• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 26/06/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 20/2009/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 2 năm 2009

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam

_______________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 19 tháng 5 năm 1994;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dùng chung và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; cảnh báo chướng ngại vật hàng không; quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; quy định về quản lý độ cao công trình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn, hiệu quả của hoạt động hàng không, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chướng ngại vật hàng không, là các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo (cố định hoặc di động) có thể ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn cho hoạt động bay hoặc hoạt động bình thường của các đài, trạm thông tin, ra đa dẫn đường hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

2. Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, là tập hợp các công việc: thực hiện chấp thuận độ cao công trình, kiểm tra, giám sát, di dời các vật thể, công bố, thông báo độ cao các chướng ngại vật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động bay, hoạt động bình thường các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Sân bay, là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển, bao gồm:

a) Sân bay đang sử dụng;

b) Sân bay dự kiến xây dựng trong quy hoạch, được xác định trong hệ thống sân bay toàn quốc;

c) Bãi cất, hạ cánh, là khu vực được xác định dùng cho trực thăng cất cánh, hạ cánh;

d) Đường sân bay, là đoạn đường giao thông lưỡng dụng (đường lưỡng dụng), được xác định có thể dùng cho tàu bay cất cánh, hạ cánh khi cần thiết.

4. Theo mục đích sử dụng, sân bay được phân thành các loại sau:

a) Sân bay quân sự, là sân bay phục vụ cho mục đích quân sự;

b) Sân bay dùng chung, là sân bay phục vụ cho mục đích quân sự và dân dụng.

5. Trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, là khu vực được xác định nhằm mục đích quản lý, phát hiện, giám sát hoạt động bay và bảo vệ vùng trời.

6. Đường cất, hạ cánh, là khu vực được quy định trong sân bay dùng cho tàu bay cất cánh và hạ cánh.

7. Ngưỡng đường cất, hạ cánh, là nơi bắt đầu của đường cất, hạ cánh có thể sử dụng cho tàu bay cất cánh và hạ cánh.

8. Đèn cảnh báo nguy hiểm, là đèn dùng để cảnh báo mối nguy hiểm hàng không.

9. Bảo hiểm đầu, là khu vực kéo dài của đường cất, hạ cánh nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho tàu bay khi cất cánh, hạ cánh.

10. Bảo hiểm sườn, là phần của dải bay nằm dọc hai bên sườn của đường cất, hạ cánh nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho tàu bay khi cất cánh, hạ cánh.

11. Mức cao sân bay, là mức cao của điểm cao nhất trên đường cất, hạ cánh so với mực nước biển trung bình.

12. Điểm quy chiếu sân bay, là điểm quy ước xác định vị trí của một sân bay.

13. Vùng trời lân cận sân bay, là khoảng không gian có giới hạn bán kính 30 km với tâm là điểm quy chiếu sân bay.

14. Vật dễ gãy, là vật được thiết kế và sản xuất nhằm giảm nguy hiểm cho tàu bay khi va chạm.

15. Che khuất, là việc một chướng ngại vật tồn tại bên cạnh một chướng ngại vật khác cao hơn theo nguyên lý núp bóng.

16. Bề mặt giới hạn chướng ngại vật, là bề mặt giới hạn độ cao tối đa của các vật thể bảo đảm an toàn cho tàu bay thực hiện các giai đoạn cất cánh, bay lên, bay theo các đường bay, vòng lượn, hạ thấp độ cao, hạ cánh; bảo đảm hoạt động bình thường cho các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

17. Dải bay, là khu vực có dạng hình chữ nhật với kích thước được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này.

18. Cảnh báo chướng ngại vật hàng không, là việc sơn, kẻ dấu hiệu và lắp đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đặt mốc, cắm cờ trên chướng ngại vật để người lái tàu bay trong khi bay có thể nhìn thấu cảnh báo từ cự ly an toàn ở mọi hướng.

19. Tĩnh không sân bay, là phần không gian an toàn để tàu bay thực hiện các giai đoạn cất cánh lên cao, hạ thấp độ cao, hạ cánh và bay trên các đường bay của sân bay.

Điều 4. Quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

1. Quy hoạch xây dựng sân bay quân sự (bao gồm sân bay quân sự, bãi cất, hạ cánh, đường sân bay), sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Khu vực xây dựng sân bay quân sự và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải tuân theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định về độ cao chướng ngại vật hàng không quy định tại Nghị định này.

3. Các công trình được xây dựng trước khi Nghị định này có hiệu lực làm ảnh hưởng đến sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay dùng chung, sân bay quân sự. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

5. Các Bộ, ngành, địa phương khi lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung hoặc đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp (trường hợp chưa có đồ án quy hoạch chung), phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về quản lý độ cao tĩnh không.

Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Các hành vi được quy định tại điểm c, g, h, i, k, n khoản 1 Điều 12 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

2. Cấp phép xây dựng, lắp đặt các công trình chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 4, Điều 14 và Điều 16 Nghị định này.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cảnh báo hàng không đối với các công trình quy định tại Điều 8 và Phụ lục IV Nghị định này, trừ trường hợp được cơ quan chấp thuận độ cao của Bộ Quốc phòng quy định riêng.

Chương II

QUẢN LÝ ĐỘ CAO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG VÀ CÁC TRẬN ĐỊA QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÙNG TRỜI

MỤC 1. CÁC BỀ MẶT GIỚI HẠN CHƯỚNG NGẠI VẬT VÀ CẢNH BÁO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG

Điều 6. Các bề mặt giới hạn chướng ngại vật

1. Các sân bay phải xác định bề mặt giới hạn chướng ngại vật theo dải bay và cấp sân bay. Kích thước các bề mặt giới hạn chướng ngại vật đối với sân bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này.

2. Các bề mặt giới hạn chướng ngại vật đối với các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời quy định tại Phụ lục III Nghị định này.

Điều 7. Dải bay

Các sân bay đều phải xác định dải bay, kích thước dải bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này. Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về dải bay của từng sân bay.

Điều 8. Chướng ngại vật phải được cảnh báo hàng không

1. Những chướng ngại vật sau đây phải được cảnh báo hàng không:

a) Có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay;

b) Nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao trên 45 mét so với mức cao sân bay;

c) Có độ cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên;

d) Các chướng ngại vật quy định tại Phụ lục IV Nghị định này.

2. Những trường hợp đặc biệt được miễn trừ cảnh báo hàng không do Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ ĐỘ CAO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG

Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) liên quan để thống nhất việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không đối với các sân bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời. Căn cứ tính chất hoạt động của sân bay, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, điều kiện thực tế của địa hình, nhu cầu phát triển không gian đô thị và các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định này, tổ chức quản lý, chấp thuận độ cao công trình, tạo thuận lợi phát triển kinh tế xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên không gian của đất nước.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Căn cứ nhiệm vụ quốc phòng, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, quy hoạch chi tiết các sân bay, quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương về độ cao xây dựng công trình cho đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư và các cao trình khác.

4. Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành liên quan về nội dung cần thiết bảo đảm duy trì quy hoạch phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, quy hoạch trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công khai các bề mặt giới hạn chướng ngại vật sân bay quân sự, sân bay dùng chung, các khu vực giới hạn độ cao công trình xây dựng; bảo đảm bí mật các công trình quân sự và hoạt động tác chiến phòng không.

5. Phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan quản lý, ngăn ngừa và xử lý di dời hoặc hạ thấp độ cao các công trình vi phạm bề mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến hoạt động bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; phổ biến cho các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư nơi có sân bay, khu vực lân cận sân bay, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tham gia duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật, nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và khu dân cư.

6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấp hành các quy định về độ cao, cảnh báo hàng không.

7. Quy định nhiệm vụ quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, quản lý cảnh báo hàng không cho Chỉ huy trưởng các sân bay quân sự, sân bay dùng chung, Chỉ huy trưởng các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý về kiến trúc, quy hoạch xây dựng bảo đảm duy trì hoạt động của sân bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đồ án quy hoạch không gian, thống nhất với Bộ Quốc phòng để làm cơ sở cấp phép xây dựng.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, xác định các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không các sân bay dùng chung.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng để thống nhất quản lý độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không đối với sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, ngăn ngừa và xử lý các công trình vi phạm về mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng; tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư nơi có sân bay và khu vực lân cận sân bay để tham gia duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động bay.

4. Tổ chức đo đạc, lập sơ đồ chướng ngại vật trong khu vực sân bay dùng chung và các khu vực có hoạt động bay dân dụng; cập nhật và công bố thông tin về chướng ngại vật.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung; quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không. Cấp phép xây dựng cho các công trình có độ cao theo nội dung, đồ án quy hoạch đã được cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chấp thuận theo quy định tại khoản 5 Điều 4, khoản 3 Điều này, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức di dời hoặc hạ thấp độ cao các công trình vi phạm các bề mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến an toàn các hoạt động bay và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; kiểm tra, xử lý việc lắp đặt hệ thống cảnh báo hàng không, kể cả đối với các công trình đã xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập quy hoạch phát triển không gian trên địa bàn của tỉnh, thống nhất với Bộ Quốc phòng để tạo thuận lợi trong việc quản lý đầu tư, cấp phép xây dựng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với các quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

4. Tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật nhằm bảo đảm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời và an toàn cho hoạt động bay.

