Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Ban hành Quy chế tạm thời trong việc hợp đồng lao động làm công tác bảo vệ rừng ở các xã

_______________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1994

- Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 17/01/1992

- Căn cứ Chỉ thị số 19/1998/CT-TTg ngày 17/4/1998 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc các biện pháp cấp bách phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Căn cứ Thông tư số 12/1998/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội hướng dẫn chế độ đối với những người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô.

- Xét tờ trình số 256/TT-KL ngày 14/4/2003 của Chi cục kiểm lâm tỉnh; Công văn số 153/CV-LN ngày 23/5/2003 của sở NN&PTNT.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tạm thời V/v hợp đồng lao động làm công tác bảo vệ rừng ở các xã".

Điều 2: Giao cho chi cục kiểm lâm tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3: Các ông chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

KT CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Rơ Chăm Bơm

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

V/v Hợp đồng lao động làm công tác bảo vệ rừng ở các xã

(Ban hành kèm theo Quyết định số 65/2003/QĐ-UB

ngày 12 tháng 6 năm 2003 của UBND tỉnh Gia Lai)

___________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế này quy định những nguyên tắc liên quan đến việc ký hợp đồng lao động để làm công tác bảo vệ rừng ở các xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong các tháng cao điểm mùa khô theo quy định tại điểm 1, chỉ thị 19/1998/CT-TTg ngày 17/4/1998 của Thủ Tướng Chính Phủ.

Điều 2: Đối tượng áp dụng:

Các xã đang quản lý diện tích rừng dễ cháy (được chi cục kiểm lâm tỉnh xác nhận) thì được ký hợp đồng mỗi xã một người làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Các xã có 100% diện tích rừng đã giao cho các chủ rừng quản lý không thuộc đối tượng áp dụng của quy chế này.

Điều 3: Thời hạn hợp đồng 6 tháng/năm:

- Từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, đối với các xã nằm trong vùng khí hậu Tây Trường Sơn (gồm các xã thuộc các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang và TP Pleiku).

- Từ tháng 01 đến tháng 6, đối với các xã nằm trong vùng khí hậu Đông Trường Sơn (gồm các xã thuộc các huyện An Khê, Kon Chro, KBang, Ayun Pa, Ia Pa, KRông Pa).

Điều 4: Hạt kiểm lâm các huyện có trách nhiệm giúp UBND các xã trong việc tuyển chọn lao động ký hợp đồng bảo vệ rừng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho UBND xã và người lao động.

Chương II

QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI

CỦA CÁC BÊN THAM GIA KÝ HỢP ĐỒNG

Điều 5: Quyền hạn và trách nhiệm của UBND xã:

- UBND xã có trách nhiệm trong việc tuyển chọn lao động ký hợp đồng bảo vệ rừng, quản lý và hướng dẫn người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng cho xã, theo dõi xác nhận ngày công, thanh toán tiền lương cho người lao động và thanh lý hợp đồng lao động khi hết thời hạn quy định.

- UBND xã có quyền thanh lý hợp đồng trước thời hạn nếu người được xã hợp đồng bảo vệ rừng không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng hoặc có những hành vi vi phạm các quy định của Nhà Nước về QLBVR.

Điều 6: Quyền hạn, trách nhiệm, quyền lợi, khen thưởng, kỷ luật của người được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng:

a) Quyền hạn:

Người được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng có quyền đề nghị UBND xã, hạt kiểm lâm hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ (nếu có) để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tham gia các cuộc họp, hội nghị QLBVR tại địa phương, đề xuất với UBND xã và hạt kiểm lâm những biện pháp cần  thiết để BVR có hiệu quả trên địa bàn được giao.

b) Trách nhiệm:

- Tuần tra, kiểm soát phát hiện lửa rừng, có biện pháp tích cực ngăn chặn kịp thời các nguy cơ cháy rừng; Trong trường hợp xảy ra cháy rừng phải kịp thời báo cáo về UBND xã hoặc cơ quan kiểm lâm gần nhất để có biện pháp tổ chức cứu chữa.

- Theo dõi, nắm bắt các đối tượng có hành vi xâm hại vào rừng, vi phạm các quy định của Nhà nước về QLBVR; tổng hợp tình hình QLBVR, công tác PCCCR trong xã báo cáo với UBND xã, Hạt kiểm lâm huyện.

c) Quyền lợi:

Người được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng khi hoàn thành nhiệm vụ, có đủ ngày công lao động thì được chi trả 100% mức phụ cấp theo quy định là 300.000đ/người/tháng và được hưởng các chế độ khác theo quy định tại Thông tư số 12/1998/TTLB-BNN-TBXH ngày 16/10/1998 của liên bộ NN&PTNT - Bộ Thương Binh - Xã Hội.

d) Khen thưởng, kỷ luật:

- Những người lao động được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được xem xét khen thưởng theo đúng chế độ khen thưởng của Nhà nước hiện hành.

- Trong trường hợp người lao động được UBND xã ký hợp đồng bảo vệ rừng không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, phá rừng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo những hình thức: khiển trách, cảnh báo, chấm dứt hợp đồng, bồi thường thiệt hại... nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương III

KINH PHÍ VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ

Điều 7: Kinh phí chi trả cho người lao động được xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh. Hàng năm Chi cục kiểm lâm tổng hợp, lập kế hoạch kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 8: Kinh phí chi trả cho người lao động BVR ở các xã được chuyển vào tài khoản của Chi cục kiểm lâm tỉnh; Chi cục kiểm lâm căn cứ vào số lượng thực tế các xã được ký hợp đồng lao động bảo vệ rừng để chuyển kinh phí cho các Hạt kiểm lâm huyện; Các Hạt kiểm lâm huyện căn cứ vào hợp đồng lao động bảo vệ rừng của các xã với người lao động và xác nhận của UBND xã về tình hình thực hiện nhiệm vụ của người lao động, Hạt kiểm lâm xem xét chuyển kinh phí cho UBND các xã để chi trả cho người lao động và chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí với cơ quan tài chính cấp trên.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9: Chi cục kiểm lâm, Sở Tài chính - VG, Sở KH&ĐT và các cơ quan ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, kinh phí để các xã thuộc đối tượng được quy định tại điều 2 của quy chế này thực hiện ký hợp đồng lao động làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô.

Điều 10: Việc ký hợp đồng làm công tác Bảo vệ rừng theo quy chế này được thực hiện bắt đầu từ mùa khô 2003-2004. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc các đơn vị báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để bổ xung điều chỉnh cho phù hợp./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Rơ Chăm Bơm