Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành quy định quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai

______________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ điều 10 luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

- Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004;

- Theo đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai tại công văn số: 598/CV-NN ngày 23/12/2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lí giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số: 1056/1996/QĐ-UB ngày 07/10/1996 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý nhập, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi.

Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Thương Mại và Du lịch, Tài chính, Tư Pháp, Nội vụ, Khoa học & Công nghệ, Chi cục quản lý thị trường, Chi cục Thú y, Chi cục BVTV, Chi cục đo lường chất lượng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM/ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Hoàng Công Lự

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về việc quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Ban hành kèm theo quyết định số 26/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia Lai

Chương I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định việc sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng Khảo nghiệm, sản xuất thử; Kiểm nghiệm, kiểm định giống cây trồng; Bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng đối với cây lâu năm, vườn giống, rừng giống, cây lâm nghiệp.

Điều 2: Đối tượng áp dụng.

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh, nước ngoài thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giống cây trồng là một quần thể cây trồng đồng nhất về hình thái và có giá trị kinh tế nhất định, nhận biết được bằng sự biểu hiện của các đặc tính do kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất một đặc tính và di truyền được cho đời sau.

Giống cây trồng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bao gồm hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm, rong, tảo và vi tảo.

2. Giống cây trồng mới là giống cây trồng mới được chọn, tạo ra hoặc mới được nhập khẩu lần đầu có tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định nhưng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

3. Khảo nghiệm giống cây trồng mới là quá trình theo dõi, đánh giá trong điều kiện và thời gian nhất định nhằm xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống cây trồng.

4. Sản xuất thử là quá trình sản xuất giống cây trồng mới đã qua khảo nghiệm và được phép sản xuất trên diện tích nhất định trong điều kiện sản xuất đại trà.

5. Kiểm định giống cây trồng là quá trình kiểm tra chất lượng lô giống cây trồng sản xuất ngay tại ruộng, vườn nhằm xác định tính đúng giống, độ thuần di truyền và mức độ lẫn giống hoặc loài cây khác.

6. Kiểm nghiệm giống cây trồng là quá trình phân tích các chỉ tiêu chất lượng của mẫu giống ở phòng kiểm nghiệm.

7. Hạt giống thuần là hạt giống dùng để nhân giống cho đời sau mà vẫn bảo đảm được tính di truyền ổn định.

8. Hạt giống tác giả là hạt giống thuần do tác giả chọn, tạo ra.

9. Hạt giống siêu nguyên chủng là hạt giống được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo quy trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định.

10. Hạt giống nguyên chủng là hạt giống được nhân ra từ hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định.

11. Hạt giống xác nhận là hạt giống được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

12. Phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng là quá trình chọn lọc cá thể, nhân và tuyển chọn những dòng đặc trưng của giống, bảo đảm độ thuần di truyền đáp ứng tiêu chuẩn hạt giống siêu nguyên chủng.

13. Cây mẹ là cây lâm nghiệp tốt nhất được tuyển chọn từ rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng giống hoặc vườn giống để nhân giống.

14. Cây đầu dòng của cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp là cây có năng suất, chất lượng, tính chống chịu cao hơn hẳn các cây khác trong quần thể một giống đã qua bình tuyển và được công nhận để nhân giống bằng phương pháp vô tính.

15. Vườn cây đầu dòng của cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp là vườn cây được nhân bằng phương pháp vô tính từ cây đầu dòng để phục vụ cho sản xuất giống.

16. Vườn giống cây lâm nghiệp là vườn giống được trồng theo sơ đồ nhất định các dòng vô tính hoặc ươm từ hạt của cây mẹ đã được tuyển chọn và công nhận.

17. Rừng giống là rừng gồm các cây giống được nhân từ cây mẹ và trồng không theo sơ đồ hoặc được chuyển hóa từ rừng tự nhiên, rừng trồng đã qua bình tuyển và được công nhận.

18. Giống cây trồng chính là giống của những loài cây trồng được trồng phổ biến, có số lượng lớn, có giá trị kinh tế cao cần được quản lý chặt chẽ.

19. Giống giả là giống không đúng với tên giống, xuất xứ và cấp giống ghi trên nhãn; nhãn hiệu giống cây trồng trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu giống cây trồng khác đã được pháp luật bảo hộ.

20. Vật liệu nhân giống là cây hoàn chỉnh hoặc bộ phận của chúng như hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô, tế bào, bào tử, sợi nấm được sử dụng để sản xuất ra cây trồng mới.

Điều 4: Những hành vi bị nghiêm cấm.

