• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/07/2000
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 55/2000/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 27 tháng 7 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa thông tin

 tỉnh Gia Lai đến năm 2010

_____________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994;

- Xét quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai đến năm 2010 do Sở Văn hóa Thông tin trình tại Tờ trình số 53/TT-VHTT ngày 26-6-2000 và theo kết quả cuộc họp thông qua: Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai đến năm 2010 ngày 23-12-1999 của Hội đồng nghiệm thu quy hoạch (theo Quyết định số 1779/QĐ-UB ngày 18-12-1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai);

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tại Tờ trình số 308/TT-KH ngày 7-7-2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp Văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai đến năm 2010, với những nội dung sau:

I. Mục tiêu chủ yếu:

- Phấn đấu đến năm 2005 đạt 70% số huyện, thành phố có Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao, bình quân mỗi người dân được hưởng thụ điện ảnh và xem biểu diễn nghệ thuật đạt 6 -7 lần/ năm và đến năm 2010 tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều có Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao, với mức hưởng thụ văn hóa bình quân lên 8 - 10 lần/ năm.

- Phát triển nhà rông văn hóa, các khu vui chơi giải trí ở các trung tâm xã, cụm dân cư. Mỗi nhà rông có một đội văn nghệ dân gian, đội cồng chiêng phù hợp với điều kiện sinh hoạt ở cơ sở. Đến năm 2005 có 70% và 2010 đạt 80 - 100% số xã có nhà rông văn hóa hoặc cụm sinh hoạt văn hóa vui chơi giải trí. Phát triển hệ thống thư viện tỉnh, huyện và các tủ sách ở xã, phường, phấn đấu đến năm 2005 đạt 70% và 2010 đạt 100% số huyện, thành phố trong tỉnh có thư viện; bình quân mỗi người dân có ít nhất 1 đến 4 cuốn sách trong thư viện. Mỗi huyện có 1 cửa hàng sách sự nghiệp và một số quầy sách  lưu động để đưa sách và văn hóa phẩm phục vụ cho nhân dân trong vùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.

- Tích cực sưu tầm, bảo tồn có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa. Từ nay đến năm 2005, hoàn thành hồ sơ các di tích chiến thắng: Đăk Pơ - An Khê, Plei Me - Chư Prông, đường 7 sông Bờ - Ayun Pa, thị trấn dân chủ KBang. Gắn việc giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống với hoạt động du lịch trong nước và quốc tế; khôi phục lại một số ngành nghề truyền thống và phong tục tập quán có giá trị, loại bỏ những phong tục mang nhiều yếu tố lạc hậu.

- Phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở khu dân cư. Phấn đấu đến năm 2005 có 50% và năm 2010 có khoảng 60% -70% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; đến 2005: 40% và 2010: 60% - 70% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa.

- Đoàn nghệ thuật Đam San phấn đấu trở thành đoàn ca múa nhạc dân tộc mạnh ở khu vực Tây Nguyên; Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật có bộ phận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và giảng dạy các bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống, đào tạo đội ngũ cán bộ, văn nghệ sỹ và cán bộ văn hóa thông tin đáp ứng nhu cầu của tỉnh và Tây Nguyên.

II. Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin:

1. Quy hoạch phát triển thiết chế tổ chức ngành Văn hóa Thông tin trên địa bàn tỉnh:

Trong tình hình mới, trước mắt từ nay đến 2005 cần củng cố bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý sự nghiệp và sản xuất kinh doanh của ngành Văn hóa Thông tin để đảm bảo hoạt động có hiệu quả từ thành phố, các huyện đến các cơ sở xã. Cụ thể:

- Ở cấp tỉnh (Sở Văn hóa Thông tin): Củng cố bộ máy tổ chức, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý về Văn hóa thông tin, tổ chức hướng dẫn các hoạt động văn hóa thông tin từ sở đến các cấp cơ sở, tổ chức thanh tra chuyên ngành.

- Ở cấp huyện: Việc quản lý cấp huyện được tổ chức xây dựng cơ cấu bao gồm: Phòng Văn hóa Thông tin huyện và Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện

- Ở cấp xã, phường: Tổ chức văn hóa thông tin của cấp xã phường được củng cố xây dựng, là đầu mối đưa văn hóa thông tin vào cuộc sống lao động. Xây dựng Ban Văn hóa thông tin ở các xã, phường.

2. Quy hoạch phát triển thiết chế các ngành Văn hóa Thông tin trong tỉnh:

2.1. Hệ thống các Trung tâm Văn hóa thông tin:

Hình thành Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh, Trung tâm Văn hóa thông tin huyện, thành phố Pleiku. Xây dựng các cụm văn hóa thông tin và thể thao xã hoặc liên xã, Nhà Văn hóa xã hoặc Nhà rông văn hóa xã. Đến năm 2005 xây dựng ở Trung tâm Văn hóa huyện một nhà truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử văn hóa điển hình của huyện đó. Tiếp tục đầu tư các điểm sinh hoạt vui chơi giải trí cho trẻ em, xây dựng các tụ điểm văn hóa công cộng.

2.2. Hệ thống nhà bảo tàng và công tác bảo tồn:

Bảo tàng: Từ nay đến năm 2010, Bảo tàng Gia Lai dự kiến mỗi năm sẽ sưu tầm từ 200 - 300 hiện vật, nâng số hiện vật của Bảo tàng lên 37.000 hiện vật vào năm 2005 và 38.000 hiện vật vào năm 2010.

