• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/12/2010
UBND THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Số: 2217/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 21 tháng 12 năm 2010

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển ngành dịch vụ

thành phố Hải Phòng đến năm 2020

--------------------------------------------------

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 2612/QĐ-UBND ngày 14/11/2005 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt đề cương Đề án: Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ thành phố Hải Phòng đến năm 2020;;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 103/TTr-KHĐT ngày 25/5/2010 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 và Công văn giải trình bổ sung số 1502/KHĐT-TH ngày 04/11/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển.

a) Quan điểm phát triển:

- Tận dụng tiềm năng, lợi thế của thành phố để đẩy nhanh phát triển các ngành dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

- Phát triển các ngành dịch vụ của thành phố gắn với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tập trung phát triển các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển, du lịch, tài chính ngân hàng,....

b) Mục tiêu:

Mục tiêu chung: Phấn đấu xây dựng Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm kinh tế dịch vụ lớn mạnh, hiện đại, tương xứng với vai trò của thành phố cảng, công nghiệp văn minh, hiện đại, đô thị trung tâm cấp quốc gia, trọng điểm kinh tế biển của cả nước; phát huy vai trò trung tâm dịch vụ, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo của vùng Duyên hải Bắc Bộ; phát triển đa dạng, nhanh, bền vững, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.

Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển nhanh các ngành dịch vụ đạt trình độ vượt trội so với các tỉnh, thành phố trong vùng, đến năm 2020 đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới để Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, trung tâm dịch vụ logistics của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, hai hành lang và một vành đai kinh tế Việt Nam Trung Quốc, cả nước và khu vực, trung tâm dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng, bưu chính - viễn thông của vùng duyên hải Bắc Bộ.

- Duy trì tốc độ tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, đạt tốc độ tăng bình quân 14,4% 15%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, trên 15 - 16%/năm trong giai đoạn 2016 2020. Nâng tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP của thành phố đến năm 2015 từ 58% trở lên, đến năm 2020 trên 63%.

- Tốc độ phát triển của các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng chủ chốt như giáo dục - đào tạo, tài chính ngân hàng, dịch vụ phân phối sẽ phấn đấu đạt từ 15%/năm trở lên.

- Xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực. Tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2011 2015 là 15 - 20%, giai đoạn 2016 - 2020 là 20 - 25%. Cơ cấu lại lực lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, phấn đấu đến năm 2020 có doanh nghiệp logistics đạt tầm cỡ khu vực.

2. Định hướng phát triển thị trường các ngành dịch vụ.

a) Định hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng dịch vụ:

- Phát triển nhu cầu về dịch vụ đồng thời ở nhiều cấp độ phạm vi không gian, bao gồm: trên địa bàn thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh phía Bắc, cả nước, ngoài nước. Trong đó, hướng mạnh vào các đối tượng tiêu dùng trên địa bàn Hải Phòng, vùng Duyên hải Bắc Bộ và các tỉnh phía Bắc nhằm củng cố và nâng vao vai trò trung tâm của Hải Phòng.

- Phát triển đồng thời mọi đối tượng tiêu dùng dịch vụ trong các cấp độ, phạm vi không gian tiêu dùng dịch vụ, bao gồm đối tượng tiêu dùng là cá nhân và đối tượng tiêu dùng là các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội.

- Tăng cường tạo lập môi trường tiêu dùng dịch vụ, nhất là các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ; xây dựng lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm dịch vụ.

- Phát triển nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ cả về quy mô, phạm vi và tính đa dạng trên cơ sở đẩy nhanh quá trình xã hội hoá các ngành dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng.

b) Định hướng phát triển nguồn cung ứng dịch vụ:

- Phát triển các cơ sở dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng ở nhiều phạm vi không gian, bao gồm: trên địa bàn thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh phía Bắc, trong nước, ngoài nước. Trong đó, hướng mạnh các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ của Hải Phòng vào phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ trên địa bàn thành phố, các tỉnh lân cận, trong vùng và trong nước nhằm củng cố và nâng cao vai trò trung tâm vùng của Hải Phòng.

- Phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ với nhiều cấp độ quy mô, cơ cấu sở hữu, loại hình kinh doanh khác nhau. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành dịch vụ. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước thành lập các doanh nghiệp dịch vụ, nhất là trong các ngành dịch vụ lợi thế, những ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thiết lập hiện diện thương mại trên địa bàn Hải Phòng đối với các ngành dịch vụ đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp cao, có tiềm năng phát triển phạm vi cung ứng rộng (trong vùng, trong nước và ngoài nước) và tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường tạo lập môi trường cạnh tranh trong hoạt động cung ứng dịch vụ; xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ công cộng.

c) Định hướng tạo lập các điều kiện phát triển thị trường dịch vụ:

- Xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chung trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động.

- Xây dựng hệ thống các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập các doanh nghiệp, tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng trên cơ sở vận dụng các quy định hiện hành phù hợp với điều kiện địa phương và đường lối phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng định hướng chính sách của Thành phố nhằm hỗ trợ chung và đối với các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ theo từng ngành dịch vụ. Trong đó, đặc biệt là những hỗ trợ chính sách giúp các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất ban đầu và đối với các ngành dịch vụ có thời gian thu hồi vốn kéo dài.

- Xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết phát triển thị trường dịch vụ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng, trước hết là Hà Nội, Quảng Ninh (Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), các tỉnh khác trong vùng Duyên hải Bắc Bộ. Xa hơn nữa là xây dựng các chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh của Trung Quốc nằm trên hai hành lang kinh tế.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng thương hiệu, củng cố lòng tin của khách hàng, xây dựng chương trình hướng dẫn người tiêu dùng trong việc thực hiện các giao dịch, mua bán dịch vụ...

d) Định hướng thu hút và phân bổ các nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng:

- Định hướng thu hút và phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển:

Chủ động tạo lập các kênh huy động vốn xã hội cho mục tiêu phát triển nhanh hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, các công trình công cộng lớn, các công trình tôn tạo danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường,...) trên địa bàn Hải Phòng, trong đó đặc biệt chú trọng khai thác nguồn vốn ODA Chính phủ.

Xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng của thành phố cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư vào các ngành dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng, nhất là các dự án có quy mô lớn trong các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng chủ chốt (vận tải, viễn thông, giáo dục - đào tạo,...) và các ngành dịch vụ khác như (du lịch, phân phối,...). Tìm kiếm nguồn tài chính để thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng.

Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện hoạt động mua lại và sáp nhập, đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp và niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm nâng cao khả năng huy động các nguồn vốn trong dân, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Xây dựng chương trình, dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở phù hợp với các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ ở nước ta trong những năm tới. Trong đó, chú trọng thu hút vốn FDI vào các dự án thuộc các ngành dịch vụ đòi hỏi kiến thức và kỹ năng quản lý, có tiềm năng phát triển thương mại dịch vụ lớn.

- Định hướng thu hút và phân bổ nguồn nhân lực:

Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho tất cả các ngành dịch vụ, kể cả các ngành dịch vụ truyền thống và những ngành dịch vụ mới. Trong đó, những ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng chủ chốt trong nền kinh tế và gắn với định hướng phát triển các trung tâm dịch vụ lớn của Hải Phòng được ưu tiên tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bao gồm dịch vụ vận tải nhất là vận tải biển, dịch vụ viễn thông, dịch vụ giáo dục đào tạo, dịch vụ tài chính, tiếp đến là các dịch vụ phân phối, dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế.

Đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành dịch vụ theo hướng tiếp cận ngay với những chuẩn mực quốc tế, nhất là đối với đào tạo đại học và trên đại học để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ cả trên thị trường trong và ngoài nước.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực ở tất cả các cấp học, các cấp đào tạo. Trong giai đoạn trước mắt, Hải Phòng cần chú trọng hơn đến hệ thống đào tạo nghề cho các ngành dịch vụ để sẵn sàng cung cấp cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dịch vụ nói riêng.

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với các đối tượng lao động, điều kiện nghề nghiệp,... Những hình thức đào tạo cần được chú trọng trong thời kỳ quy hoạch là đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, đào tạo thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đào tạo từ xa,...

