• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/02/2015
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 28/2014/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

Quy định về việc thừa nhận phòng thử nghiệm theo các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau

về đánh giá phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin

______________________

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định về việc thừa nhận phòng thử nghiệm theo các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định các yêu cầu, thủ tục về việc thừa nhận phòng thử nghiệm theo các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (viết tắt bằng tiếng Anh là MRA) về đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

2. Thông tư này cũng quy định về việc quản lý sau thừa nhận đối với phòng thử nghiệm đã được thừa nhận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các phòng thử nghiệm(của quốc gia khác hay vùng lãnh thổ khác) hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin; và các cơ quan đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo các quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng thử nghiệm (của quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác) là tổ chức thực hiện các thao tác kỹ thuật nhằm xác định đặc tính của sản phẩm theo một quy trình nhất định.

2. Thừa nhận phòng thử nghiệm (thừa nhận kết quả thử nghiệm) là việc Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận kết quả thử nghiệm do phòng thử nghiệm của quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác thực hiện. Kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm được thừa nhận sẽ được chấp nhận để phục vụ hoạt động đánh giá phù hợp đối với các sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin ở Việt Nam.

3. Bên tham gia MRA là đại diện quốc gia (trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN) hoặc nền kinh tế (trong Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương - APEC) đã trao đổi thư triển khai thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá phù hợp đối với các sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin với Việt Nam.

4. Cơ quan chỉ định (của quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác) là tổ chức có thẩm quyền giao quyền cho phòng thử nghiệm thực hiện chức năng thử nghiệm.

5. Cơ quan công nhận (của quốc gia khác, vùng lãnh thổ khác) là tổ chức có thẩm quyền thực hiện công nhận phòng thử nghiệm đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chuẩn về hoạt động thử nghiệm.

Điều 4. Yêu cầu thừa nhận

Để được thừa nhận theo các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá phù hợp đối với sản phẩm viễn thông và công nghệ thông tin, phòng thử nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Được Bên tham gia MRA chỉ định có đủ năng lực và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận.

2. Được công nhận tuân thủ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 –"Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn" với phạm vi phù hợp với phạm vi đề nghị thừa nhận. Trường hợp sử dụng thầu phụ thì nhà thầu phụ cũng phải được Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận.

3. Phạm vi đăng ký thừa nhận của phòng thử nghiệmphù hợp với phạm vi thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá phù hợp mà Việt Nam (đại diện là Bộ Thông tin và Truyền thông) và bên tham gia MRA liên quan đã thống nhất.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị thừa nhận

1. Bên tham gia MRA gửi 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến:

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Địa chỉ: 18 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: +84(4)39437328

2. Hồ sơ đăng ký được thừa nhận bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thừa nhận của Bên tham gia MRA.

b) Biểu mẫu thông tin về phòng thử nghiệm và phạm vi đề nghị thừa nhận (Phụ lục Icủa Thông tư này).

c) Bản sao chứng chỉ công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 kèm theo phạm vi công nhận phù hợp với phạm vi đề nghị thừa nhận.

d) Mẫu kết quả thử nghiệm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam.

đ) Quy trình đánh giá được sử dụng để chỉ định phòng thử nghiệm (đối với mỗi Bên tham gia MRA).

Điều 6. Đánh giá hồ sơ đề nghị thừa nhận

1. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, đánh giá hồ sơ theo các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và đúng quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ. Bên tham gia MRA phải hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc.

2. Trường hợp đáp ứng yêu cầu tại Điều 4 Thông tư này, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và ra Quyết định thừa nhận phòng thử nghiệm và gửi đến Bên tham gia MRA trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng quy định (Phụ lục IIcủa Thông tư này).

Điều 7. Thay đổi thông tin về phòng thử nghiệm

1. Trường hợp có sự thay đổi về thông tin phòng thử nghiệm, phạm vi công nhận, phạm vi chỉ định hoặc thông tin có ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục tiến hành các hoạt động trong phạm vi được thừa nhận, Bên tham gia MRA phải gửi yêu cầu cập nhật.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét và ra Quyết định thừa nhận phòng thử nghiệm phản ánh việc thay đổi thông tin tại Khoản 1 Điều này.

Điều 8. Hủy bỏ hiệu lực thừa nhận

Trong trường hợp phát hiện phòng thử nghiệm không tuân thủ những yêu cầu của Thông tư này hoặc có đề nghị từ Bên tham gia MRA, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định hủy bỏ hiệu lực thừa nhận (Phụ lục IIIcủa Thông tư này).

Ðiều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan

1. Vụ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Bên tham gia MRA liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

b) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm thông tin cập nhật Danh sách các phòng thử nghiệm được thừa nhận trên cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

c) Tổ chức xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt để cập nhật, bổ sung Danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin theo các quy định hiện hành; thông báo đến các Bên tham gia MRA có liên quan.

2. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phối hợp hướng dẫn và triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Các phòng thử nghiệm được thừa nhận có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này, các quy định về thừa nhận lẫn nhau liên quan; và phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 2 năm 2015.

2. Bãi bỏ Quyết định số 172/2003/QĐ-BBCVT ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) quy định về việc thừa nhận các phòng thử nghiệm đã được các Bên tham gia thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về đánh giá hợp chuẩn thiết bị viễn thông với Việt Nam chỉ định.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Khoa học và Công nghệ) để kịp thời giải quyết.

4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.