Sign In


Quy Định về việc chuyển trường và tiếp nhận

học sinh trung học phổ thông

___________

            Căn cứ quyết định số: 51/2002/QĐ - BGD&ĐT ngày 25/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo,  tiếp theo công văn số 1316/QĐ/SGD&ĐT ngày 16/10/2008 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng về việc ban hành “Quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông” Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng hướng dẫn việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh THCS, THPT thực hiện như sau:

A. Quy Định chung

1. Sở Giáo dục và đào tạo tiếp nhận học sinh chuyển trường, xin học lại đối với những học sinh đang học tại các trường THCS, THPT ở Việt nam, học sinh Việt Nam học tại các trường THCS, THPT ở nước ngoài. Việc tiếp nhận học sinh người nước ngoài, các trường Quốc tế tại Việt Nam có nguyện vọng vào học ở các trường THPT tại Hải Phòng, không áp dụng qui định này.

2. Học sinh đang học ở các trường ngoài công lập không được chuyển đến các trường công lập. Học sinh đang học tại các lớp thường không được chuyển đến học các lớp chuyên của trường chuyên. Học sinh các trường công lập chuyển ra trường ngoài công lập không được trở lại trường công lập.

3. Học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập của Hải Phòng tại trường nào phải học ổn định (ít nhất 1năm) tại trường đó. Trường hợp đặc biệt phát sinh phải có ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT.

4. Điều kiện học sinh được chuyển trường:

a/  Học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

b/  Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lí do thực sự chính đáng để chuyển trường.

5. Học sinh xin chuyển đi học ở các tỉnh, thành phố khác sẽ được Sở cấp Giấy giới thiệu, Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 căn cứ vào Danh sách trúng tuyển vào lớp 10 đã được Sở duyệt để bổ sung vào hồ sơ.

6. Các trường tiếp nhận học sinh chuyển về cần chú ý tới số lượng học sinh được giao chỉ tiêu đầu khoá học, không để tình trạng vượt quá nhiều chỉ tiêu đã được thành phố giao.

B. Một số quy định cụ thể về hồ sơ, quy trình, thời gian và thẩm quyền giải quyết

I. Quy định về hồ sơ:

 Hồ sơ chuyển trường cần có:

I.1.  Chuyển trong thành phố:

a. Đơn xin chuyển trường do cha mẹ hoặc người giám hộ ký (theo mẫu chung), có ý kiến tiếp nhận của trường đến và sự đồng ý cho chuyển đi của trường đang quản lý.

b. Học bạ (bản chính), Bản sao giấy khai sinh, Bằng tiểu học (đối với học sinh THCS), Bằng tốt nghiệp THCS (đối với học sinh THPT).

c. Giấy giới thiệu chuyển trường do trường cũ cấp (giới thiệu Sở GD&ĐT, giới thiệu về trường chuyển đến), kèm theo giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10 do Sở GD&ĐT cấp đối với học sinh các trường công lập (hoặc phiếu chứng nhận điểm thi vào lớp 10 đối với học sinh các trường THPT ngoài công lập có dự thi, hoặc chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 THPT ngoài công lập đối với những học sinh không dự thi chỉ xét tuyển theo danh sách được Sở GD & ĐT duyệt cho các trường ngoài công lập, do Hiệu trưởng trường cho đi cấp ).

d. Các giấy tờ hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích trong học tập, thi truyển sinh, thi tốt nghiệp (nếu có).

I.2.  Ngoài tỉnh chuyển đến hoặc chuyển đi:

- Hồ sơ giống như chuyển trường trong thành phố gồm các mục a,b,c,d, nhưng phải có thêm Giấy giới thiệu chuyển trường và Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 do Sở Giáo dục cấp (đối với học sinh THPT).

I.3.  Học sinh xin học lại :

- Đơn xin học lại do học sinh tự viết, phải có xác nhận của UBND xã, phường về việc chấp hành chính sách, pháp luật tại địa phương trong thời gian nghỉ học và xác nhận đồng ý tiếp nhận học lại của nhà trường, được nhà trường cho bảo lưu kết quả học tập trong thời gian trước khi xin học lại.

I.4.   Đối với học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước:

a. Văn bằng: Phải có văn bằng hoặc chứng chỉ tốt nghiệp Tiểu học (đối với học sinh THCS) hoặc chứng chỉ tốt nghiệp THCS tương đương bằng tốt nghiệp THCS của Việt Nam. Học sinh đã được học ở Việt Nam, sau thời gian học ở nước ngoài, khi về nước phải có bằng tốt nghiệp bậc đã học ở Việt Nam.

b. Độ tuổi: Được gia hạn thêm 1 tuổi so với quy định của cấp học.

c. Chương trình học tập: Chương trình học tập ở nước ngoài phải có nội dung tương đương với chương trình giáo dục của Việt Nam với những môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Với những môn thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải bổ túc thêm kiến thức cho phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam.

