• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/05/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 10/08/2013
THANH TRA CHÍNH PHỦ
Số: 822/QĐ-TTCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 25 tháng 4 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra

______________________

 TỔNG THANH TRA

Căn cứ Luật Thanh tra, ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Khiếu nại tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng, ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 55/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra”.

Điều 2. Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các vụ, đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thực hiện quy định này.

Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; quá trình thực hiện có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung báo cáo Tổng Thanh tra quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.


 

TỔNG THANH TRA

(Đã ký)


Trần Văn Truyền
 


QUY ĐỊNH

Về chế độ báo cáo công tác thanh tra
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 822/QĐ-TTCP ngày 25/4/2007 của Tổng Thanh tra)

_____________________________

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Báo cáo công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng (sau đây gọi chung là báo cáo công tác thanh tra) tại quy định này là văn bản tổng hợp phải phản ảnh đầy đủ kết quả hoạt động thanh tra của bộ, ngành, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình, phải bảo đảm chính xác, khách quan, đầy đủ, kịp thời mọi hoạt động về thanh tra kinh tế xã hội, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng lực lượng và các hoạt động khác theo chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra bộ, ngành Trung ương (sau đây gọi chung là thanh tra bộ), thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là thanh tra tỉnh), thanh tra sở ngành, thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thanh tra ở xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Vụ trưởng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Chánh thanh tra các cấp, các ngành; chủ tịch UBND xã có trách nhiệm lập báo cáo công tác thanh tra gửi tổ chức thanh tra cấp trên và thủ trưởng cơ quan cùng cấp theo quy định pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và theo quy định này.

Điều 3. Các đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ báo cáo các nội dung thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Thanh tra tỉnh báo cáo toàn diện các nội dung công tác thanh tra theo phạm vi quản lý nhà nước; Thanh tra bộ báo cáo nội dung công tác thanh tra do Thanh tra bộ trực tiếp tổ chức thực hiện.

Điều 4. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân và báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chương II

NỘI DUNG VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 5. Báo cáo công tác thanh tra tháng (báo cáo tháng).

Thực hiện cho các tháng trong năm (trừ tháng 3, 6, 9 và tháng 12).

Nội dung báo cáo:

Kết quả thực hiện Luật Thanh tra, bao gồm:

Số cuộc thanh tra kinh tế - xã hội triển khai trong tháng;

Số cuộc thanh tra kinh tế - xã hội kết thúc, ban hành kết luận trong tháng, kết quả cụ thể (phân theo từng lĩnh vực, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý về kinh tế, hành chính, hình sự. Lưu ý báo cáo cụ thể vụ việc vi phạm có liên quan đến tham nhũng, lãng phí). Nêu cụ thể kết quả chỉ đạo xử lý về thanh tra của cấp có thẩm quyền;

Kết quả thực hiện các kiến nghị về kinh tế, hành chính, hình sự;

Kết quả thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, bao gồm:

Tình hình tiếp công dân của trụ sở tiếp dân, của chủ tịch UBND và của thủ trưởng các cấp, các ngành; số đoàn đông người trong tháng (báo cáo cụ thể từng đoàn và nội dung khiếu tố)

Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị phản ảnh;

Kết quả xác minh, kết luận, quyết định giải quyết vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền (số vụ, số vụ tổ chức đối thoại trước khi kết luận, kết quả đúng sai và quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền).

Tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo (báo cáo cụ thể tố cáo có liên quan tham nhũng).

Kết quả xác minh, kết luận, quyết định giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền (số vụ, số vụ tổ chức đối thoại trước khi kết luận, kết quả đúng sai và quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền).

Kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo;

Kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (về kinh tế, hành chính, hình sự);

Kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm:

Tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo liên quan đến tham nhũng (phân tích cụ thể theo lĩnh vực và đối tượng bị tố cáo);

Kết quả rà soát, ban hành văn bản phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng (số văn bản được rà soát, số văn bản phải chỉnh sửa, ban hnàh mới phải cụ thể theo từng lĩnh vực…)

Kết quả xử lý các vụ tham nhũng (kỳ trước chuyển tiếp, vụ việc mới phát hiện, kết quả xử lý về kinh tế, hành chính, hình sự…).

Số vụ việc liên quan đến tham nhũng ở địa phương, bộ ngành các cơ quan báo chí nêu và kết quả xử lý.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành. Báo cáo cụ thể lĩnh vực thanh tra, số đối tượng được thanh tra (tập thể, cá nhân, doanh nghiệp). Nội dung kiến nghị xử lý (về kinh tế, hành chính, hình sự). Kết quả thực hiện các kiến nghị thanh tra.

Nội dung khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị (nếu có).

Báo cáo công tác thanh tra tháng gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 20 của tháng lập báo cáo.

