• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 28/09/2020
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 27/2005/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 22 tháng 2 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành Quy định quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai

_______________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ điều 10 luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

- Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004;

- Theo đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai tại công văn số: 598/CV-NN ngày 23/12/2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số: 1056/1996/QĐ-UB ngày 07/10/1996 của Uỷ ban nhân tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý nhập, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, giống vật nuôi.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Thương Mại & Du lịch, Tài chính, Tư Pháp, Nội vụ, Khoa học & Công nghệ; Chi cục quản lý thị trường, Chi cục Thú y, Chi cục tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

TM/ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Hoàng Công Lự

 

 

 

QUY ĐỊNH

Về việc quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai

(Ban hành kèm theo quyết định số: 27/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh Gia Lai)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định việc sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng; nghiên cứu, khảo nghiệm giống vật nuôi.

Điều 2: Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và nước ngoài thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

1- Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành và củng cố, phát triển do tác động của con người; Giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau.

Các giống vật nuôi bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống

2- Giống vật nuôi thuần chủng là giống ổn định về di truyền và năng suất; giống nhau về kiểu gen, ngoại hình và khả năng kháng bệnh.

3- Đàn giống cụ kỵ là đàn giống vật nuôi thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn, tạo, nuôi dưỡng để sản xuất ra đàn giống ông bà.

4- Đàn giống ông bà là đàn giống vật nuôi nhân từ đàn giống cụ kỵ để sản xuất giống bố mẹ.

5- Đàn giống bố mẹ là đàn giống vật nuôi nhân từ đàn giống ông bà để sản xuất ra giống thương phẩm.

6- Đàn giống hạt nhân sử dụng trong nhân giống gia súc lớn là đàn giống tốt nhất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được nuôi dưỡng và chọn lọc theo một quy trình nhất định nhằm đạt được tiến bộ di truyền cao để sản xuất ra đàn nhân giống.

7- Đàn nhân giống sử dụng trong nhân giống gia súc lớn là đàn giống do đàn giống hạt nhân sinh ra để sản xuất ra đàn thương phẩm hoặc được chọn lọc để bổ sung vào đàn hạt nhân.

8- Giống thương phẩm là đàn giống vật nuôi sinh ra từ đàn giống bố mẹ.

9- Giống giả là giống không đúng với tên giống đã ghi trên nhãn.

10- Chọn giống là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để chọn lọc để giữ lại làng giống những cá thể có đặc điểm có lợi.

11- Tạo giống là việc chọn và phối giống hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật khác để tạo ra một giống mới.

12- Cải tạo giống là việc làm thay đổi một hoặc nhiều đặc tính của giống hiện có bằng cách cho phối giống để có các đặc tính tốt hơn.

13- Kiểm tra năng suất cá thể là việc đánh giá năng suất, chất lượng của con giống trước khi đưa vào sử dụng.

Điều 4: Những hành vi bị nghiêm cấm

1- Sản xuất, kinh doanh giống giả, giống vật nuôi không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giống không có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh.

2- Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen vật nuôi, xuất khẩu trái phép nguồn gen vật nuôi quý hiếm.

3- Thử nghiệm mầm bệnh, thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và thức ăn chăn nuôi mới trong khu vực sản xuất giống vật nuôi.

4- Cản trở các hoạt động hợp pháp về nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm định và sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi.

5- Sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường, hệ sinh thái.

6- Công bố tiêu chuẩn chất lượng, quảng cáo thông tin sai sự thật về giống vật nuôi.

7- Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.

8- Vận chuyển, du nhập giống vật nuôi từ vùng có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 5: Điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi

1- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a/ Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống vật nuôi và chỉ được sản xuất kinh doanh giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.

b/ Có địa điểm sản xuất kinh doanh giống vật nuôi phù hợp với quy định của ngành Nông nghiệp & PTNT và phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật thú y, pháp luật thuỷ sản và pháp luật về môi trường;

c/ Có cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc sản xuất kinh doanh của từng loài vật nuôi và từng phẩm cấp giống;

d/ Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi thú y nuôi trồng thủy sản nếu sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, thương phẩm;

đ/ Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản nếu sản xuất, kinh doanh đàn giống vật nuôi thuần chủng, cụ kỵ, ông bà, đàn giống hạt nhân;

e/ Có hồ sơ theo dõi giống;

g/ Thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống vật nuôi do Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Thủy sản ban hành.

2- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh giống vật nuôi theo hình thức chăn nuôi truyền thống mà không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh thì không phải thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về thú y, pháp luật bảo vệ môi trường.

Điều 6: Sản xuất, kinh doanh tinh, trứng giống và ấu trùng

1- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tinh đực giống để thụ tinh nhân tạo phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a/ Các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 5 của Quy định này.

b/ Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo;

c/ Không được khai thác, sử dụng tinh của đực giống trong khu vực đang có dịch bệnh;

d/ Thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng tinh và môi trường bảo quản, pha chế tinh do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.