1. Kinh doanh giống giả, giống cây trồng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

2. Sản xuất, kinh doanh giống không có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

3. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen cây trồng, xuất khẩu trái phép nguồn gen cây trồng quý hiếm.

4. Thí nghiệm sâu bệnh ở nơi sản xuất giống cây trồng.

5. Cản trở các hoạt động hợp pháp về nghiên cứu, chọn, tạo, khảo nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

6. Nhập khẩu nguồn gen, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái.

7. Công bố tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo, thông tin sai sự thật về giống cây trồng.

8.  Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả giống cây trồng, của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới.

9. Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 5: Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chính.

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng chính với mục đích thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng;

b) Có địa điểm sản xuất giống cây trồng phù hợp với quy hoạch của ngành Nông nghiệp & PTNT và phù hợp với yêu cầu sản xuất của từng loại giống, từng cấp giống; bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật  về bảo vệ môi trường, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch  thực vật.

c) Có cơ sở vật chất và trang, thiết bị kỹ thuật phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống, từng cấp giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

d) Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng chính phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có mặt hàng về giống cây trồng.

b) Có địa điểm kinh doanh và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với việc kinh doanh từng loại giống, từng cấp giống.

c) Có nhân viên kỹ thuật đủ năng lực nhận biết loại giống kinh doanh và nắm vững kỹ thuật bảo quản giống cây trồng.

d) Có hoặc thuê nhân viên kiểm nghiệm, thiết bị kiểm nghiệm chất lượng các loại giống kinh doanh.

Điều 6: Sản xuất hạt giống thuần.

1. Hạt giống thuần của các cây trồng chính trong nông nghiệp được sản xuất theo hệ thống 4 cấp hạt giống: cấp hạt giống tác giả, cấp hạt giống siêu nguyên chủng, cấp hạt giống nguyên chủng, cấp hạt giống xác nhận. Hạt giống cấp dưới được nhân từ hạt giống cấp trên theo quy trình sản xuất giống từng cấp do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành.

Trong trường hợp không có hạt giống tác giả để nhân ra hạt giống siêu nguyên chủng thì việc sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng được thực hiện theo quy trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng.

2. Tiêu chuẩn các cấp hạt giống, quy trình nhân giống và quy trình phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng thực hiện theo văn bản của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7: Sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp, cây cảnh và cây trồng khác.

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp bằng phương pháp vô tính phải nhân giống từ cây đầu dòng hoặc từ vườn cây đầu dòng.

2. Tổ chức, cá nhân gieo ươm giống cây lâm nghiệp phải sử dụng hạt giống từ cây mẹ, vườn giống hoặc rừng giống đã qua bình tuyển và công nhận.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày, cây cảnh và cây trồng khác bằng phương pháp vô tính phải thực hiện theo quy trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Điều 8: Sở Nông nghiệp & PTNT Gia Lai là cơ quan tổ chức bình quyền và công nhận cây đầu dòng, cây mẹ, rừng giống trên địa bàn tỉnh; Theo dõi đánh giá, hướng dẫn sử dụng, khai thác hợp lí cây đầu dòng, cây mẹ, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống đã được công nhận.

Việc bình tuyển, công nhận, quản lý và sử dụng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng của cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm thực hiện theo quy chế được ban hành tại quyết định số 67/2004/QĐ-BNN ngày 24/11/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vườn giống cây lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức bình tuyển công nhận.

Điều 9: Nhân giống cây trồng.

1. Đối với giống cây trồng có bao bì chứa đựng khi kinh doanh phải được ghi nhãn với các nội dung sau đây:

a) Tên giống cây trồng;

b) Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất, kinh doanh chịu trách nhiệm về giống cây trồng;

c) Định lượng giống cây trồng;

d)  Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu;

đ) Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng;

e) Hướng dẫn bảo quản và sử dụng;

g) Tên nước sản xuất đối với giống cây trồng nhập khẩu.

2. Đối với giống cây trồng không có bao bì chứa đựng và những nội dung quy định tại khoản 1 Điều này không ghi được đầy đủ trên nhãn thì phải ghi vào tài liệu kèm theo giống cây trồng khi kinh doanh.

Điều 10: Quy định đối với việc kinh doanh giống cây trồng khác (không phải là cây trồng chính)

Người sản xuất kinh doanh giống cây trồng không phải là giống cây trồng chính không phải thực hiện đầy đủ các điều kiện như cây trồng chính nhưng phải có nhãn hàng hóa, đăng ký danh mục và công bố chất lượng giống cây trồng theo quy định tại điều 9, điều 15 bản quy định này.

