• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/08/2003
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 100/2003/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 29 tháng 8 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh Gia Lai

_____________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ điều 41 Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994;

- Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

- Căn cứ Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án điện nông thôn;

- Căn cứ Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về an toàn điện nông thôn;

- Căn cứ Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực;

Theo đề nghị của Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh Gia Lai.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh Gia Lai, với những nội dung của Đề án kèm theo.

Điều 2: Giao cho Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh, các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện đề án đạt kết quả.

Điều 3: Các thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh, các Ông Chánh Văn phòng HĐND & UBND, Giám đốc các Sở: Công nghiệp, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thuế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Điện lực Gia Lai, Công ty Điện Gia Lai, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Phạm Thế Dũng


ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN TỈNH GIA LAI

(Ban hành kèm theo quyết định số 100/2003/QĐ- UB

ngày 29 tháng 8 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

_______________________

 PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC TRẠNG LƯỚI ĐIỆN VÀ CÔNG TÁC

QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN (QLĐNT) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. THỰC TRẠNG LƯỚI ĐIỆN

Từ khi có nguồn điện quốc gia, lưới điện tỉnh Gia Lai phát triển khá nhanh, được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn: Ngân sách (Trung ương và địa phương), vốn do nhân dân đóng góp, vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX)... Đến tháng 02 năm 2003, tỉnh Gia Lai có 165/183 xã có điện lưới quốc gia (chiếm tỷ lệ 90,2%); 130.376/200. 130 hộ được sử dụng điện (chiếm 65,15%). Tổng chiều dài đường dây trung áp (10,15,22,35kV) là: 1.875km; 991 trạm biến áp với tổng dung lượng 133.561 KVA; đường dây hạ áp: 1.169km.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế việc quản lý đầu tư chưa chặt chẽ nên nhiều công trình chất lượng không đảm bảo, tổn thất cao. Để giảm bớt khó khăn trong quản lý lưới điện và tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phấn đấu thực hiện giảm giá bán điện đến hộ dân nông thôn, Nhà nước đã ban hành chính sách giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện trung áp nông thôn. Đến nay lưới điện trung áp nông thôn của tỉnh (Đầu tư xây dựng trước 28/02/1999) đã được bàn giao 145 công trình cho ngành Điện quản lý gồm: 380km đường dây trung áp, 187 trạm biến áp - tổng dung lượng 22.520 KVA, với tổng giá trị bàn giao là 27,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đã hoàn trả 1,7 tỷ đồng (39 công trình) cho các xã có lưới điện trung áp xây dựng bằng nguồn vốn dân góp và vốn của hợp tác xã.

II. TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN

1. Về mô hình tổ chức:

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những mô hình tổ chức quản lý điện như sau:

- Ngành Điện bán điện trực tiếp đến hộ: 85 xã (Tr/đó: Điện lực Gia Lai: 83 xã và Công ty Điện Gia Lai: 02 xã).

- HTX dịch vụ nông nghiệp: 17 HTX bán điện tại 11 xã.

- Ban quản lý điện xã: 83 xã.

- Ban quản lý điện các doanh nghiệp: 12 xã.

- Bán điện theo cụm dân cư: 7 xã. (Sau công tơ tổng của các BQL điện xã).

(Tại mỗi xã có một hình thức hoặc nhiều hình thức bán điện cùng tồn tại).

2. Về giá bán điện:

Theo số liệu báo cáo của các huyện, tình hình thực hiện giá bán điện nông thôn ở các xã như sau:

- Giá thấp hơn và bằng 700 đồng/kWh: 139 xã (Kể cả các xã do ngành Điện bán trực tiếp đến hộ sử dụng).

- Giá cao hơn 700 đồng/kWh: 25 xã.

3. Tình hình hoạt động của các tổ chức QLĐNT:

3.1. Ngành Điện bán điện trực tiếp: (85 xã)

Ngành Điện ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp đến các hộ sử dụng điện nên giá điện ổn định theo giá quy định của Nhà nước. Ngành Điện đã tích cực triển khai bán điện trực tiếp đến các vùng nông thôn, tuy nhiên mới dừng lại ở các trung tâm đô thị, thị trấn, thị tứ, nơi đông dân cư, các trạm biến áp có phụ tải lớn và các xã do ngành Điện đầu tư xây dựng lưới điện.

