THÔNG TƯ
Quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng
____________________________________
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Pháp lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH10 ngày 06/10/1999;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001; Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí; Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 1414/BKHCN-KHTC ngày 15/6/2009 và Công văn số 2612/BKHCN-TĐC ngày 21/10/2009, Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng bao gồm: Lệ phí cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn/công bố hợp quy; Lệ phí cấp giấy chứng nhận phê duyệt mẫu phương tiện đo sản xuất trong nước; Lệ phí cấp giấy chứng nhận phê duyệt mẫu phương tiện đo nhập khẩu; Lệ phí cấp giấy công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo; Lệ phí cấp giấy thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (sau đây gọi chung là lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng).
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi đăng ký công bố hợp chuẩn/hợp quy, đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo sản xuất trong nước, đăng ký mẫu phương tiện đo nhập khẩu, đăng ký công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo, đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Mức thu
Mức thu lệ phí như sau:
STT
|
Tên lệ phí
|
Mức thu (đồng/giấy)
|
1
|
Lệ phí cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn/công bố hợp quy
|
150.000
|
2
|
Lệ phí cấp giấy chứng nhận phê duyệt mẫu phương tiện đo sản xuất trong nước
|
150.000
|
3
|
Lệ phí cấp giấy chứng nhận phê duyệt mẫu phương tiện đo nhập khẩu
|
150.000
|
4
|
Lệ phí cấp giấy công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo
|
150.000
|
5
|
Lệ phí cấp giấy thông báo kết quả kiểm tra về chất lượng hàng hóa nhập khẩu
|
150.000
|
Điều 3. Tổ chức thu, nộp và quản lý sử dụng
1. Lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.
2. Thời điểm nộp lệ phí là thời điểm đăng ký làm thủ tục cấp các loại giấy được quy định tại Điều 2 Thông tư này.
3. Cơ quan thu lệ phí trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được để lại 10% số lệ phí thu được để trang trải cho việc thu lệ phí. Nội dung chi cụ thể như sau:
- Chi cho người lao động thu lệ phí về các khoản tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp. trường hợp đơn vị đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trả lương cho cán bộ công nhân viên trong biên chế thì chỉ được chi trả tiền công cho lao động thuê ngoài để thực hiện việc thu lệ phí theo chế độ;
- Chi các khoản thanh toán dịch vụ mua ngoài phục vụ việc thu lệ phí như: mua vật tư văn phòng, điện, nước, điện thoại, thông tin, liên lạc, công tác phí, in ấn giấy tờ liên quan trực tiếp đến công việc thu lệ phí;
- Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, tuyên truyền quảng cáo phục vụ việc thu lệ phí.
- Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ việc thu lệ phí;
- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu, thiết bị, công cụ làm việc và các khoản chi khác phục vụ thu lệ phí;
- Chi nộp niên liễm cho các tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc tế mà Việt Nam tham gia theo quy định nhưng chưa được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí.
- Chi trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho cán bộ, nhân viên phục vụ việc thu lệ phí. Mức trích lập 2 (hai) quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu cao hơn năm trước và bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số thu thấp hơn hoặc bằng năm trước.
Cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền lệ phí được để lại đúng mục đích nêu trên, có chứng từ hợp pháp, hàng năm phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền lệ phí được trích để lại chưa chi hết trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.
4. Phần còn lại (tổng số tiền lệ phí thu được trừ đi số tiền để lại) phải nộp vào ngân sách nhà nước. Cơ quan thu lệ phí có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp lệ phí (phần còn lại) vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 hướng dẫn thực hiện các quy định về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký; thay thế Thông tư số 83/2002/TT-BTC ngày 25 tháng 9 năm 2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu lệ phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.
3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp lệ phí và cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, hướng dẫn bổ sung./.