Đối với giống cây trồng là cây ăn quả dài ngày sản xuất theo phương pháp vô tính, cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp phục vụ dự án với số lượng lớn không phải làm nhãn hàng hóa và công bố chất lượng nhưng phải có hợp đồng trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, phiếu kiểm tra lô giống của cơ quan kiểm định và có hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất.

Điều 11: Quy định đối với tổ chức, cá nhân buôn bán lưu động giống cây trồng.

Tổ chức, cá nhân buôn bán lưu động giống cây trồng (trong danh mục, số lượng giống cây trồng phải kiểm soát) tại các xã, phường, thị trấn, các bản làng trong tỉnh Gia Lai phải đem theo giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan đến kinh doanh giống. Bao gồm:

- Giấy chứng minh nhân dân.

- Giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

- Bản công bố chất lượng (Đối với giống nằm trong danh mục giống cây trồng phải công bố chất lượng) kèm theo bản xác nhận của Sở Nông nghiệp & PTNT (Hoặc xác nhận của cơ quan do Sở Nông nghiệp & PTNT ủy quyền) ở địa phương.

- Giống cây trồng phải có nhãn hàng hóa theo điều 9 bản quy định này.

Riêng tổ chức, cá nhân ở các địa phương khác tới tỉnh Gia Lai, trước khi bán lưu động giống cây trồng phải trình báo với Phòng Kinh tế địa phương.

Tùy từng thời kỳ, Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành danh mục, số lượng giống cây trồng phải kiểm soát khi buôn bán lưu động.

Tổ chức, cá nhân bán giống cây trồng trong Hội chợ, triển lãm thường trú ở địa phương khác tới: Trước khi bán giống phải trình báo với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai về số lượng, chủng loại giống, văn bản công bố chất lượng giống bán ra.

Điều 12: Giống cây trồng phục vụ các chương trình dự án.

Giống cây trồng, giống cây lâm nghiệp phục vụ các chương trình, dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do cơ quan cấp tỉnh quản lý, triển khai phải được thẩm định và cho phép của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về cơ cấu, chủng loại và xuất xứ giống, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, huyện, thị xã thành phố.

Nếu do cơ quan cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý, tổ chức triển khai thì do Phòng Kinh tế địa phương thẩm định nhưng sau đó phải có văn bản báo cáo về sở Nông nghiệp & PTNT để theo dõi.

Điều 13: Nhập khẩu, xuất khẩu giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc xuất khẩu giống cây trồng phải thực hiện các quy định của pháp lệnh giống cây trồng, văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT về danh mục giống cây trồng được phép nhập khẩu và danh mục giống cây trồng cấm xuất khẩu; đồng thời phải báo cáo bằng văn bản với sở Nông nghiệp và PTNT về nguồn gốc, lý lịch giống, quy trình sử dụng.

Điều 14: Khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng mới

Các giống cây trồng mới chưa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh (do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành) trước khi đưa vào sản xuất kinh doanh phải qua khảo nghiệm, sản xuất thử theo quy định của pháp lệnh giống cây trồng.

Tổ chức, cá nhân khi đưa giống cây trồng vào khảo nghiệm hoặc sản xuất thử trên địa bàn tỉnh phải báo cáo bằng văn  bản và được sự chấp thuận của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT; Đồng thời phải có hợp đồng trách nhiệm về chất lượng giống của mình với người trực tiếp thực hiện.

Chương III

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 15: Đăng ký danh mục giống và công bố chất lượng

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải đăng ký danh mục giống dự định sản xuất, kinh doanh; Báo cáo định kỳ, đột xuất về danh mục số lượng giống với cơ quan chức năng (Theo phân cấp tại chương IV bản quy định này) và phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố chất lượng giống phù hợp tiêu chuẩn (Giống nằm trong danh mục phải công bố do Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định); Phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng do giống không bảo đảm chất lượng gây ra (loại trừ các yếu tố không phải do giống).

Trường hợp là Đại lý hoặc xã viên hợp tác xã thì bên giao Đại lý hoặc HTX phải chuyển bản công bố chất lượng của mình cho người bán để nộp cho cơ quan chức năng địa phương.

Điều 16: Kiểm nghiệm, kiểm định giống cây trồng.

Việc kiểm nghiệm, kiểm định giống cây trồng được thực hiện theo pháp lệnh giống cây trồng.

Điều 17: Kiểm dịch thực vật giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân chọn, tạo, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG.