3.2. HTX dịch vụ nông nghiệp có dịch vụ điện: (17 HTX - 11 xã)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 17 HTX nông nghiệp trong đó có kinh doanh dịch vụ về điện, tập trung chủ yếu tại 2 huyện An Khê và Ayun Pa là: HTX Đoàn Kết, Thanh Sơn, Phú Thiện, Chư A Thai, Thắng Lợi, Ia Sol 3, Plei ATăng - huyện Ayun Pa; HTX Hà Tam, Song An 2, Tú An, Tân An, Cửu An 1, Cửu An 2 - huyện An Khê; HTX An Phú 1, HTX An Phú 2 - TP. Pleiku; HTX Phú Lợi - huyện Mang Yang và HTX Nghĩa Hòa - huyện Chư Păh.

* Ưu điểm:

- Có tư cách pháp nhân kinh doanh dịch vụ điện, hoạt động theo Luật HTX, thực hiện pháp lệnh Kế toán - Thống kê, có sự kiểm soát của Ban quản trị HTX, do đó việc hoạch toán rõ ràng. Trong cơ cấu giá bán điện có phần tích lũy khấu hao tài sản để tái đầu tư lưới điện.

- Sản lượng điện tiêu thụ bình quân hàng tháng tương đối khá. Giá bán điện tới hộ được xây dựng theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn chế được một số tiêu cực trong quá trình quản lý.

* Nhược điểm:

- Là các HTX hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, kiêm thêm kinh doanh dịch vụ điện, nên việc quản lý còn hạn chế, bộ máy tổ chức còn cồng kềnh, việc chi trả lương cho cả bộ máy quản lý của HTX lớn, do đó việc giảm giá bán điện tới hộ dân gặp khó khăn.

- Đa số HTX nông nghiệp có thêm chức năng kinh doanh dịch vụ điện là loại hình doanh nghiệp mới đến nay chưa được phổ biến, tự phát, mỗi HTX có cách quản lý riêng, chưa có cách quản lý chung thống nhất giữa các HTX; trong hoạt động chưa xây dựng được nội quy, quy chế sử dụng điện hợp lý nên không tranh thủ được sự ủng hộ của UBND xã, vì vậy hoạt động chưa hiệu quả.

3.3. Ban quản lý điện xã - thuộc UBND xã: (83 xã)

Với hình thức phổ biến chung là UBND xã đứng ra thành lập BQL điện của xã do một cán bộ xã kiêm nhiệm phụ trách công tác quản lý điện và ký hợp đồng mua điện với ngành Điện - toàn bộ công việc giao dịch thông qua chữ ký của Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch và con dấu của UBND xã. BQL điện xã tổ chức bán điện trực tiếp đến các hộ dân.

* Ưu điểm:

Phần lớn các BQL điện xã xây dựng giá bán điện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giá bán điện tương đối ổn định. Đội ngũ quản lý điện một số đã được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về điện (Chủ yếu là trình độ sơ cấp). Hàng năm, Sở Công nghiệp tổ chức tập huấn an toàn điện cho đội ngũ quản lý của BQL điện xã.

* Nhược điểm:

- Không có tư cách pháp nhân kinh doanh dịch vụ điện.

- Trình độ quản lý nhìn chung là yếu, kém nên còn nhiều sai sót, lỏng lẻo, hầu như khoán trắng trong quá trình hoạt động. Số người tham gia quản lý thay đổi thường xuyên, thiếu ổn định. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ điện đa số vừa thiếu, vừa yếu.

- Phần lớn không có sổ sách hoạch toán theo quy định. Nhiều BQL điện có công nợ khá lớn, dây dưa, kể cả nợ khó đòi.

- Tình trạng lấy cắp điện còn tồn tại ở nhiều địa phương. Mặt khác do không chú trọng việc cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện nên tổn thất điện năng còn cao và chất lượng điện kém.

3.4. Ban quản lý điện (Tổ Điện) ở các doanh nghiệp: (12 xã)

Các doanh nghiệp đầu tư lưới điện, Giám đốc doanh nghiệp đứng ra thành lập BQL điện và ký hợp đồng mua điện với ngành Điện. BQL điện doanh nghiệp bán điện đến các hộ dân, hộ công nhân của doanh nghiệp.