2- Hộ gia đình kinh doanh đực giống bò, heo, dê để phối giống trực tiếp phải đáp ứng các yêu cầu sau.

a/ Đực giống bò, heo, dê phải được đăng ký với ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn;

b/ Đực giống bò, heo, dê phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch thú y;

c/ Thực hiện quy chế quản lý, khai thác, sử dụng đực giống bò, heo, dê do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.

3- Người hành nghề thụ tinh nhân tạo gia súc phải có bằng hoặc chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

a/ Người hành nghề thụ tinh nhân tạo bò, dê phải đăng ký với Phòng Kinh tế huyện, thị xã, thành phố.

b/ Người hành nghề thụ tinh nhân tạo heo phải đăng ký với UBND xã, Phường, thị trấn.

4- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trứng giống, ấu trùng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a/ Các điều kiện quy định tại điều a, b, c và đ khoản 1, Điều 5 của quy định này;

b/ Trứng giống, ấu trùng chỉ được khai thác từ giống vật nuôi thuần chủng, cụ kỵ, ông bà, đàn giống bố mẹ;

c/ Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống.          

Điều 7: Nhân giống vật nuôi

1- Giống vật nuôi có bao bì chứa đựng khi kinh doanh phải được ghi nhãn với nội dung sau:

a/ Tên giống vật nuôi;

b/ Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất kinh doanh;

c/ Định lượng giống vật nuôi;

d/ Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu;

đ/ Ngày sản xuất và thời hạn sử dụng;

e/ Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.

2- Giống vật nuôi không có bao bì chứa đựng thì phải có hồ sơ giống kèm theo, trong đó ghi rõ tên giống, xuất xứ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật.

Điều 8: Quy định đối với người buôn bán lưu động giống vật nuôi

Người buôn bán lưu động giống vật nuôi (Thuộc danh mục số lượng giống phải kiểm soát) tại các xã, phường, thị trấn, các bản làng trong tỉnh Gia Lai phải đem theo giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan đến kinh doanh giống. Bao gồm:

- Giấy chứng minh nhân dân.

- Giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

- Bản công bố chất lượng giống vật nuôi kèm theo bản xác nhận của Sở Nông nghiệp & PTNT (hoặc xác nhận của cơ quan do Sở Nông nghiệp & PTNT uỷ quyền) ở địa phương.

- Giống vật nuôi phải có nhãn hàng hoá theo điều 7 bản quy định này.

Riêng tổ chức, cá nhân ở các địa phương khác tới tỉnh Gia Lai, trước khi bán lưu động giống vật nuôi phải trình báo với Phòng Kinh tế địa phương.

Tuỳ từng thời kỳ, Sở Nông nghiệp ban hành danh mục, số lượng giống vật nuôi phải kiểm soát khi buôn bán lưu động.

Điều 9: Giống vật nuôi phục vụ các phương trình dự án

Giống vật nuôi phục vụ các chương trình, dự án bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do cơ quan cấp tỉnh quản lý, triển khai phải được thẩm định và cho phép của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT về cơ cấu, chủng loại và xuất xứ giống, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, và của từng địa phương.

Nếu do cơ quan cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý, tổ chức triển khai thì do Phòng kinh tế huyện thẩm định nhưng sau đó phải có văn bản báo cáo về sở Nông nghiệp & PTNT để theo dõi.

Điều 10: Nhập khẩu, xuất khẩu giống nuôi

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc xuất khẩu giống vật nuôi phải thực hiện quy định của pháp lệnh, giống vật nuôi, văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT về danh mục giống vật nuôi được phép nhập khẩu và danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; đồng thời phải báo cáo bằng văn bản với sở Nông nghiệp & PTNT về nguồn gốc, lý lịch giống, quy trình sử dụng, chăm sóc nuôi dưỡng.

Điều 11: Khảo nghiệm giống vật nuôi mới

Các giống vật nuôi mới chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh (do Bộ Nông nghiệp & PTNT hoặc bộ Thủy sản ban hành) trước khi đưa vào sản xuất kinh doanh phải qua khảo nghiệm theo quy định của pháp lệnh giống vật nuôi.

Tổ chức, cá nhân khi đưa giống vật nuôi vào khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh phải báo cáo bằng văn bản và được sự chấp thuận của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT; Đồng thời phải có hợp đồng trách nhiệm về chất lượng giống của mình với người trực tiếp thực hiện.

Chương III

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 12: Đăng ký danh mục giống và công bố chất lượng

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải đăng ký danh mục giống dự định sản xuất, kinh doanh với cơ quan chức năng, (Theo phân cấp tại chương IV bản quy định này) và phải công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố chất lượng giống phù hợp tiêu chuẩn (Đối với giống nằm trong danh mục phải công bố do Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định); Phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng do giống không bảo đảm chất lượng gây ra (loại trừ các yếu tố không phải do giống).

