• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 19/08/2003
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Số: 05/2003/TT-BKH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 22 tháng 7 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý

 các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch

 tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ

__________________

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư này hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ như sau:

Phần 1:

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH CÁC DỰ ÁN

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH

I. NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH

1. Các loại ngành, lĩnh vực sau đây cần lập quy hoạch

(1) Lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế:

Mạng lưới đường quốc lộ;

Mạng lưới đường sắt quốc gia;

Hệ thống cảng biển;

Hệ thống sân bay trên toàn quốc;

Mạng lưới viễn thông;

Sử dụng tổng hợp các nguồn nước của các lưu vực sông lớn;

Hệ thống điện quốc gia.

(2) Lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội:

Hệ thống trường cao đẳng, đại học và dạy nghề;

Hệ thống bệnh viện khu vực, trung tâm y tế chuyên sâu;

Hệ thống bảo tàng;

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao quốc gia.

(3) Các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, các sản phẩm chủ lực:

Danh mục cụ thể do Bộ quản lý ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ quy hoạch.

(4) Lĩnh vực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:

Cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ quốc gia;

Hệ thống khu công nghệ cao;

Hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

(5) Các lĩnh vực khác:

Quy hoạch sử dụng đất;

Quy hoạch trồng và bảo vệ rừng;

Quy hoạch các khu công nghiệp.

Các ngành và lĩnh vực nói trên (từ (1) đến (5)) sau đây gọi chung là "ngành".

2. Nội dung chủ yếu của dự án quy hoạch phát triển ngành gồm:

2.1. Nội dung chủ yếu của quy hoạch phát triển ngành sản xuất và sản phẩm chủ lực:

a) Xác định vị trí, vai trò của ngành đối với nền kinh tế quốc dân và các mục tiêu phát triển của ngành.

b) Phân tích, dự báo các yếu tố phát triển ngành, trong đó có phân tích, dự báo đầy đủ yếu tố thị trường và yêu cầu về năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Phân tích tình hình cạnh tranh trên thế giới và trong nước.

c) Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển và phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ. Phân tích cơ cấu ngành, sản phẩm chủ lực, đầu tư, khoa học - công nghệ, lao động, tổ chức sản xuất.

d) Xây dựng quan điểm, mục tiêu và luận chứng các phương án phát triển cơ cấu ngành, sản phẩm chủ lực và các điều kiện chủ yếu đảm bảo mục tiêu quy hoạch được thực hiện (đầu tư, công nghệ, lao động).

đ) Luận chứng phương án phân bố ngành trên các vùng lãnh thổ, nhất là đối với các công trình then chốt.

e) Những vấn đề về bảo môi trường.

g) Xác định các giải pháp về cơ chế, chính sách; đề xuất các phương án thực hiện theo các giai đoạn phát triển (nhất là giai đoạn 5 năm đầu tiên).

h) Xây dựng danh mục công trình, dự án đầu tư trọng điểm và tổ chức thực hiện quy hoạch.

2.2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch các ngành thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế bao gồm:

a) Dự báo nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của ngành;

b) Dự báo tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kết cấu hạ tầng của khu vực tác động tới phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước trong thời kỳ quy hoạch;

c) Luận chứng các phương án phát triển kết cấu hạ tầng trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;

d) Luận chứng các giải pháp, công trình đầu tư ưu tiên và tổ chức thực hiện;

2.3. Nội dung chủ yếu của quy hoạch các ngành thuộc kết cấu hạ tầng xã hội bao gồm.

a) Xác định nhu cầu của dân cư về các dịch vụ thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng xã hội theo từng giai đoạn quy hoạch;

b) Dự báo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ khoa học, công nghệ của khu vực tác động tới nhu cầu của dân cư và phát triển kết cấu hạ tầng xã hội trong thời kỳ quy hoạch;

c) Luận chứng các phương án phát triển và phân bố kết cấu hạ tầng xã hội trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;

d) Luận chứng các giải pháp, công trình đầu tư ưu tiên và tổ chức thực hiện;

đ) Luận chứng giải pháp và chính sách nhằm đảm bảo cho dân cư được thụ hưởng các dịch vụ của kết cấu hạ tầng xã hội;

II. TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH

1. Căn cứ lập các dự án quy hoạch phát triển ngành

Trên cơ sở đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các vùng lớn, vùng kinh tế trọng điểm, các Bộ quản lý chuyên ngành tổ chức lập quy hoạch phát triển ngành.