- Định hướng khai thác các nguồn lực phát triển khác:

Ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các ngành dịch vụ như dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch, dịch vụ phân phối, nhất là quỹ đất tại các khu vực có khả năng phát triển tập trung các hoạt động cung ứng và tiêu dùng dịch vụ của từng ngành dịch vụ này.

Khai thác các nguồn lực này trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế nhằm tạo ra quy mô phát triển lớn, vượt ra khỏi giới hạn không gian của Thành phố.

e) Định hướng phát triển dịch vụ thương mại:

Phát triển thương mại dịch vụ gắn với tiến trình thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về mở cửa thị trường dịch vụ theo hướng nhanh chóng mở rộng cả về phạm vi, quy mô thương mại dịch vụ và các phương thức thực hiện thương mại dịch vụ. Đồng thời, phát triển thương mại dịch vụ theo hướng lấy nhập khẩu làm cơ sở để gia tăng năng lực xuất khẩu nhằm giảm dần chênh lệch về cán cân thương mại dịch vụ.

- Dịch vụ vận tải:

Ưu tiên nhập khẩu dịch vụ vận tải theo phương thức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các phân ngành dịch vụ vận tải biển, hàng không và khai thác cảng biển; chú trọng nhập khẩu dịch vụ vận tải theo phương thức thuê chuyên gia quản lý, tư vấn, điều khiển phương tiện,..để nâng cao chất lượng dịch vụ; từng bước giảm dần nhập khẩu dịch vụ theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với phân ngành dịch vụ vận tải đường biển.

Tăng cường năng lực xuất khẩu ở mọi phân ngành dịch vụ vận tải cho các đối tượng tiêu dùng dịch vụ là người nước ngoài trên địa bàn thành phố, các tỉnh phía Bắc và cả nước; nghiên cứu và xây dựng kế hoạch xuất khẩu dịch vụ vận tải đa phương thức gắn với kế hoạch phát triển hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

- Dịch vụ du lịch:

Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào cung cấp dịch vụ khách sạn, nhà hàng, đồng thời thu hút có chọn lọc các công ty điều hành tour có quy mô, phạm vi hoạt động lớn vào thiết lập hiện diện thương mại trên địa bàn Hải Phòng; Nhập khẩu dịch vụ du lịch theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ lữ hành và các công ty điều hành tour, dịch vụ hướng dẫn du lịch (ở nước ngoài) phù hợp với xu hướng gia tăng lưu lượng người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài.

Tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ du lịch theo phương thức tiêu dùng ở nước ngoài trên cơ sở nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài. Định hướng xuất khẩu này cũng nhằm khôi phục lưu lượng khách du lịch nước ngoài đến Hải Phòng đã bị giảm sút trong giai đoạn vừa qua; từng bước phát triển xuất khẩu dịch vụ du lịch theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ hướng dẫn du lịch, dịch vụ lữ hành và điều hành tour trên cơ sở hợp tác với các địa phương xây dựng các tuyến du lịch trong nước; không ngừng nâng cao giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch với thặng dư thương mại ngày càng lớn.

- Dịch vụ phân phối:

Nhập khẩu dịch vụ phân phối theo phương thức hiện diện thương mại đối với phân ngành bán buôn và bán lẻ trên cơ sở vừa đảm bảo yêu cầu hiện đại hóa nhanh ngành dịch vụ phân phối trên địa bàn, vừa đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho các nhà phân phối trong nước có quy mô nhỏ, nhất là các hộ kinh doanh tại các chợ. Hạn chế các nhà phân phối nước ngoài mở điểm bán lẻ thứ 2 trên địa bàn; khuyến khích các nhà phân phối trong nước trên địa bàn Hải Phòng nhập khẩu dịch vụ theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với phân ngành dịch vụ đại lý hoa hồng, nhượng quyền thương mại.

Trước hết tăng cường xuất khẩu dịch vụ phân phối cho các đối tượng tiêu dùng là người nước ngoài ở Việt Nam (các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, khách du lịch,...) trên cơ sở khuyến khích phát triển các nhà phân phối trên địa bàn; từng bước nâng cao khả năng xuất khẩu với mọi phân ngành dịch vụ của các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn hướng đến thị trường các nước trong khu vực, nhất là thị trường Lào và Campuchia.

- Dịch vụ giáo dục - đào tạo:

Tăng cường nhập khẩu dịch vụ giáo dục nâng cao theo các phương thức đào tạo đại học từ xa qua mạng internet, du học, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành giáo dục đại học, thuê các giáo sư giảng dạy nước ngoài có uy tín.

Phát triển xuất khẩu dịch vụ giáo dục - đào tạo phương thức tiêu dùng ở nước ngoài, bao gồm cả giáo dục phổ thông (đối với các gia đình người nước ngoài trên địa bàn), dịch vụ giáo dục nâng cao (trên cơ sở nâng cao năng lực của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn).

- Dịch vụ tài chính ngân hàng:

Về nhập khẩu dịch vụ tài chính ngân hàng theo phương thức cung cấp qua biên giới, cần chú trọng nhập khẩu theo phương thức hiện diện thương mại của các công ty tài chính nước ngoài.

Nâng cao năng lực xuất khẩu dịch vụ tài chính ngân hàng theo phương thức cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ở nước ngoài tương xứng với xu hướng gia tăng lưu lượng khách du lịch quốc tế, xuất nhập khẩu hàng hoá, lưu trú tạm thời của thuyền viên,...; từng bước phát triển xuất khẩu dịch vụ ngân hàng theo phương thức hiện diện thương mại.

- Dịch vụ bưu chính viễn thông:

Nhập khẩu theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với tất cả các phân ngành dịch vụ bưu chính - viễn thông.

Chú trọng phát triển xuất khẩu ở các phân ngành dịch vụ theo phương thức tiêu dùng ở nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng là người nước ngoài trên địa bàn Hải Phòng; phát triển xuất khẩu dịch vụ viễn thông, phát thanh, truyền hình và phim điện ảnh theo phương thức cung cấp qua biên giới.

- Dịch vụ kinh doanh:

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, khuyến khích các doanh nghiệp, kể cả trong khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ tăng cường nhập khẩu các dịch vụ kinh doanh theo cả 4 phương thức. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chú trọng nhập khẩu các dịch vụ kinh doanh như dịch vụ nghiên cứu thị trường, dịch vụ tư vấn pháp lý,... tại thị trường các nước xuất khẩu chính. Các doanh nghiệp dịch vụ chú trọng nhập khẩu dịch vụ kinh doanh nhằm củng cố và tăng cường năng lực kinh doanh, trong đó chú trọng nhập khẩu theo phương thức hiện diện thương mại.

- Dịch vụ y tế và các dịch vụ xã hội có liên quan:

Chú trọng nhập khẩu dịch vụ bệnh viện theo phương thức hiện diện thương mại nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ bệnh viện chất lượng cao trên địa bàn; tiếp đến là nhập khẩu theo phương thức hiện diện của thể nhân để thu hút các chuyên gia giỏi sang làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hải Phòng.

Tập trung xuất khẩu các phân ngành dịch vụ y tế và cứu trợ xã hội theo phương thức tiêu dùng ở nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng là người nước ngoài trên địa bàn thành phố; từng bước mở rộng xuất khẩu dịch vụ theo phương thức sự hiện diện của thể nhân nhằm đưa các y, bác sĩ giỏi sang làm việc ở nước ngoài.

- Dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao:

Chú trọng nhập khẩu dịch vụ theo phương thức hiện diện thương mại đối với phân ngành dịch vụ giải trí; tiếp đến là nhập khẩu dịch vụ theo phương thức hiện diện của thể nhân đối với dịch vụ thể thao để thu hút các huấn luyện viên, các vận động viên giỏi.

Tập trung xuất khẩu các dịch vụ này theo phương thức tiêu dùng ở nước ngoài cho các đối tượng tiêu dùng là người nước ngoài ở Việt Nam; mở rộng khả năng xuất khẩu một số dịch vụ theo phương thức cung cấp qua biên giới như dịch vụ xổ số, cá cược...

