Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Thông tư này quy định về nội dung, trình tự, thủ tục và tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

1.2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Đối tượng kiểm tra

2.1. Hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.

2.2. Hàng hóa đặc dụng của quốc phòng, an ninh không thuộc đối tượng kiểm tra của Thông tư này.

3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường (sau đây gọi là kiểm tra chất lượng hàng hóa) là việc xem xét, kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa cần kiểm tra; thử nghiệm mẫu theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng khi cần thiết.

3.2. Hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm hàng hóa đưa ra thị trường, khuyến mại và hàng hóa lưu giữ trong kho của cơ sở bán hàng.

3.3. Các thuật ngữ khác trong Thông tư này sử dụng cách giải thích từ ngữ theo quy định tại Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Căn cứ kiểm tra

Căn cứ để kiểm tra chất lượng hàng hóa là quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy định về nhãn hàng hóa và quy định khác của pháp luật.

5. Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa

Phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

5.1. Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

5.1.1. Căn cứ để xây dựng kế hoạch hằng năm về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

5.1.1.1. Mục tiêu, kế hoạch theo yêu cầu cơ quan quản lý chuyên ngành;

5.1.1.2. Kết quả kiểm tra, khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

5.1.1.3. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

5.1.1.4. Thông tin cảnh báo trong nước, nước ngoài, khu vực, quốc tế về chất lượng hàng hóa.

5.1.2. Nội dung kế hoạch kiểm tra phải thể hiện được các nội dung chủ yếu như sau:

5.1.2.1. Đối tượng hàng hóa kiểm tra;

5.1.2.2. Địa bàn kiểm tra;

5.1.2.3. Thời gian kiểm tra (theo tháng);

5.1.2.4. Kinh phí tổ chức thực hiện kiểm tra;

5.1.2.5. Tổ chức thực hiện

5.2. Kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa.

Căn cứ để kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

5.2.1. Theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành.

5.2.2. Khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa.

5.2.3. Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

5.2.4. Thông tin cảnh báo trong nước, nước ngoài, khu vực, quốc tế về chất lượng hàng hóa.

6. Mẫu hàng hóa để thử nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng hàng hóa

6.1. Mẫu hàng hóa được mua theo hình thức lấy ngẫu nhiên trên thị trường để thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định phục vụ việc theo dõi tình hình chất lượng hàng hóa trên thị trường.

6.2. Mẫu hàng hóa được lấy theo trình tự, thủ tục quy định tại điểm này để thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định nhằm phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường có nguy cơ không bảo đảm về chất lượng. Cụ thể như sau:

6.2.1. Căn cứ tiêu chuẩn về phương pháp thử hoặc quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu hàng hóa theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, số lượng sao cho đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu cần kiểm tra;

6.2.2. Mẫu hàng hóa sau khi lấy phải được niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu. Trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký biên bản thì biên bản có chữ ký của người lấy mẫu và trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý;

6.2.3. Lập biên bản lấy mẫu hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

6.2.4. Mẫu hàng hóa phải được gửi đến tổ chức thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm.

Kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm được chỉ định là căn cứ pháp lý để cơ quan kiểm tra xử lý tiếp trong quá trình kiểm tra.

6.3. Chi phí lấy mẫu hàng hóa và thử nghiệm theo quy định tại Điều 41 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

II. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa

1.1 Về nhãn hàng hóa:

1.1.1. Kiểm tra nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

1.1.2. Kiểm tra việc thể hiện tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy.

1.2. Về chất lượng:

1.2.1. Kiểm tra điều kiện bảo quản hàng hóa theo quy định hoặc công bố trên nhãn hàng hóa;

1.2.2. Kiểm tra nội dung và việc thể hiện thông tin cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa;

1.2.3. Kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với tài liệu kèm theo;

1.2.4. Kiểm tra mẫu hàng hóa được lấy theo quy định tại điểm 6.2 khoản 6 Mục I của Thông tư này để thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

2. Trình tự và thủ tục kiểm tra

2.1. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:

2.1.1. Xuất trình quyết định kiểm tra trước khi kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

2.1.2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 1 Mục này;

2.1.3. Lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục IIa ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản lập xong phải có chữ ký của đại diện cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định tại khoản 6 Mục I Thông tư này;

2.1.4. Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra và kiến nghị về việc thông báo kết quả thử nghiệm mẫu hàng hóa không bảo đảm chất lượng cho tổ chức, cá nhân có hàng hóa được kiểm tra trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm mẫu theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

2.1.5. Xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Mục này.

2.2. Kiểm soát viên chất lượng tiến hành kiểm tra độc lập theo trình tự, thủ tục sau đây:

2.2.1. Xuất trình thẻ kiểm soát viên chất lượng trước khi kiểm tra;

2.2.2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại khoản 1 Mục này;

2.2.3. Lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục IIb ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản lập xong phải có chữ ký của đại diện cơ sở được kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì biên bản có chữ ký của kiểm soát viên chất lượng và người chứng kiến vẫn có giá trị pháp lý.