* Ưu điểm:

- BQL điện (Tổ điện) hoạt động dưới sự kiểm soát của Ban lãnh đạo doanh nghiệp, do đó việc hạch toán kinh doanh rõ ràng, ít phát sinh công nợ dây dưa. Trong cơ cấu giá bán điện có phần tích lũy khấu hao công trình để tái đầu tư lưới điện. Có điều kiện sử dụng và đào tạo cán bộ chuyên môn về điện.

- Đa số hộ mua điện là công nhân của doanh nghiệp, nên giá bán điện tới hộ được xây dựng, hạch toán và tương đối ổn định. Hạn chế được tiêu cực trong quá trình quản lý.

* Nhược điểm:

- Trong hoạt động điện lực chưa xây dựng quy chế sử dụng điện hợp lý, tổn thất điện năng còn cao...

- Mối quan tâm chủ yếu của doanh nghiệp là phần sản xuất - kinh doanh chính, nên việc quản lý dịch vụ điện hạn chế.

- Thiếu điều kiện để cải tạo và mở rộng lưới điện.

3.5. Bán điện cho cụm dân cư: (7 xã)

Có những cụm dân cư nằm xa trục chính của lưới điện, cả cụm dân cư mua điện của ngành Điện hoặc các tổ chức bán điện qua một công tơ tổng, giao khoán cho một cá nhân đứng ra thu tiền điện của các hộ, giá bán điện thường cao hơn giá quy định, tổn thất điện năng còn khá cao.

4. Một số tồn tại và nguyên nhân:

4.1. Về đầu tư và kỹ thuật:

- Lưới điện một số nơi còn chắp vá không được tu bổ thường xuyên nên không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành.

- Mật độ dân cư thưa thớt, suất đầu tư kéo điện cho một hộ dân lớn, nên việc huy động vốn để xây dựng và sửa chữa lưới điện còn gặp nhiều khó khăn.

- Công tơ đo đếm điện nhiều chủng loại, lắp đặt tùy tiện, phần lớn công tơ tuy được kiểm định hiệu chỉnh trước khi lắp đặt, nhưng từ khi lắp cho đến nay chưa được kiểm định định kỳ; hư hỏng không được sửa chữa kịp thời.

4.2. Về công tác quản lý của các tổ chức QLĐNT:

Trong những năm qua, UBND tỉnh, Sở Công nghiệp và các ngành liên quan đã thường xuyên quan tâm trong chỉ đạo công tác quản lý điện nông thôn, từng bước xây dựng và định hướng phát triển công tác quản lý điện nông thôn.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, một số tổ chức (HTX, BQL điện xã...) hoạt động chưa đúng với các quy định của Nhà nước và thực hiện không đúng chức năng nhiệm vụ của tổ chức quản lý điện như:

- Không hạch toán, mở sổ sách theo dõi về tài chính. Nhiều đơn vị phát sinh nợ khá lớn.

- Một số tổ chức QLĐNT không xây dựng cơ cấu giá bán điện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá, nhưng khi triển khai thực hiện bán điện không theo giá được duyệt và thiếu thông báo công khai đến các hộ sử dụng điện.

- Không có kế hoạch sửa chữa lớn, cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế.

- Lãnh đạo nhiều xã còn buông lỏng công tác quản lý điện trên địa bàn không giám sát hoạt động của tổ chức quản lý điện. Ngược lại, chính quyền một số xã lại can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn, quản lý của BQL điện xã.

- Nhiều nơi cơ cấu tổ chức QLĐNT chưa phù hợp, người không có chuyên môn về điện nhưng vẫn được làm công tác quản lý điện.

- Hầu hết các tổ chức quản lý điện nông thôn chưa xây dựng nội quy, quy chế hoạt động.

4.3. Về công tác quản lý Nhà nước:

- Hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện của nhiều huyện còn chưa có hiệu quả, do chức năng nhiệm vụ chưa rõ ràng.

- Cán bộ quản lý Nhà nước về điện tại phòng Kinh tế các huyện còn thiếu; có cán bộ được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm không có nghiệp vụ chuyên môn về điện.

- Việc duyệt và kiểm tra thực hiện giá bán điện đến hộ dân chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên.

