THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 và Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 06/9/2007 hướng dẫn về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
________________________________________________________
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/3/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Mục V như sau:
“b) Phần còn lại (sau khi trừ đi số phí trích để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch, Uỷ ban nhân dân xã, phường) được nộp vào ngân sách địa phương và sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 3 mục V Thông tư này”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Mục V như sau:
“b) Phần còn lại (80% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được) được nộp vào ngân sách địa phương và sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 3 mục V Thông tư này”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Mục V như sau:
“3) Phần còn lại nộp 100% vào ngân sách địa phương để sử dụng cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại địa phương, bảo vệ chất lượng nước các nguồn nước (trong đó có chất lượng nước của các công trình thuỷ lợi), bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường của địa phương (nếu đã thành lập), trả nợ vay đối với các khoản vay của các dự án thoát nước thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
Việc chi trả, thanh toán các khoản chi từ phần phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nộp vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục IV Thông tư số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT như sau:
2. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
a) Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp có nghĩa vụ:
- Kê khai số phí phải nộp hàng quý với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thải nước theo đúng quy định (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) trong vòng 5 ngày đầu tháng đầu tiên của quý tiếp theo và bảo đảm tính chính xác của việc kê khai;
- Nộp đủ, đúng hạn số tiền phí phải nộp vào tài khoản “Tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” tại Kho bạc nhà nước theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng chậm nhất không quá ngày 15 tháng đầu tiên của quý tiếp theo;
- Quyết toán tiền phí phải nộp hàng năm với Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày 01 tháng 01 hàng năm.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ:
- Thẩm định Tờ khai phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Chậm nhất không quá ngày 10 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, ra thông báo số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước cho đối tượng nộp phí (theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Mở sổ sách kế toán để theo dõi riêng tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của đối tượng nộp phí trên địa bàn, theo dõi và quản lý, sử dụng phần tiền phí quy định tại khoản 2 mục V Thông tư này.
- Hàng quý, chậm nhất không quá ngày 20 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp gửi Cục thuế, định kỳ đối chiếu với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch.
- Hàng năm, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày 01 tháng 01 hàng năm, thực hiện quyết toán với cơ quan thuế cùng cấp việc thu, nộp tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn theo đúng chế độ quy định.
- Lập kế hoạch sử dụng phần phí thu được theo quy định tại khoản 3 mục V Thông tư này trình Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định đầu tư bảo vệ môi trường trên địa bàn.
c) Kho bạc Nhà nước mở tài khoản “tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” để thu tiền phí từ đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Định kỳ hàng quý, cơ sở sản xuất công nghiệp nộp tiền phí vào tài khoản tạm thu theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi nộp tiền phí vào Kho bạc Nhà nước, cơ sở sản xuất công nghiệp lập 03 liên giấy nộp tiền vào tài khoản để nộp tiền vào tài khoản “tạm thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải”. Chậm nhất không quá ngày 20 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, Kho bạc Nhà nước tổng hợp số phí bảo vệ môi trường, lập giấy nộp tiền vào ngân sách địa phương (80% trên tổng số tiền phí) và sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 3 mục V Thông tư này, đồng thời hạch toán điều chuyển số phí để lại (20% trên tổng số tiền phí) vào tài khoản tiền gửi của Sở Tài nguyên và Môi trường theo đề nghị của Sở. Số tiền phí nộp ngân sách nhà nước được hạch toán vào chương, loại, khoản tương ứng, mục và tiểu mục 042.01 của Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
d) Đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, vì lý do an ninh và bí mật quốc gia, việc thẩm định Tờ khai phí bảo vệ môi trường do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện và thông báo với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi cơ sở hoạt động (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).
đ) Khi thay đổi nguyên liệu, sản phẩm; thay đổi dây chuyền sản xuất, quy trình công nghệ; lắp đặt thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, hệ thống xử lý nước thải, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản để được xác định lại mức phí phải nộp cho phù hợp”.
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:
“5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 mục V Thông tư số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT như sau:
2. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp
a) Để lại 20% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được cho Sở Tài nguyên và Môi trường để trang trải chi phí cho việc thu phí hoặc điều chỉnh định mức phát thải của chất gây ô nhiễm. Trong đó:
- 5% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được sử dụng để trang trải chi phí cho việc thu phí theo quy định tại khoản 8 Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.
- 15% còn lại được sử dụng để trang trải chi phí cho việc đánh giá, lấy mẫu phân tích nước thải phục vụ công tác thẩm định tờ khai nộp phí hoặc để phục vụ cho việc thu phí.
Toàn bộ số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được trích theo qui định trên đây, Sở Tài nguyên và Môi trường phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp theo chế độ qui định, cuối năm nếu chưa chi hết thì được chuyển sang năm sau để chi theo chế độ quy định.
b) Phần phí còn lại (80% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được) được nộp vào ngân sách địa phương và được sử dụng theo hướng dẫn tại khoản 3 mục V Thông tư này.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“Bổ sung điểm c khoản 3 mục V Thông tư số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT như sau:
c) Hàng năm căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau; văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm sau của Bộ Tài chính; văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nhiệm vụ trọng tâm hoạt động bảo vệ môi trường cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự toán kinh phí, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách năm sau gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Sở Tài chính có trách nhiệm xem xét, tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách cùng cấp để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
Việc chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành”.
Điều 3
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải có hiệu lực thi hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, giải quyết./.