• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/12/1989
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 60 TC/CTN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 21 tháng 12 năm 1989

THÔNG TƯ

Hướng dẫn nghiệp vụ thu thuế sát sinh.

______________________________

 Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TVQH ngày 20 tháng 11 năm 1964 và Nghị quyết số 1181-TVQH/K6 ngày 1 tháng 12 năm 1980 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thuế sát sinh; Căn cứ điều  40 điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 200-NQ/TVQH ngày 18 tháng1 năm 1966 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và điều 10 Nghị định số 09-HĐBT ngày 30 tháng 1 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngày 17 tháng 11 năm 1987 của Hội đồng Nhà nước bổ sung, sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hoá:

Để đưa công tác quản lý thu thuế sát sinh vào nề nếp, đảm bảo thi hành đúng chính sách và chống thất thu có kết quả; Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ thu thuế sát sinh như sau:

I. TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ CHĂN NUÔI VÀ ĐƠN VỊ THU MUA LƠN, TRÂU, BÒ:

Thuế sát sinh thu vào lơn, trâu, bò, của kinh tế tập thể, cá thể chăn nuôi đem giết thịt.

Để quản lý thu thuế sát sinh được tốt, các đơn vị kinh tế tập thể và cá thể chăn nuôi lợn, trâu, bò và đơn vị thu mua lợn, trâu, bò đem giết thịt, phải thực hiện những qui định sau:

1. Đối với đơn vị tập thể và cá thể chăn nuôi:

- Giúp cơ quan thuế kiểm kê nắm chắc số đầu lợn, trâu bò chăn nuôi.

- Khi xuất chuồng lợn, trâu, bò đem giết thịt phải báo cho cơ quan thuế hoặc uỷ nhiệm thu thuế sát sinh ở phường, xã biết để kịp thời thu thuế sát sinh.

- Trường  hợp đơn vị kinh tế tập thể, cá thể chăn nuôi tự mình giết mổ lợn, trâu, bò thì phải nộp thuế sát sinh. Trường hợp bán cho đơn vị khác (quốc doanh tập thể, cá thể) thì đơn vị, cá nhân chăn nuôi lợn, trâu, bò không phải nộp thuế  sát sinh, nhưng phải báo cho cơ quan thuế (hoặc uỷ nhiệm thu thuế  sát sinh ở phường, xã) biết để phối hợp thuế thuế sát sinh vào người  mua và chỉ giao lợn, trâu, bò cho người mua khi đã có biên lai nộp thuế sát sinh. Nừu không làm đúng quy định này thì người chăn nuôi phải nộp thuế sát sinh thay cho người mua, ngoài ra còn bị xử phạt về trốn lậu thuế theo quy định hiện hành.

- Người chăn nuôi lợn, trâu, bò  từ  4 tháng trở lên, nếu tự giết mổ con vật thì được giảm 25% số thuế sát sinh.

- Đối với lợn, trâu, bò  bị tai nạn, nếu người chăn nuôi tự giết mổ thì được miễn thuế sá sinh; nếu bán cho người khác giết mổ thì người mua lợn, trâu, bò  bị tai nạn đó vẫn phải nộp thuế sát sinh.

Để có căn cứ xét giảm hoặc miễn thuế sát sinh, người đã chăn nuôi con vật từ 4 tháng trở lên, hoặc người có con vật bị tai nạn mà tự mình giết môt, phải loàm đơn xin giảm hoặc miễn thuế, có xác nhận của UBND xã, phường.

- Đơn vị, cá nhân nộp thuế sát sinh phải lưu giữ các chứng từ nộp thuế và các giấy tờ có liê quan đến việc xét giảm, miễn thuế sát sinh, xuất trình  cho cơ quan  thuế khi có yêu cầu kiểm tra.

2. Đối  với đơn vị, cá nhân mua lợn, trâu, bò  của kinh tế tập thể, cá thể:

- Các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể, các cơ quan đoàn thể thu mua lợn, trâu, bò  đem giết thịt phải nộp đầy đủ thuế  sát sinh tại địa phương nơi chăn nuôi, khi đến thu mua phải báo cơ quan  thuế hoặc uỷ nhiệm thu ở xã, phường biết để thu thuế sát sinh kịp thời và chỉ được vận chuyển lợn, trâu, bò  ra khỏi địa phương nếu đã nộp đủ thuế sát sinh.

