• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 25/12/2016
HĐND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 81/2016/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 15 tháng 12 năm 2016

NGHỊ QUYẾT

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

___________________

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ BA

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Công văn số 8836/BKHĐT-TH ngày 24/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước 2016-2020 và năm 2017;

Sau khi xem xét Tờ trình số 142/TTr-UBND ngày 07/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh.

 

Quyết Nghị

 

I. Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2011-2015

1. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước

- Giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 6.464,3 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn ngân sách tập trung 2.328 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích 10 tỷ đồng; nguồn thu từ tiền sử dụng đất 2.765 tỷ đồng;nguồn vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu 864 tỷ đồng (vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương 731 tỷ đồng; vốn đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 133,4 tỷ đồng); vốn ODA 454,4 tỷ đồng; nguồn thu xổ số kiến thiết 42,5 tỷ đồng. Kết quả giải ngân 6.172 tỷ đồng, đạt 95,6% kế hoạch.

- Thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, việc quản lý vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2011-2015 được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn vốn được bố trí vốn theo hướng tập trung hơn; ưu tiên bố trí vốn thanh toán cho các công trình, dự án đã quyết toán, các công trình, dự án chuyển tiếp có khối lượng thi công nhiều nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa các công trình khởi công mới. Số dự án đầu tư và dự án khởi công mới cấp tỉnh quản lý giảm dần qua các năm, số vốn bình quân trên một dự án tăng, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.

Với nguồn vốn đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015, đã góp phần đầu tư hoàn thành nhiều công trình, dự án trên các ngành lĩnh vực, như: Đầu tư hoàn thành khoảng 85 km đường cấp III, 125 km đường cấp IV, 100 km đường đô thị, trên 650 km đường giao thông nông thôn; nạo vét trên 40 km các sông, cải tạo, nâng cấp hoàn thành 18 trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu nước khi có mưa lũ. Đầu tư xây dựng, sửa chữa 10 trung tâm y tế tuyến huyện, 05 bệnh viện tuyến tỉnh; 25 trường trung học phổ thông, nhiều trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn với quy mô phòng học tăng trên 1.000 phòng. Ngoài ra, nguồn vốn NSNN còn đầu tư cải tạo sửa chữa nhiều công trình thuộc các lĩnh văn hoá xã hội, khoa học công nghệ, trụ sở làm việc các cơ quan tỉnh, huyện, xã,…

2. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ

- Giai đoạn 2011-2015, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ 3.713 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện các chương trình, dự án giao thông, thủy lợi, y tế, ký túc xá sinh viên, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên: 3.517,2 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ đối ứng dự án ODA: 65,8 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 130 tỷ đồng. Kết quả giải ngân 3.567 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch.

- Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015, đã góp phần đầu tư hoàn thành 35 km đường giao thông tỉnh; trên 50 km đường giao thông nông thôn; nạo vét trên 60 km các sông tiêu, thoát lũ khẩn cấp phục vụ tốt công tác phòng, chống lụt bão và sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đã đầu tư cơ bản hoàn thành các khối nhà khám chữa bệnh và mua sắm trang thiết bị một số bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thành phố góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, phát huy tốt hiệu quả đầu tư, tạo sức lan tỏa lớn thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

3.1. Tồn tại, hạn chế

- Việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở một số nơi chưa nghiêm, còn tình trạng quyết định đầu tư dự án nhưng chưa xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản hoặc dự án dở dang không có đủ nguồn vốn đầu tư hoàn thành.Một số dự án nhà thầu chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn hoặc khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng nhà thầu không tích cực phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành quyết toán.

- Việc lồng ghép, bố trí vốn đối ứng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ở cấp huyện, xã  để đầu tư các chương trình, đề án, dự án còn chưa kịp thời dẫn đến một số chương trình, dự án bị kéo dài.Một số dự án thuộc chương trình hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, nhưng trong những năm qua không được trung ương bố trí vốn hoặc bố trí vốn thấp, phải dừng thi công hoặc thi công chậm.

- Việc tổ chức huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư còn hạn chế, một số dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nhưng không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nên không thực hiện được.

3.2. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên do nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp, không đủ khả năng cân đối cho nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, một số nơi công trình, dự án thi công vượt quá kế hoạch vốn gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

II. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

1. Tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020: 8.594,8tỷ đồng, bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách tập trung: 3.327,7  tỷ đồng;

- Nguồn thu tiền sử dụng đất: 2.750 tỷ đồng;

- Nguồn thu xổ số kiến thiết: 89,5 tỷ đồng;

- Nguồn vốn bội chi ngân sách: 148,5 tỷ đồng;

- Nguồn vốn ngân sách trung ương: 2.279 tỷ đồng.

2. Nguyên tắc phân bổ

2.1. Nguyên tắc chung:

- Kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được phân bổ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 10/2015/NQ-HĐND ngày 04/8/2015 của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tập trung cho cấp huyện giai đoạn 2016-2020.

- Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là khắc phục dứt điểm tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư côngvà đủ vốn đối ứng thực hiện các dự án ODA.

- Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Các huyện, thành phố được bố trí vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách của mình và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

2.2. Nguyên tắc cụ thể:

- Việc phân bổ vốn phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của tỉnh, của huyện, thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

-Phân bổ chi tiết 90% số vốn kế hoạch trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; 10% dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn.