3. Định hướng quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ chủ lực.

Tập trung nguồn lực cho phát triển các ngành dịch vụ chủ lực, có lợi thế, có tầm ảnh hưởng đối với khu vực và cả nước như vận tải biển, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục y tế...

- Phát triển các dịch vụ kinh tế biển:

+ Phát triển hệ thống cảng, dịch vụ hàng hải, vận tải biển.

Đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng cảng, hiện đại hoá, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xếp dỡ hàng hoá để đến năm 2015 đảm bảo thực hiện lượng hàng thông qua cảng trên địa bàn đạt 55 - 60 triệu tấn. Đến năm 2020 đạt 80 - 100 triệu tấn. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương để triển khai nhanh cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; sớm xúc tiến quy hoạch và xây dựng cảng Nam Đồ Sơn thực hiện mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc phòng.

 Đẩy mạnh phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ liên quan trực tiếp trên luồng, cầu cảng và kho bãi; nâng cao năng lực thông luồng, tiếp nhận tàu cỡ lớn, hiện đại hoá phương tiện bốc xếp, quản lý, áp dụng công nghệ thông tin, tin học hoá các thủ tục liên quan đến tàu và hàng hoá; hợp lý hoá quản lý, nâng cao năng lực bốc xếp, giải phóng tàu nhanh, giảm thời gian và chi phí của khách hàng.

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ hàng hải, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải, lai dắt, cung ứng tàu biển, giao nhận và kiểm hoá, sửa chữa nhỏ tàu biển tại chỗ, vệ sinh môi trường biển, xếp dỡ hàng hoá, cứu hộ trên biển, dịch vụ cho thê thuyền viênnnn hình thành các cảng cạn trong nội địa (ICD) để kết hợp với cảng biển tạo thành hệ thống liên hoàn.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hiện đại hoá đội tàu biển, nâng cao năng lực vận tải và sức cạnh tranh, giữ vững vai trò là trung tâm hàng đầu của cả nước và đạt vị trí cao trong khu vực. Mở rộng thị phần vận tải biển, đảm bảo đến năm 2015 vận chuyển trên 15% khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Hải Phòng và Quảng Ninh và trên 35 - 40% khối lượng hàng hoá vận chuyển xuất nhập khẩu của vùng, toàn miền Bắc, hàng quá cảnh của vùng Tây Nam Trung Quốc trong hai hành lang một vành đai kinh tế; đẩy mạnh vận tải ven biển Bắc - Nam và vận chuyển khách du lịch.

+ Phát triển công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ và phương tiện nổi phấn đấu đến năm 2020 Hải Phòng là trung tâm đóng và sửa chữa tàu thuyền lớn nhất Việt Nam, đạt thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, tốc độ tăng trưởng 30%, về đóng mới tăng 30 - 35%/năm, sửa chữa tàu tăng 20 -25%/năm. Đóng được tàu trên 10 vạn DWT sau năm 2015, đến 2020 có thể đóng mới tàu công nghệ cao và các loại tàu chuyên dụng như tàu chở dầu, tàu công trình, tàu quốc, tàu container, hút bùn, khai thác dầu khí đạt tiêu chuẩn quốc tế; sửa chữa tàu trên 100 ngàn tấn. Đẩy nhanh tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp đóng tàu, phấn đấu đạt trên 70% vào năm 2020. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ tương xứng với công nghiệp đóng tàu.

- Phát triển dịch vụ logistics:

+ Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ logistics: logistics đầu vào, logistics trong kho hàng, logistics đầu ra, logistics thu hồi theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ với công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp.

+ Xây dựng thêm các trung tâm phân phối nhằm phục vụ thị trường bán lẻ; Hình thành các đầu mối vận tải, xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia tại Lạch Huyện và các trung tâm logistics gần các cảng, hệ thống giao thông, các khu kinh tế, khu công nghiệpppp.