2. Trình tự lập và trình dự án quy hoạch phát triển ngành

Bước 1: Tổng hợp các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến việc lập quy hoạch phát triển ngành; trên cơ sở đó tiến hành phân tích, đánh giá các yếu tố và điều kiện phát triển và dự báo tác động của chúng đến quy hoạch phát triển ngành. Thu thập tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường có liên quan, nếu thiếu cần có kế hoạch điều tra bổ sung.

Bước 2: Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển ngành (nếu trước đây đã có quy hoạch thì khi đánh giá hiện trạng cần so sánh với mục tiêu quy hoạch đề ra).

Bước 3: Dựa vào các mục tiêu đặt ra của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, yếu tố thị trường trong và ngoài nước, khả năng các nguồn lực để luận chứng quan điểm, mục tiêu phát triển ngành cho các năm mốc của thời kỳ quy hoạch. Luận chứng các phương án phát triển và giải pháp chủ yếu đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển ngành. Dự kiến danh mục công trình đầu tư của quy hoạch ngành.

Bước 4: Xây dựng báo cáo tổng hợp dự án quy hoạch phát triển ngành.

Bước 5: Cơ quan quản lý nhà nước trình quy hoạch lên cấp có thẩm quyền để thẩm định và phê duyệt.

III. THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH

1. Nội dung thẩm định dự án quy hoạch phát triển ngành

a) Cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, độ tin cậy của các thông tin, số liệu, tư liệu sử dụng để lập quy hoạch và nội dung quy hoạch;

b) Sự phù hợp của quy hoạch với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn, các chỉ tiêu phát triển tổng hợp và phương án bố trí hợp lý các nguồn lực);

c) Tính thống nhất của các quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng (đối chiếu, kiểm tra về sự ăn khớp của các loại quy hoạch này theo các chỉ tiêu chủ yếu, các yếu tố có liên quan theo thời gian và không gian);

d) Tính khả thi của các phương án phát triển của quy hoạch, các giải pháp thực hiện quy hoạch và các biện pháp quản lý thực hiện quy hoạch (Vốn đầu tư, khoa học-công nghệ và môi trường, nhân lực, cơ chế, chính sách và khả năng vận hành hợp tác trong điều kiện thị trường trong nước, khu vực, quốc tế khi thực hiện dự án).

2. Hồ sơ thẩm định dự án quy hoạch phát triển ngành

2.1. Hồ sơ của cơ quan Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch trình cấp phê duyệt quy hoạch và cơ quan tổ chức thẩm định, gồm:

a) Tờ trình người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của cơ quan lập quy hoạch;

b) Báo cáo quy hoạch lập theo nội dung quy định (báo cáo chính kèm theo các bản vẽ, bản đồ tỷ lệ 1/500.000 - 1/1.000.000 (10 bộ));

c) Báo cáo tóm tắt quy hoạch trình duyệt (kèm theo các tờ bản đồ thu nhỏ khổ A3 (25 bộ));

d) Các báo cáo chuyên đề kèm theo các bản đồ tỷ lệ 1/500.000 - 1/1.000.000 (mỗi chuyên đề 25 bộ);

đ) Các văn bản pháp lý có liên quan.

2.2. Hồ sơ của cơ quan thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, gồm:

a) Báo cáo thẩm định;

b) Các văn bản (bản sao) về ý kiến của các Bộ ngành, cơ quan, các địa phương có liên quan, của các nhà khoa học, của các chuyên gia phản biện;

c) Dự thảo quyết định phê duyệt (trong trường hợp đề nghị phê duyệt quy hoạch).

3. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển ngành

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ lực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với những quy hoạch ngành Thủ tướng giao cho Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định sẽ thực hiện quy định riêng.

+ Các Bộ ngành tổ chức thẩm định các quy hoạch thuộc thẩm quyền của mình.

+ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án quy hoạch phát triển ngành, các quy hoạch phát triển sản phẩm chủ lực do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thẩm định. Bộ trưởng của các Bộ quản lý ngành phê duyệt các quy hoạch ngành có yêu cầu quy hoạch nhưng không thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Tổ chức thẩm định dự án quy hoạch phát triển ngành

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về quy trình thẩm định và tổ chức bộ máy thực hiện công tác thẩm định các dự án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành.

Quá trình tổ chức thẩm định có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các cơ quan, tổ chức tư vấn được mời tham gia thẩm định quy hoạch.