Từ những thực trạng nêu trên thể hiện công tác quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém: Hầu hết các tổ chức mua bán điện ở nông thôn không hợp pháp, giá bán điện đến hộ dân còn cao, lưới điện còn mất an toàn, chất lượng điện không đảm bảo... Vì vậy việc đổi mới xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức QLĐNT hợp lý và có các giải pháp thực hiện hữu hiệu là một việc làm cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và lâu dài nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cho nông dân, nông thôn.

PHẦN THỨ HAI

PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG, CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH

TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN

I. MỤC TIÊU

Xây dựng mô hình tổ chức QLĐNT phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định của nhà nước. Với tiêu chí: Ổn định giá bán điện tới hộ dân nông thôn theo giá quy định của Chính phủ; đảm bảo chất lượng, quản lý và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

II. YÊU CẦU

Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế công tác quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, việc xây dựng mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn phải đảm bảo các yêu cầu, điều kiện sau:

1. Là tổ chức, cá nhân được cơ quan chức năng cấp đăng ký kinh doanh hoạt động phân phối và kinh doanh điện.

2. Hoạt động phân phối và kinh doanh điện là hoạt động có điều kiện: Phải có Giấy phép hoạt động điện lực do cấp có thẩm quyền cấp, với chức năng phân phối và kinh doanh điện do Nhà nước thống nhất quản lý thông qua Luật pháp và các chế độ chính sách hiện hành.

3. Chịu sự lãnh đạo trực tiếp và quản lý điều hành của UBND các cấp và sự kiểm tra giám sát của các ngành chức năng liên quan.

III. CƠ SỞ PHÁP LÝ THỰC HIỆN

- Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án điện nông thôn.

- Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

- Nghi định số 74/2003/NĐ-CP  ngày 26/6/2003 của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực.

- Quyết định 41/2001/QĐ-BCN ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về an toàn điện nông thôn.

- Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

4.1. Đối tượng và phạm vi áp dụng của đề án:

Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, kinh doanh và phân phối điện nông thôn tại những nơi ngành Điện chưa bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng.

4.2. Các mô hình quản lý điện nông thôn áp dụng trong đề án:

a) Hợp tác xã: Là mô hình phù hợp cần được củng cố và phát triển.

- Các HTX (Nông nghiệp, dịch vụ...) đang có hoạt động phân phối và kinh doanh điện tiếp tục củng cố để hoạt động có hiệu quả hơn.

- Các HTX (Nông nghiệp, dịch vụ...) đang hoạt động, chưa có hoạt động phân phối và kinh doanh điện cần được bổ sung chức năng phân phối và kinh doanh điện.

- Thành lập mới HTX dịch vụ tổng hợp. Trong đó có hoạt động phân phối và kinh doanh điện.

- Thành lập mới HTX phân phối và kinh doanh điện (Độc lập).

Các mô hình HTX nói trên là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, được thành lập và hoạt động theo Luật HTX. Hoạt động phân phối và kinh doanh điện theo quy định của Nhà nước.

b) Doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể:

Thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, các quy định của Pháp luật; trong hoạt động sản xuất kinh doanh có hoạt động phân phối và kinh doanh điện, hoặc chuyên hoạt động phân phối và kinh doanh điện theo quy định của Nhà nước.

* Đối với những xã được đầu tư xây dựng lưới điện mới, nhưng chưa có tổ chức QLĐNT, chính quyền (Xã, huyện) thực hiện xây dựng tổ chức QLĐNT theo một trong những mô hình trên để tiếp nhận, quản lý và vận hành lưới điện khi xây dựng xong.

4.3. Trách nhiệm chung của các tổ chức quản lý điện nông thôn:

- Thực hiện quản lý, bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng điện theo một cấp, một giá cho cùng mục đích sử dụng: Sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

- Quản lý tài sản lưới điện của địa phương giao cho dưới các hình thức (Giao, cho thuê hoặc khoán), theo nguyên tắc thực hiện bảo toàn vốn.

- Thực hiện Pháp luật về Kế toán - Thống kê. Phải mở sổ sách theo dõi, hạch toán đầy đủ việc mua bán điện và chịu sự giám sát, kiểm tra tài chính theo luật định.

- Thu và trả tiền điện đúng kỳ, đúng đối tượng, theo giá quy định của Nhà nước, của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện nghiêm túc hợp đồng mua bán điện với ngành Điện (Điện lực Gia Lai, Công ty Điện Gia Lai).

