Thành lập Nhóm Hỗ trợ kỹ thuật huyện do một Phó Chủ tịch huyện phụ trách để hỗ trợ các xã lập kế hoạch, xây dựng và trình duyệt báo cáo đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, nghiệp vụ quản lý tài chính.

4. Cấp xã: Uỷ ban nhân dân xã là chủ đầu tư tiểu dự án xã, thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở xã qua Ban Điều phối dự án xã do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã làm Trưởng Ban.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân của 13 tỉnh thuộc dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.