+ Các Bộ, ngành, địa phương liên quan được yêu cầu sẽ nghiên cứu và phát biểu ý kiến về những vấn đề thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình. Đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền quy định của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ và văn bản yêu cầu có ý kiến về quy hoạch.

+ Các cơ quan, tổ chức tư vấn được mời thực hiện thẩm định, phản biện những nội dung chuyên môn của quy hoạch thực hiện trên cơ sở ký hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định và chịu trách nhiệm về các kết quả thẩm định của mình.

+ Cơ quan tổ chức thẩm định căn cứ vào ý kiến của các Bộ ngành, các địa phương, các tổ chức tham gia thẩm định có thể yêu cầu cơ quan trình quy hoạch giải trình, bổ sung quy hoạch; cơ quan lập, trình quy hoạch có trách nhiệm giải trình bổ sung làm rõ bằng văn bản.

+ Thời gian thẩm định các dự án quy hoạch phát triển ngành không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

5. Nội dung phê duyệt dự án quy hoạch phát triển ngành

Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch căn cứ hồ sơ, tờ trình xin phê duyệt quy hoạch, báo cáo thẩm định của cơ quan được giao tổ chức thẩm định để xem xét và quyết định việc phê duyệt các dự án quy hoạch.

Nội dung chủ yếu của quyết định phê duyệt gồm:

a) Định hướng phát triển chủ yếu và các mục tiêu chính của quy hoạch;

b) Các giải pháp lớn để đạt mục tiêu quy hoạch như giải pháp về cơ cấu, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, cơ chế chính sách; định hướng hợp tác phát triển;

c) Danh mục dự án đầu tư 5 năm và 10 năm (kể cả các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên);

d) Phương hướng tổ chức không gian;

đ) Đào tạo nguồn nhân lực;

e) Chương trình hành động.

Phần 2:

HƯỚNG DẪN VỀ NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH CÁC DỰ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÃNH THỔ

I. NỘI DUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÃNH THỔ

1. Các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội (KT-XH), các vùng kinh tế trọng điểm, các lãnh thổ đặc biệt (gọi chung là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng).

Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh).

Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH thành phố, thị xã và huyện, quận thuộc tỉnh (gọi chung là quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện).

2. Quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quy hoạch phát triển ngành trên phạm vi cả nước có trước, làm cơ sở cho quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ.

3. Nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng

3.1. Phân tích, đánh giá và dự báo các yếu tố phát triển vùng.

- Vị trí địa lý, mối quan hệ lãnh thổ và khả năng phát huy các yếu tố này cho quy hoạch phát triển.

- Yêu cầu và vị thế của vùng quy hoạch đối với chiến lược phát triển KT - XH chung của cả nước.

- Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dự báo khả năng khai thác chúng; các lợi thế so sánh cũng như những hạn chế của vùng.

- Kiểm kê, đánh giá phát triển dân số và phân bố dân cư gắn với yêu cầu phát triển KT - XH và các giá trị văn hoá nhân văn phục vụ phát triển.

- Phân tích, đánh giá hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội về mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển.

- Phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

3.2. Xác định vị trí, vai trò của vùng đối với nền kinh tế quốc dân cả nước, từ đó luận chứng mục tiêu và quan điểm phát triển vùng.

- Luận chứng xác định động lực, mối quan hệ gắn kết giữa vùng với các vùng bên ngoài và cả nước để xác định phạm vi và mục tiêu chủ yếu của vùng một cách phù hợp.

- Lựa chọn các mục tiêu kinh tế: tăng trưởng GDP, tổng GDP, giá trị xuất khẩu và tỷ trọng đóng góp của vùng đối với cả nước, GDP/người, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của những ngành, sản phẩm có lợi thế so sánh trong nước và trong khu vực.

- Xác định các mục tiêu xã hội: tăng chỗ làm việc, giảm đói nghèo, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc sức khoẻ- khám chữa bệnh, phát triển văn hoá, thể thao, giảm tệ nạn xã hội.

- Xác định các tác động môi trường: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng môi trường phát triển bền vững.

3.3. Lựa chọn cơ cấu kinh tế, phương hướng phát triển các ngành, các sản phẩm chủ lực và lựa chọn cơ cấu đầu tư (kể cả các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 5 năm đầu và cho thời kỳ quy hoạch).