- Xây dựng nội quy, quy chế sử dụng điện phù hợp với thực tế, trên cơ sở các quy định của Nhà nước, ngành Điện và UBND tỉnh. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền đến các hộ sử dụng điện để cùng nhau thực hiện.

- Có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiện, hiệu quả.

- Tổ chức thực hiện quản lý về kỹ thuật vận hành đảm bảo an toàn lưới điện hạ áp nông thôn theo quyết định số 41/QĐ-BCN ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành quy định về an toàn điện nông thôn và nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

- Về quản lý giá bán điện: Liên Sở Công nghiệp - Tài chính Vật giá tỉnh Gia Lai hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho các tổ chức phân phối và kinh doanh điện nông thôn.

V. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ ÁP DỤNG TRONG CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QLĐNT:

5.1. Thành lập HTX, doanh nghiệp phân phối và kinh doanh điện:

Trên cơ sở Ban quản lý điện hiện có, chuyển đổi ưu tiên thành lập theo mô hình HTX phân phối và kinh doanh điện. Để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, trước mắt khi thành lập mới HTX, doanh nghiệp:

- Số lượng xã viên tối thiểu của HTX: Trước mắt, khi thành lập mới phải có ít nhất 5 xã viên; trong thời hạn 1 năm bổ sung đủ số lượng ít nhất 7 xã viên.

- Số lượng xã viên có trình độ nghiệp vụ của HTX, doanh nghiệp phân phối và kinh doanh điện: Phải có người được đào tạo và có trình độ nghiệp vụ về điện.

- Từng  bước có kế hoạch củng cố, đào tạo, bổ sung đủ số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ quản lý điện nông thôn. Quá trình tổ chức thành lập các HTX phân phối và kinh doanh điện tránh tình trạng xã viên có tên trong danh sách nhưng thực chất là xã viên hình thức, không góp vốn.

5.2. Xử lý vốn đầu tư xây dựng lưới điện khi chuyển sang mô hình mới:

1. Tài sản là lưới điện trung áp và trạm biến áp (Hình thành từ các nguồn vốn) chưa bàn giao cho ngành Điện:

Thực hiện công văn số 03 CV/TCKT ngày 02/01/2003 của Bộ Công nghiệp về việc giao nhận các công trình lưới điện trung áp nông thôn (LĐTANT) đầu tư sau ngày 28/02/1999; công văn số 1440/CV-TCKT ngày 15/4/2003 của Bộ Công nghiệp về việc hướng dẫn giải quyết những vướng mắc để hoàn thành dứt điểm việc giao nhận LĐTANT và thực hiện văn bản số 640/UB-CN ngày 21/4/2003 của UBND tỉnh Gia Lai về việc triển khai giao nhận hoàn thành LĐTANT: Những tổ chức QLĐNT còn đang quản lý LĐTANT sẽ tiến hành đồng thời công tác bàn giao cho ngành Điện quản lý. Trường hợp đến thời điểm chuyển đổi chưa bàn giao cho ngành Điện thì tổ chức QLĐNT nhận để vận hành, bảo dưỡng đến khi bàn giao cho ngành Điện quản lý.

2. Tài sản là lưới điện hạ áp:

- Liên Sở: Công nghiệp - Tài chính Vật giá tỉnh Gia Lai hướng dẫn phương pháp định giá giá trị còn lại tài sản lưới điện hạ áp để giao cho HTX, doanh nghiệp quản lý.

Ủy quyền cho UBND xã: Là người đại diện của Nhà nước theo dõi quản lý tài sản lưới điện do ngân sách đầu tư sau khi đánh giá bàn giao cho HTX, doanh nghiệp - Vận dụng NĐ số 73/2000/NĐ-CP ngày 06/12/2000 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác và Thông tư số 64/2001/TT-BTC ngày 10/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp khác.

- Lưới điện do dân đóng góp đầu tư: Giao HTX, doanh nghiệp quản lý, sửa chữa vận hành.

5.3. Chế độ khấu hao tài sản: Đầu tư lưới điện hạ thế từ các nguồn vốn xem như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, không thực hiện trích khấu hao cơ bản tài sản. Đối với tổ chức kinh tế là HTX thực hiện theo Quyết định số 50/2003/QĐ-UB ngày 08/5/2003 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa IX).