+ Xây dựng và hiện đại hoá hạ tầng giao thông, cầu cảng, bến bãi, trước mắt tập trung vào các dự án lớn: cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội Hải Phòng, cầu Đình Vũ Cát Hải, đường cao tốc ven biển,.... và triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng sân bay quốc tế tại Tiên Lãng.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số trong các dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại tiến tới phát triển thương mại điện tử và logistics điện tử (e-logistics).

+ Phát triển kỹ năng quản trị logistics trong tất cả các cấp quản lý và các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn.

+ Đào tạo nguồn nhân lực và các chuyên gia chuyên ngành logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu phát triển của ngành trên địa bàn thành phố tiến tới theo kịp các nước công nghiệp phát triển trong khu vực và trên thế giới.

- Phát triển du lịch:

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP của thành phố, nâng cao mức sống, tạo việc làm, phát triển tổng hợp du lịch, tạo sản phẩm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, độc đáo, đi đôi với gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Hình thành các trung tâm du lịch lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Xây dựng cảng du lịch có khả năng đón tàu khách du lịch có sức chứa lớn. Là trung tâm đón nhận và phân phối khách du lịch đi bằng đường biển của khu vực. Nâng cấp, hiện đại hoá khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Đồ Sơn, khu du lịch sinh thái cao cấp Cát Bà gắn với Hạ Long trở thành những trung tâm du lịch lớn của cả nước, đạt đẳng cấp quốc tế.

- Phát triển thương mại:

Khai thác và phát huy tối đa các lợi thế để tiếp tục phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và hạ tầng kỹ thuật phụ trợ; phát triển mạng lưới thương mại, mở rộng thị trường; hình thành sàn giao dịch hàng hoá xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu và đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu; phát triển đa dạng các hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường trong nước cho sản phẩm và dịch vụ của Hải Phòng, nhất là ở các địa bàn có dung lượng lớn.

- Phát triển và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán:

+ Xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động đa năng, hiệu quả, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, có năng lực cạnh tranh, hội nhập với hệ thống ngân hàng thế giới. Đẩy nhanh hiện đại hoá hệ thống ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế; Nâng cao chất lượng và đổi mới các hoạt động hệ thống ngân hàng trong nước, khuyến khích phát triển các hình thức ngân hàng cổ phần, tín dụng ngoài quốc doanh để phát triển dịch vụ tiền tệ.

+ Tạo thuận lợi để các ngân hàng nước ngoài lập các chi nhánh tại thành phố. Mở rộng và phát triển đa dạng các dịch vụ tiện ích ngân hàng và bảo hiểm, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển dịch vụ chứng khoán, đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng như nhận gửi, cho vay, cho thuê tài chính, thanh toán và chuyển tiền, giao dịch tài khoản, môi giới cho vay, thế chấp tài sảnnnn

+ Mở rộng các dịch vụ bảo hiểm trong mọi lĩnh vực với mọi đối tượng, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng.

- Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông:

Tập trung chỉ đạo, chủ động và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các chủ đầu tư thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các công trình đầu mối giao lưu quốc tế trên địa bàn thành phố tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, cầu Đình Vũ Cát Hải, cảng hàng không Cát Bi, cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, đường ô tô cao tốc Hà Nội Hải Phòng, đường ô tô cao tốc ven biển, các tuyến đường giao thông đường sắt, đường bộ phục vụ thực hiện chiến lược hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Hải Phòng với Trung Quốc và các nước ASEAN. Triển khai thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói chung, ngành dịch vụ nói riêng như Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, Khu công nghiệp - đô thị Bắc sông Cấm, kết cấu hạ tầng các khu cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Quy hoạch xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông: cầu Rào II, cầu Niệm II, đường vành đai III, tuyến đường trục 100 m và một số trục đường Bắc Nam. Tập trung hiện đại hoá hệ thống giao thông công cộng; xây dựng các bến xe liên tỉnh, các tuyến xe buýt, bãi đỗ xe tĩnh, bến tàu khách du lịch...Nghiên cứu, xây dựng đề án nâng cao năng lực hệ thống giao thông nối liền đến cảng, khắc phục tình trạng quá tải, tập trung hoàn thành nút giao thông ngã 5 Quán Mau, một số nút giao thông ở cửa ô và các tuyến đường quan trọng. Đầu tư nâng cấp phát triển mạng lưới giao thông thuỷ, xây dựng các cảng sông hỗ trợ cho hệ thống cảng biển và các khu, cụm công nghiệp.