3.4. Lựa chọn phương án phát triển kết cấu hạ tầng.

- Lựa chọn phương án phát triển mạng lưới giao thông.

- Lựa chọn phương án phát triển nguồn và mạng lưới chuyển tải điện.

- Lựa chọn phương án phát triển các công trình thuỷ lợi, cấp nước, bảo vệ môi trường.

- Lựa chọn phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hôị chủ yếu (bệnh viện, cơ sở y tế chuyên sâu, trường đại học cao đẳng và dạy nghề; cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp vùng).

3.5. Lựa chọn phương án phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư trong vùng.

3.6. Luận chứng các giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Giải pháp về huy động vốn đầu tư.

- Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực.

- Giải pháp về khoa học công nghệ.

- Giải pháp về cơ chế, chính sách.

- Giải pháp về tổ chức thực hiện.

4. Nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh

Ngoài những nội dung đã nêu trong quy hoạch tổng thể phát triển KT -XH vùng, các nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh cần cụ thể hơn.

4.1. Khi phân tích và dự báo các yếu tố và điều kiện phát triển cần chú trọng yếu tố thị trường và xác định các lợi thế so sánh so với các tỉnh khác và có tính tới cạnh tranh quốc tế.

4.2. Trong phần xác định vị trí, vai trò của tỉnh đối với các tỉnh, thành phố kề cận, vùng lớn và cả nước cần làm rõ:

- Mức độ đóng góp của tỉnh vào GDP và tốc độ tăng GDP của vùng lớn cũng như của cả nước.

- Vai trò của tỉnh trong việc phát triển các sản phẩm quan trọng, xuất khẩu cho nền kinh tế quốc gia.

4.3. Đối với nội dung tổ chức KT - XH trên địa bàn tỉnh cần đi sâu nghiên cứu:

- Phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn.

- Phát triển hệ thống khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế thương mại, các khu kinh tế đặc thù.

- Phát triển các vùng cây trồng, vật nuôi hàng hoá.

- Phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo (cả đào tạo nghề), hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe.

- Phát triển các vùng khó khăn gắn với ổn định dân cư, xoá đói giảm nghèo.

4.4. Khi xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh cần đặc biệt làm rõ: chương trình, dự án đầu tư trọng điểm; biện pháp bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện quy hoạch.

5. Nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện

Ngoài những nội dung đã nêu trong quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh, nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện cần cụ thể hoá thêm đối với xây dựng hệ thống điểm dân cư, quy hoạch sử dụng đất, phương án giải quyết việc làm, hình thành các chương trình đầu tư, xây dựng danh mục dự án đầu tư trọng điểm cho các giai đoạn phát triển.

II. TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÃNH THỔ

1. Căn cứ lập quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

- Chiến lược phát triển KT - XH của cả nước.

- Các chủ trương phát triển KT - XH của Đảng và Chính phủ.

- Các quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm chủ lực của cả nước.

- Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng lớn làm căn cứ cho quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh làm căn cứ cho việc lập quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện.

2. Trình tự lập quy hoạch tổng phát triển KT - XH lãnh thổ

- Bước 1: Đánh giá tác động (hay chi phối) của chiến lược phát triển KT - XH của cả nước và tác động của khu vực đối với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ quy hoạch. Đánh giá và dự báo các yếu tố và nguồn lực phát triển.

- Bước 2: Xác định vai trò của lãnh thổ quy hoạch đối với cả nước và đối với lãnh thổ lớn hơn mà nó nằm trong đó.

- Bước 3: Xác định mục tiêu, các phương án phát triển và tổ chức KT - XH theo lãnh thổ (như nội dung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ đã nêu ở các điểm 2, 3, 4 của phần II). Đồng thời, luận chứng các giải pháp chủ yếu và điều kiện đảm bảo thực hiện quy hoạch phát triển tổng thể KT - XH lãnh thổ theo các phương án đã được lựa chọn.

III. THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI LÃNH THỔ

1. Nội dung thẩm định

1.1. Đối với các quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng.

- Thẩm định độ tin cậy, cơ sở pháp lý của tài liệu, dữ liệu sử dụng trong quy hoạch.

- Thẩm định mức độ phù hợp giữa quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH vùng với chiến lược phát triển KT - XH cả nước về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, định hướng cơ cấu kinh tế và các sản phẩm chủ lực, về các vấn đề liên vùng, liên ngành.

