Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

____________________________ 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật An ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định nội dung, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm và bảo đảm điều kiện cho việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (trong Nghị định này viết tắt là biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự là cách thức, phương pháp xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách làm tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

3. Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự là sỹ quan, hạ sỹ quan của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ chuyên trách tham mưu, tổ chức, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi thực hiện biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự phải:

a) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký;

b) Không được lợi dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

c) Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền do pháp luật quy định, bảo đảm tính hiệu quả;

d) Kết hợp việc áp dụng biện pháp pháp luật với sức mạnh quần chúng, sức mạnh của hoạt động ngoại giao, kinh tế, nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật và vũ trang để bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; tạo điều kiện, giúp cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thực hiện biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự.

Chương II

NỘI DUNG, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÁP LUẬT BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 5. Nội dung biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Đưa yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự vào xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, hoàn thiện thể chế.

2. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động xây dựng pháp luật, hợp tác quốc tế về pháp luật để xâm hại đến chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 6. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện các nội dung biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự quy định tại Điều 5 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Kịp thời cung cấp cho cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, sử dụng pháp luật có nội dung ảnh hưởng xấu đến bảo vệ an ninh, trật tự; lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm gửi hồ sơ đó đến Bộ Công an để lấy ý kiến về sự phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong quá trình soạn thảo pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến an ninh, trật tự, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải gửi hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đó đến Bộ Công an để lấy ý kiến về tác động của văn bản đối với yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự.

4. Thực hiện các yêu cầu, quyết định của cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; cơ quan, người có thẩm quyền khác trong việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá tình hình, tham mưu và xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách, pháp luật, giải pháp, phương pháp về sử dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự.

2. Tổ chức, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống hoạt động phá hoại, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thông qua pháp luật để chuyển hóa chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây rối loạn an ninh, trật tự, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, sử dụng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng xấu đến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trật tự, an toàn xã hội; lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Sử dụng biện pháp nghiệp vụ và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

5. Hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự.

Điều 8. Thẩm quyền, trách nhiệm của thủ trưởng, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Thủ trưởng cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định việc sử dụng thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự trong áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự quy định tại Điều 7 Nghị định này; phân công cán bộ thuộc quyền quản lý, chỉ huy của mình thực hiện nhiệm vụ do mình quyết định hoặc thủ trưởng đơn vị cấp trên quyết định.

2. Cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công, chỉ huy của thủ trưởng đơn vị mình.

3. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các quy tắc nghiệp vụ chuyên môn, kỷ luật của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Điều 9. Ngân sách bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trung ương khác của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Việc lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2011.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này trong Quân đội nhân dân.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng