• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2023
HĐND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Số: 24/2022/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2022

NGHỊ QUYẾT

Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 10

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủ đô ngày 21 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;

Xét Tờ trình số 404/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội, Báo cáo thẩm tra số 78/BC-VHXH ngày 01 tháng 12 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố; Báo cáo tiếp thu giải trình số 439/BC-UBND ngày 6 tháng 12 năm 2022 của UBND Thành phố; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng

Người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Điều 2. Chính sách hỗ trợ

1. Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng hai năm một lần, trong năm không thực hiện điều dưỡng theo chính sách Trung ương.

a) Đối tượng:

- Cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%;

- Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 81%;

- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

- Người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

b) Mức chi điều dưỡng và hỗ trợ chi khác; (Áp dụng theo quy định tại Điều 6 và khoản 6, Điều 13 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng), cụ thể:

- Điều dưỡng tại nhà: 0,9 lần mức chuẩn trợ cấp người có công/01 người/01 lần.

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung: 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp người có công/01 người/01 lần.

- Hỗ trợ chi khác phục vụ công tác điều dưỡng tập trung (điện, nước, vệ sinh,...): 500.000 đồng/01 người/ 01 lượt điều dưỡng.

Khi chính sách của Trung ương thay đổi về mức chi thì chính sách đặc thù của Thành phố được áp dụng tương ứng.

2. Hỗ trợ tiền ăn và chi khác đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Thành phố; Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố.

a) Đối tượng:

- Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và thân nhân liệt sĩ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của Thành phố.

- Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố.

b) Mức chi:

- Tiền ăn: 3.000.000 đồng/người/tháng.

- Chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường...): 500.000 đồng/người/ tháng.

3. Hỗ trợ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

Mức hỗ trợ (bằng tiền mặt): 1.000.000 đồng/người/năm.

4. Hỗ trợ tiền mai táng khi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng từ trần.

Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại thời điểm người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng từ trần (không áp dụng đối với người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Phụ lục 01, Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố).

Khi chính sách mai táng của Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi thì chính sách đặc thù của Thành phố được áp dụng tương ứng.

Điều 3. Nguồn kinh phí

Ngân sách Thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết; tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định và công khai, minh bạch, tránh các tiêu cực có thể xảy ra.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

4. Các nội dung Phụ lục 05 kèm theo Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ QH;
- Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: LĐTB&XH, Tài chính, Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội;
- TT HĐND; UBND, UBMTTQ Thành phố
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Ban HĐND TP;
- Văn phòng Thành ủy; các Ban ĐảngThành ủy;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND TP, VP UBND Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố; các tổ chức CT-XH TP;
- Thường trực: HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Cổng GTĐT Thành phố, Công báo TP;
- Lưu: VT, Ban VHXH.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.