Công tác Bảo tồn: Quản lý, khai thác, nghiên cứu tập hồ sơ, tu bổ, bảo quản chống xuống cấp, trùng tu các di tích đã được xếp hạng. Đến năm 2005 sẽ hoàn thành hồ sơ di tích và đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin công nhận 5 di tích lịch sử và 2 di tích khảo cổ học. Đặt bia cho các di tích đã xếp hạng, xây dựng tượng đài cho các di tích: Chiến thắng Đăk Pơ, chiến thắng Plei Me, chiến thắng đường 7 sông Bờ... Đến năm 2010 sẽ trùng tu, phục chế hiện vật cho các di tích: Nhà lao Pleiku, di tích lịch sử văn hóa Peli-Ơi (Vua lửa) và danh lam thắng cảnh Biển Hồ.

Song song với sự phát triển của công tác bảo tàng và bảo tồn, hệ thống và thiết chế bảo tàng cũng được quy hoạch hoàn thiện. Dự kiến sẽ xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh, xây dựng một số nhà truyền thống, nhà bảo tàng ở một số huyện như: An Khê, Ayun Pa, Chư Prông.

2.3. Hệ thống thư viện:

Không ngừng nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho các thư viện, mở rộng diện tích các kho và hệ thống các phòng học. Đưa hệ thống quản lý ngành vào hoạt động và hòa nhập vào mạng Quốc gia. Thư viện Tổng hợp tỉnh có quy mô khoảng 1 triệu bản sách, 300 loại báo và tạp chí. Thư viện các huyện và thành phố Pleiku, mỗi thư viện có vốn tài liệu khoảng 50.000 bản, 100 loại sách báo, tạp chí.

2.4. Hệ thống chiếu bóng - dịch vụ băng hình và phát hành văn hóa tổng hợp:

Công ty Điện ảnh và Văn hóa Tổng hợp có nhiệm vụ in sao băng hình và tổ chức phát hành băng hình thông qua các đại lý, các cửa hàng băng hình để phục vụ nhân dân trong tỉnh, đồng thời hướng dẫn xem và sử dụng băng hình tại gia đình theo hướng lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí. Các đội chiếu bóng sẽ được tinh giảm và chia địa bàn hoạt động theo khu vực, các rạp chiếu bóng sẽ thực hiện các loại hình hoạt động đa chức năng. Công ty phát hành sách có trách nhiệm chính về phát hành sách trong tỉnh, thông qua hệ thống phát hành sách quốc doanh và các đại lý, phục vụ tốt cho nhu cầu của địa phương. Cụ thể đến năm 2010 sẽ xây dựng 01 Trung tâm sách Văn hóa phẩm của tỉnh tại thành phố Pleiku, xây dựng các hiệu sách nhân dân cho các huyện và các khu đông dân.

2.5. Biểu diễn nghệ thuật:

Để hoạt động biểu diễn nghệ thuật phát triển ngang tầm với các hoạt động khác trong ngành, trong tương lai cần phải đầu tư xây dựng một nhà hát với năng lực từ 600 - 700 chỗ trên cơ sở kỹ thuật hiện đại, đủ điều kiện cho các đoàn biểu diễn lớn đến phục vụ đồng bào trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Trong giai đoạn trước mắt cần thiết phải tăng cường đầu tư các chương trình cho Đoàn nghệ thuật Đam San.

2.6. Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Gia Lai:

Đổi mới là nội dung và phương pháp đào tạo, thực hiện phương châm "Học đi đôi với hành", đào tạo gắn liền với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị xã hội. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo và đa năng hóa chức năng đào tạo.

2.7. Các đoàn thể văn hóa nghệ thuật:

Trong thời gian đến cần đầu tư xây dựng trại sáng tác Biển Hồ, là nơi tập trung các văn nghệ sỹ trong và ngoài tỉnh để trao đổi, gặp mặt và sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ảnh các mặt đời sống văn hóa trong tỉnh. Khu sáng tác Biển Hồ hoạt động trong hệ thống trại sáng tác của Bộ Văn hóa Thông tin.

III- Những giải pháp chủ yếu để thực hiện:

1. Về giải pháp đầu tư và vốn đầu tư:

Để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ quy hoạch đề ra, từ nay đến năm 2010 cần tập trung vào việc đầu tư xây dựng và cải tạo các công trình văn hóa trọng yếu; tăng cường đầu tư để trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch, ưu tiên các di tích cách mạng, các di tích lịch sử; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động Văn hóa Thông tin trên cơ sở đúng luật, đúng định hướng phát triển của ngành nhằm thu hút vốn đầu tư.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư từ nay đến năm 2010 cho ngành là 179,02 tỷ đồng (giai đoạn 2000 - 2005: 93,02 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010: 86 tỷ đồng). Trong đó: Vốn từ ngân sách Trung ương chiếm 40%; cấp tỉnh, huyện, xã: 50%; các tổ chức phi chính phủ: 5%; các thành phần kinh tế khác: 5%.

2. Các giải pháp khác:

- Giải pháp đổi mới tổ chức và chế độ chính sách:

Thực hiện chế độ cho người làm công tác Văn hóa Thông tin ở cấp phường, xã. Cần có chính sách ưu tiên cho hoạt động văn hóa thông tin ở miền núi, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ.

Thực hiện tốt công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ nhân viên trong ngành.

IV- Tổ chức thực hiện:

- Công khai hóa quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin cho các ngành và toàn dân thực hiện.

- Thường xuyên điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển của từng giai đoạn.

Điều 2: Giao cho Sở Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm quản lý lưu trữ tài liệu quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai đến năm 2010 để khai thác sử dụng có hiệu quả, phục vụ cho việc hoạch định, xây dựng các kế hoạch 5 năm và hàng năm của ngành. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu để có những bổ sung điều chỉnh kịp thời nhằm phát triển ngành đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Giám đốc các sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.