THÔNG TƯ
Quy định về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ
bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
_________________
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi điểm b Khoản 13, Điều 13 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 05/2013/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
2. Văn bản này áp dụng đối với các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm, học viện quản lý giáo dục, trường cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
1. Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học là việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học và các đối tượng khác có nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn du học.
2. Việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học thực hiện theo chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Điều 3. Cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
Cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học là các trường cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm, học viện quản lý giáo dục, trường cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học (sau đây gọi là cơ sở giáo dục).
Chương II
TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ TƯ VẤN DU HỌC
Điều 4. Tổ chức bồi dưỡng
Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này thực hiện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Điều 5. Thẩm quyền, hồ sơ đăng ký, trình tự thủ tục giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
1. Thẩm quyền:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc người được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cho các cơ sở giáo dục quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
2. Hồ sơ đăng ký:
Hồ sơ đăng ký nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học bao gồm:
a) Văn bản đề nghị giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;
b) Đề án đăng ký nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học, bao gồm các nội dung: lý do đăng ký, năng lực của cơ sở giáo dục, lý lịch trích ngang của các giảng viên và báo cáo viên, chương trình và kế hoạch bồi dưỡng, tài liệu giảng dạy và các minh chứng kèm theo.
3. Trình tự thủ tục:
a) Cơ sở giáo dục đăng ký nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cần gửi hồ sơ đăng ký theo quy định tại Khoản 2, Điều này về Cục Đào tạo với nước ngoài. Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký, Cục Đào tạo với nước ngoài sẽ trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
b) Trường hợp từ chối, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký, Cục Đào tạo với nước ngoài có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ sở giáo dục trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Điều 6. Giảng viên và báo cáo viên
Giảng viên và báo cáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học là giảng viên thuộc biên chế cơ hữu, hợp đồng, thỉnh giảng của các cơ sở giáo dục; khách mời, chuyên gia từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức giáo dục và đào tạo quốc tế, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học có kinh nghiệm giảng dạy hoặc kinh nghiệm làm việc phù hợp với nội dung được mời giảng.
Điều 7. Học viên
1. Học viên tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học gồm:
a) Người Việt Nam và người nước ngoài thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học;
b) Người có nhu cầu nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức và thực hiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
2. Người nước ngoài tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học phải có Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt cho người nước ngoài theo quy định hiện hành.
Điều 8. Hồ sơ đăng ký học
Quy định hồ sơ đăng ký tham gia khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học do cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học quy định theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC KIỂM TRA, THI, CẤP CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ TƯ VẤN DU HỌC
Điều 9. Tổ chức kiểm tra và thi
Việc tổ chức kiểm tra và thi được thực hiện như sau:
1. Kết thúc mỗi chuyên đề của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học sẽ có một bài kiểm tra trong thời gian tối thiểu 60 phút. Kết thúc khóa học bồi dưỡng sẽ có một bài thi trong thời gian tối thiểu 90 phút.
2. Điểm kiểm tra kết thúc chuyên đề và điểm thi kết thúc khóa học bồi dưỡng được chấm theo thang điểm 10, bài kiểm tra và thi dưới 5 điểm là không đạt yêu cầu.
3. Học viên đảm bảo tham gia tối thiểu 80% thời gian học trên lớp quy định cho mỗi chuyên đề thì được tham dự kiểm tra chuyên đề đó. Học viên có tất cả bài kiểm tra kết thúc chuyên đề đạt từ 5 điểm trở lên thì được tham dự kỳ thi kết thúc khóa học bồi dưỡng.
4. Học viên được phép kiểm tra và thi lại 02 lần nếu bài kiểm tra kết thúc chuyên đề hoặc thi cuối khóa học bồi dưỡng không đạt yêu cầu.
Điều 10. Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học
1. Những học viên có điểm của tất cả các bài kiểm tra kết thúc chuyên đề và có điểm thi kết thúc khóa học bồi dưỡng đạt từ 5 điểm trở lên thì được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
2. Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học cấp chứng chỉ cho học viên.
3. Việc quản lý, cấp phát chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học thực hiện theo Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Báo cáo và lưu trữ hồ sơ
1. Báo cáo:
Sau mỗi đợt tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học, cơ sở giáo dục thực hiện báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Đào tạo với nước ngoài) theo quy định.
2. Lưu trữ hồ sơ:
a) Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ sau mỗi đợt tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của pháp luật hiện hành về lưu trữ để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
b) Hồ sơ lưu trữ bao gồm: hồ sơ nhập học, danh sách trích ngang học viên (họ tên, năm sinh, trình độ chuyên môn, địa chỉ liên hệ, nơi thường trú); danh sách trích ngang giảng viên, báo cáo viên (họ tên, năm sinh, trình độ chuyên môn, nơi công tác, địa chỉ liên hệ), danh sách học viên được cấp chứng chỉ, đề thi, đáp án, kết quả thi, các biên bản xử lý trong khi thi, Quyết định cấp chứng chỉ, sổ gốc có chữ ký của học viên nhận chứng chỉ cho từng khóa học bồi dưỡng.
Điều 12. Thanh tra và kiểm tra
1. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Cục Đào tạo với nước ngoài và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
2. Cục Đào tạo với nước ngoài có trách nhiệm kiểm tra cơ sở giáo dục trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tổ chức quản lý bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trên địa bàn trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tổ chức quản lý, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12 tháng 8 năm 2013./.