Sign In

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn thực hiện quyết định số 654/TTg ngày 08/11/1994

của Thủ tướng Chính phủ

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 177-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;

Thi hành quyết định số 654-TTg ngày 08/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ Tài chính thống nhất quản lý, thực hiện nhiệm vụ cấp phát và cho vay ưu đãi vốn đầu tư phát triển của Ngân sách Nhà nước; Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc bàn giao hồ sơ tài liệu, tiền vốn, cơ sở vật chất và cán bộ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp phát và cho vay ưu đãi vốn đầu tư phát triển của Nhà nước như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam bàn giao cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển hồ sơ tài liệu, tiền vốn, cơ sở vật chất và cán bộ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp phát vốn NSNN đầu tư và vốn tín dụng ưu đãi thuộc nguồn vốn NSNN đối với các dự án, mục tiêu chương trình theo quy định của Chính phủ đảm bảo cho Tổng cục Đầu tư phát triển thuộc Bộ Tài chính bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/1995.

2. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chịu trách nhiệm về số vốn đã cấp phát, cho vay và thu nợ đối với các công trình bàn giao kể từ ngày 31/12/1994 trở về trước. Tổng cục Đầu tư phát triển chịu trách nhiệm về số vốn cấp phát, cho vay và số đã thu nợ đối với các công trình nhận bàn giao kể từ ngày 1/1/1995 trở đi.

3. Những công việc của năm 1994 phát sinh trong quá trình bàn giao và sau khi bàn giao hai Bộ có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo xử lý.

4. Việc bàn giao phải bảo đảm cho hoạt động đầu tư và xây dựng của Nhà nước tiến hành bình thường không làm tổn thất vốn và tài sản của Nhà nước.

II- NHỮNG NỘI DUNG BÀN GIAO CỤ THỂ

5. Bàn giao tiền vốn, hồ sơ tài liệu.

5.1. Đối tượng các công trình bàn giao:

a. Các công trình thuộc vốn Ngân sách đầu tư (bao gồm NSTW, NSĐP, tiền bán vật tư thiết bị, khấu hao cơ bản, chuẩn bị đầu tư, thiết kế quy hoạch . . .)

b. Các công trình thuộc vốn ODA của nước ngoài.

c. Các công trình (dự án) tín dụng ưu đãi là những công trình (dự án) chuyển tiếp đã được ghi trong kế hoạch tín dụng của Nhà nước và được  hưởng lãi suất ưu đãi, bao gồm:

c.1- Các công trình (dự án) xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế;

c.2- Các cơ sở sản xuất tạo việc làm;

c.3- Các công trình (dự án) đầu tư trọng điểm của Nhà nước trong từng thời kỳ (điện, xi măng, sắt thép, cấp thoát nước . . .).

c.4.- Riêng các công trình (dự án) khác của các ngành có khả năng thu hồi vốn sẽ bàn giao khi được ghi trong kế hoạch Nhà nước năm 1995 về tín dụng đầu tư ưu đãi.

d. Các công trình thuộc vốn sự nghiệp;

e. Các công trình thuộc vốn C-K;

5.2. Ngân hàng đầu tư và phát triển lập danh mục các hồ sơ tài liệu, sổ sách có liên quan đến các công trình bàn giao nói trên bao gồm:

- Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) được duyệt.

- Dự toán, tổng dự toán được duyệt.

- Kế hoạch đầu tư năm 1994 được duyệt.

- Thông báo kế hoạch cấp phát vốn đầu tư năm 1994.

- Hồ sơ vay vốn đầu tư (giải trình vay vốn, hợp đồng tín dụng).

- Văn bản phê duyệt quyết toán công trình, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng (nếu có).

- Bản tóm tắt tình hình cấp phát, cho vay, thu nợ của cán bộ trực tiếp cấp phát, cho vay.

- Các tài liệu khác có liên quan đến quản lý vốn đầu tư của công trình như công văn, thông báo, chỉ thị của cấp trên.

5.3. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam bàn giao cho Tổng cục Đầu tư  phát triển toàn bộ các nguồn vốn đã nhận của Nhà nước như nói tại điểm 5.1 để cấp phát và cho vay ưu đãi đến ngày 31-12-1994. Số vốn còn dư tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Trung ương và các Ngân hàng Đầu tư và phát triển địa phương đều chuyển giao lại Tổng cục Đầu tư phát triển.

5.4. Ngân hàng Đầu tư và phát triển các tỉnh, thành phố bàn giao cho Cục đầu tư phát triển nguồn vốn đã nhận của NSĐP để cấp phát. Số vốn đã cấp phát, cho vay, số dư nợ số vốn còn lại của từng công trình đến ngày 31-12-1994 có xác nhận của chủ đầu tư.

6. Bàn giao cán bộ.

6.1- Cán bộ đang trực tiếp làm nhiệm vụ cấp phát vốn Ngân sách và  cho vay ưu đãi (quy định tại điểm 5.1) tại Ngân hàng đầu tư và phát triển các cấp có mặt đến ngày 08-11-1994 được bàn giao cho hệ thống Tổng cục đầu tư phát triển.

6.2- Những cán bộ có liên quan khác bao gồm cán bộ làm công tác kế hoạch, thẩm định, kiểm tra, kế toán, hành chính do Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển (Cục trưởng Cục Đầu tư phát triển) và Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển cấp tỉnh, thành phố) thoả thuận theo nguyên tắc đảm bảo cho hệ thống Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển hoạt động  bình thường.

6.3- Ngân hàng Đầu tư và phát triển các cấp lập danh sách kèm theo hồ sơ những cán bộ thuộc diện bàn giao nói trên để bàn giao cho Tổng cục đầu tư phát triển các cấp theo đúng quy định hiện hành về quản lý cán bộ.

