• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/2017
HĐND TỈNH CAO BẰNG
Số: 31/2017/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 8 tháng 12 năm 2017

   NGHỊ QUYẾT

Quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2017 - 2020

_____________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG 
  KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 6

 

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;  

Xét Tờ trình số 3691/TTr-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

           

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Nghị quyết này quy định cụ thể một số nội dung về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020, quy định tại Thông tư số 15/2017TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính.

 2. Các nội dung về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, không quy định tại Nghị quyết này, thực hiện theo Thông tư số 15/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cân nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhóm hộ, cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong đó ưu tiên: người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; Tạo điều kiện người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án.

III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức hỗ trợ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế:

 a) Mức chi hỗ trợ đối với các dự án, mô hình: tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án, mô hình;

b) Mức chi hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án, mô hình cả giai đoạn 2017 - 2020:

- Hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập: hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ;

- Hộ cận nghèo, hộ nghèo thiếu hụt chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: hỗ trợ tối đa không quá 07 triệu đồng/hộ;

- Hộ mới thoát nghèo: hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/hộ.

c) Chi xây dựng và quản lý dự án: mức chi không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án.

 2. Mức chi xây dựng, hỗ trợ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo:

a) Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo:

- Mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng:

+ Điều kiện hỗ trợ: mô hình có số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia tối thiểu 15 hộ trở lên;

+ Mức hỗ trợ: ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/ 01 mô hình. Các hộ gia đình tham gia mô hình được hỗ trợ theo điểm b, khoản 1 mục III điều này và được hưởng thêm tiền công (định mức công lao động theo định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành, đơn giá ngày công theo quy định của UBND tỉnh);

+ Địa bàn thực hiện: ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao;

+ Thời gian thực hiện: tối đa không quá 03 năm.

- Mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu:

+ Đối tượng tham gia mô hình: là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ không nghèo (trong đó hộ không nghèo tham gia dự án không quá 30%). Đối với hộ không nghèo thực hiện theo điểm g, khoản 1, điều 7 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ Tài chính;

+ Mức hỗ trợ: ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 600 triệu đồng/mô hình;

+ Địa bàn thực hiện: tại các xã thuộc diện thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135; ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao;

+ Thời gian thực hiện: tối đa không quá 03 năm;

+ Mức tiền công lao động: là lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thực hiện dự án (định mức công lao động theo định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành, đơn giá ngày công lao động theo quy định của UBND tỉnh).

b) Xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển ngành nghề và dịch vụ (hỗ trợ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm):

- Đối tượng hỗ trợ: doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;

- Điều kiện được hỗ trợ:

+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập, tổ chức và hoạt động đúng theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã hiện hành; có hợp đồng thuê, mua, sửa chữa máy móc, công cụ;

+ Giá trị hợp đồng liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm với người nghèo tối thiểu phải đạt từ 150 triệu đồng/năm trở lên.

- Nội dung hỗ trợ: nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất;

- Mức hỗ trợ: hỗ trợ 01 lần tối đa không quá 50 triệu đồng cho cả giai đoạn 2017 - 2020.

c) Chi xây dựng và quản lý dự án:

- Đối với mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng: định mức chi quy định tại điểm c, khoản 1, mục III, điều 1 Nghị quyết này;

- Đối với mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản: định mức chi theo Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng;

- Đối với mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu:

+ Nội dung mô hình có tính chất sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng: định mức chi quy định tại điểm c, khoản 1, mục III, Điều 1 Nghị quyết này;

+ Nội dung mô hình có tính chất như tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản: định mức chi theo Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng.

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 do Ngân sách Trung ương cấp.

2. Ngân sách địa phương đối ứng theo quy định tại tiết b, khoản 2 điều 2 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 (nếu có).

3. Nguồn vốn của các hộ không nghèo tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; nguồn huy động, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

  Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XVI, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày 18 tháng 12 năm 2017./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đàm Văn Eng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.