• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2021
UBND TỈNH HẢI DƯƠNG
Số: 22 /2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 4 tháng 10 năm 2021


 

 

QUYẾT ĐỊNH

Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất
trước khi vi phạm trên địa bàn tỉnh Hải Dương

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương mà phải áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Người sử dụng đất quy định tại Điều 5 Luật Đất đai và các tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm pháp luật đất đai bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
  2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về đất đai thuộc: Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) trên địa bàn tỉnh.
  3. Người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Tầng đất mặt tại Quyết định này được hiểu là tầng đất trên cùng, chứa nhiều chất hữu cơ hơn tầng đất bên dưới, là tầng đất chủ yếu để cây trồng sinh sống, phát triển.
  2. Vật chất tại Quyết định này được hiểu là tất cả các dạng tồn tại trên mặt đất, trong lòng đất do hành vi vi phạm của con người gây ra hoặc có nguồn gốc do hành vi vi phạm của con người gây ra.

Điều 4. Mức độ khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi

phạm

  1. Tùy theo từng trường hợp vi phạm dẫn đến làm thay đổi mục đích sử dụng đất, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng một hoặc một số biện pháp để khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm:
  1. Buộc tháo dỡ, di chuyển các vật chất mà pháp luật quy định không được phép tồn tại ra ngoài diện tích đất bị vi phạm;
  2. Buộc san gạt, san lấp, đào hạ thấp mặt bằng hoặc các giải pháp khác để có độ cao, độ sâu, độ dốc tương đương ban đầu của diện tích đất bị vi phạm;
  3. Buộc khôi phục tầng đất mặt có độ dầy, thành phần, tính chất tương đương với tầng đất mặt trước khi bị vi phạm.
  1. Yêu cầu khi thực hiện các biện pháp trên phải bảo đảm:
  1. Việc tháo dỡ, di chuyển các vật chất ra ngoài diện tích đất bị vi phạm phải hạn chế tối đa việc đào sâu quá tầng đất mặt để giữ nguyên tính chất, sự ổn định của kết cấu đất;
  2. Việc thực hiện các giải pháp để có độ cao, độ sâu, độ dốc tương đương ban đầu của diện tích đất bị vi phạm phải sử dụng loại đất hoặc vật liệu tươngđương ban đầu hoặc bảo đảm được mục đích sử dụng đất như ban đầu;
  3. Trường hợp diện tích đất ban đầu có các biện pháp chống xói mòn, sạt lở, có hệ thống tưới tiêu, đường ranh cản lửa thì khi khôi phục lại tình trạng ban đầu phải bảo đảm các yêu cầu này;
  4. Trường hợp diện tích đất ban đầu có cây trồng, hoa màu, công trình xây dựng trên đất hoặc các vật chất khác mà phải khôi phục hiện trạng ban đầu thì việc khôi phục, mức độ khôi phục được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với các loại vật chất đó.

Điều 5. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

  1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
  1. Tuyên truyền, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan áp dụng, thực hiện thống nhất, đúng quy định tại Quyết định này;
  2. Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất, thực hiện tốt công tác công khai các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, các trường hợp bị xử lý vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;
  3. Tổng hợp, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý đối với những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện quy định này.
  1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
  1. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc cải tạo đất, trồng rừng, trồng cây lâu năm, cây hàng năm đối với trường hợp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà buộc phải cải tạo lại đất, trồng lại rừng;
  2. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có biện pháp tận thu lớp đất mặt của đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm ở những nơi có chất lượng đất tốt khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm sang mục đích khác nhằm có quỹ đất để cải tạo, khắc phục các diện tích đất bị vi phạm.
  1. Sở Xây dựng:
  1. Chủ trì theo thẩm quyền, hoặc hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác thẩm tra, xác định sự phù hợp của công trình xây dựng, vật kiến trúc trên đất với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b)Hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tháo dỡ công trình vi phạm bảo đảm an toàn, đúng quy định.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:

  1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai, quy định tại Quy định này để các tổ chức, cá nhân biết;
  2. Chỉ đạo, phối hợp, giám sát việc khắc phục hậu quả của tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
  3. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

         5.Ủy ban nhân dân cấp xã:

  1. Chủ trì giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của các tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất theo mức độ quy định tại Quy định này phải lập biên bản ghi nhận sự việc, gửi cho người vi phạm 01 (một) bản, cho cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất 01 (một) bản để biết;
  2. Thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

         6.Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai tại Quy định này để các tổ chức, cá nhân biết, góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh.

         7.Các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt các biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đã quy định tại Quyết định này và các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Trách nhiệm của người vi phạm

Chấp hành, thực hiện nghiêm các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm quy định tại Quyết định này.

Điều 7. Điều khoản thi hành

  1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021.
  2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Text Box: TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH1/01/clip_image002.gif" style="margin-top:0px;margin-bottom:176px;" width="222" />Nơi nhận:

  • Như Điều 7;
  • Văn phòng Chính phủ;
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Cục Kiểm tra Văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
  • Thường trực Tỉnh ủy;
  • Thường trực HĐND tỉnh;
  • Lãnh đạo UBND tỉnh;
  • LĐ VP ' UBND tỉnh;
  • Các sở, ban, ngành của tỉnh;
  • UBND các huyện, TP, TX;
  • Trung tâm CNTT-VPUBND tỉnh;
  • CV VP: Chình, Thành, Quảng, Thảo;
  • Lưu: VT. KTN.

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lưu Văn Bản

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.