5.4. Chế độ, chính sách thuế áp dụng đối với các tổ chức QLĐNT:

- Thuế môn bài: Thực hiện theo Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 07/5/2003 của Bộ Tài chính về sửa đổi mức thuế môn bài: Giảm 50% thuế môn bài đối với HTX, doanh nghiệp tư nhân hoạt động phân phối và kinh doanh điện nông thôn tại địa bàn miền núi. Đối với HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp trong đó có hoạt động phân phối và kinh doanh điện nông thôn thì nộp thuế môn bài theo quy định đối với ngành nghề đăng ký.

- Thuế Giá trị gia tăng (GTGT): Thực hiện theo Thông tư 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của bộ Tài chính và văn bản số 3298/TC-TCT ngày 05/7/1999 của Bộ Tài chính về việc thuế GTGT đối với điện bán cho các hộ tiêu dùng ở nông thôn:

+ Điện bán trực tiếp tiêu dùng ánh sáng sinh hoạt cho các hộ nông dân không phải nộp thuế GTGT.

+ Đối với sản lượng điện bán phục vụ cho các mục đích khác: Sản xuất, kinh doanh dịch vụ... kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định của Luật thuế GTGT. Thuế suất đầu ra đối với điện thương phẩm là 10% sau khi khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

- Thuế Thu nhập doanh nghiệp: Thực hiện theo Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/02/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Thông tư số 44/1999/TT-BTC ngày 26/4/1999 của Bộ Tài chính và văn bản số 4498/TCT/NV6 ngày 24/8/1999 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về ưu đãi thuế đối với HTX:

+ HTX ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi cao được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 5 năm tiếp theo.

+ HTX ở những huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời hạn 4 năm tiếp theo.

+ HTX ở những vùng khó khăn khác được miễn thuế thu nhập trong 1 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong thời hạn 3 năm tiếp theo.

+ HTX ở những huyện ngoài vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi và các vùng khó khăn khác được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

* Ngoài ra, các tổ chức QLĐNT còn được hưởng các chế độ ưu đãi tại Quyết định số 451/QĐ-UB ngày 11/6/2003 của UBND tỉnh Gia Lai về việc ban hành quy định khuyến khích và hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

VI. CÁC GIẢI PHÁP

6.1. Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức QLĐNT:

Căn cứ vào các mô hình tổ chức nêu trên, UBND huyện chủ động tổ chức, triển khai, chỉ đạo UBND các xã xây dựng và hoàn thiện mô hình QLĐNT theo hướng:

- Xóa bỏ các tổ chức điện nông thôn không có tư cách pháp nhân; củng cố hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các HTX nông nghiệp có hoạt động phân phối và kinh doanh điện (Hiện đang hoạt động). Bổ sung chức năng phân phối và kinh doanh điện cho các HTX (Nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng...). Các cấp, các ngành liên quan hướng dẫn các điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập mới HTX (Hoạt động độc lập); doanh nghiệp có chức năng phân phối và kinh doanh điện, thực hiện đầy đủ các chức năng nhiệm vụ và được cấp Giấy phép hoạt động điện lực.

- Về qui mô quản lý: Quy mô toàn xã là chủ yếu. Tuy nhiên tùy theo thực tế có thể 1 xã có 2 HTX nông nghiệp, thì tùy theo điều kiện cụ thể có thể tồn tại 2 HTX có chức năng phân phối và kinh doanh điện hoặc một xã có thể kết hợp 2 hoặc nhiều loại mô hình quản lý.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai có một số tổ chức điện nông thôn sản lượng điện tiêu thụ hàng tháng thấp (Bình quân dưới 10.000 kwh/tháng), trình độ cán bộ chuyên môn quản lý về điện tại một số xã thiếu và yếu. UBND huyện, UBND xã tập trung giúp đỡ để sớm thành lập tổ chức kinh tế phân phối và kinh doanh điện có tư cách pháp nhân.

6.2. Đầu tư cải tạo nâng cao chất lượng điện:

Đối với những nơi đã thực hiện việc chuyển đổi mô hình QLĐNT, các cấp các ngành và các tổ chức kinh tế phân phối và kinh doanh điện cần có kế hoạch đầu tư mở rộng, cải tạo lưới điện hạ thế, trang bị lại hệ thống công tơ đo đếm điện, hộp đựng công tơ (Số không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật). Thực hiện tách lộ, cân pha, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, giảm giá điện, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý điện nông thôn.