- Khi vận chuyển lợn, trâu, bò đem đi giết mổ phải kèm theo chứng từ chứng minh đã nộp thuế sát sinh. Nếu không có chứng từ chứng minh kèm theo thì coi như chưa nộp thuế và  phải nộp thuế sát sinh, ngoài ra còn bị xử lý về trốn lậu thuế sát sinh.

- Đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể mua  lợn, trâu, bò về để chăn nuôi, sinh sản, cày kéo, nuôi lấy sữa .... thì không phải nộp thuế sát sinh, nhưng phải có xác nhận của cơ quan chủ quản cấp trên (nếu là kinh tế quốc doanh), hoặc của Uỷ ban Nhân dân Xã, phường (nếu là kinh tế tập thể, cá thể).

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ.

Thuế sát sinh do cơ quan thuế thu và chủ yếu thu tại phường, xã nơi chăn nuôi lợn, trâu, bò. Để thực hiện tốt công tác quản lý thu thuế sát sinh, cơ quan thuế có trách nhiệm.

1. Tổ chức màng lưới uỷ nhiệm thu:

Căn cứ điều 40,Điều lê thuế công thương nghiệp thì cơ quan thuế có thể uỷ nhiệm việc thu thuế sát sinh cho một tổ chức hoặc cá nhân (gọi chung là uỷ nhiệm thu). Tuỳ theo đặc điểm cụ thể, khả năng nguồn thu ở từng nơi, cơ quan thuế có thể bố trí cán bộ thuế trực tiếp thu hoặc giao cho uỷ nhiệm thu thu thuế sát sinh. Nếu giao cho uỷ nhiệm thu thì phải phân theo đúng những quy định  tại mục III của Thông tư này; đồng thời phải hướng dẫn chính sách, chế độ thuế sát sinh, chế độ quản lý biên lai ấn chỉ, thủ tục và thời hạn thanh toán biên lai và biểu thuế  sát sinh để uỷ nhiệm thu biết và thực hiện cho đúng.

2. Nắm khả năng nguồn thu lập sổ thu thuế.

- Để thu thuế sát sinh đúng với số lượng lợn, trâu, bò xuất chuồng đem giết thịt, mỗi quý một lần, cơ quan thuế phối hơp với các ngành có liên quan (thống kê, thú y ...) và UBND phường, xã, các uỷ nhiệm thu kiểm kê đàn lợn, trâu, bò  hiện có trên địa bàn. Yêu cầu của công tác kiểm kê là phải nắm được đầy đủ số đầu lợn, trâu, bò hiện có, phân loại số lợn, trâu, bò  kiểm kê theo các tiêu thức: lợn, trâu, bò dùng làm giống; trâu, bò cày kéo; lợn, trâu, bò thịt.

- Kiểm kê đến đâu uỷ nhiệm thu phải có xác nhận của đơn vị tập thể hoặc người chăn nuôi, theo các yêu cầu trên. Kết quả kiểm kê phải có xác nhận của UBND phường, xã của uỷ nhiệm thu và các thành viên tham gia kiểm kê.

- Căn cứ kết quả kiểm kê, cơ quan thuế lập sổ tổng hợp và sổ chi tiết thuế sát sinh. Trưởng, phó phòng thuế phải ký duyệt cả vào sổ tổng hợp và sổ chi tiết thuế sát sinh trước khi giao sổ chi tiết cho uỷ nhiệm thu. Việc kiểm kê và lập sổ thu thuế phải làm xong trước ngày 30 của tháng cuối quý, để từ ngày 1 của tháng đầu quý uỷ nhiệm thu có sổ thu thuế để thu được thu được kịp thời.

3. Cử cán bộ theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường, giá cả tình hình chăn nuôi, đề xuất kịp thời với cơ quan thuế cấp trên sửa đổi mức thuế sát sinh cho phù hợp với biến động của giá cả, trọng lượng lợn, trâu, bò xuất chuồng bình quân và với yêu cầu của chính sách.