Điều 13. Trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình

1. Thực hiện các thủ tục về quản lý độ cao công trình theo quy định tại khoản 5 Điều 4, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định này; chịu trách nhiệm về độ chính xác của các thông tin theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Trong quá trình xây dựng và sau khi hoàn thành công trình phải chấp hành các quy định về độ cao tối đa được phép và chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống cảnh báo hàng không, kể cả đối với các công trình đã xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực, chịu mọi chi phí về đầu tư và duy trì hoạt động bình thường của hệ thống cảnh báo hàng không đối với công trình.

3. Các công trình vượt quá độ cao cho phép hoặc thực hiện cảnh báo hàng không trái quy định thì chủ đầu tư công trình phải tiến hành di dời hoặc hạ thấp độ cao, sửa chữa cảnh báo hàng không theo đúng quy định.

MỤC 3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐỘ CAO CÔNG TRÌNH

Điều 14. Những công trình, dự án riêng biệt nằm ngoài quy hoạch tĩnh không đã công bố phải được chấp thuận của Bộ Quốc phòng về quản lý độ cao tĩnh không

1. Công trình có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay và những công trình nằm trong vùng trời lân cận sân bay có độ cao trên 45 mét so với mức cao sân bay.

2. Công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến xạ giới, bề mặt phát xạ, tầm phủ sóng của các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Công trình có chiều cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên, nằm ngoài các khu vực, dự án quy hoạch đô thị, không gian đã được các Bộ, ngành, địa phương thống nhất với Bộ Quốc phòng về độ cao theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

4. Đường dây tải điện cao thế, cáp treo, các trạm thu, phát sóng vô tuyến.

Điều 15. Thủ tục đề nghị chấp thuận độ cao công trình

1. Đối với các công trình quy định tại Điều 14 Nghị định này, cơ quan cấp phép xây dựng hoặc chủ đầu tư, chủ sở hữu phải có văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình gửi đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Nội dung chủ yếu trong văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình:

a) Tên, tính chất, quy mô công trình; đối với các trạm thu, phát sóng vô tuyến phải nêu rõ dải tần số, công suất; đối với đường điện cao thế phải nêu rõ điện thế, hướng tuyến, độ cao các cột, tọa độ, cốt đất tự nhiên vị trí các cột và độ võng của đường dây; đối với cáp treo phải nêu rõ hướng tuyến, độ cao các cột đỡ, tọa độ, cốt đất tự nhiên vị trí các cột và độ võng của đường cáp;

b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình và cơ quan cấp phép xây dựng; địa chỉ của cơ quan, người đề nghị chấp thuận độ cao công trình (số điện thoại, fax nếu có);

c) Vị trí công trình: địa chỉ hành chính, danh giới khu đất, tọa độ địa lý theo hệ tọa độ VN-2000 hoặc WGS-84 (theo kinh độ, vĩ độ thuộc độ, phút, giây), cốt đất tự nhiên so với mực nước biển trung bình;

d) Độ cao công trình so với cốt đất tự nhiên;

đ) Bản đồ hoặc sơ đồ khu vực xây dựng công trình có đánh dấu vị trí xây dựng công trình;

e) Tiến độ thi công.

Điều 16. Thời hạn, nội dung và cơ quan giải quyết đề nghị về độ cao công trình

1. Trong thời hạn không quá 15 ngày và không quá 30 ngày làm việc (đối với các dự án là đường dây tải điện cao thế có chiều dài dưới 100km, hệ thống các trạm thu, phát sóng vô tuyến số lượng từ 10 đến 50 trạm), kể từ khi nhận được văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, Cục Tác chiến có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân chủ đầu tư công trình, đồng thời thông báo cho cơ quan cấp phép xây dựng, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan biết.

2. Văn bản trả lời phải nêu rõ:

a) Tên, tính chất, quy mô công trình;

b) Chủ đầu tư công trình;

c) Vị trí công trình: địa chỉ hành chính, tọa độ địa lý theo hệ tọa độ VN-2000 hoặc WGS-84 (theo kinh độ, vĩ độ thuộc độ, phút, giây);

d) Độ cao tối đa của công trình được phép xây dựng so với cốt đất tự nhiên hoặc so với mực nước biển trung bình;

đ) Yêu cầu cảnh báo hàng không;

e) Các điểm lưu ý khác (nếu có);

3. Cơ quan nhận và giải quyết các đề nghị về độ cao công trình:

Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu/Bộ Quốc phòng.

- Địa chỉ: số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại: 069.533105, 069.533200; fax: 04.37337994.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành; các quy định trước đây về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.