6.3. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý điện nông thôn:

- Người làm công tác QLĐNT phải có đủ sức khỏe và từng bước được đào tạo chuyên môn về quản lý, được cấp chứng chỉ về đào tạo về điện; được tập huấn định kỳ về an toàn điện...

- Các cấp, các ngành liên quan có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại để bổ sung, thay thế cán bộ QLĐNT.

6.4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với điện nông thôn:

- Tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan chức năng; của Sở Công nghiệp, Sở Tài chính - Vật giá, UBND huyện, TP đối với các tổ chức QLĐNT.

- Sở Tài chính - Vật giá, Cục Thuế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan có kế hoạch hướng dẫn và tập huấn chế độ tài chính, kế toán, các nghĩa vụ thuế, chế độ sử dụng hóa đơn, chứng từ... cho các tổ chức QLĐNT.

- Sở Công nghiệp và Điện lực Gia Lai tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý điện. Hàng năm, Sở Công nghiệp tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động điện của các tổ chức QLĐNT.

VII. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai:

- Đơn vị phân phối và kinh doanh điện là đơn vị có tư cách pháp nhân kinh doanh hợp pháp, được cấp đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động điện lực.

- Công tác QLĐNT đi vào nề nếp, sổ sách chứng từ và hạch toán rõ ràng cùng với các biện pháp về kỹ thuật và quản lý sẽ làm giảm giá bán điện nông thôn.

- Tổ chức QLĐNT hợp pháp là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển lưới điện nông thôn.

- Giúp nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

PHẦN THỨ BA

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn tỉnh Gia Lai hiện nay là công việc cần thiết, cấp bách và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; đòi hỏi sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh và sự phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành liên quan.

I. NHIỆM VỤ CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHUYỂN ĐỔI VÀ CÁC CẤP, CÁC NGÀNH LIÊN QUAN

1. Ban chỉ đạo chuyển đổi: Chỉ đạo công tác tổ chức, tập huấn, hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức QLĐNT trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố: Có trách nhiệm chỉ đạo các phòng ban của huyện, thành phố và UBND các xã thực hiện nghiêm túc Đề án này. UBND các huyện, thành phố cử lãnh đạo và cán bộ chuyên trách thực hiện chuyển đổi mô hình và cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động phân phối và kinh doanh điện nông thôn.

3. Sở Công nghiệp: Là Cơ quan thường trực, trực tiếp giúp việc cho Ban chỉ đạo chuyển đổi tổ chức thực hiện đề án chuyển đổi mô hình QLĐNT trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, các tổ chức QLĐNT về các vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi mô hình mới và cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các tổ chức QLĐNT.

4. Các cơ quan: Sở Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Cục Thuế tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Điện lực Gia Lai: Theo chức năng của từng ngành hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho UBND huyện, thành phố; UBND các xã và BQL điện nông thôn chuyển đổi mô hình QLĐNT.

5. Báo Gia Lai, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Gia Lai: Có kế hoạch tuyên truyền phổ biến việc chuyển đổi mô hình QLĐNT và kịp thời biểu dương các địa phương thực hiện tốt việc chuyển đổi mô hình QLĐNT.

II. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Ban chỉ đạo tổ chức họp triển khai thực hiện Đề án tại các huyện, thành phố với thành phần: Lãnh đạo UBND, Phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng kinh tế các huyện, thành phố, UBND các xã và BQL điện các xã. Thời gian thực hiện từ tháng 8 năm 2003.

UBND các huyện, thành phố chủ trì; Sở Công nghiệp và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình QLĐNT tỉnh tham gia, phối hợp hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ về các vấn đề liên quan để UBND các xã, các tổ chức QLĐNT thực hiện chuyển đổi. Thời gian thực hiện tháng 9 năm 2003. Tại mỗi huyện lựa chọn một số xã có điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình điểm, từ kết quả đó vận dụng để xây dựng cho các xã còn lại.

Tháng 11 năm 2003 tổ chức họp Ban chỉ đạo rút kinh nghiệm. Tiếp tục triển khai đến tháng 12 năm 2003 tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án.

Sở Công nghiệp là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý điện, báo cáo về UBND tỉnh tiến độ, kết quả thực hiện Đề án./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Thế Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.