THÔNG TƯ
Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật
_________________________
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ làm việc 40 giờ;
Căn cứ Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân;
Sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 3625/VHTTDL-ĐT ngày 28 tháng 10 năm 2011; ý kiến của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1519/BNV-CCVC ngày 19 tháng 4 năm 1012 góp ý Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật gồm: nhiệm vụ của giảng viên; định mức thời gian làm việc; giờ chuẩn giảng dạy; quản lý, sử dụng và áp dụng thời gian làm việc.
2. Văn bản này áp dụng đối với giảng viên giảng dạy khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp lĩnh vực đào tạo nghệ thuật, các học phần về âm nhạc, mỹ thuật của các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật
Điều 2. Quy định chế độ làm việc
Giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật thực hiện Quy định chế độ làm việc đối với giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/ 11/ 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã được sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư số 36/2010/TT-BGDĐT ngày 15/12/2010 (sau đây gọi tắt là Quy định kèm theo Quyết định 64) và một số quy định riêng sau đây:
1. Nhiệm vụ giảng dạy:
a) Hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp, thực tế chuyên môn, xây dựng đề cương và làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp.
b) Tham gia xây dựng các chương trình thực nghiệm, thực hành chuyên môn, cơ sở thí nghiệm và thực hành.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học:
Sáng tác, thiết kế, biểu diễn, dàn dựng, chuyển thể tác phẩm cùng ngành đào tạo của giảng viên.
3. Định mức giờ chuẩn giảng dạy và quy đổi ra giờ chuẩn giảng dạy:
a) Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Điều 4 của Quy định kèm theo Quyết định 64 và các quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, Điều 2 của Thông tư này được quy định như sau:
Chức danh giảng viên
|
Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy
|
Giáo sư và giảng viên cao cấp
|
360 - 440
|
Phó giáo sư và giảng viên chính
|
320 - 400
|
Giảng viên
|
280 - 360
|
b) Một tiết hướng dẫn bài tập, thực hành trên lớp cho sinh viên được tính bằng 1 giờ chuẩn.
c) Hướng dẫn thực tập, thực tế chuyên môn: 1 ngày làm việc được tính không quá 3 giờ chuẩn.
4. Quản lý, sử dụng thời gian làm việc:
Giảng viên có mức lương cao hơn thì có số giờ chuẩn nhiều hơn và không quá 460 giờ chuẩn.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo có trách nhiệm quy định chi tiết chế độ làm việc của giảng viên.
Điều 4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2012, bãi bỏ các quy định trước đây về chế độ làm việc đối với giảng viên ngành nghệ thuật, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật trái với các quy định tại Thông tư này.
Điều 5. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.