• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/09/2005
UBND TỈNH HÀ NAM
Số: 1330a/2005/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 1 tháng 9 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định phân cấp về lập, thẩm định,

phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng

trên địa bàn tỉnh Hà Nam

______________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và Luật Xây dựng đã được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng (tại Tờ trình số 290/TTr-SXD ngày 28/7/2005) và thẩm định của Sở Tư pháp (tại Văn bản số 656/BCTĐ-STP ngày 27/7/2005),

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

 

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các quy định về cấp phép xây dựng tại Quyết định số 875/QĐ-UB ngày 01 tháng 10 năm 1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

Điều 3. Chánh  Văn  phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh, các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn; các cơ quan đơn vị tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

Đinh Văn Cương

QUY ĐỊNH

Phân cấp về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch

xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1330 /2005/QĐ-UBND ngày 01/9/2005

của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

______________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi áp dụng

 

Quy định này quy định một số nội dung cụ thể về phân cấp lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Những nội dung không quy định tại quy định này áp dụng theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính Phủ về quy hoạch xây dựng và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

 

Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng  trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải tuân theo quy định này.

 

Điều 3. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về công tác lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

 

Chương II

LẬP VÀ XÉT DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG

 

Điều 4. Phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng

 

1.  Sở Xây dựng:

 

a) Tổ chức lập, thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng vùng thuộc địa bàn  tỉnh Hà Nam, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

b) Tổ chức lập, thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng thị xã Phủ Lý, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 c) Thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng các thị trấn, và các đô thị mới có quy mô tương đương do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) lập, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

d) Thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 thị xã Phủ Lý, các thị trấn và những khu vực quan trọng khác theo yêu cầu cụ thể của tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

đ) Thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền hoặc chuẩn bị hồ sơ để Uỷ ban nhân dân tỉnh trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các đề án phân loại và công nhận loại đô thị.

 

e) Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các chương trình, dự án, công trình xây dựng quan trọng thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển ngành, chuyên ngành cả nước.

 

g) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, hướng dẫn, kiểm tra công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện, xã theo phân cấp.

 

h) Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khác thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

 

i) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức phổ biến, công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

 

a) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng, các thị trấn và các đô thị mới có qui mô tương đương thuộc địa giới hành chính do mình quản lý trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

b) Tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, do cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện thẩm định, trình duyệt.

 

c) Phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn do Uỷ ban nhân dân thị trấn, phường, xã (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) trình duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện.

 

d) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm, bao gồm kế hoạch thiết kế mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng theo thẩm quyền, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

 

a) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

b) Tuyên truyền, phổ biến các văn bản về quy hoạch xây dựng, các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt.

 

c) Tổ chức thực hiện các văn bản về quy hoạch xây dựng và các đồ án quy hoạch thị trấn, thị tứ, điểm dân cư nông thôn được phê duyệt.

 

d) Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm, hàng năm bao gồm kế hoạch thiết kế mới hoặc điều chỉnh quy hoạch điểm dân cư nông thôn thuộc thẩm quyền, trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

4. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn:

 

a) Người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thì phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị theo phân cấp.

 

b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trên địa bàn mình quản lý.

 

5. Ban hành quy định về quản lý quy hoạch:

 

Người có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, trên cơ sở nội dung đồ án quy hoạch cụ thể được duyệt, ban hành các quy định về quản lý quy hoạch xây dựng để thực hiện quy hoạch đó.

 

Chương III

QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÀ CẤP PHÉP XÂY DỰNG

 

Điều 5. Phân cấp trách nhiệm quản lý quy hoạch xây dựng

 

1. Sở Xây dựng:

 

a) Thẩm định hồ sơ cắm mốc chỉ giới xây dựng đối với các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các khu vực trọng yếu khác theo yêu cầu cụ thể của tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

 

b) Thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo địa điểm xây dựng các công trình được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hoặc chấp thuận đầu tư, gồm:

 

- Các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên.

- Các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các khu vực quan trọng khác theo yêu cầu cụ thể của tỉnh.

- Các công trình thuộc các tổ chức thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

c) Kiểm tra và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi địa điểm xây dựng đối với các trường hợp vi phạm quy hoạch xây dựng.

 

d) Cấp chứng chỉ quy hoạch các công trình thuộc các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có mức vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên, công trình thuộc các tổ chức thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

 

đ) Tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng trong phạm vi đồ án quy hoạch thuộc quyền thẩm định.

 

e) Soạn thảo các văn bản về quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

g) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra, công bố quy hoạch, thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng, cung cấp thông tin về quy hoạch, giới thiệu địa điểm, cấp chứng chỉ quy hoạch công trình theo phân cấp.

 

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

 

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch xây dựng vùng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh; quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc công bố điều chỉnh, hoặc huỷ bỏ trong trường hợp không thể thực hiện được, theo quy định của Nhà  nước thuộc địa giới do mình quản lý.

 

b) Tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc chỉ giới xây dựng các đồ án quy hoạch xây dựng (trừ các công trình đã phân cấp cho Sở Xây dựng thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt) và tổ chức thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

 

c) Tổ chức tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

 

d) Thẩm định địa điểm xây dựng (trừ các công trình đã phân cấp cho Sở Xây dựng) trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thông báo địa điểm xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch các công trình đã có quy hoạch chi tiết được duyệt. Kiểm tra, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi địa điểm xây dựng đối với các trường hợp vi phạm quy hoạch xây dựng thuộc địa giới mình quản lý.

 

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

 

 a) Tổ chức công bố quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn thuộc địa bàn mình quản lý.

 

b) Thực hiện cắm mốc và bảo vệ các mốc chỉ giới xây dựng đối với các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc phạm vi địa giới hành chính mình quản lý.

Điều 6. Phân cấp trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng

 

1.  Sở Xây dựng:

 

a) Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp và thu hồi giấy phép xây dựng các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I; các công trình tôn giáo; các công trình di tích lịch sử- văn hoá; công trình tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh.

 

b) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra công tác cấp giấy phép xây dựng công trình theo phân cấp.

 

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

 

a) Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp và thu hồi giấy phép xây dựng cho những công trình còn lại (ngoài những công trình đã phân cấp cho Giám đốc Sở Xây dựng) thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

 

b) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện cấp  giấy phép, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật trong xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn mình quản lý.

 

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

 

a) Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp và thu hồi giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch được duyệt theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

 

b) Kiểm tra việc thực hiện cấp  giấy phép, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật trong xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn mình quản lý.

 

Chương IV

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 7. Trách nhiệm kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm quản lý  quy hoạch xây dựng

 

1. Sở Xây dựng:

 

a) Hướng dẫn, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng.

 

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý, cưỡng chế đối với những vi phạm quản lý quy hoạch xây dựng.

 

2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

 

a) Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền. Chủ động, thường xuyên phối hợp với các Sở chuyên ngành của tỉnh, các cơ quan của Trung ương trên địa bàn trong việc phát hiện các vi phạm, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên địa bàn mình quản lý.

 

b) Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đồ án quy hoạch được duyệt.

 

c) Xử phạt theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính Phủ.

 

3. Uỷ ban nhân dân cấp xã:

 

a) Thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong việc xây dựng, khai thác và sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn mình quản lý.

 

b) Xử phạt theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính Phủ.

 

c) Thực hiện việc cưỡng chế, phối hợp thi hành các quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 8. Sở Xây dựng phối hợp với các ngành, các cấp liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quy định này.

 

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, Uỷ ban nhân dân các cấp phản ảnh về Sở Xây dựng để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đinh Văn Cương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.