- Mức vốn bố trí cho từng dự án:

+Đối với các dự án hoàn thành đã bàn giao đi vào sử dụng, các dự án đã quyết toán bố trí đủ kế hoạch vốn cho từng dự án theo số đã quyết toán hoặc khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu.

+ Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới, trong từng dự án thực hiện tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư; mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Thứ tự ưu tiên bố trí vốn như sau:

+ Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi các khoản ứng trước. Không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng XDCB phát sinh sau ngày 31/12/2014.

+ Bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (đối với các dự án đối ứng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương); vốn đầu tư của nhà nước thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

+ Dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.

+ Dự án chuyển tiếp hoàn thành sau giai đoạn 2016-2020.

+ Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.

- Đối với dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 phải cân đối đủ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo ý kiến thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Trường hợp không cân đối đủ vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2016-2020 thì phải giãn thời gian thực hiện dự án hoặc cắt giảm điều chuyển cho các dự án khác.

3. Phương án phân bổ

3.1. Tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020: 8.594,8 tỷ đồng.

(Chi tiết theo Phụ lục số 01 gửi kèm).

3.2. Phân cấp nguồn vốn đầu tư như sau:

a) Nguồn vốn thuộc cấp tỉnh quản lý: 5.774,6 tỷ đồng, bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách tập trung 2.657,5 tỷ đồng; phân bổ chi tiết 2.391,8 tỷ đồng; dự phòng 265,7 tỷ đồng, phân bổ như sau: Trả nợ vay Ngân hàng phát triển thực hiện Chương trình giao thông nông thôn 58,5 tỷ đồng; bố trí vốn đối ứng các dự án ODA 28 tỷ đồng; thanh toán nợ XDCB các dự án hoàn thành còn thiếu vốn 164,1 tỷ đồng; đầu tư các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành giai đoạn 2016-2020 là 2.056,9 tỷ đồng; vốn chuẩn bị đầu tư các dự án mới15,5 tỷ đồng;vốn đầu tư các chương trình, đề án (Đề án kinh tế vùng bãi; hỗ trợ các xã làm truyền thanh không dây; chương trình kiên cố hóa trường, lớp học) 68,8 tỷ đồng.

- Nguồn thu tiền sử dụng đất 600 tỷ đồng, phân bổ chi tiết 540 tỷ đồng; dự phòng 60 tỷ đồng, phân bổ như sau: Trả nợ vốn đã vay Ngân hàng phát triển 59 tỷ đồng; hỗ trợ mua xi măng xây dựng nông thôn mới 70 tỷ đồng; trích lập Quỹ phát triển đất 80 tỷ đồng; chi công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận QSD đất: 40 tỷ đồng; trả nợ lãi vay do chính quyền địa phương vay8,2 tỷ đồng; hỗ trợ trả nợ và đầu tư các chương trình, đề án, dự án282,8 tỷ đồng(Hỗ trợ thực hiện Đề án kinh tế vùng bãi 10 tỷ đồng; hỗ trợ trả nợ XDCB và đầu tư mới các công trình xây dựng trường, lớp học 76,2 tỷ đồng; hỗ trợ trả nợ XDCB và đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã 20 tỷ đồng; hỗ trợ các xã làm truyền thanh không dây 5 tỷ đồng; đầu tư các chương trình, dự án 171,6 tỷ đồng).

- Nguồn thu xổ số kiến thiết 89,5 tỷ đồng,phân bổ chi tiết 81,75 tỷ đồng đầu tư các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế; dự phòng 7,75 tỷ đồng.

- Nguồn vốn bội chi ngân sách 148,5 tỷ đồng, phân bổ để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các công trình xây dựng cơ bản của tỉnh.

- Vốn ngân sách trung ương: 2.279 tỷ đồng, bao gồm:

+ Nguồn vốn trong nước: 1.442,5 tỷ đồng, phân bổ chi tiết 1.298,3 tỷ đồng; dự phòng 10% với số vốn 144,2 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn nước ngoài: 836 tỷ đồng, phân bổ chi tiết 753 tỷ đồng, dự phòng 83,6 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn đầu tư thuộc cấp huyện, cấp xã quản lý: 2.820,2 tỷ đồng, bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách tập trung tỉnh phân cấp: 670,2 tỷ đồng, phân bổ chi tiết 603,2 tỷ đồng, dự phòng 67 tỷ đồng.

- Nguồn thu tiền sử dụng đất cấp huyện, xã quản lý: 2.150 tỷ đồng, phân bổ chi tiết 1.935 tỷ đồng, dự phòng 215 tỷ đồng.

(Chi tiết theo Phụ lục số 02, 03, 04 gửi kèm).

III. Tổ chức thực hiện

1. Đối với các nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi quyết định phân bổ.

2. Hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trường hợp cần thiết ứng trước phải kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm việc ứng trước kế hoạch phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải đảm bảo có nguồn thanh toán các khoản vốn ứng trước.

3. UBND tỉnh:

- Chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hằng năm trong giai đoạn 2016-2020, tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đưa vào khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

- Hàng năm UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 theo quy định.

4. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư nhằm khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài, không đảm bảo quy định, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.

Chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thực sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng dự án, đảm bảo dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành trong quản lý đầu tư công.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVI - Kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 15 tháng 12 năm 2016./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Xuân Tuyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.