Trường hợp là Đại lý hoặc xã viên hợp tác xã thì bên giao Đại lý hoặc HTX phải bản công bố chất lượng của mình cho người bán để nộp cho cơ quan chức năng địa phương.

Điều 13: Kiểm định giống vật nuôi

Việc kiểm định giống vật nuôi được thực hiện theo pháp lệnh giống vật nuôi.

Điều 14: Kiểm dịch giống vật nuôi.

Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi phải thực hiện việc kiểm dịch theo quy định của pháp lệnh về thú y.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 15: Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai là cơ quan chuyên môn của ủy ban nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước về giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

1- Lập quy hoạch, kế hoạch; Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; Đề xuất, xây dựng các chương trình dự án đầu tư cho sản xuất giống.

2- Ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện sản xuất, kinh doanh và công bố chất lượng giống vật nuôi.

3- Tổ chức bộ phận quản lý chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp trong đó có giống vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT; Mở sổ sách theo dõi tình hình nhập sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống trên địa bàn tỉnh;

Xác nhận công bố chất lượng giống vật nuôi của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế Nhà nước và tư nhân.

4- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, dịch vụ cung cấp giống và cơ cấu, số lượng giống sản xuất kinh doanh.

5- Báo cảo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sản xuất kinh doanh giống vật nuôi về ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp & PTNT.

6- Phối hợp với các cơ quan, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, phổ biến rộng rãi trong nhân dân bản quy định này.

7- Phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Nông nghiệp & PTNT của Trung ương và của các tỉnh, thành phố trong nước để nắm bắt các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh giống vật nuôi thuộc quản lý của Trung ương, địa phương (Chủ yếu là các Công ty, đơn vị, cơ sở giống thường xuyên quan hệ cung cấp giống cho tỉnh Gia Lai) và danh mục, chất lượng giống của các đơn vị này để làm cơ sở quản lý giống và tư vấn cho nông dân lựa chọn nguồn giống vật nuôi.

Điều 16: Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm:

1- Trên cơ sở quy định của Pháp luật hướng dẫn chi tiết về tiêu chí diện phải đăng ký kinh doanh (kể cả những đối tượng ở các địa phương khác đến) cho những đối tượng thuộc các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

2- Thụ lý hồ sơ, cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống vật nuôi.

Điều 17: Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn có trách nhiệm:

l- Xác định cụ thể cơ cấu giống vật nuôi của địa phương phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái theo hướng dẫn chung của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai và theo quy hoạch, kế hoạch do Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ cấu giống, chất lượng giống và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi.

3- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện các quy định; Thụ lý, xử lý hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về sản xuất kinh doanh giống vật nuôi; Hướng dẫn và xác nhận công bố chất lượng giống vật nuôi cho các cơ sở giống thuộc hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn;

Mở sổ sách theo dõi danh sách các cơ sở giống, số lượng chủng loại giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Báo cáo định kỳ 3 tháng/lần hoặc báo cáo đột xuất cho ủy ban nhân dân cùng cấp và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai.

4- Bố trí người có đủ năng lực chuyên môn tham gia công tác quản lý giống vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương.

5- Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng những cá nhân, hộ gia đình có thành tích tốt, hoặc vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống vật nuôi.

6- Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý giống vật nuôi của tỉnh tiến hành tổ chức kiểm tra, thanh tra giống trên địa bàn.

Điều 18: Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về giống vật nuôi tại địa phương có trách nhiệm:

1- Bằng nhiều hình thức, tổ chức tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý giống vật nuôi.

2- Mở sổ sách theo dõi danh sách các cơ sở (cá nhân, hộ gia đình), danh mục các giống sản xuất kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn; Báo cáo định kỳ 3 tháng/lần hoặc đột xuất về Phòng Kinh tế huyện.

3- Phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh giống vật nuôi trên địa bàn.

4- Kiểm tra đột xuất đối với người bán giống lưu động trên địa bàn mình phụ trách (trường hợp có nghi vấn) và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 19: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động về lĩnh vực giống vật nuôi có trách nhiệm:

1- Nghiêm chỉnh thực hiện các quy định tại văn bản này tại, pháp lệnh giống vật nuôi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng/lần vào cuối mỗi quý về cơ quan chức năng (theo phân cấp).

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20: 1- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, chỉ đạo công tác phát triển giống vật nuôi và tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc chấp hành pháp luật sản xuất kinh doanh về giống vật nuôi, đưa được nhiều giống tốt, giống chất lượng cao vào sản xuất được khen thưởng theo quy định pháp luật thi đua khen thưởng đồng thời được xem xét hỗ trợ kinh phí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2- Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh giống vật nuôi, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật hiện hành./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Công Lự

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.