THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thử nghiệm khí thải đối với
phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu
_______________________
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/8/2001;
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;
Sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải tại công văn số 6759/BGTVT-TC ngày 20/10/2011;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu như sau:
Điều 1. Đối tượng nộp phí
Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, khi kiểm tra thử nghiệm tiêu chuẩn khí thải theo quy định phải nộp phí thử nghiệm khí thải cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Các loại xe cơ giới đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong phạm vi của Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Phép thử là một quá trình thử nghiệm khí thải được thực hiện trong phòng thử nghiệm theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia về khí thải để đánh giá mức thải vào môi trường từ xe cơ giới của một hoặc một số chất ô nhiễm tùy theo mục đích kiểm tra khí thải cụ thể. Trong phạm vi Thông tư này có các phép thử như sau:
- Phép thử loại 1: Phép thử để kiểm tra khối lượng trung bình của khí thải ở đuôi ống xả sau khi khởi động động cơ ở trạng thái nguội;
- Phép thử loại 2: Phép thử để kiểm tra nồng độ hoặc khối lượng trung bình của các chất khí CO và/hoặc HC ở chế độ tốc độ không tải nhỏ nhất của động cơ;
- Phép thử loại 3: Phép thử để kiểm tra khí thải từ cacte động cơ;
- Phép thử loại 4: Phép thử kiểm tra bay hơi nhiên liệu;
- Phép thử theo chu trình 13 chế độ: Chu trình thử gồm 13 chế độ làm việc ổn định của động cơ;
- Phép thử theo chu trình 16 chế độ (ESC): Chu trình thử gồm 16 chế độ làm việc ổn định của động cơ, trong đó có 3 chế độ thử cuối do cơ sở thử nghiệm chọn;
- Phép thử đáp ứng tải (ELR): Chu trình thử gồm một chuỗi các bước thử có tải ở các tốc độ không đổi của động cơ;
- Phép thử chu trình chuyển tiếp (ETC): Chu trình thử gồm 1.800 chế độ làm việc của động cơ được thực hiện chuyển tiếp rất nhanh từng giây một.
- Phép thử độ khói: Phép thử kiểm tra độ khói của động cơ khi thử riêng động cơ hoặc khi thử động cơ lắp trên ô tô.
2. Cacte động cơ là các khoang trong hoặc ngoài động cơ được thông với bình hứng dầu bôi trơn bằng các ống dẫn bên trong hoặc ngoài động cơ, các loại khí và hơi trong cacte có thể thoát ra ngoài qua các ống dẫn đó.
3. Khối lượng toàn bộ còn được gọi là khối lượng toàn bộ lớn nhất, là khối lượng lớn nhất cho phép của xe về mặt kỹ thuật do cơ sở sản xuất quy định.
4. Xe máy là phương tiện chạy bằng động cơ có hai, ba hoặc bốn bánh, vận tốc thiết kế lớn nhất không vượt quá 50 km/h và nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc của xi lanh không lớn hơn 50 cm3;
5. Mô tô là phương tiện chạy bằng động cơ có hai, ba hoặc bốn bánh, vận tốc thiết kế lớn nhất vượt quá 50 km/h, hoặc nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc của xi lanh lớn hơn 50 cm3;
6. Ô tô hạng nhẹ là ô tô có khối lượng toàn bộ không lớn hơn 3.500 kg, có ít nhất bốn bánh;
7. Ô tô hạng nặng là ô tô có khối lượng toàn bộ lớn hơn 3.500 kg, có ít nhất bốn bánh;
8. Động cơ ô tô hạng nặng là động cơ ô tô được sử dụng (lắp) trên ô tô hạng nặng.
9. Mức tiêu chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng Euro 2 thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
Mức tiêu chuẩn khí thải và lộ trình áp dụng Euro 3, Euro 4, Euro 5 thực hiện theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Điều 3. Mức thu phí
Mức thu phí thử nghiệm khí thải được thực hiện theo quy định tại Biểu phí thử nghiệm khí thải ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp phải dừng phép thử do nguyên nhân từ phía tổ chức, cá nhân đăng ký thử nghiệm khí thải thì tổ chức, cá nhân này phải nộp 50% mức thu phí của phép thử tương ứng.
Các chi phí cần thiết phát sinh khi thử đặc tính động cơ và chi phí khác phát sinh trong quá trình thử nghiệm khí thải do tổ chức, cá nhân yêu cầu thử nghiệm khí thải chi trả theo thoả thuận với đơn vị thử nghiệm khí thải.
Điều 4. Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thử nghiệm khí thải theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối tượng nộp phí phải nộp một lần toàn bộ số tiền phí khi nộp hồ sơ yêu cầu thử nghiệm khí thải.
3. Phí thử nghiệm khí thải là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước, cơ quan thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.
4. Các nội dung liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí không hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí; Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.