Điều 6. Báo cáo công tác thanh tra quý, năm:

1. Báo cáo công tác thanh tra quý: là báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra tháng 3 và quý I; báo cáo tháng 6 và 6 tháng (tháng 01 đến tháng 6); báo cáo tháng 9 và 9 tháng (tháng 01 đến tháng 9). Nội dung báo cáo công tác thanh tra quý, có đề cương và biểu mẫu báo cáo hướng dẫn kèm theo;

Báo cáo công tác thanh tra quý gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 20 của tháng cuối quý.

2. Báo cáo năm: là báo cáo tổng kết công tác thanh tra (tháng 01 đến tháng 12). Nội dung báo cáo tổng kết, có đề cương và biểu mẫu báo cáo hướng dẫn kèm theo.

Báo cáo tổng kết công tác thanh tra gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo.

Điều 7. Báo cáo đột xuất.

Báo cáo đột xuất là báo cáo khi trên địa bàn (tỉnh, thành phố), lĩnh vực (bộ, ngành) quản lý phát sinh vụ việc mới, bất thường, nghiêm trọng, phức tạp trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, liên quan đến chính trị, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh phải có trách nhiệm báo cáo Tổng Thanh tra để chỉ đạo, phối hợp xử lý.

Nội dung báo cáo đốt xuất nêu ngắn gọn, cụ thể diễn biến sự việc, nguyên nhân phát sinh, các biện pháp xử lý đã áp dụng, kết quả xử lý và các kiến nghị, nội dung phải xin ý kiến phối hợp, chỉ đạo của Tổng Thanh tra.

Điều 8. Báo cáo chuyên đề.

1. Báo cáo chuyên đề là báo cáo nhằm tổng kết kết quả hoạt động của ngành về một lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, xây dựng lực lượng; Báo cáo tổng kết việc thực hiện pháp luật về Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Nội dung báo cáo chuyên đề có hướng dẫn riêng khi có yêu cầu .

2. Báo cáo tổng kết công tác thi đua khen thưởng thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng và theo Quy chế thi đua khen thưởng của ngành Thanh tra.

Điều 9. Báo cáo chương trình công tác thanh tra.

Chánh thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh dự kiến chương trình công tác thanh tra năm sau của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm báo cáo.

Báo cáo chương trình công tác thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh phải được Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định phê duyệt.

Báo cáo chương trình công tác thanh tra hàng năm và báo cáo đăng ký, giao ước thi đua của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 31 tháng 01 của năm báo cáo.

Điều 10. Các báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo.

Theo yêu cầu của Ban Bí thư, Bộ chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương, Thanh tra Chính phủ yêu cầu thanh tra bộ, thanh tra tỉnh báo cáo bằng văn bản trong thời hạn nhanh nhất, hoặc Thanh tra Chính phủ có yêu cầu cụ thể thời hạn gửi báo cáo đối với các báo cáo tháng, báo cáo quý để phục vụ các kỳ họp của Quốc hội, của Chính phủ.

Điều 11. Báo cáo của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh gửi Thanh tra Chính phủ là bản chính có dấu và chữ ký của Chánh thanh tra bộ, thanh tra tỉnh. Các báo cáo phải kèm theo đấy đủ các biểu mẫu theo quy định cho từng loại báo cáo.

Điều 12. Nội dung và chế độ báo cáo của các vụ, đơn vị.

Vụ trưởng, thủ trưởng đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, hàng tuần phải có báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ trong tuần và kế hoạch công tác tuần sau của đơn vị gửi Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trước 14 giờ ngày thứ 6 hàng tuần.

Báo cáo công tác tháng, quý của các vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, nội dung kiểm điểm, đánh gia kết quả thực hiện theo kế hoạch được giao, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề nghị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xử lý, đồng thời xác định nhiệm vụ của tháng sau, quý sau.

Báo cáo tháng, báo cáo quý gửi Tổng Thanh tra (qua Văn phòng) trước ngày 20 của tháng báo cáo.

Điều 13. Thanh tra Chính phủ khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tin học trong công tác thông tin, báo cáo công tác thanh tra.

Điều 14. Việc chấp hành những quy định về chế độ thông tin báo cáo, thời hạn báo cáo là tiêu chuẩn được xem xét khi bình xét các danh hiệu thi đua của các tổ chức thanh tra.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Việc quản lý và sao chụp báo cáo.

Văn phòng Thanh tra Chính phủ xử lý theo quy định về quản lý công văn, tài liệu; có trách nhiệm sau chụp báo cáo công tác thanh tra khi có yêu cầu.

Việc quản lý và sử dụng báo cáo công tác thanh tra theo quy định pháp luật về bảo vệ tài liệu lưu trữ nhà nước.

Điều 16. Chánh thanh tra bộ, thanh tra tỉnh căn cứ quy định về chế độ thông tin, báo cáo này quy định cụ thể công tác thông tin báo cáo cho các tổ chức thanh tra bộ, ngành, địa phương mình.

Điều 17. Chánh văn phòng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, các vụ đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định này.

Các quy định báo cáo công tác thanh tra trước đây đều bãi bỏ./.

Tổng Thanh tra

(Đã ký)

 

Trần Văn Truyền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.