- Thẩm định về sử dụng tài nguyên:

+ Đất, nước, tài nguyên khoáng sản, lao động.

- Thẩm định tính khả thi của quy hoạch:

+ Thẩm định về phương hướng phát triển hệ thống đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng.

+ Thẩm định các tính toán về các điều kiện đảm bảo thực hiện được mục tiêu quy hoạch.

+ Thẩm định về các biện pháp bảo vệ môi trường.

- Thẩm định về tính thống nhất giữa quy hoạch vùng với quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và với quy hoạch xây dựng.

1.2. Đối với các dự án quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh.

- Thẩm định độ tin cậy, cơ sở pháp lý của tài liệu, dữ liệu sử dụng trong quy hoạch.

- Thẩm định mức độ phù hợp của quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh với chiến lược phát triển KT - XH của cả nước, với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của vùng và với quy hoạch phát triển ngành. Cụ thể về: Tốc độ tăng trưởng GDP, danh mục các sản phẩm chủ lực, giá trị và tốc độ tăng xuất khẩu, GDP/người, về tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, mức độ phổ cập về giáo dục, tỷ lệ tăng dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo và mức độ giảm ô nhiễm môi trường. Đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu nêu trên.

- Thẩm định về cơ cấu kinh tế và mức độ phù hợp của nó với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cụ thể về:

+ Cơ cấu kinh tế theo ngành.

+ Cơ cấu các thành phần kinh tế.

- Thẩm định về phương hướng phát triển ngành:

+ Nhóm ngành công nghiệp.

+ Nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản.

+ Nhóm ngành dịch vụ và xã hội.

- Thẩm định phương hướng tổ chức lãnh thổ đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài và yêu cầu phát triển kinh tế, quốc phòng của đất nước.

- Thẩm định các điều kiện để đảm bảo thực hiện các mục tiêu quy hoạch (cơ chế, chính sách, vốn, lao động).

1.3. Đối với các quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện.

- Thẩm định sự phù hợp của quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các sản phẩm chủ lực, các mục tiêu về xã hội, bảo vệ môi trường.

- Thẩm định về phương hướng phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng.

1.4. Đối với các quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ.

Các nội dung thẩm định đối với các quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ bao gồm:

- Thẩm định về mục tiêu điều chỉnh.

- Thẩm định về cơ cấu kinh tế, phương hướng phát triển ngành và sản phẩm quan trọng được điều chỉnh.

- Thẩm định các điều kiện để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của quy hoạch điều chỉnh.

2. Hồ sơ thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

2.1. Hồ sơ của cơ quan nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch trình cấp phê duyệt quy hoạch và cơ quan tổ chức thẩm định gồm:

a) Tờ trình người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của cấp có thẩm quyền lập quy hoạch;

b) Báo cáo chính về quy hoạch được lập theo nội dung quy định (kèm theo các bản vẽ, bản đồ (10 bộ));

c) Các báo cáo chuyên đề kèm theo các bản đồ thu nhỏ khổ A3 (mỗi chuyên đề 10 bộ);

d) Báo cáo tóm tắt quy hoạch trình duyệt (kèm theo bản đồ khổ A3, 25 bộ);

đ) Các văn bản pháp lý có liên quan.

2.2. Hồ sơ của cơ quan thẩm định trình cấp phê duyệt quy hoạch gồm:

a) Báo cáo thẩm định;

b) Các văn bản (bản sao) về ý kiến của các Bộ ngành, cơ quan, các địa phương có liên quan, của các nhà khoa học, của các chuyên gia phản biện;

c) Dự thảo quyết định phê duyệt.

3. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

3.1. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ.

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các lãnh thổ đặc biệt.

- Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH huyện.

- Chủ tịch UBND huyện phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn huyện.

3.2. Thẩm quyền tổ chức thẩm định dự án quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ.

- HĐTĐ Nhà nước về các dự án đầu tư thẩm định các quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập và các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định các quy hoạch do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định các quy hoạch do UBND cấp huyện lập.

- UBND huyện tổ chức thẩm định các dự án quy hoạch trên địa bàn huyện.

4. Tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

Trong quá trình thẩm định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mời các bộ ngành, địa phương có liên quan và các tổ chức tư vấn, các nhà khoa học tham gia thẩm định trên cơ sở thực hiện hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định.

