Sign In

PHÁP LỆNH

BẢO VỆ TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA

Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Để bảo vệ an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ quốc gia;

Để đề cao trách nhiệm và kỷ luật của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân dối với việc bảo vệ, quản lý và sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia.

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Pháp lệnh này qui định việc bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Tài liệu lưu trữ quốc gia là tài liệu có giá trị về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục, xã hội, khoa học, kỹ thuật, được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và các nhân vật, trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học và công tác thực tiễn.

Tài liệu lưu trữ quốc gia phải là bản chính của văn kiện hoặc tài liệu khác ghi trên giấy, phim, ảnh, băng, đĩa ghi âm, hoặc bằng các phương pháp ghi tin khác; trong trường hợp không còn bản chính mới được thay thế bằng bản sao có giá trị như bản chính.

Điều 2

Tài liệu lưu trữ quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất; không một cơ quan, tập thể hoặc cá nhân nào được chiếm làm của riêng.

Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi, cất giữ, tiêu huỷ trái phép tài liệu lưu trữ quốc gia hoặc sử dụng vào các mục đích trái với lợi ích của Nhà nước.

Điều 3

Tài liệu riêng của các cá nhân, gia đình, giòng họ và tập thể có giá trị như nói ở Điều 1 của Pháp lệnh này được Nhà nước đăng ký và bảo hộ, các cơ quan lưu trữ hướng dẫn, giúp đỡ về mặt bảo quản.

Nhà nước khuyến khích việc ký gửi, tặng tài liệu đó vào các cơ quan lưu trữ Nhà nước, cấm chuyển ra nước ngoài dưới mọi hình thức; trong trường hợp muốn bán thì chỉ được bán cho cơ quan lưu trữ Nhà nước.

Điều 4

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ các tài liệu lưu trữ quốc gia và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chế độ, quy định của Nhà nước về các tài liệu đó.

 

CHƯƠNG II

VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG

TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUỐC GIA

Điều 5

Tài liệu lưu trữ quốc gia phải được bảo quản trong các cơ quan lưu trữ Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất, ý nghĩa của tài liệu lưu trữ quốc gia, Nhà nước phân cấp cho cơ quan lưu trữ Nhà nước trung ương, địa phương hoặc chuyên ngành tập trung bảo quản.

Đối với những tài liệu đặc biệt quý, hiếm, tuyệt mật, phải lập bản sao để bảo hiểm và phải được bảo quản, sử dụng theo chế độ đặc biệt do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 6

Các cơ quan lưu trữ Nhà nước, trong phạm vi được phân cấp quản lý, phải thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự toàn vẹn của tài liệu lưu trữ quốc gia.

Điều 7

Thủ trưởng các ngành từ trung ương đến cơ sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia.

Điều 8

Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, trong quá trình hoạt động, phải tổ chức công tác lập hồ sơ và lưu trữ hồ sơ trong cơ quan, đơn vị; đến thời hạn nộp lưu thì phải nộp vào các cơ quan lưu trữ trữ Nhà nước theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 9

Việc lựa chọn những tài liệu lưu trữ quốc gia để bảo quản và loại ra những tài liệu hết giá trị để tiêu huỷ phải do Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ quyết định, theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 10

Cấm mang tài liệu lưu trữ quốc gia ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp có giấy phép của cơ quan được Hội đồng bộ trưởng uỷ nhiệm và chỉ được mang bản sao.

Điều 11

Các cơ quan của Đảng và Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân được sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia để phục vụ các nhu cầu công tác và nghiên cứu khoa học.

Công dân Việt Nam được sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia vào các nhu cầu chính đáng theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 12

Việc sử dụng và công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phải phục vụ đường lối, chính sách và bảo đảm bí mật của Đảng và Nhà nước.

Chế độ sử dụng và công bố tài liệu lưu trữ quốc gia do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 13

Người nước ngoài muốn nghiên cứu và sử dụng tài liệu lưu trữ quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được Hội đồng bộ trưởng cho phép.

 

CHƯƠNG III

CÁC CƠ QUAN LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC

Điều 14

Các cơ quan lưu trữ Nhà nước trung ương thuộc Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ; xây dựng các chế độ quản lý, chế độ nghiệp vụ lưu trữ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ đó trong cả nước; quản lý các cơ quan nghiên cứu khoa học lưu trữ, các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lưu trữ; trực tiếp quản lý các tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc.

Điều 15

Cơ quan lưu trữ ở các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, dưới sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan, quản lý công tác và tài liệu lưu trữ trong ngành và các đơn vị trực thuộc.

Cơ quan lưu trữ thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, quản lý công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ trong địa phương.

Điều 16.

Tổ chức, biên chế của các cơ quan lưu trữ Nhà nước do Hội đồng bộ trưởng quy định.

 

CHƯƠNG IV

VIỆC KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 17

Cơ quan, tập thể và cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia, phát hiện, nộp, tặng cho cơ quan lưu trữ trữ Nhà nước những tài liệu có giá trị thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 18

Người nào vi phạm những điều quy định trong Pháp lệnh này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 19

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ.

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh này.

Hội đồng Nhà nước

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trường Chinh