Điều 18: Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trách nhiệm:

1- Xác định và công bố cơ cấu giống cây trồng chính:  Chủng loại giống cụ thể cho các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

2- Lập quy hoạch, kế hoạch; Xây dựng hệ thống giống; Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đồng thời nâng cao trình độ sản xuất và sử dụng giống  của người nông dân.

3- Căn cứ vào văn bản của Bộ Nông nghiệp & PTNT và thực tế địa phương ban hành quyết định về danh mục các cây trồng chính cho từng thời kỳ.

4- Ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện sản xuất, kinh doanh và công bố chất lượng giống cây trồng.

5- Tổ chức bộ phận quản lý,  kiểm định chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp trong đó có giống cây trồng; Mở sổ sách theo dõi tình hình nhập sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống trên điạ bàn tỉnh.

Hướng dẫn và xác nhận công bố chất lượng giống cây trồng của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước và tư nhân.

6- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, dịch vụ cung cấp giống và cơ cấu, số lượng giống sản xuất kinh doanh.

7- Báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng chính và cuối mỗi quý về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp & PTNT.

8- Phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, tổ chức, phổ biến rộng rãi trong nhân dân bản quy định này.

9- Phối hợp với các cơ quan thuộc ngành nông nghiệp & PTNT của Trung ương và của các tỉnh thành phố trong nước để nắm bắt thông tin về số lượng các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng thuộc quản lý của Trung ương địa phương (Chủ yếu là các đơn vị, cơ sở giống thường xuyên quan hệ cung cấp giống cho tỉnh Gia Lai) và chất lượng giống của các đơn vị này để làm cơ sở quản lý giống và tư vấn cho nông dân lựa chọn nguồn giống.

10- Quản lý và chỉ đạo việc sản xuất thử tập đoàn giống cây trồng trước khi đưa ra sản xuất đại trà để định hướng việc sản xuất kinh doanh giống và nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Điều 19: Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm:

1- Trên cơ sở quy định của Pháp luật hướng dẫn chi tiết về tiêu chí diện phải đăng ký kinh doanh (kể cả những người ở các địa phương khác đến Gia Lai bán giống cây trồng) cho những đối tượng thuộc các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

2- Thụ lý hồ sơ, cấp giấy phép kinh doanh giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng.

Điều 20: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm:

1-  Xác định cụ thể cơ cấu giống cây trồng của địa phương phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái theo hướng dẫn chung của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai và theo quy hoạch, kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ cấu giống, chất lượng giống và quy trình thâm canh cây trồng.

3- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện quy định; Thụ lý, xử lý hồ sơ, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; Hướng dẫn và xác nhận công bố chất lượng giống cây trồng cho các cơ sở giống thuộc hợp tác xã, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn.

Mở sổ sách theo dõi danh sách các cơ sở giống, số lượng, chủng loại giống cây trồng được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Báo cáo định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc đột xuất cho UBND cùng cấp và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai..

4- Bố trí người có đủ năng lực chuyên môn tham gia công tác quản lý giống cây trồng phù hợp với tình hình địa phương.

5- Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng những cá nhân, hộ gia đình có thành tích tốt, hoặc vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng.

6- Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý giống cây trồng của tỉnh tiến hành tổ chức kiểm tra, thanh tra giống trên địa bàn.

Điều 21: Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về giống cây trồng tại địa phương có trách nhiệm:

1- Tổ chức tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý giống cây trồng.

2- Mở sổ sách theo dõi danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã), danh mục giống sản xuất kinh doanh trên địa bàn; Báo cáo định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc đột xuất về Phòng Kinh tế huyện.

3- Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn.

4- Kiểm tra đột xuất đối với người bán giống lưu động trên địa bàn mình phụ trách (trường hợp có nghi vấn) và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật..

Điều 22: Tổ chức cá nhân tham gia các hoạt động về lĩnh vực giống cây trồng có trách nhiệm:

1- Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định tại văn bản này, pháp lệnh giống cây trồng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

2- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng/lần vào cuối mỗi quý về cơ quan chức năng (theo phân cấp tại chương IV bản quy định này).

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23: 1- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, chỉ đạo công tác phát triển giống cây trồng và tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc chấp hành pháp luật sản xuất kinh doanh về giống cây trồng, đưa được nhiều giống tốt, giống chất lượng cao vào sản xuất được khen thưởng theo quy định pháp luật thi đua khen thưởng; đồng thời được xem xét hỗ trợ kinh phí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật hiện hành./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Công Lự