6.4- Đối với cán bộ lãnh đạo là Giám đốc, phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển các tỉnh, thành phố dự kiến chuyển sang làm lãnh đạo cục Đầu tư  phát triển phải có ý kiến của Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam  giao cho lãnh đạo Sở Tài chính - Vật giá, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Đầu tư và phát triển cấp tỉnh, thành phố bàn thống nhất trình xin ý kiến Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau, Liên Bộ bàn quyết định.

6.5- Những cán bộ, nhân viên sau đây không thuộc diện bàn giao:

- Cán bộ, nhân viên không được chuyển xếp lương mới (không đủ tiêu chuẩn làm việc tiếp tục); cán bộ, nhân viên đã đến tuổi hoặc quá tuổi nghỉ công tác theo quy định, đang làm thủ tục nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ chế độ trước khi nghỉ hưu, nghỉ chờ việc, chờ giải quyết thôi việc theo chế độ.

- Cán bộ, nhân viên đang nghỉ điều trị bệnh, thời gian nghỉ đã trên 06 tháng tính đến ngày 08-11-1994.

- Nhân viên đang làm hợp đồng vụ việc, hợp đồng ngắn hạn, hợp đồng thử việc.

- Cán bộ, nhân viên vi phạm kỷ luật đang chờ xử lý hoặc đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật, bị đình chỉ công tác để cơ quan pháp luật điều tra, bị khởi tố, bị tạm giam.

7. Giao cơ sở vật chất:

Tài sản của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam thuộc đối tượng bàn giao theo nội dung dưới đây; nếu có vấn đề phát sinh về Tài chính, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và xử lý.

7.1- Đối với trụ sở làm việc.

a. Những nơi có 2 trụ sở làm việc (cơ sở đang dùng, đang xây dựng có thể dùng làm trụ sở) thì bố trí giao gọn một trụ sở có quy mô tương ứng với số cán bộ bàn giao.

b. Những nơi có một trụ sở làm việc gồm nhiều nhà riêng biệt thì bố trí giao trọn vẹn một hoặc hai nhà tương ứng với số cán bộ bàn giao.

c. Những nơi trụ sở chỉ có 1 nhà làm việc thì bố trí một phần hoặc khu vực liên hoàn thuận tiện cho hoạt động của cả hai bên, tương ứng với số cán bộ bàn giao.

d. Khi Tổng cục Đầu tư  phát triển có trụ sở mới sẽ bàn giao lại cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển diện tích đã nhận trước đây.

7.2- Đối với nhà ở đã phân phối cho cán bộ thuộc diện bàn giao thì giữ nguyên trạng cho người đang ở. Việc chuyển nhượng nhà ở phải được sự  đồng ý của cơ quan quản lý nhà theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về nhà ở và đất ở.

7.3- Đối với nhà làm việc, nhà ở thuộc đối tượng bàn giao phải giữ nguyên trạng. Không di chuyển, tháo gỡ, thay đổi những trang thiết bị, phương tiện làm việc gắn với nhà bàn giao.

7.4- Các phương tiện làm việc như bàn ghế, tủ, máy tính để bàn, máy tính cá nhân, máy chữ, máy vi tính, phương tiện giao thông, liên lạc đang phục vụ cho công tác quản lý, cấp phát và cho vay ưu đãi thì giao theo nguyên trạng tài sản của cán bộ đang dùng, tương ứng với số cán bộ bàn giao. Phương tiện đi lại do 2 bên thu xếp bảo đảm công việc cho cả 2 bên.

7.5- Khi bàn giao phải lập bảng kê và tính theo giá trị còn lại đến ngày 31/12/1994 (trừ các loại thuộc công cụ lao động) để ghi tăng giá trị tài sản cho bên nhận và ghi giảm giá trị tài sản cho bên giao.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

8. Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Đầu tư phát triển có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đầy đủ quy định tại Thông tư Liên Bộ này trong toàn bộ hệ thống, trên phạm vi cả nước.

9. Cấp bàn giao quy định như sau:

Ngân hàng Đầu tư và phát triển tỉnh, thành phố (bao gồm cả các chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển khu vực) bàn giao cho cục đầu tư phát triển tỉnh, thành phố.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển chuyên quản công trình bàn giao cho cục Đầu tư phát triển công trình hoặc cục đầu tư phát triển cấp tỉnh.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Trung ương bàn giao cho Tổng cục đầu tư phát triển.

10. Thời hạn bàn giao quy định thống nhất như sau:

Việc bàn giao hồ sơ tài liệu, tiền vốn, cơ sở vật chất và cán bộ phải tiến hành khẩn trương có bước đi thích hợp nhưng phải đảm bảo cho hệ thống Tổng cục đầu tư phát triển có đủ điều kiện hoạt động từ ngày 01/01/1995. Những vấn đề tồn tại sẽ được xem xét giải quyết tiếp.

11. Khi bàn giao phải lập biên bản có sự chứng kiến và xác nhận của Sở Tài chính - Vật giá, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố. Biên bản bàn giao phải lập thành 5 bản và gửi cho:

- Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

-Sở Tài chính - Vật giá

- Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

- Bên giao

- Bên nhận

12. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổng hợp tình hình bàn giao trên địa bàn tỉnh, thành phố báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước . Bộ trưởng Bộ Tài chính , Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố.

13. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ tình hình bàn giao của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cho hệ thống Tổng cục đầu tư phát triển báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất là ngày 30/6/1995.

14. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu hướng dẫn giải quyết./.

Bộ Tài chính

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Bộ trưởng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hồ Tế

Đang cập nhật