- Những học sinh đang học dở chương trình của một lớp học ở nước ngoài xin chuyển về học tiếp lớp học tương đương tại trường ở Việt Nam, phải được nhà trường nơi tiếp nhận kiểm tra trình độ theo chương trình quy định của lớp học đó.

 d. Hồ sơ gồm: Đơn xin học do cha mẹ hoặc người giám hộ ký, học bạ (bản gốc và bản dịch sang tiếng Việt), Giấy chứng nhận tốt nghiệp của lớp hoặc bậc học dưới tại Việt Nam trước khi ra nước ngoài (nếu có), bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu hoặc chứng nhận tạm trú dài hạn của cha mẹ hoặc người giám hộ.

II. Quy trình giải quyết đối với việc chuyển trường của học sinh THPT công lập và chuyển tỉnh:

- Phụ huynh hoặc người giám hộ làm đơn xin chuyển trường.

- Lấy ý kiến của Hiệu trưởng nơi chuyển đến, chuyển đi , lấy xác nhận hộ khẩu của công an Phường (trường hợp chuyển trong nội thành Hải Phòng) vào đơn.

- Nộp hồ sơ tại Phòng Giáo dục - Đào tạo (đối với học sinh THCS); tại Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với học sinh THPT) hệ công lập và học sinh hệ ngoài công lập chuyển tỉnh để được cấp Giấy giới thiệu và Giấy chứng nhận trúng tuyển lớp 10. Học sinh diện ngoài công lập chuyển nội tỉnh nộp hồ sơ trực tiếp cho trường chuyển đến.

 - Hồ sơ sẽ được trả lại sau 1 tuần.

III. trách nhiệm và Thẩm quyền giải quyết:

1. Hiệu trưởng các trường THCS, THPT: Hiệu trưởng các trường có học sinh chuyển đi phải hoàn tất thủ tục hồ sơ của học sinh, có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu chuyển trường (theo mẫu) cho học sinh chuyển đi; đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ. Hiệu trưởng trường chuyển đến phải kiểm tra kỹ hồ sơ của học sinh, Ghi ý kiến tiếp nhận vào đơn của học sinh chuyển đến và thực hiện đúng các quy định trên. Nghiêm cấm lợi dụng việc chuyển trường để thay đổi kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

- Những trường hợp ngoại lệ khác Hiệu trưởng nơi nhận phải xem xét kỹ hồ sơ và trình bày rõ lý do để Giám đốc Sở duyệt.

 - Hiệu trưởng các trường THPT Ngoài công lập trực tiếp giải quyết việc chuyển trường trong nội tỉnh cho học sinh diện ngoài công lập (không thông qua Sở ) và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GD&ĐT về Hồ sơ ( đủ và đúng các thủ tục đã quy định ở mục B/I, khoản I.1, phải có Giấy chứng nhận điểm thi vào lớp 10 do Sở cấp đối với những học sinh có dự thi tuyển sinh thay cho Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10, những học sinh xét tuyển (không dự thi), khi chuyển trường Hiệu trưởng trường THPT ngoài công lập cho đi phải cấp giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 căn cứ vào danh sách tuyển sinh của trường đã được Sở GD & ĐT duyệt hàng năm) theo thời gian quy định. Trường hợp chuyển từ trường công lập về trường ngoài công lập, hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, phải qua Sở để lấy giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 và giấy giới thiệu về trường theo 2 đợt quy định về thời gian.

2. Phòng Giáo dục- Đào tạo: trực tiếp giải quyết chuyển trường theo quy định chung đối với cấp Trung học cơ sở.

3. Sở Giáo Dục & Đào Tạo: giải quyết chuyển trường cho các trường THPT Công lập, học sinh diện ngoài công lập chuyển tỉnh, học sinh công lập chuyển về trường ngoài công lập, học sinh công lập hoặc ngoài công lập chuyển sang bậc học Giáo dục thường xuyên  vào ngày thứ tư hàng tuần theo 2 đợt sau:    

                        Đợt I: Từ ngày 01 tháng 07 đến hết  ngày 0 4 tháng 9.

                       Đợt II: Từ ngày 15 tháng 01 đến ngày 05 tháng 02.

Riêng trường hợp chuyển tỉnh đặc biệt Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp xem xét và giải quyết.

4. Lệ phí: Chi phí cho in ấn, photo giấy tờ, văn phòng phẩm, rà soát theo danh sách, viết, ký, đóng dấu các loại giấy tờ chuyển trường thu 5.000đ/ hồ sơ chuyển trường.

Quy định này được thực hiện từ năm học 2009 – 2010.Yêu cầu Hiệu trưởng các trường THPT thông báo cho học sinh, phụ huynh và phôtô khổ lớn quy định này cùng mẫu đơn xin chuyển trường dán tại Văn phòng các trường để nhà trường và các cá nhân, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc quy định này.

Sở Giáo Dục và Đào Tạo

Phó Giám Đốc

(Đã ký)

 

Vũ Văn Trà