• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/04/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 25/01/2020
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 04/2010/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 30 tháng 3 năm 2010

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác xây dựng

phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

_____________________________

 

          Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 09/1998/CT-UB ngày 31/3/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) và sau 5 năm thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”, nhìn chung phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến, góp phần kiềm chế gia tăng tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tuy nhiên trong thời gian qua, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển chưa mạnh, chưa đồng đều; một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp,... chưa chú trọng đến việc phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhận thức của một số cán bộ, công chức về vai trò, vị trí của công tác này chưa được đầy đủ; các biện pháp, hình thức trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chậm đổi mới; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang chưa chặt chẽ và đồng bộ. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chưa thường xuyên, công tác bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ chưa được chú trọng.

          Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

          1. Về mục tiêu, yêu cầu công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

          a) Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phải đạt được yêu cầu hiệu quả thiết thực, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn, trong các thành phần kinh tế, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể và lực lượng vũ trang, nhằm kiềm chế gia tăng tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở từng khu dân cư, mỗi hộ gia đình.

          b) Thực hiện tốt các mục tiêu: Xây dựng phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ tài sản trong hộ gia đình, trong cộng đồng dân cư, trong cơ quan đơn vị; xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến; xây dựng lực lượng nòng cốt, các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn, bảo vệ ANTT ở cơ sở, chủ động giải quyết những vụ việc xảy ra ở địa bàn; giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội và giảm tai nạn giao thông.

            c) Qua thực tiễn phong trào lựa chọn, xây dựng, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để các địa bàn có sự chuyển biến trong phong trào; xây dựng được nhiều đơn vị, cơ sở an toàn, vững mạnh, không còn xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp yếu kém.  

          2. Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

          a) Tuyên truyền giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc có vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

          b) Từ thực tiễn kinh nghiệm đã làm, hàng năm cần đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp để xây dựng phong trào có hiệu quả. Trên cơ sở đặc điểm của từng vùng, nhiệm vụ của từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học,... để phát triển các mô hình tự quản; xây dựng, củng cố nội qui, qui trình bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nhằm xây dựng được nhiều thôn, làng, tổ dân phố, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị an toàn vững mạnh. 

          c) Trong công tác vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phải có hình thức thích hợp, có kế hoạch cụ thể, trong đó chú trọng trên các lĩnh vực bảo vệ nội bộ; bảo vệ bí mật Quốc gia; vùng biên giới; vùng dân tộc ít người; vùng có thể xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Từ thực tế phong trào, phải nắm chắc mọi diễn biến tình hình về an ninh trật tự, để đề ra kế hoạch vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị; đồng thời có biện pháp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nhân dân; kiên quyết không để xảy ra điểm nóng phức tạp hoặc tranh chấp, khiếu kiện, gây rối an ninh trật tự.

         d) Các cấp chính quyền địa phương vận động những gia đình có người thân phạm tội ra đầu thú. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn bằng các biện pháp như động viên, khuyến kích, cho vay vốn sản xuất, hướng dẫn tạo công ăn việc làm cho các đối tượng tù, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được tha về địa phương, để họ mau chóng hòa nhập cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất và làm nghĩa vụ công dân.

          đ) Xây dựng củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc xây dựng lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp vững mạnh, đảm bảo về số lượng và trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ yêu cầu công tác. Hàng năm tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để củng cố và cải tiến lề lối làm việc. Đồng thời xây dựng các tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, quan tâm hỗ trợ kinh phí và trang bị công cụ, phương tiện để các tổ chức này phát huy vai trò tự quản trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

          e) Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, do đồng chí Phó chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban, Công an và MTTQ làm phó ban thường trực, các ban ngành, đoàn thể các cấp làm thành viên. Hàng năm Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, gắn với các phong trào cách mạng khác, nhằm huy động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia nhiệm vụ bảo vệ ANTQ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

          g) Hàng năm vào ngày 19/8 - “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch tổ chức triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân về ý nghĩa “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, để cho mọi người dân biết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy mạnh mẻ phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức họp mặt, biểu dương những điển hình tiên tiến, các gương tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

          h) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Thông tư số 18/2007/TT-BCA ngày 03/10/2007 của Bộ Công an về công tác thi đua, khen thưởng đối với lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của Chính phủ qui định về quản lý sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các quy định hiện hành.

          3. Tổ chức thực hiện

          a) Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban  ngành, Đoàn thể, Doanh nghiệp phải xác định công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; hàng năm đưa vào chương trình, kế hoạch công tác, đề ra nội dung, phương pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức sơ kết, đánh giá, chấm điểm xếp loại phong trào, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Uỷ ban nhân dân tỉnh và Công an tỉnh (qua Phòng PX 28) tổng hợp chung toàn tỉnh.

          b) Giám đốc Công an tỉnh đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố, các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh thực hiện phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hướng dẫn các Sở, Ban ngành, Đoàn thể, Doanh nghiệp trong tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố sơ kết, khen thưởng hành năm; đến năm 2015 tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị này, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

          Chỉ đạo Công an các cấp tổ chức quán triệt trong lực lượng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham mưu cho cấp ủy chính quyền cùng cấp chỉ đạo và tổ chức tốt các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ nêu trên.

          Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 09/1998/CT-UB ngày 31/3/1998 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Thế Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.