4. Mỗi quý 1 lần cơ quan thuế phải kiểm tra tình hình thu thuế, nộp thuế, thanh toán biên lai, nộp tiền thuế của các uỷ nhiệm thu và người nộp thuế. Kết quả kiểm tra phải được lập thành biên bản báo cáo với UBND phường, xã, Trưởng phòng thuế để có kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh kịp thời những vi phạm chính sách, chế độ và làm căn cứ cho việc đánh gía kết quả công tác của các uỷ nhiệm thu.

5. Cơ quan thuế, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, ngân hàng giải quyết kịp thời tiền thù lao cho uỷ nhiệm thu và tiền điều tiết cho ngân sách theo đúng chế độ quy định.

6. Việc thu thuế sát sinh chủ yếu là quản lý thu tại gốc. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho việc quản lý thu thuế sát sinh tại phường, xã, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với các trạm kiểm soát thu thuế ở các chợ, các tụ điểm lên xuống hàng hoá kiểm tra, phát hiện, thu thuế và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp trốn lậu thuế.

III. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN LỢI CỦA UỶ NHIỆM THU.

Uỷ nhiệm thu là người được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế sát sinh ở phường, xã. Uỷ nhiệm thu thuế sát sinh phải do UBND phường, xã giới thiệu và được trưởng phòng thuế duyệt, ký hợp đồng cụ thể với từng uỷ nhiệm thu.

1. Uỷ nhiệm thu có trách nhiệm:

a. Quản lý, thu thuế theo đúng địa bàn được phân công.

b. Thu thuế đúng theo số lượng lợn, trâu, bò thực tế xuất chuồng để giết thịt.

c. Khi  thu phải xuất biên lai thuế sát sinh cho người nộp thuế và ghi chép đầy đủ theo đúng nội dung của biên lai. Thu thuế đến đâu phải  ghi vào sổ thuế sát sinh để tiện cho việckiểm tra của cơ quan thuế.

d. Thực hiện đúng các quy định về miễn thuế giảm thuế theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

e. Thanh toán biên lai, nộp tiền đúng lịch của cơ quan thuế quy định. Cơ quan thuế căn cứ vào khả năng nguồn thu, địa điểm, phường, xã xa hay gần phòng thuế hoặc cơ quan ngân hàng để quy định cụ thể lịch thanh toán biên lai, nộp tiền thuế vào ngân sách cho phù hợp, tránh để uỷ nhiệm thu  giữ tiền thuế quá lớn và lâu ngày. Những nơi xa xôi hẻo lánh tối đa không quá 1 tháng phải nộp 1 lần.

g. Tạo điều kiện thuận lợi co cơ quan thuế kiểm tra tình hình thu thuế, thanh toán biên lai, nộp tiền thuế và không được từ chối hay trì hoãn việc kiểm tra.

h. Định kỳ uỷ nhiệm thu  cùng với phòng thuế tham gia kiểm kê đàn lợn, trâu, bò, tham gia giải thích chính sách thuế, động viên người chăn nuôi nộp thuế ...

2. Uỷ nhiệm thu được hưởng những quyền lợi dưới đây:

- Được hưởng tiền thù lao bằng 10% số thuế sát sinh thu được sau khi đã nộp 100% số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Được khen thưởng theo chế độ chung như đối với cán bộ công nhân viên ngành thuế nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu không thực hiện đúng những điều quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, cơ quan thuế có thể xử lý vi phạm từ hình thức phê bình, cảnh cáo đến việc đình chỉ giao nhiệm vụ thu thuế sát sinh. Trường hợp vi phạm nặng như tham ô, xám tiêu tiền thuế, còn bị truy tố trước pháp luật.

IV. XỬ LÝ CÁC VI  PHẠM:

Những đơn vị, cá nhân chăn nuôi hoặc thu mua lợn, trâu, bò nếu vi phạm chính sách thuế sát sinh sẽ bị xử lý như quy định tại điều 44, Điều lệ thuế công thương nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào không phù hợp, các Sở Tài chính , Chi cục thuế CTN tổng hợp báo cáo Bộ biết để nghiên cứu hướng dẫn thêm./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Chu Tam Thức

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.