2.2.4. Xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại các khoản 3, 4, 5 Mục này.

3. Biện pháp xử lý trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa thuộc diện phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất nhưng chưa được thực hiện

3.1. Trường hợp Đoàn kiểm tra không có thành viên là Thanh tra viên, Kiểm soát viên thị trường hoặc trường hợp việc thực hiện kiểm tra do kiểm soát viên chất lượng thực hiện độc lập thì Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể như sau:

3.1.1. Đoàn kiểm tra, kiểm soát viên chất lượng lập biên bản, yêu cầu người bán hàng tạm dừng việc bán hàng hóa. Trong thời hạn không quá 24 giờ phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa để cơ quan kiểm tra ra thông báo tạo dừng lưu thông hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này và xử lý theo thẩm quyền;

3.1.2. Cơ quan kiểm tra chỉ ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này khi người bán hàng hàng hóa đó đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra.

3.1.3. Trường hợp hàng hóa vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn cho người, động vật, tài sản, môi trường hoặc người bán hàng vẫn tiếp tục vi phạm, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan kiểm tra thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm của người bán hàng, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. Đồng thời kiến nghị cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường xử lý theo quy định của pháp luật.

3.2. Trường hợp Đoàn kiểm tra có thành viên là Thanh tra viên, Kiểm soát viên thị trường thì Đoàn kiểm tra xử lý theo quy định tại điểm 3.1.1 khoản này. Nếu cần thiết phải xử phạt vi phạm hành chính thì Thanh tra viên, Kiểm soát viên thị trường xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp xử lý trong trường hợp hàng hóa có kết quả thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Cơ quan kiểm tra xử lý theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 40 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể như sau:

4.1. Đoàn kiểm tra phải báo cáo với cơ quan kiểm tra về kết quả thử nghiệm mẫu để cơ quan kiểm tra thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng cho người bán hàng theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

4.2. Yêu cầu người bán hàng cung cấp thông tin liên quan đối với hàng hóa cùng loại như số lượng hàng hóa còn tồn, đã bán và liên hệ với người sản xuất, nhập khẩu biết để khắc phục, xử lý và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

4.3. Thông báo tạm dừng lưu thông đối với loại hàng hóa vi phạm về chất lượng, niêm phong hàng hóa còn tồn ở cơ sở đã kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục VIIa, VIIb ban hành kèm theo Thông tư này.

4.4. Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu thì trong thời gian 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người bán hàng có thể đề nghị một tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện đánh giá chất lượng đối với hàng hóa còn tồn dó. Kết quả đánh giá sự phù hợp này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí đánh giá sự phù hợp do người bán hàng chi trả.

4.5. Trường hợp hàng hóa có đầy đủ bằng chứng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc người bán hàng không thực hiện các yêu cầu trong thông báo tạm dừng lưu thông thì cơ quan kiểm tra kiến nghị cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên người bán hàng, địa chỉ nơi bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa.

4.6. Cơ quan kiểm tra chỉ thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường khi người bán hàng đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản cho Cơ quan kiểm tra.

4.7. Sau khi phát hiện hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra trong sản xuất tương ứng xem xét việc tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm tại cơ sở sản xuất theo nội dung quy định tại Điều 5, xử lý theo Điều 6 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra

1.1. Căn cứ các quy định tại điểm 5.1 khoản 5 Mục I của Thông tư này, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng năm như sau:

1.1.1. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, cơ quan kiểm tra ở địa phương phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tại địa phương cho năm sau;

1.1.2. Kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của các cơ quan kiểm tra ở địa phương sau khi được phê duyệt phải báo cáo với cơ quan kiểm tra ở Trung ương thuộc ngành, lĩnh vực và gửi tới Sở Khoa học và Công nghệ;

Trước ngày 15 tháng 7 hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp kế hoạch kiểm tra của các cơ quan kiểm tra ở địa phương và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

1.1.3. Trước ngày 30 tháng 6 hằng năm, cơ quan kiểm tra ở Trung ương phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc ngành, lĩnh vực của mình.

Kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của các cơ quan kiểm tra ở Trung ương sau khi được phê duyệt phải báo cáo cho Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

1.1.4. Trước ngày 15 tháng 7 hằng năm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để phối hợp triển khai kiểm tra.

2. Trao đổi thông tin trong quá trình kiểm tra

Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông tin kết quả khảo sát, kiểm tra của mình về hàng hóa không đạt chất lượng cho các cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, cơ quan có liên quan để biết và phối hợp.

3. Báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra

3.1. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả kiểm tra định kỳ 6 tháng, hằng năm, đột xuất theo yêu cầu hoặc khi kiểm tra đột xuất, Nội dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

3.1.1. Cơ quan kiểm tra địa phương tổng hợp báo cáo tình hình kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm của mình gửi cơ quan chủ quản và gửi Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

3.1.2. Cơ quan kiểm tra ở Trung ương tổng hợp báo cáo tình hình kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thuộc trách nhiệm của mình quản lý gửi Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).

3.2. Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, các Bộ, ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ xử lý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

5. Trách nhiệm thi hành

5.1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan kiểm tra, tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.

5.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, Cơ quan kiểm tra phản ánh kịp thời về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để tổng hợp, đề xuất và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

 

 

Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Quốc Thắng