- Định hướng phát triển dịnh vụ bưu chính viễn thông, vận tải đường bộ, đường hàng không, khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế và một số loại hình trong giáo dục đào tạo và các dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

+ Tiếp tục đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thiết bị, công nghệ tốc độ cao, đa phương thức của ngành bưu chính viễn thông; tăng cường khả năng cạnh tranh, hạ giá cước, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, kịp thời khắc phục mọi sự cố, đảm bảo thông tin liên tục, thông suốt, chuyển phát nhanh bưu phẩm, đảm bảo dịch vụ nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi văn minh.

+ Phát triển đồng bộ dịch vụ vận tải hàng hoá và hành khách theo hướng hiện đại, an toàn, nâng cao chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; tích cực đổi mới, hiện đại hoá cơ cấu chủng loại phương tiện gắn với nhu cầu vận chuyển, hiện đại hoá vận tải đa phương thức, đảm bảo hiệu quả sức cạnh tranh cao; nâng cao đáng kể thị phần vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu, tăng thêm sản lượng vận chuyển hàng hoá cho khách nước ngoài; vận tải nội địa thuỷ bộ gắn với phục vụ tốt mọi nhu cầu vận chuyển hàng hoá thông qua cảng tới các địa phương và quá cảnh sang Trung Quốc.

+ Từng bước chuyển các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo, văn hoá, thể thao, dịch vụ đô thị sang cơ chế hoạt động dịch vụ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

4. Một số giải pháp.

a) Nâng cao nhận thức đầy đủ về vai trò, tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế dịch vụ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Trung ương, Thành uỷ về phát triển kinh tế dịch vụ.

b) Đổi mới, hiện đại hoá trang bị công nghệ và quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là các ngành dịch vụ có cam kết quốc tế về lộ trình hội nhập ASEAN, WTO, Hiệp định Thương mại Việt Nam Hoa Kỳ. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu của thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ, tăng cường năng lực chuẩn bị cho xuất khẩu dịch vụ, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quốc tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tăng cường năng lực cạnh tranh. Tạo điều kiện thủ tục, ưu đãi khuyến khích các đơn vị kinh tế dịch vụ đầu tư đổi mới, hiện đại hoá. Khuyến khích, mở rộng hệ thống dịch vụ tư vấn chính sách pháp luật, khoa học công nghệ cho các đơn vị kinh tế dịch vụ.

c) Tăng cuờng huy động vốn bằng nhiều nguồn đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế dịch vụ. Đẩy mạnh các hoạt động tín dụng ngân hàng, bảo hiểm. Đẩy mạnh việc xã hội hoá trong đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao...Nghiên cứu xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách của thành phố để khuyến khích tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đúng pháp luật.

d) Xây dựng, phát triển đồng bộ các loại thị trường có tổ chức, cùng với quản lý thị trường dịch vụ bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, góp phần nâng cao hiệu quả của kinh tế dịch vụ. Chú trọng đẩy nhanh phát triển thị trường lao động, khoa học và công nghệ của kinh tế dịch vụ. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần tham gia hoạt động dịch vụ. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, các ngành dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

e) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp, bố trí cán bộ phù hợp. Có kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, từng bước nâng cao trình độ trong các hoạt động dịch vụ đáp ứng yêu cầu phát triển đối với ngành kinh tế dịch vụ.

f) Phát triển kinh tế dịch vụ của thành phố luôn gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế dịch vụ phát triển.

Điều 2. Đề án Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 được phê duyệt là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố phù hợp với đề án Quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ thành phố Hải Phòng đến năm 2020 để triển khai thực hiện đồng bộ theo quy định.

Điều 3. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị thành phố liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án quy hoạch đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch từng ngành, từng lĩnh vực liên quan, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung về xây dựng trên địa bàn thành phố.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Dương Anh Điền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.