Cơ quan tổ chức thẩm định căn cứ vào ý kiến của các Bộ ngành, các địa phương, các tổ chức tham gia thẩm định có thể yêu cầu cơ quan trình quy hoạch giải trình, bổ sung quy hoạch; cơ quan lập, trình quy hoạch có trách nhiệm giải trình bổ sung làm rõ bằng văn bản.

Thời gian thẩm định các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội lãnh thổ không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

5. Nội dung phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

Cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ căn cứ hồ sơ, tờ trình xin phê duyệt quy hoạch, báo cáo thẩm định của cơ quan được giao tổ chức thẩm định để xem xét quyết định việc phê duyệt quy hoạch.

Nội dung chủ yếu của quyết định gồm:

a) Định hướng phát triển chủ yếu và các mục tiêu lớn của quy hoạch;

b) Các giải pháp lớn để đạt mục tiêu quy hoạch như giải pháp về cơ cấu, phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, cơ chế chính sách; định hướng hợp tác phát triển;

c) Danh mục dự án đầu tư 5 năm và 10 năm (kể cả các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên);

d) Phương hướng tổ chức không gian;

đ) Đào tạo nguồn nhân lực;

e) Chương trình hành động.

Phần 3:

 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH

1. Nội dung quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch bao gồm:

+ Nhà nước thống nhất quản lý về quy hoạch phát triển các ngành, các sản phẩm chủ lực và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH hội lãnh thổ.

+ Các Bộ ngành TW có trách nhiệm hướng dẫn về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định; nghiên cứu ban hành định mức kinh phí liên quan đến việc lập và quản lý quy hoạch.

+ Các cơ quan quản lý quy hoạch có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xem xét kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch kịp thời.

+ Các chương trình, các dự án đầu tư phải được thực hiện theo quy hoạch được duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch được duyệt phải xin ý kiến và được sự đồng ý của người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo phân cấp.

2. Trách nhiệm tổ chức lập và điều chỉnh dự án quy hoạch

2.1. Đối với quy hoạch phát triển ngành.

Các Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm lập và điều chỉnh các quy hoạch ngành theo chức năng. Để đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ và các quy hoạch phát triển ngành trên phạm vi cả nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ quản lý ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và với các địa phương có liên quan trong quá trình lập, điều chỉnh các dự án quy hoạch.

2.2. Đối với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lập và điều chỉnh các dự án quy hoạch tổng thể phát triển các vùng KT - XH, các vùng kinh tế trọng điểm, các lãnh thổ đặc biệt.

- UBND tỉnh có trách nhiệm lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh.

- UBND huyện có trách nhiệm lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH huyện.

2.3. Đối với việc điều chỉnh quy hoạch.

- Theo định kỳ 5 năm hoặc khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành điều chỉnh quy hoạch một cách kịp thời theo chức năng.

- Cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch sẽ quyết định điều chỉnh quy hoạch.

3. Công khai hoá quy hoạch

Tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch. Khi quy hoạch đã được phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch (trừ những quy hoạch cần bảo mật).

4. Kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các dự án quy hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ quản lý ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện các quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch lãnh thổ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện các quy hoạch phát triển (bao gồm các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch do ngành và địa phuơng phê duyệt) và báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.

HĐND, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện các quy hoạch phát triển trên địa bàn và báo cáo về UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Vốn lập các dự án quy hoạch

- Các quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH lãnh thổ và quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ lực do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch được sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước ghi trong kế hoạch hàng năm.

- Đối với các quy hoạch phát triển KT - XH lãnh thổ, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ lực trong khi chưa có khung giá định mức chính thức thì áp dụng khung giá, định mức chi phí xây dựng quy hoạch tạm thời tại Quyết định số 519/2002/QĐ-BKH ngày 26 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Vốn để lập quy hoạch bao gồm kinh phí lập và thẩm định quy hoạch. Vốn để lập, thẩm định các quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch ngành và các sản phẩm chủ lực, quy hoạch xây dựng đô thị quan trọng được cân đối từ vốn ngân sách Trung ương. Quy hoạch tỉnh, huyện và điểm dân cư nông thôn được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối vốn hàng năm cho công tác lập quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng lãnh thổ, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng và hướng dẫn các Bộ quản lý ngành và các địa phương tổ chức thực hiện. Khi cần thiết có thể vận động tài trợ của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế.

Phần 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư hướng dẫn này nếu thấy có vấn đề gì cần trao đổi, đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên hệ và trao đổi trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Hồng Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.